THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: NHÚN MÌNH QUÁ THỂ

LÊ MINH QUỐC: NHÚN MÌNH QUÁ THỂ


le-minh-quoc---nhun-minh-qua-the


“Mèn đéc ơi, chị xưng hô thế này, tổn thọ em mất”, cô hiệu trưởng phân trần, sau khi nghe phụ huynh trình bày đơn xin nhập học cho con. Ai đời, hai người ngang ngửa tuổi tác nhưng vẫn cứ: “Thưa cô, em thiết nghĩ, dù trái tuyến nhưng trường hợp của cháu vẫn có thể giải quyết linh loạt, châm chước ạ”. Cô hiệu trưởng nhẹ nhàng: “Vâng, chị cứ gửi lại hồ sơ, ban giám hiệu bọn em sẽ có cuộc họp xem xét và thông báo kết quả”. “Dạ, em trăm sự nhờ cô. Cô có lòng thì cháu nhà em được nhờ. Vợ chồng em cám ơn nhiều”.

Hễ một câu nói ra là “vâng, dạ, em” đến độ “Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi” khiến người chồng đứng cạnh cũng phát bực, cảm thấy khó chịu. Thế nhưng, anh ta không dám xen ngang, nhỡ sau này mọi việc không như ý, vợ “đổ thừa” thì mệt. Trước lúc đưa vợ đến đây, người chồng cho biết, thời đại học, cô hiệu trưởng vốn cùng trường, học sau anh vài khóa, vì thế cũng chẳng gì xa lạ. Nhờ vậy, mọi việc có thể dễ dàng hơn. Khổ nỗi do thương yêu, lo lắng cho con nên thay vì tận dụng mối thân tình đó, người vợ lại chọn cách khác.

Nhiều người nghĩ rằng, cách tốt nhất để được việc thì phải bắt đầu từ cách xưng hô, càng nhún mình càng tốt. Chẳng rõ kinh nghiệm này hiệu quả ra làm sao, nhưng người nghe cảm thấy khó chịu, chẳng sung sướng gì khi người đối diện lại cứ một câu: “em”, hai câu: “dạ” cứ như thể học trò đứng trước mặt cô giáo. Kỳ cục lắm, do đó, cô hiệu trưởng nhắc khéo đến 2 từ “tổn thọ” là vậy.

Có nhiều người thật tình lắm, thật thà như đếm, cứ nghĩ rằng, cách xưng hô nhún mình, chẳng mất xu teng nào lại khiến người đối diện thêm cảm tình. Vậy hà cớ gì không thực hiện? Họ quên rằng, tuổi tác chênh lệch không nhiều nhưng nghe gọi ấy, khiến người nghe dù không nói ra nhưng cảm thấy khó chịu lắm.

Trường hợp trên, chẳng lẽ người chồng cũng cũng xưng em như vợ? Nghe trái tai quá đi thôi. Sau vụ xin nhập học ấy, chẳng rõ kết quả ra sao nhưng sau đó, mỗi lần họp kỷ niệm ngày thành lập trường thì Khương - nhân vật trong mẩu chuyện này, lại luôn tìm cách tránh né lúc chạm mặt đồng môn đã là hiệu trưởng. Vốn “bồ tèo” thân thiết nên Khương kể lại chuyện trên và kết luận: “Bà xã mình đúng là kỳ cục thiệt. Cô hiệu trưởng học sau tớ, xưng tớ bằng anh nhưng vợ tớ lại cứ “em, em, em” nghe oải quá. Cho tớ hỏi, nếu như bạn, bạn có “quê độ” không?”. Tôi nghĩ, sao lại không? Dù gì, xét về tuổi tác, vợ Khương cũng thuộc “đàn chị” kia mà.

Thế đấy, có những trường hợp thật “khó đỡ” làm sao. Vừa rồi Tuyến đưa người chồng “tập 2” đến uống cà phê chung với nhóm bạn bè. Dù rằng, anh chàng này nhỏ tuổi hơn vợ và cả bạn của vợ chừng 2, 3 tuổi. Trong mối quan hệ chung, họ đều “bằng vai phải lứa”, “ngang cơ” với nhau. Sự chênh lệch dăm ba tuổi chẳng là “cái đinh” gì cả. Hơn nữa, chẳng ai khắt khe, xét nét về chuyện vặt đó lúc xưng hô.

Lúc trò chuyện rôm rã, ai nấy đều “mày tao chi tớ” thân thiện, hòa đồng, chồng của Tuyến thì sao? “Hôm nay, được làm quen với anh chị, nói thật, em cảm thấy vui quá và học được nhiều điều bổ ích”, chồng Tuyến thành thật góp chuyện. Nhiều lần nghe chồng xưng “em” với đám bạn, mắc cỡ lắm, Tuyến khéo léo sử dụng điện thoại nhắn tin: “Anh làm ơn xưng tôi giùm em”. Nào ngờ cô nhận lại tin trả lời: “Phép lịch sự phải thế em à”.

Chẳng rõ, mọi người có cảm nhận được “cái gọi là” phép lịch sự ấy không, nhưng ngay lúc chia tay, nhóm bạn nữ kề tai Tuyến nói khẽ rồi cất tiếng cười nhộn: “Em của cậu đúng là ngoan. Ngoan quá đi mất. Hàng quý đấy, nhớ giữ kỹ nhá”. Câu nói nửa đùa nửa thật ấy, khiến cô chột dạ bởi tự dưng chồng mình trở nên kẻ “dưới cơ” bạn bè cùng trang lứa.

Sự hạ mình này, đôi lúc đem lại những phiền toái không đáng có. Tuần rồi, đôi vợ chồng Lễ gây gổ nhau, sau khi tìm hiểu, tôi mới biết từ nguyên cớ rất ư là lãng xẹt. Sau những ngày phiêu bồng đuổi hoa bắt bướm, Lễ quyết định kết hôn với Vy. Vợ nhỏ hơn chồng gần hai con giáp. “Chồng già vợ trẻ là tiên”, anh em bồ tèo đều mừng cho Lễ. Nhưng rồi lại có lúc thật tréo ngoe trong cách xưng hô, dù chị dâu cả nhưng Vy lại nhỏ tuổi hơn em út của chồng.

Những lúc họp mặt gia đình, Lễ cảm thấy khó chịu ra mặt khi cô vợ cứ xưng “em” với mọi người. Lễ nhắc nhở: “Em phải thay đổi đi thôi. Ai đời lại thế?”. Vy cãi: “Em nhỏ tuổi nhất nhà mà anh? Nếu anh thích, thôi thì, em cố gắng”. Cô vợ cố gắng ra làm sao? Chắc là khó nên sau đó, những lúc gặp các em chồng cũng vẫn xưng “em” ngọt xớt. Trường hợp này, có thể châm chước chăng? Thật ra, Vy cũng có lý nếu so tuổi tác nhưng ở cương vị đang có, sự nhún mình ấy dễ khiến Lễ cảm thấy “mất mặt”. Hơn nữa, có điều tôi biết chắc, khi nghe chị dâu gọi bằng anh, xưng em thì em của Lễ cũng chẳng vui sướng gì. Chưa kể, nhiều lúc gặp bạn của Lễ, Vy lại lễ phép gọi bằng chú, bác rồi xưng cháu ngon ơ. Xét về tuổi tác, gọi thế không sai, nhưng giữa mối quan hệ anh em bầu bạn nghe ra cứ ấm ớ quá đi thôi. Những chuyện ấy tưởng nhỏ, dễ dàng thay đổi nhưng rồi vợ chồng Lễ lại đâm ra cằn nhằn suốt.

Trong phép ứng xử, co những trường hợp cách tốt nhất vẫn là xưng tên hoặc “tôi” là “phải đạo” nhất, tùy vào cương vị của mình. chẳng ai bắt bẽ. Nếu nhún mình quá mức, không những bản thân mình “mất giá” mà ngay cả người chồng/ vợ sờ sờ ra đó cũng cảm thấy khó chịu. Vậy có nên chăng?

L.M.Q

(nguồn: TGPN 19.12.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com