“Mùa chinh chiến ấy” - cuốn hồi ký chiến trận của nhà văn - nhà biên kịch điện ảnh Đoàn Tuấn được bạn đọc, giới phê bình văn học, đặc biệt là các chiến binh một thời tình nguyện vô cùng xúc động. Như nhà thơ Lê Minh Quốc đánh giá, đây là cuốn hồi ký xuất sắc nhất về cuộc chiến chống quân thù biên giới Tây Nam và nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Theo nhà biên kịch điện ảnh Đoàn Tuấn, để viết cuốn hồi ký “Mùa chinh chiến ấy”, anh đã phải trăn trở hơn 10 năm, thu thập nhiều tư liệu của bạn bè và trên hết là trí nhớ của mình, vậy mà khi viết anh phải 3 lần bỏ bản thảo vì thấy chưa đúng với suy nghĩ của mình để có “như một giấc mơ khốc liệt mà tuyệt đẹp” của những người lính tình nguyện. Rồi trong những lần gặp gỡ bạn bè, anh nhận thấy rằng chính ngôn ngữ đời thường của những người lính chiến xưa mới đúng chất mình cần: chân thật, hài hước, đau đớn, xót xa nhưng không bi lụy, luôn tự hào.
Đó chính là nét thần của tập hồi ký chiến trận này.Ngay trang đầu tiên, người đọc đều ngỡ ngàng và bất ngờ về nhân vật tôi - tức người lính Đoàn Tuấn, chàng trai Hà Nội 18 tuổi vừa rời mái trường trung học lên đường nhập ngũ hành quân thẳng vào biên giới Tây Nam. Theo đội hình hành quân của quân tình nguyện, có những trận đánh lớn đánh nhỏ vượt sông Mê Kông, tới Stungtreng, cho tới mặt trận chính là Anlongveng miền Đông Bắc Campuchia giáp biên giới Thái Lan - nơi quân Polpot đóng quân chống phá và đây chính là trang sách mở ra thấm đẫm máu đào cùng vô vàn khó khăn của người lính Việt Nam. Đoàn Tuấn chỉ là anh lính thông tin đại đội bé nhỏ của Sư đoàn 307, Quân khu 5. Nhưng chính từ góc nhìn thấp nhất đó, tác giả mới thấu hiểu đầy đủ chi tiết, hình ảnh, tính cách của người lính, tạo lên bức tranh to lớn của cả đội quân.
Cái hay, độc đáo của thiên hồi ký này chính là tính chân thật, tác giả không tránh né bất cứ chi tiết bé nhỏ, góc khuất thực mang tính cách của con người. Nó tưởng trần trụi nhưng lại lấp lánh của những phiến đá đa sắc màu của người lính. Tác giả chỉ là người kể về bạn bè, không kể nhiều về mình như nhiều tác giả hồi ký khác. Tất cả vì đồng đội! Những trang văn dành cho đồng đội lúc nào cũng thấm đẫm tình nghĩa, yêu thương: “Đồng hương ơi! Sao có đau lắm không?”, cả với những người đã khuất nằm bên mình cũng dạt dào cảm xúc mà chỉ người trong cuộc trải nghiệm, chứng kiến mới viết được.
Người lính tình nguyện thời Đoàn Tuấn kể là thế hệ thứ 3, họ chiến đấu mà không được đứng trên quê hương, phải đến những cánh rừng bạt ngàn theo đúng nghĩa “rừng thiêng nước độc”, mùa khô cháy bỏng, mùa mưa lũ lụt trôi người… Đáng sợ nhất chính là quân thù, chúng như các bóng ma trong đêm tối: phục kích, đột nhập, cài mìn… Rồi đến sốt rét ác tính, chết khát, chết vì hổ vồ, nước lũ, vì bẫy cài của quân thù... Không phải liệt kê khô cứng hay bi lụy, Đoàn Tuấn như một nhà quay phim kể theo lớp lang, xa gần, xưa mới, thấp cao, có khi lòng vòng nên mỗi câu chuyện đều có sức hút kỳ lạ, lúc pha trộn hài hước, hóm hỉnh, nghịch ngợm, ngang tàng của chất lính, lúc lại mượt mà của thi nhân.
Trong sách có nhiều chi tiết rất đắt giá như: những người lính chơi với dân, anh lính mê thơ viết thơ đầy chiếc võng của mình, anh lính trẻ người Khánh Hòa đem kinh Phật bên mình đọc dưới hầm, người lính đào trước huyệt trước giờ ra trận… Tất cả hòa trộn với nhau thành bức tranh vừa lạ vừa quen, vừa xót xa tiếc nuối và tràn ngập hạnh phúc khi người lính được trở về đất mẹ an lành!
Có thể nói, chiến tranh đã rời xa hơn 4 thập kỷ, nhưng nhờ có những trang văn thấm đẫm tình cảm của những người lính đích thực như “Mùa chinh chiến ấy” đã làm cho thế hệ hôm nay thấy giá trị của hòa bình lớn lao và bao la như bầu trời Tổ quốc thế nào.
Dương Trang Hương
(nguồn:
https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/201906/xuc-dong-voi-mua-chinh-chien-ay-8118651/?fbclid=IwAR1TkqQeW8q6mepTkqkf3VT4XFBvZ_yMscUCCGsDGBMMVDBlzMh7PNwAwvE)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|