THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Thấy Tết là... sợ?

LÊ MINH QUỐC: Thấy Tết là... sợ?

 

thaytet-la-so

 

Mấy hôm nay tối mặt tối mũi, đêm nào chị cũng thức đến tận khuya tính tính toán toán thực đơn cho hàng chục người. Sở dĩ như thế vì còn có anh em, họ hàng ruột rà đến chung vui. “Mâm cơm rước ông bà năm nay phải chu đáo hơn mọi năm em nhá”. Lời dặn dò này, năm nào anh cũng nhắc và tất nhiên, chị không thể lơ là trách nhiệm dâu con. Anh lại bảo: “Sinh thời mẹ thích ăn món măng lưỡi lợn hầm thịt ba rọi, cá chép chiên giòn; bố thích món gà xé phay, thịt heo quay, em đừng quên nha”. Vậy chị phải “đặt hàng” mấy mối quen mà ngong ngóng từng ngày. “À, năm nay có cả vợ chồng ông chú dẫn cả “bầu đoàn thê tử” ở quê lên nữa. Vì thế, em phải...”.

Anh là con trai trưởng nên mỗi dịp cuối năm là anh em, con cháu tề tựu đến nhà sum vầy thắp nén nhang rồi sau đó, cùng ăn bữa cuối năm hàn huyên tâm sự. Mấy khi anh em, bà con ruột rà tụ tập lại nhà, vì thế, các món phải tươm tất, đầy đủ hơn.

Có điều những gánh nặng ấy, từ chợ búa đến nấu nướng nếu được người đàn ông “trụ cột” cùng cáng đáng thì tốt quá. Đằng này, hầu như mọi công việc điều trút xuống “vai em gầy guộc nhỏ”. Mà đã xong đâu, còn phải mua thêm cả giấy vàng mã “hóa vàng” cho ông bà theo quan niệm “dương sao âm vậy”. Khó có thể thiếu sót.

Chị Hồng bạn tôi bảo: “Ông chồng tôi “âm lịch” lắm. Vì muốn bố mẹ dưới đó không thiếu truyền hình, máy lạnh, máy giặt quần áo, nhà lầu xe hơi, Ipad, điện thoại đời mới nên anh đặt làm “trọn gói” trông phát sợ. Phải đốt cả tiếng đồng hồ mới xong. Ối dào! Chẳng biết các cụ dưới đó có nhận được không, chứ tiền bỏ ra cũng bộn”. Đôi khi cũng vì không cùng quan niệm nên vợ chồng cãi nhau chí chóe. Chị Hồng vặn hỏi chồng: “Hôm trước đi họp tổ dân phố, ai ký giấy cam kết Tết này đốt giấy vàng mã, anh chứ còn ai! Nhớ lại đi”. Nghe thế, người chồng nói cứ như không: “Ơ hay, ký thì ký nhưng nếu ông bà không phù hộ thì làm sao ăn nên làm ra? Trước đây, nhà mình đã làm thì nay cứ thế mà làm em ơi”.

Đấy lễ nghĩa đối với người khuất mày khuất mặt, còn với anh em bầu bạn, các đồng nghiệp thì sao?

Cả năm buôn bán, quan hệ giao tiếp này nọ thì cũng phải có bữa tất niên mời nhau chứ? Tất nhiên. Tuy nhiên năm nay kinh tế có phần eo hẹp thì sao? Chị Nga bạn tôi hỏi chồng là chủ một doanh nghiệp: “Tiệc tất niên, công ty mình tạm thời không tổ chức 1 năm anh nhá?”. Chồng cười: “Em nói thế mà được? Dù  mình có thua kém cũng phải cố như thiên hạ chứ em. Năm trước khấm khá, có thể mời mọi người ra nhà hàng, nay có thể tiết kiệm bằng cách tổ chức tại nhà”. Thế là, chuyện bếp núc dịp này lại “ưu tiên” cho vợ, khiến chị mệt bở hơi tai. Những ngày cuối năm, họ bận bịu còn hơn cả nuôi con mọn. Vậy còn gì hào hứng vui xuân đón Tết nữa?

Sau những cuộc ăn nhậu lai ra ấy có thể nghỉ ngơi được chăng? Chị Nga kể rằng, ngày Tết muốn vợ chồng đưa con cái đi nghỉ ngơi đâu đó. Lập tức, chồng giãy nảy: “Ơ hay, chẳng lẽ bạn bè đến chúc Tết mà mình vắng mặt, coi sao được?”. Chuyện ấy là chuyện nhỏ có thể châm chước, linh động nhưng cái khó vẫn là mâm cơm cúng kiếng ông bà trong 3 ngày Tết. Sáng, trưa, chiều, tối cũng đều có mâm cơm cúng ông bà trên bàn thờ. Nhưng rồi, sau đó có ai ăn đâu. Vợ chồng tạt qua nhà này nhà kia chúc Tết đã no “cành hông”, rồi con cái trong nhà mấy ngày Tết cũng lơ là cơm nước. Vậy mà vẫn phải đều đều đặn dạy sớm mỗi ngày nấu nướng. Rõ mệt.

Tại sao không giảm bớt, có phải thiết thực hơn không? Có lẽ trong trường hợp này, dù chính đáng nhưng điều hợp lý hơn cả vẫn là “liệu cơm gắp mắm”. Tùy theo khả năng tài chính, thời gian nghỉ ngơi thư giản mấy ngày Tết mà có thể lược giản. Thờ kính ông bà, quan hệ thân sơ, đối tác cần nhất vẫn là thể hiện từ tấm lòng, từ việc làm hằng ngày chứ không phải nhất thiết “mâm cao cổ đầy” vào dịp giáp Tết. Nếu không, những việc rình rang tốn kém nó lại trở thành áp lực. Mà điều đó, khiến cho “người trong cuộc” mỗi lúc dịp đến tết cảm thấy sợ hơn là hào hứng. Nên chăng?

 

L.M.Q
(nguồn: TGPN 16.2.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com