THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc TÔI VÀ ĐÀN BÀ của Lê Minh Quốc - LỜI TỰA (Lê Minh Quốc)

TÔI VÀ ĐÀN BÀ của Lê Minh Quốc - LỜI TỰA (Lê Minh Quốc)

Mục lục
TÔI VÀ ĐÀN BÀ của Lê Minh Quốc
LỜI TỰA (Lê Minh Quốc)
* Lời Bạt NẾU TÔI LÀ ĐÀN ÔNG (Chị Đẹp)
* MỤC LỤC
ĐỊA CHỈ PHÁT HÀNH SÁCH THUỘC HỆ THỐNG NHÀ SÁCH PHƯƠNG NAM
Tất cả các trang

 

LỜI TỰA

 

Chẳng có gì mà phải giấu giếm, bình sinh, tôi là người  nhút nhát, ngay từ lúc oa oa chào đời đã... sợ đàn bà. Thuở nhỏ, sống trong nhà thì sợ mẹ, sợ chị; đến trường, sợ cô giáo; lên đại học, sợ bạn gái lẫn người yêu và đến lúc đi làm kiếm sống, trời ơi, ròng rã gần ba mươi năm trời, tôi chỉ  làm việc dưới quyền của sếp nữ. Sợ ấy, chỉ là chuyện nhỏ,  khi phải là Thúc Sinh trong đời sống hôn nhân mới thật  oái oăm lẫn éo le. “Đi thì cũng dở ở không xong”.

Vào một ngày nắng nhạt cuối trời, ngồi trong thư phòng không có trầm thơm, nến sáng và mùi nước đái  dầm của trẻ con, chỉ ánh nắng chiều nhợt nhạt hắt vào cánh cửa đang mở, tôi ngồi trầm ngâm nghĩ lại tháng ngày  qua. Tôi sực nhận ra rằng, trong hẹn hò phiêu linh của tháng ngày mộng du và hăm hở đi tìm lấy “một nửa”, tôi là người thành công “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”; nhưng đến lúc chập chững bước chân vào cuộc sống gia đình, tôi lại thất bại não nề và cay đắng. Than ôi, dù  trước đó, tôi đã “dọn lòng” và thành khẩn như một cậu  học trò từng la cà, láo lếu, láu lỉnh, lêu lỏng nay đã biết lỗi  và thành tâm vòng tay trước mặt cô giáo mà thưa rằng:

 

tay-gap-3

 

tôi muốn lấy em làm vợ

để dạy dỗ tôi nên người

Nhưng rồi, sóng gió lại ập đến, mặc kệ, thuyền lại ra khơi và lại ngây thơ nhìn thấy trùng khơi chỉ là rượu ngọt. Lại ngất ngư và quên biệt lối về. Lại là nỗi ăn phiền muộn, lại tơ trời mờ mịt, chằng chịt, ràng rịt vào da thịt như sương đêm ảo ảnh:

hơi thở ái ân không xóa hết vết nhăn đơn độc

trên vầng trán hoài nghi

ngày ta yêu nhau gửi lại đóa tường vi

lẽ nào nằm mơ thấy tình đã chết?

Tình không chết. Tình hồi sinh từ một hình bóng khác. Những hình bóng khác. Cứ thế, tôi lại trôi đi, lao đi. Dù muốn, dù không mỗi gương mặt người tình là một phúc âm đặng cứu rỗi đời sống lẻ loi, đơn độc và tẻ nhạt của tôi.  Vì thế, chừng hai năm trước tôi đã viết Gái đẹp trong tôi (NXB Văn hóa Văn nghệ - 2011) như một cách bày tỏ sự biết ơn hoa trái của xa vời mộng mị ngày cũ và cũng là quà tặng người vừa đến, vừa đặt một bàn chân lên bước chân tôi trên vạn dặm đường dài...

Ở đó, cảm hứng chủ đạo là những câu thơ Truyện Kiều như một cách dẫn chuyện: “Người đàn bà như quyển sách. Khám phá họ cũng tựa như ta đọc một quyển sách. Lúc mới lớn, khi đọc ta chỉ thích cái cốt truyện, tình tiết càng gay cấn càng hay; lớn lên một chút, đọc lại, ta để ý quan sát đến diễn biến tâm lý, tính cách của nhân vật; lúc về già, lại nhâm nhi thưởng thức câu văn, vẻ đẹp thướt tha của từ ngữ. Mỗi thời, ta lại có sự cảm nhận khác nhau. Có tựa sách thấy hấp dẫn, nhưng ngay khi lật trang đầu tiên đã thấy chán. Và cũng có khi ngược lại. Nhà văn biệt tài là tác phẩm của họ, dù đã đọc nhưng mỗi lần đọc lại thấy khác, lại có hấp dẫn mới. Người đàn bà hấp dẫn là cuốn sách chả bao giờ đọc được đến trang cuối cùng cả. Lúc nào cũng có một cái gì bí ẩn khó hiểu làm người ta tò mò, phải đọc đi đọc lại mà vẫn không thể nào nắm bắt được. Há chẳng sướng sao?”.

Tập sách đó, nhà thơ Ý Nhi, NSND Bạch Tuyết viết Tựa; và blogger Lê Phương Thảo (tứcChị Đẹp) viết Bạt. “Với Lê Minh Quốc, người phụ nữ là hiện thân của cái đẹp, là nguồn cội của tình yêu, là người sáng tạo thế giới và, cũng là người chịu đựng nhiều nhất những tai ách, những bất hạnh, những đau đớn của kiếp người. Tôi nghĩ, nếu không có tình yêu thương, không có nỗi cảm thông, không có sự hiểu biết và những trải nghiệm sống, Lê Minh Quốc khó viết nên những trang văn nồng nhiệt, tha thiết, có khi đắm đuối như vậy, về một đề tài đã được nhiều người luận bàn”. Nhận định này của nhà thơ Ý nhi và lúc ấy, tôi nghĩ, đã có thể khép lại những suy nghĩ, những dằn vặt của mình về phụ nữ. Nhưng rồi, có ai sống mà không thở, mệt không  nằm và đói không ăn?

Tập sách này, Tôi và đàn bà lại tiếp tục như một tiếp nối của Gái đẹp trong tôi. Nếu tập trước lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, tục ngữ ca dao, sắc màu hội họa và những chuyện xa như tình gần thì nay, lại là tâm trạng và sự chiêm nghiệm khi chung sống, chung chạ, chung thân với họ. Khó có thể nói hết những gì đã nhớ, những gì đã quên về một (hoặc nhiều) người đàn bà do đấng Twashtri tạo ra, lúc ấy, lũ đàn ông chúng ta ôm mặt khóc hu hu não nùng, bẽ bàng, thống thiết: “Ngài ơi! Tôi không thể nào sống chung được với nó”. Câu trả lời của đấng Twashtri chỉ là: “Mi không sống được với nó, nhưng mi cũng không thể sống thiếu nó”.

Có như thế, được (hoặc bị) như thế thì những kiệt tác về văn hóa nghệ thuật của nhân loại từ thuở hồng hoang đến thời công nghệ tin học mới có thể ra đời. Và muôn vạn đời sau thiên thu vạn kiếp, người đàn bà vẫn mãi mãi ở vị trí tót vời tạo nên cảm hứng sáng tạo của thế giới loài người. Và tôi nghĩ, khi xã hội càng hiện đại và văn minh thì vị trí của người đàn bà là một giá trị bất biến, không gì sánh nổi. Bất kỳ những gì muốn thu hút sự quan tâm, chăm chú của cộng đồng cũng không thể tách rời vị trí, hình ảnh của họ. Để rồi xem.

Trong lời Bạt của Gái đẹp trong tôi, Chị Đẹp cho rằng: “Đàn bà định vị đàn ông. Thật ra, điều quan trọng hơn cả là đàn bà chọn người đàn ông CỦA HỌ như thế nào. Và, đàn bà ĐỊNH VỊ đàn ông, khi nói rằng ‘ĐÂY, là người đàn ông CỦA tôi’. Với đàn ông cũng vậy thôi. Và tôi, những gì đã viết từ Gái đẹp trong tôi đến Tôi và đàn bà cũng chỉ là lòng thành kính và sự biết ơn khi nghĩ về thân phận “Đau đớn thay phận đàn bà”.

Tập sách này khép lại ở những dòng đã viết, như cậu bé lần đầu tiên trong đời ngồi trước trang giấy mới và nắn nót từng dòng chữ luôn ghi lòng tạc dạ và tự nhắc nhở chính mình:

Không biết ơn sao được, dù nàng có “thế này thế kia”, có nhiều lúc đem lại cho ta quá nhiều sự phiền toái, phiền muộn, rắc rối, gò bó, bực bội... Lúc ấy, ta những muốn chết quách đi cho rãnh cái nợ đời nhưng bình tĩnh lại đi, cứ nghĩ lại mà xem ai là người đã cho ta một mái ấm, một hậu phương vững chãi, một nơi trú ẩn tuyệt đối an toàn?

Và nhất là khi ta ngã ngựa đường dài, ai là người đầu tiên và cuối cùng kéo ta vào lòng, tin cậy, vỗ về như mẹ và  xoa đầu như bảo đứa con trai: “Đứng dậy đi anh”?

 

LÊ MINH QUỐC

(01.2013)

 

Cùng một chủ đề:

NHẬN ĐỊNH VỀ TÁC PHẨM Tôi và đàn bà



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com