THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Thấy ăn là… sợ!

LÊ MINH QUỐC: Thấy ăn là… sợ!

 

thay-an-la-so

Một trong những lạc thú sống ở đời là ăn. Ai lại không thích ăn ngon, được thưởng thức, nhâm nhi những món khoái khẩu? Nói không ngoa, có nhiều người những ngày công cán nơi xa, đêm đêm nằm nhớ món ăn do vợ nấu, nhớ đến thèm thuồng đến độ… khóc thút thít rất trẻ con (!?).

Trong tác phẩm Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng, bàng bạc nỗi niềm xa quê ngày thương đêm nhớ vẫn là các món do người vợ chung thủy đã từng nấu cho ăn. Có nhiều người dù được chiêu đãi món ngon vật lạ đắt tiền, nhưng rồi trong lòng vẫn nhớ đến những bữa cơm đoàn tụ cùng vợ con. Dù đạm bạc, không chế biến cầu kỳ nhưng vẫn cảm thấy ngon bởi hợp “gu”.

Ấy vậy, cũng không ít người mỗi lần đến giờ ăn lại thở dài sườn sượt cứ như thể sắp phải “trả bài” mà vốn liếng không còn. Não nùng thật.

Vâng, đừng nói chuyện người ngoài, kẻo không khéo bị mắng lẻo mép, vậy xin đơn cử chuyện của tôi đây. Vào một ngày đẹp trời, trời đất sang xuân, chim reo hoa nở, cô vợ cảm thấy tâm hồn phơi phới như sắp sửa dậy thì nên bèn dẫn tôi đi khám bệnh. Sau các động tác cần thiết, vị thầy thuốc đáng kính đã kê một sớ táo quân dài ngoằng, trong đó có món nên và không nên ăn. Từ đó, mỗi ngày, từ ngày này qua tháng nọ, ngoài việc kiêng kỵ bia rượu, thuốc lá và các loại thịt động vật khác, tôi chỉ được ăn độc một món cá lóc! Mở mắt dậy cho đến lúc nhắm mắt ngủ, và ngay cả trong giấc mộng đẹp hằng đêm tôi chỉ mơ thấy mỗi cá lóc.

“Cố lên anh, “bản lĩnh đàn ông” của anh “trầm trọng” lắm rồi. Anh chịu khó nhá!”. Chịu khó thì ai ai cũng có thể, nhưng ăn chỉ một món quả là cực hình. Dù vậy, nghe vợ thủ thỉ nên nào dám cằn nhằn, chỉ tự dối lòng: “Hề hề, chuyện nhỏ mà em”. Ngoài mặt cười cười nói nói nhưng trong lòng băng giá tái tê. Một khi đã lấy lý do vì chăm lo sức khỏe, chắc chắn không ai có thể từ chối, tránh né được.

Đã có ai từng ăn gạo lứt muối mè ròng rã cả năm chưa? Anh bạn tôi đã có một thời kỳ như thế. Không rõ do ai tư vấn, vợ anh nhất quyết ép anh phải ăn mỗi ngày để cải thiện sức khỏe. Hiệu quả thế nào chưa bàn đến nhưng ăn uống kiêng khem quá khiến anh cảm thấy như cực hình. Muốn phản đối mà được à? “Ơ hay, lo là lo sức khỏe cho anh/ em đấy chứ?”. Do đó, mỗi lần đến giờ ăn là cảm thấy sợ! Dù có sợ đi nữa, nhưng rồi nào có ai dám hó hé, phản đối?

Có giai thoại rằng, ngày mới cưới nhau, cô vợ của thi sĩ Bùi Giáng về khóc sụt sùi với mẹ chồng: “Mỗi ngày, chồng con chẳng cho ăn thịt cá, chỉ có mỗi rau”. Lại có cô ca sĩ nọ, trong bữa ăn cũng được chồng bồi dưỡng cho mỗi một thứ “chủ đạo” cũng chỉ rau. Anh ta lập luận cực kỳ “ba rọi”: “Em đã là người của công chúng, vì thế, em phải biết giữ giọng chứ? Anh đọc sách y học của các bác sĩ danh tiếng, họ bảo rằng ăn rau rất tốt cho thanh đới!”. Chẳng rõ hư thực thế nào nhưng đối diện với thực đơn cực kỳ khiêm tốn này, cô ca sĩ mỗi lúc xuất hiện trước công chúng luôn cười tươi roi rói, thì nay buồn rầu ư ử ca rằng: “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần sầu” (!?).

Sầu thiệt chứ chẳng đùa.

Thông thường, vì quá yêu nhau, thương nhau nên người này chăm sóc người kia hơi bị “quá tay”. Hồi mới tán tỉnh, hẹn hò, cô nàng thỏ thẻ giọng oanh vàng: “Này, anh yêu em vì lý do gì?”. Câu hỏi này, tưởng dễ nhưng thật ra rất khó trả lời, nhiều người thấy “hợp nhãn” là yêu chứ không thể cân, đo, đo, đếm chi li từng chi tiết cụ thể rạch ròi. Nghe hỏi thế, bèn trả lời xuôi xị cho xong: “À, anh  yêu em vì em nấu món gà hầm tuyệt cú mèo. Ăn một lần nhớ mãi”. Tưởng nói rồi quên, nhưng nào ngờ cô nàng nào vẫn nhớ như in. Thế là trong một tuần, muốn không khí thuận hòa, đầm ấm, vui vẽ qua bữa ăn ngon nên món khoái khẩu ấy lại được bày biện.

Ăn riết một món ai cũng thấy ngán, nhưng phản đối thì sợ “một nửa” buồn lòng nên “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Chắc nhiều người đã từng nghe lời trách móc này: “Anh kỳ cục quá, trở chứng quá đi thôi. Ngày thứ hai, ăn cơm với thịt bò xào anh khen ngon; ngày thứ ba, anh khen ngon; ngày thứ tư, anh cũng khen ngon; ngày thứ năm, thấy anh chê bài gì đâu! Vậy mà hôm nay, anh không đụng đũa đến là sao? Chẳng lẽ anh hết thương em rồi à?”. Nghe “oải trời đậu” quá! Trả lời thế nào đây? Sở dĩ như thế là cũng do cô vợ nghe bạn bè “bật mí”: Nếu chồng ăn nhiều thịt bò rất tốt cho cho “chuyện kia”! Vâng, chắc là tốt. Nhưng rồi, đến bữa ăn chẳng còn một chút hứng thú gì.

Ngay cả trẻ con trong nhà cũng không thoát khỏi chế độ chăm lo ăn uống quá kỹ của bố mẹ. Bây giờ, mỗi chiều, cô em gái tôi lại dẫn chú nhóc lên mười đến hồ bơi. Vì muốn tập cho con kỹ năng sống, biết bơi lội, quen sông nước? Cũng có thể đúng. Nhưng lý do chính vẫn là nhằm cải thiện thể trạng béo phì của quý tử. Ngày đó, cứ đến bữa ăn là cả vợ lẫn chồng đều ép con ăn thật no, ăn thật nhiều cho chóng lớn, khỏe mạnh. Dù có khóc, có lăc đầu thì lúc dỗ dành, lúc dọa dẫm buộc con ăn cho bằng được! Nỗi khổ của trẻ con bị ép ăn chính là những hệ lụy sau này.

Ăn uống có khoa học là thế nào? Không phải ai cũng có thể trả lời một cách ngon lành. Thế nhưng ai cũng biết rằng, mỗi ngày các món ăn phải thay đổi thường xuyên. Cho dù, vợ/ chồng nấu không ngon bằng cỡ đầu bếp khách sạn 5 sao nhưng sự đổi món dù gì vẫn dễ nuốt hơn. Bàn về chuyện này, chắc còn nhiều ý kiến lý thú. Tuy nhiên, chỉ xin nói nhỏ rằng, một khi đến lúc ngồi vào bàn ăn, nhìn thấy thức ăn mà chồng/ vợ thở dài ắt hạnh phúc gia đình sẽ vắng đi tiếng cười cần phải có. Vậy thì, dù thiện chí chăm lo sức khỏe cho nhau nhưng bất kỳ việc gì diễn ra thái quá thì cũng chẳng tốt chút nào.

L.M.Q

(nguồn: TGPN 26.1.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com