THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Cảm hứng từ sách

LÊ MINH QUỐC: Cảm hứng từ sách

cam-hung-tu-sach

Đêm qua nằm mộng thấy em

Sáng nay thức giấc bỗng thèm sân si

Cà phê đen giọt đắng ly

Tan trên đầu lưỡi giống khi hôn người

Mấy câu thơ tôi viết đâu đó bỗng vọng về trong trí nhớ. Thì ra, môi hôn, nếu có hương vị cà phê cũng làm cho đời sống của tình nhân thêm một phần thú vị đấy chứ? Và tôi - một người yêu sách - luôn nghĩ đến sách khi được ngồi nhâm nhi cùng những giọt đắng. Một cảm giác dịu dàng và chia sẻ. Đã đôi lần tôi nghĩ, tại sao không nghĩ đến cách quảng bá tinh hoa của sách đến người khoái cà phê?

Không chỉ cà phê, người Việt Nam hầu hết đều biết uống rượu, thế nhưng đã nâng nó lên một tầm triết lý chưa? Tôi chưa đọc được quyển sách nào bàn “ra tấm ra miếng” về nghệ thuật uống rượu của tác giả người Việt. Nếu có chăng cũng chỉ vài trang trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Người Việt biết sáng chế nhiều loại rượu ngon. Ngon đến độ chỉ cần ngửi qua, hương men xộc lên ốc cũng đủ tê tái tâm thần. Thế nhưng vẫn chưa có một ai đủ lịch lãm, từng trải có thể bàn về “ra môn ra khoai” nghệ thuật uống rượu. Mà cũng chưa có loại rượu nào nào tạo nên huyền thoại như rượu Thiệu Hưng (Trung Quốc): Khi đẻ ra con gái, bố mẹ tự tay làm hủ rượu, để dành chừng hai mươi năm sau khi con gái xuất giá thì tặng cho nó như một báu vật. Hủ rượu này, ngoài bình vẽ bức tranh tuyệt đẹp, thường vẽ hoa. Vì sao vẽ hoa? Tôi suy diễn rằng, do hoa thường sánh đôi với rượu,  “uống rượu thưởng hoa” là thú vui tao nhã chứ chắc chắn không phải đi đôi với… thịt chó! Do hủ rượu có tranh vẽ hoa nên còn gọi “hoa điêu”.

Lâu nay thiên hạ vẫn khen quyển Một quan niệm về sống đẹp của Lâm Ngữ Đường là tinh tế, diệu vời khi bàn về thú chơi, hưởng thụ thiên nhiên, uống trà, tâm tính v.v… của người Trung Hoa. Thế nhưng theo tôi,  chương hay nhất trong tập sách đó, bàn về uống rượu là hay, tuyệt hay.  Nó hay bởi ông biết trích dẫn những đoạn văn hay nhất bàn về nghệ thuật bàn về uống rượu của chính người Trung Hoa. Người viết sách như người đưa đò. Lâm Ngữ Đường, đêm qua đã đưa tôi quay về với thú uống rượu đã có từ mấy ngàn năm trước. Sở dĩ, Lâm Ngữ Đường không bàn về rượu vì ông thú nhận không biết uống rượu. Tôi cũng thế. Bèn nghĩ rằng, đọc sách còn có cái thú là những gì đã tâm đắc, đã khoan khoái trong lòng có thể chép ra cho người khác cùng thưởng thức.

Ở đây, tôi chọn trích đoạn theo bản dịch của nhà văn Nguyễn Hiến Lê bởi câu văn trong sáng, khúc chiết: “Nên lựa lúc và nơi mà say. Say với hoa thì nên vào ban ngày để hưởng hết màu sắc, ánh sáng; say với tuyết thì nên lựa ban đêm để tâm tư được thanh tĩnh; say lúc đắc ý thì nên ca hát cho lòng được hợp cảnh; say lúc li biệt thì nên hát lúc du dương để nâng đỡ tinh thần; say với văn nhân thì nên cẩn thận, lễ độ để khỏi bị khinh nhờn; say với võ tướng thì nên dùng cái chén bằng sừng, thêm cờ xí cho thêm lẫm liệt; say trên lầu thì nên lựa mùa hè để hưởng gió mát; say trên sông nước thì nên lựa mùa thu cho thêm phóng lãng sảng khoái. Tâm trạng và cảnh phải thích nghi, không vậy thì mất thú”.

“Quan trọng là cái vui chứ không phải rượu. Như vậy thì người tửu lượng kém cũng có thể hưởng thú uống rượu. Có những người không biết chữ mà biết cái thú của thơ; có những người không biết tụng kinh mà biết cái thú của tôn giáo; có những người không biết uống một giọt rượu, mà biết cái thú của rượu; có những người không biết gì về đá, mà biết cái thú của họa”. Những người đó đều là tri kỉ của thi nhân, thánh hiền, ẩm giả và hoạ sĩ”.

Cũng như cà phê và rượu, tôi thoạt nghĩ, khi một tác phẩm văn học ra đời thì nên quan niệm nó là một giá trị vật chất. Vì thế, nó phải cần có những động tác PR để “người tiêu dùng” biết đến nhiều hơn nữa. Thật lạ, khi Harry Poster chỉ mới “rục rịch” đến Việt Nam thì các NXB, đơn vị phát hành đã có khá nhiều động tác quan trọng để quảng bá đến bạn đọc. Thậm chí, còn có cả những cuộc thi như số lượng in bao nhiêu? Tựa tập sách như thế nào? v.v... Trong khi đó, một tập sách của nhà văn VN (dù nổi tiếng cỡ nào) cũng ít được “ưu ái” như thế. Mà không phải những người này không có fans ái mộ. Bằng chứng là buổi ra mắt tập sách của nhiều bè bạn, tôi xúc động khi thấy độc giả xin chữ ký, tặng hoa cho tác giả và họ cũng bày tỏ sự chờ đợi ở tập sách tiếp theo.

Nếu tập sách này phát hành một cách bình thường, chỉ từ nhà in đưa ra nhà sách một cách lặng lẽ thì nó không có được sự tiếp nhận hào hứng như thế.

Nếu tập thơ viết tay trên giấy dó của các nhà thơ TP.HCM cũng xuất hiện lặng lẽ như thế, thì làm sao có thể bán đấu giá lên đến gần nửa tỉ đồng để giúp trẻ em chất độc da cam?

Rõ ràng cần phải thay đổi một quan niệm về cách phát hành sách hiện nay.

Ai đứng ra làm điều đó. Thôi thì, trước mắt chúng ta hãy “xắn tay áo” vì đồng nghiệp của mình. Vì thế, chúng tôi đã và đang nhiều lần làm chuyện này. Từ bán đấu giá tập thơ kỷ lục đến phát hành ra mắt tập thơ nhiều đồng nghiệp, với suy nghĩ: “Đưa sách đến tay bạn đọc như thế này vẫn là cách tốt nhất ”. Tốt nhất, tôi nghĩ đến lúc  nhà văn có điều kiện gặp gỡ, trực tiếp giới thiệu sách đến người yêu sách để tạo ra một không khí giữa “người đọc - nhà văn - tác phẩm”.

Lúc đó, từng giọt cà phê là sứ giả đóng vai trò trung gian. Dù lặng lẽ, dùng không “lên tiếng” nhưng thật ra hương vị của cà phê đã “ngấm ngầm” thúc đẩy cảm hứng của người thưởng thức nó tìm đến với trang sách. Thật đấy! Nếu lúc đó, là giọt Lưu Linh thì “tình hình” sẽ khác hẳn, có thể sẽ ồn ào hơn. Sách không cần ào. Có thể sẽ náo nhiệt hơn. Sách không cần sự náo nhiệt. Sách cần sự tĩnh tâm để “thấu thị” thông điệp của tác giả qua từng con chữ. Hương cà phê, giọt đắng cà phê làm được “sứ mạng này. Đó là “sứ mạng” của người “trung gian” mà dăm năm trước đây trong bài thơ tôi tặng nhà văn Đoàn Thạch Biền, có đoạn:

Chọn chỗ dưới vòm cây khuất gió

Ngồi bên nhau chẳng nói một câu gì

Tay trong tay. Mắt nhìn vào mắt

Giọt cà phê run rẩy ở trong ly...

 

L.M.Q

(nguồn: Báo C.A TP.HCM - XUÂN 2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com