THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - GÁI ĐẸP TRONG TÔI

Lê Minh Quốc - GÁI ĐẸP TRONG TÔI

Mục lục
Lê Minh Quốc - GÁI ĐẸP TRONG TÔI
*THÊM MỘT QUAN NIỆM VỀ PHỤ NỮ ĐẸP
Lời Tựa của nghệ sĩ Bạch Tuyết
Lời Bạt của blogger LÊ PHƯƠNG THẢO
MỤC LỤC
Tất cả các trang
gaideptrong_toi_R
 

*THÊM MỘT QUAN NIỆM VỀ PHỤ NỮ ĐẸP

Nhà thơ Ý NHI

Với Lê Minh Quốc, người phụ nữ là hiện thân của cái đẹp, là nguồn cội của tình yêu, là người sáng tạo thế giới và, cũng là người chịu đựng nhiều nhất những tai ách, những bất hạnh, những đau đớn của kiếp người. Tôi nghĩ, nếu không có tình yêu thương, không có nỗi cảm thông, không có sự hiểu biết và những trải nghiệm sống, Lê Minh Quốc khó viết nên những trang văn nồng nhiệt, tha thiết, có khi đắm đuối như vậy, về một đề tài đã được nhiều người luận bàn.

gaideptrong_toi_R

Không ít lần ta bắt gặp người viết ứa nước mắt, không cầm được nước mắt, rưng rưng cảm động khi nhắc đến một cảnh ngộ, khi trích dẫn một câu thơ, khi kể lại một câu chuyện tình yêu. Lê Minh Quốc đã thực sự dẫn dụ người đọc khi phân tích những câu thơ của Phạm Thái, Nguyễn Du, Bích Khê... trong phần “Hương gây mùi nhớ”; hay khi phân tích câu ca dao quen thuộc: “Mình nói với ta mình hãy còn son/ Ta đi qua ngõ thấy con mình bò/ Con mình những trấu cùng tro/ Ta đi gánh nước tắm cho con mình” trong phần “Vớt hương dưới đất”. Lê Minh Quốc cũng thật thấu đáo khi đưa tặng người đọc những câu thơ tình yêu tuyệt đẹp, đồng thời cũng phân tích thật sâu sắc câu thơ "Đau đớn thay phận đàn bà" của thi hào dân tộc Nguyễn Du. Hình ảnh Thuý Kiều, cuộc đời chìm nổi của Thúy Kiều trở đi trở lại trong hầu hết các bài viết của Lê Minh Quốc như một ám ảnh, một giằng xé. Có thể nói, Thúy Kiều là hình ảnh choáng ngập các trang viết của tập tạp bút này.

***

Tôi vẫn nghĩ, tạp bút là thể văn khó. Thể văn này đòi hỏi một sự hiểu biết sâu rộng, một cách suy nghĩ sắc sảo, một khả năng liên tưởng tinh tường và kỹ năng buông bắt nhanh nhạy.

Với một nguồn sử liệu, văn liệu tương đối dồi dào, với những trải nghiệm cần thiết, với sự nhạy cảm của một nhà thơ, Lê Minh Quốc đã góp thêm một thành công cho thể loại văn học này, cùng tác phẩm Gái đẹp trong tôi. Cách dẫn dắt sự kiện, cách liên tưởng, phân tích của Lê Minh Quốc ở một số bài viết đã thực sự lôi cuốn người đọc. Có thể nhắc đến ở đây vài ví dụ như “Hương gây mùi nhớ”, đã được bắt đầu từ Mùi nhớ, rồi dẫn thơ Bích Khê, dẫn lời Nguyễn Tuân, rồi quay lại với Bích Khê, để, cuối cùng, trở về với Mùi nhớ; hay “Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau” khi tác giả bàn về sự cao thượng trong tình yêu, sự chung thủy, cách xử sự trong tình yêu bằng những mối tình của các danh nhân như  Hải Thượng Lãn Ông, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu...

Lê Minh Quốc sử dụng nhiều văn liệu cho các bài viết của mình. Anh thường dẫn đúng, trích đúng nên văn liệu đã góp phần đích đáng cho sự thành công của anh. Lê Minh Quốc cũng đã tạo được giọng văn, nhịp văn của riêng anh. Có thể gọi đây là cái giọng, cái nhịp của đời sống phố phường hiện đại chăng.

Có thể, do ngữ khí của mình, đôi khi tác giả cũng lớn lối, cũng có những kết luận còn vội vàng, còn khiên cưỡng. Lê Minh Quốc nhiều lúc thấu tình đạt lý và đôi khi đạt lý mà chưa thấu tình; hay tình thì thấu mà lý chưa thông. Dù vậy, Lê Minh Quốc, một lần nữa, góp thêm cho người đọc một quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ và quan niệm về người phụ nữ đẹp.

Tôi nghĩ, cuốn sách sẽ được bạn đọc, nhất là bạn đọc nữ đón nhận.

Y.N

(Giáp Tết Tân Mão)


 

*CẢM THỨC ĐÀN BÀ

Tiến sĩ - NSƯT BẠCH TUYẾT

Một nghệ sĩ ca kịch - cải lương và một ông nhà thơ, tôi đồ rằng, Quốc hiếm khi xem cải lương; và tôi, siêng năng đọc bài báo của ông nhà thơ nhiều hơn là đọc thơ của ông nhà báo.

gaideptrong_toi_R

Và Gái đẹp trong tôi - tức là trong mắt, trong tay, trong lưỡi, trong ý của Lê Minh Quốc đã bỗng chốc hiển lộ. Nhưng lần này, Lê Minh Quốc gần với một nhà bình giảng, lại là một tay bình giảng văn thơ nhạc họa… “mất nết”, hào hoa nhất, phong lưu nhất trong những nhà bình giảng đứng đắn, nghiêm cẩn. Đông Tây kim cổ, những tinh hoa phát tiết lưu giữ từng nền văn hóa rực rỡ nhất đã được Lê Minh Quốc mời lại, dẫn dắt, quây quần, tất cả duy chỉ dưới một cảm thức đắm đuối, nồng nàn, hoang hoải, quay quắt: cảm thức Đàn Bà.

Đến đây, tôi hình dung thật rõ gương mặt của cậu học sinh trung học Michael lần đầu tiên được ngắm nhìn Hanna trong một buổi chiều ướt đẫm. Michael run rẩy và… phát sốt khi hơi thở của cậu chạm lên từng miền da thịt ngồn ngộn của người đàn bà. Thằng bé con trở thành một người đàn ông, từ đấy Michael say mê làm “người đọc” (Der Vorleser - Bernard Schlink) của Hanna, họ nghe - đọc dưới ánh sáng của tình yêu, của hy vọng và sự hy sinh tuyệt vời cho tình yêu.

Lê Minh Quốc đã không giấu giếm mình - một người đàn ông không chịu… lớn, anh ta là một đứa trẻ, háo hức, tị mị rồi lại chán ngán, buông xuôi; anh ta chân thành, ngây thơ rồi lại nghi hoặc, ghen tuông… Cả một pho văn chương nghệ thuật, Quốc đắm chìm trong cảm nhận và rồi, chàng ta kéo gần lại trong cảm giác của một hành trình suy nghiệm từ chính bản thân mình. Trước Đàn bà - tôi thích gọi như thế hơn là Gái đẹp, Quốc ạ, - Quốc thật thà - ranh mãnh; Quốc tinh tường - khờ khạo; Quốc chiêm ngưỡng - hững hờ và rất thật là một Lê Minh Quốc khát khao kiếm tìm, khám phá cái đỉnh cao “Đẻ là sự sáng tạo. Đàn bà là kẻ sáng tạo. Họ sáng tạo ra vũ trụ này…”; “…không gì đẹp bằng người đàn bà bụng chửa dạ mang/ từ đây có một trái đất của riêng nàng/ được đặt bình yên tại nơi thánh thiện/ nàng cao quý mỉm cười mãn nguyện/ gìn giữ cho riêng mình/ một hành tinh/ một bình minh/ đặt tên là Sự Sống”.

Với Gái đẹp trong tôi, Lê Minh Quốc trình diện mình qua nghệ thuật khảo cứu và một kiểu đọc - Quốc cũng là một “người đọc” trước kho tàng ca dao tục ngữ, trước áng Kiều tuyệt tác, trước những mảnh ghép từ thời Cổ đại, qua Phục hưng đến Đương đại. Từng điểm mốc văn hóa ấy, Lê Minh Quốc lớn dần lên và đĩnh đạc trong cách nhìn, lối nghĩ, để rốt cùng, đối diện với những cuộc tình nhân gian, Quốc tự cảm: “Yêu? Nghĩ cho cùng là một cách từng bước hoàn thiện bản thân”. Đàng hoàng quá, tử tế quá và… chân lý quá, ông nhà thơ ạ !

Một điểm gặp, khá hiếm hoi là trong Gái đẹp trong tôi, Quốc có vẻ rất “Idol” - thần tượng - Thúy Kiều - cũng là một nhân vật lớn trong gia sản làm nghề của tôi. Nói không ngoa, lần này, Lê Minh Quốc lại góp thêm vào nhân gian một kiểu đọc Kiều, như trước đây Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã giải mã Kiều bằng “Thả một bè lau”.

Và tôi cảm động, hơn thế, tôi muốn cảm ơn Lê Minh Quốc đã đau đáu giùm tôi về cái quan niệm “xướng ca” như một dấu lặng truyền kiếp, không dễ dàng cởi bỏ. Trên hành trình đi tìm Gái đẹp, Quốc bất ngờ rẽ ngang câu chuyện của mấy trăm năm trước, phản kháng trước quan niệm con nhà hát tuồng, hát chèo, hát ả đào không được đi thi, Đào Duy Từ rời bỏ Bắc Hà vào phương Nam trở thành một trong những vị khai quốc công thần cho nhà Nguyễn. Một câu chuyện, đúng ra là một dữ liệu đã đọc nhưng qua lối đọc - kể của Quốc, vẫn cứ nghe xót xa, thương cảm lẫn… bất bình.

Nhà của Quốc được xây và ngăn bằng những bức tường sách. Mỗi năm, nhà thơ này cứ cho ra đều đặn những tác phẩm: sáng tác có, khảo cứu có, tiểu thuyết lịch sử - dã sử có. Và có lẽ, Gái đẹp trong tôi là một lối thư giãn đầy chữ nghĩa của Lê Minh Quốc để sau đó, anh ngồi lại vào bàn, miệt mài, tận tụy, say mê giải phóng nguồn năng lượng sáng tạo không biết mệt mỏi. Và, hẳn nhiên, chưa bao giờ thôi có một Người Đàn Bà - hiện hữu nơi chốn riêng của Lê Minh Quốc…

B.T


 

LỜI BẠT

*MỘT NỬA ĐÀN BÀ LÀ... GIÀY

Fashion designer /  X.O Co./ blogger LÊ PHƯƠNG THẢO

Bà chị họ tôi nói huyên thuyên về bộ film Sex and the City phần 1 và phần 2 cùng với cả series chiếu trên HBO. Thế là chúng tôi xúm lại bàn về “nhân vật” nổi tiếng chỉ sau nhân vật chính Carrie trong bộ film này: những đôi giầy của Manolo Blahnik. Ông anh họ ngồi ngẩn người nghe, và không dằn được sự nghi ngại: “Có ai mà lại mê giày đến thế?” Tôi gật: “Có em”. Bà chị họ tôi cũng tròn mắt: “Có tôi nè”. Còn cô bạn gái tôi ngạc nhiên nhìn ông anh họ tôi và “phán” một câu chắc nịch: “Đàn bà ai mà không mê giày?”. Cô nói quả quyết như thể vừa tuyên bố “Đàn bà ai mà không mê đàn ông?”... Cũng như khi nhìn thấy lá chanh, ai không mơ đến con gà béo ngậy? Nhìn thấy mắm tôm lại không thèm thuồng tô bún riêu nồng nàn khói ấm?

Thế thì, ta nghĩ như thế nào về... giày?

gaideptrong_toi_R

1.

Giày... hoàn chỉnh đàn bà.

Đàn ông hoàn chỉnh đàn bà, không có đàn ông, đàn bà cảm thấy chơi vơi chênh vênh, chao đảo. Người đàn bà điệu đà, sau khi đã bỏ vài tiếng đồng hồ sửa soạn trang điểm ăn mặc, tự ngắm mình trong gương rồi, cũng là để đàn ông ngắm, và chờ đợi xem đàn ông nghĩ gì nói gì phê bình gì về mình. Đàn bà có tài giỏi đến đâu, có quyến rũ đến đâu, có giàu có đến đâu, nhưng nếu họ không có bên cạnh một người đàn ông, thì những thứ kể trên đều chỉ là gần như... vô nghĩa. Cái sự vô nghĩa này cũng giống như khi thưởng thức miếng thịt vịt thật ngon, nhưng thiếu đi chén nước mắm gừng tái tê đầu lưỡi. Cũng vô nghĩa như mặc áo veston nhưng lại diện vào đôi guốc mộc! Cũng vô nghĩa như ngắm nhìn bát tiết canh lại thiếu đi những cọng ngò tây mơn mởn gợi tình. Thế là, người đàn bà trong đêm khuya, sẽ trằn trọc, sẽ thao thức và sẽ tự hỏi: “Mình đã làm điều gì sai?”. Ừ, mình chả làm gì sai. Hay là: “Đàn ông sao lại tự dưng bị mờ mắt nhũn não hết cả rồi?” và tất nhiên họ sẽ thở dài một cách não nùng như vừa nghe xong sáu câu vọng cổ xuống xề một cách mùi mẫn.

Rõ ràng, đàn ông, là một con ốc rất nhỏ có thể xiết chặt lại những bộ phận mong manh rung rinh dễ vỡ của đàn bà.

Giày cũng thế. Giày tuy được người đàn bà trang bị nhằm bảo vệ bộ phận ở tận cùng thân thể, tiếp cận với mặt đất chứ không bay bổng đâu đấy trên mắt trên môi của họ nhưng lại nắm một vai trò quan trọng vào bậc nhất! Ghê chưa? Không có giày, đàn bà chẳng thực tế giao lưu với thế giới bên ngoài được; không có giày, đàn bà chỉ ở nhà đọc sách và xem ti vi, chứ đố bén mảng bước ra ngõ; không có giày, đàn bà phải đi chân không, chuyện này chỉ có thể xảy ra ở... biển với bàn chân trần có những móng chân sơn màu mận chín nuột nà kỹ lưỡng…(Mà biển, chỉ thỉnh thoảng được xuất hiện trong lịch sống bận rộn của người đàn bà hiện đại).

Vậy nên, người đàn bà hiện đại bận rộn sẽ có rất nhiều giày, để hoàn chỉnh cho buổi sáng họp hành, buổi trưa café với khách hàng, buổi chiều dạo phố mua sắm lóc cóc gõ gót trên vỉa hè Đồng Khởi, buổi tối nghe nhạc nhảy nhót ở Vasco, buổi đêm gần về sáng ngồi gác chân lên ghế ở Q Bar, đong đưa một chiếc giày xinh xắn cao gót ở một tay, tay kia xoa bóp gót chân trần đang hơi sưng đỏ vì đi -đứng- nhảy nhiều quá.

Đấy, là chỉ mới có ngày thứ hai, thứ hai là ngày đầu tuần, họ đang cố gắng chăm ngoan. Một ngày thứ hai với bộ trang phục có lẽ là một màu rạng rỡ để tự nhắc nhở rằng, đầu tuần lễ, phải hăng hái hớn hở tươi tắn để kéo theo toa đoàn tàu của  những ngày sau đấy trong tuần.

Và cứ nhân 1 ngày đấy cho 7, người đàn bà có 1 tuần, cứ nhân 1 tuần đấy cho 52, đàn bà có 1 năm. Cứ nhân 1 năm đấy cho giày, đàn bà có rất nhiều giày.

Thế là giày xuất hiện một ngày, một tuần, một năm, và thế là giày… hoàn chỉnh đàn bà.

2.

Giày là một nửa của đàn bà.

Đàn ông là một nửa của đàn bà, ai cũng bảo thế cả và ngay cả... Thượng đế cũng bảo thế. Đố mà cãi. Có khi người ta cần nhiều nửa khác nhau để kiếm xem nửa nào vừa vặn nhất. Có một cô cựu người mẫu đã từng lên một  tạp chí nọ và tuyên bố rằng cô vẫn đang chờ một nửa của đời cô, mặc dù lúc đấy một nửa kia là... chồng cô đang ở nhà. Sau đấy thì “nửa này” bất ngờ không thể tin được tại sao “nửa kia” lại ăn nói vung mạng như thế! Khổ, cô vợ mếu máo rằng tại cái tạp chí đó muốn bóp méo sự thật để... bán báo!

Quay trở lại chuyện tổng quát và theo một nghĩa bóng bẩy hơn, là nếu đàn bà không có đàn ông, thì có một số thứ đàn bà chỉ có được một nửa. Tương tự như có gối nhưng thiếu chăn. Có môi nhưng không có hôn. Có nhà nhưng chưa có mái. Có ngón tay nhưng không có nhẫn cưới. Có sân khấu quảng trường nhưng cô ca sĩ biểu diễn lại không có micro. Phí phạm vô cùng. Và danh sách cứ kéo dài ra tiếp tục mãi mãi.

Giày cũng thế. Giày là một nữa, là ¾ ,có khi là 90% của đàn bà. Người ta không thể sống còn nếu chỉ có một nửa .Giống như có hít vào mà không thở ra. Có những phóng viên đã hỏi Victoria Beckham rằng: “Cô không thể sống thiếu điều gì, hay cái gì”. Cô ấy chả hề ngần ngại và trả lời ngay rằng: “Tôi không thể sống thiếu những đôi giày của tôi”.

3.

Giày định vị đàn bà.

Đàn ông định vị đàn bà. Trước hết là danh xưng, có từ Đàn ông, nên mới có từ Đàn bà. (Đấy là theo truyền thuyết, trời tạo nên Adam trước, rồi mới nghĩ đến việc làm nên Eva. Tại sao thế? Nhiều lý do, nhưng có lẽ muốn cho Adam khỏi phải nhuốm căn bệnh “thời thượng” như vật trang sức của văn nghệ sĩ thời @: cô đơn!). Vậy, đã có Adam, mới có Eva. Có vua, mới có hoàng hậu. Có tổng thống, mới có phu nhân tổng thống. Có bác sĩ, mới có bà bác sĩ. Có thằng Đậu, mới có Vợ thằng Đậu... vân vân và vân vân…

Tùy vào người đàn ông của họ, đàn bà có khi được gọi bằng “quý bà”, để có thể đi thi hoa hậu quý bà; hay là sẽ bị gọi bằng “cái con đấy”, để chạy rong bán vé chợ đen cho cuộc thi hoa hậu quý bà.

Kế đấy là chỗ đứng (hay chỗ ngồi, và chỗ nằm) trong xã hội. Đàn bà có thể đứng trên những tấm thảm đỏ trải dài đón những bước chân mang những đôi giày kiêu kỳ vào những bữa tiệc ra mắt sang trọng, hay đàn bà có thể đứng... đường, tùy vào người đàn ông của họ. Đàn bà có thể ngồi lọt lòng trong chiếc ghế bành êm ái, nhâm nhi ly rượu đỏ nồng nàn ấm áp, trên chiếc máy bay riêng, hay đàn bà có thể ngồi chen lấn chật chội đầy mùi mồ hôi trên chiếc xe tốc hành chạy từ nam chí bắc, tùy vào người đàn ông của họ.

Đàn bà có thể nằm trên chiếc giường nệm thoải mái thơm tho trắng muốt một màu, với ánh sáng êm dịu tỏa ra từ đèn ngủ, lâng lâng nghe tiếng nhạc nhẹ nhàng vang vọng, chờ một người. Đàn bà cũng có thể nằm trên một chiếc giường bình thường, nhàu nát chăn gối, đủ mùi nhiều vị, chán nản qua ngày chờ nhiều người. Tùy vào người đàn ông của họ.

Giày cũng thế. Người ta nhìn vào giày và đặt ngay vị trí của đàn bà ở đâu trong xã hội, có khi người ta nhìn vào giày là đặt ngay địa chỉ của người đàn bà. Giầy làm bằng da, kiểu mới nhất, hiệu LV, Prada, Gucci, Tods, Kate Spade, vân vân… đưa ngay đàn bà lên hàng giám đốc hay vợ giám đốc công ty; lên hàng một trong những người tình của một số đàn ông đình đám trong xã hội; lên hàng hội viên danh dự của hội phụ nữ sành điệu kèm sành tiêu tiền; và lên hàng của hội đàn bà tuy không thông minh nhưng rất may mắn trúng đất đai cổ phiếu… Và rồi những hiệu giày này cũng khoanh vùng chỗ ở của đàn bà trong địa phận bản đồ. Đó có thể là quận 1, Thảo điền, An Phú, Phú Mỹ Hưng, Avalon, The Manor, hay Saigon Pearl v.v…

4.

Giày giúp đàn bà thực hiện lòng chung thủy.

Đàn ông giúp đàn bà thực hiện lòng chung thủy. Đàn bà khi có đàn ông trong đời mình rồi, là như ván đã đóng thuyền, như đinh đã đóng cột, như chim vào lồng, như cá cắn câu, như gạo đã thổi thành cơm, và như vợ đã có chồng.

Là không còn ngó ngược ngó xuôi, là không còn phân vân chọn lựa, là không còn so sánh chối bỏ, là không còn xôi hỏng bỏng không.

Giày cũng thế. Giầy đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn lòng thủy chung cho đàn bà. Con người vốn dĩ hay thay đổi, theo thời đại, theo mùa, theo khí hậu, theo cuộc sống, đặc biệt đàn bà còn thay đổi theo ngày trong mỗi tháng. Và đàn bà rất ưa thích thay đổi giày. Có khi đổi giày để phù hợp với quần áo, có khi đổi giày để đi với túi xách, có khi đổi giày để thích hợp với khung cảnh, với không gian, với nhóm bạn. Và có khi đàn bà thay đổi giày, chỉ vì không biết phải thay đổi cái gì khác nữa. Có nhiều lúc đàn bà thay đổi giày, để nuôi nấng thỏa mãn cái thèm khát cho một sự thay đổi mà họ không thể thực hiện được trong thâm tâm, như muốn đổi... đàn ông chẳng hạn .

Và tôi về nhà, nhìn vào tủ giầy của mình... sáu, bảy chục đôi giày để mang với bao nhiêu bộ quần áo khác nhau, để nhập các vai khác nhau. Những đôi giày theo tôi, nâng niu, ôm ấp, có khi hành hạ đôi chân của tôi. Nhưng những đôi giày đã cùng tôi rong ruổi hết tất cả những nơi, những chốn, những đi những đứng, những ngồi những nằm, đã cùng tôi lúc vui lúc buồn, lúc ăn lúc uống, lúc nghỉ lúc làm..

Những đôi giày đã chứng kiến hết các phần đời của tôi..

Có đôi cao vời vợi cho tôi một điệu đà...

Có đôi thấp lè tè cho tôi một thoải mái...

Có đôi màu xanh lạ lẫm cho tôi một sành điệu...

Có đôi màu đỏ chói chang cho tôi một nóng bỏng...

Có đôi màu đen tuyền cho tôi một quý phái phong lưu...

Có đôi ôm bít đầu ngón chân cho tôi một che chở...

Có đôi hở ngón chân cho tôi một khoe khoang...

Có đôi che gót nhỏ, cho tôi một kín đáo...

Có đôi dạo gót đỏ, cho tôi mát ngày hè...

Đấy, giày có khác chút gì với những người đàn ông trong cuộc đời của tôi đâu? Ừ, chẳng khác gì. Nhưng rồi khi đến một lúc nào đó - tôi, người đàn bà như mọi người đàn bà khác - sẽ thấy rằng: Nế mình có một người đàn ông của riêng mình (dù đến sau) mà mình đã lựa chọn thì những đôi giày có trước, những đấng Từ Hải, Kim Trọng, Triển Chiêu, Bao Công… đến trước cũng trở thành một kỷ vật, một kỷ niệm êm đềm. Nó chỉ còn trong dĩ vãng. Quá khứ. Và dần dần quên lãng…

Cũng có khi cả hai, một lúc nào đấy sẽ trở thành bộ sưu tập phong phú.

5.

Đàn bà định vị đàn ông.

Thật ra, điều quan trọng hơn cả là đàn bà chọn người đàn ông CỦA HỌ như thế nào.

Và, đàn bà ĐỊNH VỊ đàn ông, khi nói rằng “ ĐÂY, là người đàn ông CỦA tôi”.

L.P.T


MỤC LỤC

GÁI ĐẸP TRONG TÔI - LÊ MINH QUỐC


LỜI TỰA

*Thêm một quan niệm về phụ nữ đẹp - Nhà thơ Ý NHI

*Cảm thức đàn bà - Tiến sĩ - NSƯT BẠCH TUYẾT


I. Từ phen đá biết tuổi vàng

II. Hương gây mùi nhớ

III. Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau

IV. Vớt hương dưới đất

IV bis. Bẻ hoa cuối mùa

V. Tan sương đầu ngõ, bén mây giữa trời

VI. Tìm hoa quá bước

VII. Máu ghen ai cũng chau mày nghiến răng

VIII. Canh khuya thân gái dặm trường

IX. Đau đớn thay phận đàn bà

X.Một cây cù mộc, một sân quế hòe

 

LỜI BẠT

* Một nửa đàn bà là... giày - Fashion designer /  X.O Co./ blogger LÊ PHƯƠNG THẢO

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com