THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc

Lê Minh Quốc lập web vì bạn đọc

Đời sống văn nghệ
Thứ ba, 17/07/2012, 16:27

Thất Sơn


Chưa từng có trang blog, cũng không phải là công dân mạng, Lê Minh Quốc bất ngờ ra mắt website tập hợp đầy đủ thông tin về anh. Cây bút xứ Quảng xem đây là cách để đến gần độc giả hơn.

le-minh-quoc-1h

Giao diện trang web của nhà thơ.


- Để ra mắt website này, anh chuẩn bị trong bao lâu?

- Ngay từ lúc vào nghề, tôi đã làm công tác tư liệu cho riêng tôi. Tất cả bài vở liên quan về đến mình, tôi đều gìn giữ cẩn thận, ghi lại cụ thể đã in báo nào, phát hành ngày nào… Vì thế, khi làm trang web, tôi chỉ thuê người nhập liệu là có thể post lên ngay. Tuy nhiên, đến lúc này mới là 1 phần 10 những gì đang có. Tư liệu vẫn còn bề bộn, chưa thể sắp xếp hết.

Điều khó khăn nhất, chắc chắn sẽ chẳng bao giờ làm được là còn nhiều, rất nhiều bản thảo viết từ thời sử dụng máy đánh chữ, nay đã thất lạc hết. Đã in tản mác trên báo, nhưng than ôi, gần 30 năm rồi còn gì, tôi không có thời gian để tìm kiếm lại. Những bài báo viết thời trẻ, thời náo nức đến với nghề, náo nức đi và náo nức viết nếu tìm lại được sẽ thú vị biết bao…

- Trang web có ý nghĩa gì với công việc sáng tác của anh?

- Trước đây, bài thơ kia, tác phẩm nọ in ở báo Y, NXB Z thì ít nhiều họ liên đới với mình về việc thẩm định chất lượng. Có nghĩa trách nhiệm được chia ra, nhưng với trang web cá nhân thì lại khác, phải chính mình gánh lấy trách nhiệm đó trước bạn đọc. Điều khiến tôi thích thú còn ở chỗ, đây là thư mục tương đối đầy đủ về Lê Minh Quốc. Tôi tin những bài thơ mình đã viết, những việc mình đã làm sẽ lọt vào “mắt xanh” của bạn đọc. Dù chỉ một người đọc và yêu thích, kể ra cũng đã là đủ rồi.

- Hiện tại anh đang viết gì?

- Tôi vừa trao NXB Kim Đồng bản thảo viết về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Sách sẽ phát hành đúng vào dịp khai trường năm nay. Loại sách này nằm trong Tủ “Nhà văn của em”, như tôi đã viết về nhà văn Sơn Nam trước đây. Có thể đến nay, đây là tập sách đầy đủ tư liệu nhất về “nhà văn có sách bán chạy nhất VN hiện nay”. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, NXB Kim Đồng và tôi cũng đều náo nức chờ lúc tập sách này phát hành rộng rãi.

Còn hiện nay viết gì? Tôi tự biết mình sẽ còn “trần ai khoai củ” với bộ sách Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Bộ này do tôi và NXB Trẻ, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ thực hiện. Viết cái gì đi nữa con người ta cũng có lúc cẩu thả, nhưng viết về sự hy sinh của các Mẹ thì không thể. Do đó, tôi đang tâm nguyện viết cuốn sách này bằng lòng tin của tâm linh. Có như thế may ra mới có thể đủ sức viết hết tiểu sử, công trạng hàng nghìn bà mẹ.

le-minh-quoc-2
Nhà thơ Lê Minh Quốc.

- Anh quan tâm điều gì trong đời sống văn học nước nhà gần đây?

- Lý luận phê bình. Trong đời sống văn học hiện nay, các nhà lý luận phê bình đã “mũ ni che tai” chăng? Họ ở đâu trong bối cảnh văn học có nhiều chuyển biến như hiện nay? Trên mặt báo chỉ vài ba bài báo viết lớt phớt (do tòa soạn quy định số chữ); hoặc chỉ mới dừng lại ở điểm sách (do không phải là báo chuyên ngành) của vài nhà báo nhiệt tình đưa tin. Điều này rất đáng biểu dương, nhưng vẫn chưa đủ.

Chúng ta thấy thiếu những cây bút lý luận phê bình đánh giá chỉn chu một tác phẩm văn học như trước đây. Đừng nhìn đâu xa, gần thôi, sau thế hệ các anh, các chị Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà, Vương Trí Nhàn, Huỳnh Như Phương, Lưu Khánh Thơ, Nguyễn Ngọc Thiện, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Hữu Sơn… đâu là lực lượng kế thừa đủ bản lĩnh, trình độ, công tâm như vậy?

- Anh đang đọc gì?

- Thú thật, sau một ngày mệt nhoài với công việc ở tòa soạn, đêm đêm tôi chỉ muốn chìm đắm trong… truyện tranh. Sách gối đầu giường của tôi bao giờ cũng là những Lucky Luke “người bắn súng nhanh hơn cái bóng của mình”, Tin Tin, Astérix, Donald, Xì trum, Benoit “tí hon thần lực”… Quái lạ, đọc đi đọc lại vẫn không thấy chán. Nói thì nói thế, bên cạnh đó, cuốn sách tôi đang đọc lai rai, chậm rãi, đọc từ từ mỗi đêm vẫn đang là cuốn Trò chuyện triết học của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn. Ông này viết có duyên không chịu được.

- Cuốn sách thế nào khiến anh hứng thú?

- Chẳng hạn như cuốn sách tôi vừa kể trên. Nghĩa là tác giả biết chuyển tải vấn đề gì, dù lớn hay nhỏ cũng như đang trò chuyện, tâm tình với bạn đọc; chứ không phải “dạy” người đọc. Vừa đọc xong tập truyện ngắn Gạt nước mắt đi của nhà văn trẻ Võ Diệu Thanh, tôi cũng hứng thú như vậy. Nói cách khác, một tác phẩm hấp dẫn tôi không hẳn là ở đề tài mà chính là khả năng của họ khi sử dụng con chữ, sử dụng tiếng Việt. Đọc văn là đọc chữ, chữ càng hay, càng tài hoa thì đọc càng sướng.

- Lâu rồi sao anh chưa ra tập thơ nào?

- "Ngoảnh mặt sang Tề, e Sở giận
Quay đầu về Sở, sợ Tề ghen".

Chẳng rõ có phải thơ của Hồ Xuân Hương đó không? Nói thì nói vậy thôi, sang năm sẽ in tập thơ tình dành cho một người.

- Gần đây, nhà văn Đoàn Thạch Biền và Nguyễn Đông Thức, hai người anh thân thiết của anh có thực hiện chuyến hành trình kết hợp làm từ thiện. Anh nghĩ sao về hành trình của họ?

- Tôi khâm phục họ. Có thể ghi nhận lần đầu tiên có hai nhà văn Việt Nam làm từ thiện bằng những chuyến đi như thế. Lật lại văn học sử, từ thời tiền chiến các văn nghệ sĩ rất khoái “giang hồ vặt” cũng chỉ là nhằm giải quyết căn bệnh “thèm đi” trong một đời sống, một xã hội quá ngột ngạt. Họ đi để mà đi chứ không vì mục đích gì khác. Tô Hoài, Vũ Trọng Can… từng vào đến Sài Gòn với trong túi không còn một xu. Nguyễn Bính lang thang xuống tận Hà Tiên. Nguyễn Tuân phiêu bồng sang đến Hong Kong đóng phim Cánh đồng ma cũng chỉ là chuyến đi cho thỏa chí giang hồ…

Với hai nhà văn Đoàn Thạch Biền và Nguyễn Đông Thức lại khác. Họ đi vì đau đáu với những trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa đang cần sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Chuyến đi không cần PR mà tự bản thân nó đã tạo được hiệu ứng vang dội trong xã hội.

Khoảng giữa tháng 8 này, hai anh lại đi bởi ánh mắt, giọng nói của em em nghèo đã níu kéo, mời gọi… Thật hạnh phúc, sung sướng biết bao cho nhà văn bước ra khỏi “tháp ngà” công chức để đến với những số phận quá đáng yêu trong cuộc sống này.

- Vì sao anh vẫn chưa thực hiện chuyến du hành nào trong đời dù cũng là người có "máu đi"?

- Xin trích lại một đoạn trong bút ký Du lịch của người câm mà tôi đã viết dăm năm trước để thay cho câu trả lời: "Tôi thèm đi. Thèm được đến những chân trời xa. Để tẩy rửa tâm hồn. Nhất là những khi ý thức được mình đã sắp mọc rễ trên cái ghế của một người làm việc mẫn cán và lúc nào cũng lo sợ đến cái trách nhiệm của mình. Vì thế làm sao có thể thản nhiên ra đi một cách nhẹ nhàng. Cơm áo từng ngày bủa vây chân đi. Bủa vây dày đặc đến nỗi nó hình thành một thói quen và tôi chấp nhận thói quen ấy như một sự tự nguyện. Tôi nghĩ mà chán cho tôi”. Vâng, nghĩ mà chán cho tôi (cười).

(nguồn: http://evan.vnexpress.net/News/doi-song-van-nghe/2012/07/11013-le-minh-quoc-lap-web-vi-ban-doc/)

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Quốc chơi... web!

Thứ bảy, 14/07/2012 09:20

3-lmq

CATP) Đầu tháng 7 này nhà thơ Lê Minh Quốc đã ra mắt bạn đọc website cá nhân tại địa chỉ leminhquoc.vn. Giao diện trang web đẹp, bắt mắt (ảnh); nội dung khá hấp dẫn với hàng loạt chuyên mục như thơ, văn xuôi, hội họa, báo chí... Dù mới ra đời nhưng hầu hết các chuyên mục của  leminhquoc.vn đều chứa nội dung khá đầy đặn. Bạn đọc yêu thích giọng thơ ngang tàng của có thể vào trang web để đọc nhiều bài thơ quen thuộc. Đặc biệt anh còn đưa lên đây một số tiểu thuyết, truyện ngắn, biên khảo, tạp bút... Đương nhiên website không thể thiếu một mảng khá lớn mà Lê Minh Quốc theo đuổi nhiều năm qua là hội họa, ở đây bạn đọc có thể ngắm được nhiều bức tranh do chính nhà thơ vẽ.


ANH HỒ

(nguồn: http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=882&p=&id=474679

Chia sẻ liên kết này...

 
 

SẮP PHÁT HÀNH SÓNG ĐƯA NƯỚC

 

SONGDUANUOC


Chị Đẹp viết Sóng ĐƯA nước trước khi gặp tôi. Đó là cảm xúc của tản văn, tự truyện và cũng có thể hư cấu của tiểu thuyết.

Sao lại là Sóng ĐƯA nước? Hãy nhớ lại câu thơ trong Tống biệt hành của Thâm Tâm:

Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?

Vọng lại trong tâm tưởng người đọc là những câu hỏi. Hỏi và không một lời giải thích.

Thời xa xưa của vàng son Tiền chiến, của tình yêu chưa pha mùi thực dụng và ái tình còn thơm như áo mới trong rương, Hoài Thanh cảm nhận rằng: "Điệu thơ gấp gáp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc. Không mềm mại, uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ".

Dẫu không có mấy câu thơ đau đớn, ngậm ngùi và ly biệt trong bóng chiều trễ nãi, Chị Đẹp vẫn viết cuốn sách này.

Viết như một thôi thúc của bóng dáng, bóng hình, bóng mưa, bóng mây đã có một thời hằn sâu (hoặc lang thang qua trí nhớ) và nhớ lại.

Đến với một cuộc tình đôi khi người ta nhớ lại để nhớ.

Và cũng là một cách để quên.

Tôi tin thế.

Đây là một tập sách hay. Hay từ chữ. Và quyến rũ từ chữ. Chữ và nghĩa trong tập sách này là tiếng nói của tình yêu đã có (một thời) cất lên tiếng nói.

Tiếng như sóng vỗ. Rồi, đến lúc Sóng ĐƯA nước của ngày xa xăm về một bờ bến khác, không còn gì níu lại.

Yêu? Không dành cho sự níu kéo. Nếu có, chỉ là ảo tưởng.

Yêu? Không dành cho sự hoài vọng và nuối tiếc. Nếu có, cũng là sự ăn mày của dĩ vãng.

Những gì đi qua, hãy để đi qua.

Những gì đi qua là những gì còn lại.  

Trong thăm thẳm hư vô của đời sống này, những gì còn lại là những gì sẽ mất.

Mất hay còn chẳng có ý nghĩa gì khi tiếng nói của tình yêu đã tắt sau một bức tường của quên lãng.

Tôi viết trước những dòng chữ này chào mừng tác phẩm đầu tay của một blogger rất nổi tiếng: Chị Đẹp.

Sách sắp phát hành.

Hãy tìm đọc. Hãy chờ đợi. Và hãy tin, trong bồn bề lo toan của đời sống bất an, xô bồ, bận rộn, thực dụng, điêu ngoa này vẫn còn có những dòng chữ làm ấm lại tình người.

Nếu được (chắc được), tôi sẽ post trước một chương cho bạn đọc. Đọc trong khi chờ đợi Sóng ĐƯA nước sẽ đi vào dòng chảy của thế kỷ này. Một thế kỷ đầy biến động mà đôi khi chỉ có tình yêu (dẫu đã khuất) cũng là những dòng chữ đẹp. Như Chị Đẹp. Vì thế tôi viết trước đôi dòng nhằm giới thiệu cho Sóng ĐƯA nước với tất cả lòng yêu mến dành cho một cây bút mới.

LÊ MINH QUỐC

(VII.2012)

 

Cùng một chủ đề:

Đã phát hành SÓNG ĐƯA NƯỚC

SÓNG ĐƯA NƯỚC: Top - five

Chị Đẹp ra mắt sách SÓNG ĐƯA NƯỚC

Vài hình ảnh ra mắt sách SÓNG ĐƯA NƯỚC

http://www.bloggazin.com/News.aspx?itemid=736

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Nhà thơ Lê Minh Quốc làm người đến sau

 

Thứ Năm, 05/07/2012 08:15

(TT&VH) -  Khi các nhà văn, nhà thơ đã rầm rộ lập trang web cá nhân, như: Trần Nhương, Phong Điệp, Vũ Hồng, Lê Thị Kim, Lê Thiếu Nhơn… thì mãi đến bây giờ, ông nhà thơ, nhà báo ngoài 50 tuổi Lê Minh Quốc mới “lẹc đẹc” lập web mang tên mình.

Lê Minh Quốc vừa hồ hởi thông báo: “Vô leminhquoc.vn xem, trang web của mình đó”. Trang web của Lê Minh Quốc có đủ cả thơ, văn xuôi, hội họa, báo chí, điện ảnh… Chủ trương của ông nhà thơ này là dùng leminhquoc.vn để quảng bá tác phẩm của mình và của bạn bè.

le-minh-quoc

Nhà thơ Lê Minh Quốc (ảnh: Phương Thảo)

Hỏi Lê Minh Quốc sao đến bây giờ anh mới lập web cá nhân, trong khi anh là một nhà báo nhanh nhạy, lập web trễ như vậy có phải là đi sau thiên hạ chăng? Ông nhà thơ cười hô hố: “Cái số của mình luôn làm người đến sau”.

Đúng vậy, Lê Minh Quốc đi học đại học cũng sau bạn bè vì anh mất mấy năm cầm súng ở chiến trường Campuchia. Lê Minh Quốc yêu cũng muộn màng hơn người đồng trang lứa, dù các mối tình của anh luôn rực cháy. Hy vọng, cũng như yêu đàn bà, lần này Lê Minh Quốc đến với web muộn màng nhưng không “nguội lạnh”.


Thanh Kiều

(nguồn: http://thethaovanhoa.vn/173N20120705061747557T133/nha-tho-le-minh-quoc-lam-nguoi-den-sau.htm

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Ra mắt chính thức leminhquoc.vn

 

02.7.2012-22:30

NVTPHCM- Sau một thời gian thiết kế và chạy thử, ngày 01.7.2012, nhà thơ - nhà báo - hoạ sĩ Lê Minh Quốc đã chính thức trình làng trang web cá nhân http://leminhquoc.vn với giao diện đẹp, sống động. Nội dung website gồm các phần: thơ, văn xuôi, hội hoạ, báo chí, tác phẩm - dư luận… Đây là nỗ lực đáng quý của nhà thơ gốc Đà Nẵng trong việc đưa tác phẩm của mình đến với công chúng rộng rãi.

le_minh_quoc

Nhà thơ Lê Minh Quốc

Gần đây, các nhà thơ ở TP.HCM liên tục ra mắt các trang mạng cá nhân, đăng tải tác phẩm của mình và đồng nghiệp, thu hút sự chú ý của bạn đọc. Điển hình nhất là trang http://songtho.net của nhà thơ Nguyễn Vân Thiên, và trước đó là http://inrasara.com của nhà thơ Inrasara, http://lethikim.com của nhà thơ Lê Thị Kim, http://thunguyet.com của nhà thơ Thu Nguyệt, http://nguyenhuuhongminh.com của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh,… Nhà phê bình trẻ Phạm Ngọc Hiền sau thành công của trang http://phamngochien.com đã “cao hứng” lập luôn các trang http://tapchivan.com và http://tapchisongba.com với sự tham gia của nhiều đồng hương Phú Yên.

Ở vùng lân cận, nhà thơ Vũ Thanh Hoa của Vũng Tàu với trang web khá "nóng" http://vuthanhhoa.net cũng “quyến rũ” lượng bạn đọc khá lớn.

(nguồn:

http://nhavantphcm.com.vn/ra-mat-chinh-thuc-leminhquocvn.html#

Chia sẻ liên kết này...

 
 

ĐOÀN TUẤN - Đi tìm chỗ ngủ (bản 2)

doantuan1

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 11 trong tổng số 12

Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com