NGÔ VĂN BAN
HÌNH ẢNH CON HEO TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA, TÌNH CẢM, TÍN NGƯỠNG DÂN TỘC VIỆT
CON HEO gắn bó lâu đời với người dân thôn dã. Việc chăn nuôi heo, không những đưa lại cho người nông dân một nguồn lợi kinh tế đáng kể trong việc cung cấp thực phẩm cho con người mà còn phục vụ cho đời sống tinh thần, tâm linh của người dân Việt. Hình ảnh con heo luôn có mặt trong nghi thức cúng tế, trong cưới xin, trong văn học, trong các ngành nghệ thuật và còn có cả trong sinh hoạt tình cảm, xã hội của người dân Việt.
Về việc nuôi heo, dân gian cũng đã nhiều kinh nghiệm lưu truyền lại, nuôi sao cho có hiệu quả.
Dân gian ta cho rằng nuôi heo là một cách để dành tiền: Nuôi heo bỏ ống, là việc có lợi: Bán cám thì ngon canh, nuôi lợn thì lành áo. Hay nuôi heo tốn bảy bồ cám, nhưng khi bán thì thành tám bồ heo. Có rất nhiều lời khuyên người ta nuôi heo để làm giàu hơn là nuôi các gia súc hay các con vật khác, như: - Giàu lợn nái, lãi gà con. - Giàu nuôi lợn nái, nghèo nuôi chó cái gà con. - Muốn giàu nuôi cá, muốn khấm khá nuôi heo. - Muốn no trồng màu, muốn giàu nuôi heo, để bớt khổ nghèo, gắng mà nuôi vịt… Còn nếu nuôi heo mà không giàu có thì người nuôi tự an ủi là do thời vận chưa đến hồi gặp may mắn: Chẳng qua thời vận anh nghèo/ Đánh bạc thua bạc, nuôi heo vọt chuồng.
Việc nuôi heo ngày xưa giao cho đàn bà, đàn bà không biết nuôi heo, đàn bà nhác. Còn nếu đàn bà thì phải nuôi heo, thời vận đương nghèo nuôi chẳng đặng đâu thì là việc khác, cho rằng không mát tay. Còn như những người đàn bà này thì … không có gì để nói: Ra đường rậm rực với trai/ Nuôi con heo để đói, nằm dài ốm nhom …
Dân gian cho rằng nuôi heo lấy mỡ, cũng như nuôi đứa ở đỡ chân tay. Và họ lại còn cho rằng đẻ con không dạy chẳng răn/ Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy tiền.
Về việc nuôi heo, dân gian có kinh nghiệm nuôi heo nái có lợi hơn: Lợn bột thì thịt ăn ngon/ Lợn nái thì đẻ lợn con cũng lời, vì nhiều nái nhiều đẻ. Lợn bột là lợn tơ, sau đem thiến để nuôi lấy thịt. Ăn ngủ phởn phơ, chẳng hao sức lực nên con heo da dẻ trắng hồng được so sánh như công tử…bột.
Thức ăn của heo là cám, là bèo, là củ chuối, nấu cám, thái khoai, băm bèo, cho nên nuôi lợn thì phải vớt bèo cũng như tục lệ xưa lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng. Cho nên việc nuôi heo thật vất vả: Trắng da vì bởi má cưng/ Đen da vì phải lội bưng vớt bèo. Và bởi vì con heo nên phải đèo khúc chuối, cũng như trong đời sống, vì hoàn cảnh mà phải chịu vất vả, gian nan, gặp nhiều đắng cay. Việc nuôi heo thật là khó nhọc, lo lắng, chịu khó, tuy nhiên cũng có những an ủi trong tình yêu đến với người con gái bên chuồng nuôi heo: Anh thương em không biết để đâu/ Để trên thùng cám, để đầu chuồng heo. Đó là tình duyên tốt đẹp, còn như yêu nhau chẳng lấy được nhau giống như cảnh con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ rời.
Thực phẩm nuôi heo chủ yếu là cám gạo, nhưng có khi chủ vắng nhà sự chăm sóc không đầy đủ để dẫn đến việc cám nhỏ chẳng đến miệng lợn sề, hay cám treo để heo nhịn đói, chỉ khi chủ ở nhà lợn gà no bụng. Người nuôi heo có kinh nghiệm: Lợn ăn xong lợn nằm: lợn béo/ Lợn ăn xong lợn réo: lợn gầy. Để heo đói làm sao heo tăng trọng được!
Có người nuôi heo bằng hèm như kiểu này: Thông ngôn phú lục, bạc chục em không thèm/ Em chỉ muốn chồng nhậu để nó mửa hèm em nuôi heo. Hèm rượu còn gọi là hay bã rượu là sản phẩm còn lại của nguyên liệu sau khi đã chưng cất để tạo ra rượu, là một loại chất bã có mùi nồng nặc và thường có màu trắng đục, lẫn tạp chất. Hèm là sản phẩm của quá trình nấu rượu, sản xuất etanol công nghiệp. Hèm có nhiều công dụng. Trong đó có thể sử dụng để sản xuất khí sinh học. Hèm có thể sử dụng trong chăn nuôi và là một thức ăn gia súc, nhất là cho heo ăn rất tốt vì ăn xong heo say, heo ngủ và dễ tăng trọng. Các gia đình nấu rượu thường kiêm nuôi heo để cải thiện thu nhập là thế. Nhưng dù nuôi bằng thức ăn gì, miễn sao con heo có béo thì lòng mới ngon.
Chuồng nuôi heo cũng phải xây cất theo quy định: Chuồng lợn hướng đông, Thổ công hướng bắc. Theo kinh nghiệm, mặt tiền chuồng heo quay về hướng đông hay hướng đông nam sẽ nhận được ánh nắng mặt trời làm cho chuồng khô ráo, ấm áp, tiêu diệt được vi trùng, vi khuẩn… giúp môi trường sống của heo được tốt hơn. Hơn nữa, đến mùa gió, mùa đông chuồng tránh gió bấc thổi vào làm heo lạnh, còn mùa hè tránh gió tây gây cho heo nóng bức. Theo tục lệ xưa, ngày Tết người nuôi heo phải cúng Ông Chuồng Bà Chuồng phù hộ cho heo ăn nhiều chóng lớn tăng trọng, không dịch bệnh. Heo bỏ ăn, bị bệnh, nhất là bị sán lãi nhiều, gọi là heo gạo, không chữa trị được, hay bị trúng gió (heo gió), bị bồ cạp cắn ... thì việc nuôi heo bỏ ống coi như ... đi đời.
Chuồng heo phải là chuồng chái, được so sánh với gái cửa buồng, có nghĩa là heo nhốt ở chuồng chái hẹp để người mua thấy con heo to béo hơn, cũng như cô gái thấp thoáng ở cửa buồng thì vẻ đẹp được tôn thêm. Chuồng heo cũng có khi được … tôn vinh: Ở chuồng heo còn hơn theo quê vợ và là nơi mà anh chồng nhiều vợ đôi khi phải bị đẩy ra … nằm: Một vợ nằm giường lèo/ Hai vợ nằm chèo queo/ Ba vợ ra chuồng heo mà nằm.
Việc nuôi heo cũng phải chọn giống heo nuôi sao có lợi. Theo kinh nghiệm dân gian, những con heo nào mà có ba quí tướng: lưng đai, bụng bị, bốn khoáy thì là giống lợn nái tốt, ăn nhiều, khỏe mạnh, đông con, mắn đẻ, tốt giống, mà bất cứ người dân quê nào cũng muốn có để nuôi, là nguồn vui, sung túc, no đủ, hạnh phúc của gia đình mình.
Ngoài ra, trong dân gian còn có những tục ngữ ca dao được truyền từ đời này sang đời kia trong việc chọn heo để nuôi: Lợn nước mạ, cá nước rươi có nghĩa là mua heo con phù hợp nhất là tháng đổ nước làm ruộng mạ cũng như mua cá giống lúc có rươi, sinh ở vùng nước lợ. Còn mua heo nái thì: Lợn nước nái, gái cửa buồng có nghĩa là heo nái tới kỳ chịu đực, cũng như người đàn bà qua thời sinh nở, đi lại trong nhà bình thường, có thể sinh hoạt tình dục được. Mua heo nái phải lựa nái, cũng như cưới gái phải lựa dòng. Mua heo đực cũng phải chọn giống: Lợn đực chuộng phệ, lợn sề chuộng chỗm hay đực phệ, sề vắn là mua heo đực thì nên chọn con bụng phệ là giống ăn nhiều, chóng lớn. Mua heo cái, heo sề (heo đã đẻ nhiều lứa) thì phải chọn con nào nhỏ bụng (vắn, ngắn) để khi heo chửa không bị cọ xuống nền chuồng làm sứt đầu vú. Heo nái đẻ nhiều lứa chỉ còn da bọc xương, gọi là heo nái da, heo này cũng được người ta mua về, đem thiến và nuôi thúc cho nó mập lên để bán.
Ngoài ra có rất nhiều kinh nghiệm dân gian truyền lại trong việc mua heo, nuôi heo, như : - Con lợn mắt trắng thời nuôi/ Những người mắt trắng đánh rồi đuổi đi. - Đốm đầu đốm đuôi, không nuôi cũng lớn. - Lông thưa môi thừa, nuôi vừa cũng lớn. - Ngắn mỏ nhỏ đuôi không nuôi cũng lớn (loại heo cỏ). - Nhất răng cưa, nhì thừa vú. - Tai to mõm bẹ lưng dài/ Móng dầy vai rộng là loài dễ nuôi. - Thưa lông, mọng da, mõm giỏ. - Thưa lông nở hầu, đầu to mõm bẹ, lang nhẹ vắt thăn, chân đi cả bàn, vú tròn lườn sa, thêm ba khoanh trán. - Vành mồm, trắng mắt, to tai/ Hễ thưa lông bụng, móng hài cũng mua - Nhất răng cưa, nhì thừa vú v.v. Cuối cùng, không mua con heo kén ăn là con heo khó nuôi, không lớn, không tăng trọng được. Cho nên chăn nuôi vừa khéo vừa khôn/ Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm, mới đúng là nuôi heo bỏ ống.
Nuôi heo không những phòng bệnh cho heo (thường xuyên phải chích ngừa) mà còn phải canh chừng bọn đâm heo thuốc chó, cẩn thận với những lang băm, chữa lợn lành thành lợn toi thì khốn! Lại còn phải cẩn thận với những dân lái heo là những người chuyên nghề đi mua bán heo, cũng như những người lái trâu, lái bò: Lái trâu, lái lợn, lái bò/ Trong ba anh ấy chẳng nghe anh nào, nhưng có lúc cần bán vì túng bấn thì buộc lòng phải … nghe, để họ bắt lợn tóm giò, mang đi. Trong việc mua bán heo, dân gian có từ heo đứng, tức là bán heo theo kiểu đoán trọng lượng chứ không cân. Còn có từ heo hơi là tính giá thịt heo theo kiểu lấy giá tiền chia cho toàn thể trọng lượng con heo. Người mua heo thường bắt heo bỏ vào rọ, gọi là rọ heo, đan bằng tre, hình thuôn dài. Kinh nghiệm của người mua heo: Heo nhà, gà chợ, mua heo ở nhà chọn được giống heo tốt, mua gà tại chợ chọn gà không sợ gà bị bệnh. Ở Quảng Nam, tại huyện Quế Sơn có chợ Bà Rén chuyên bán heo con. Người dân ở đây truyền miệng nhau bài ca vui về khu chợ này: Ai về Bà Rén ghé chợ heo/ Vui tai, bắt mắt, chuyện tầm phèo/ Heo ré, người xung vung bao chuyện/ Trưa tan buổi chợ đã lèo nhèo. Tại chợ, có một nghề mưu sinh lạ lùng, đó là nghề bồng heo thuê của một số người không nghề nghiệp hay những người làm nông trong lúc nông nhàn. Do nhu cầu cân heo giống để bán cho khách hàng, chủ heo cần phải chuyển heo từ rọ này sang rọ khác, có khi còn bồng heo lên để người mua ngắm nghía, kiểm tra xem vừa ý rồi mới mua mang về. Chủ heo làm không xuể nên cần người giúp đỡ bồng heo, dần dần hình thành nên một đội ngũ chuyên “bồng heo thuê” mà không phải chợ mua bán heo nào cũng có.
Có người nuôi heo không đem ra chợ bán, không kêu lái heo đến trả giá mà họ nuôi để làm thịt vào dịp Tết, hàng xóm, bà con đến xúm nhau làm hàng heo (miền Bắc gọi là đánh đụng), chia nhau mỗi nhà một ít ký để nấu cỗ cúng ông bà trong dịp Tết, khỏi lặn lội ra chợ mua thịt có thể mua trúng thịt heo bệnh hay quá đắt đỏ. Đầu heo, nọng thịt là món ngon quý của heo, hoặc để cúng, hoặc để biếu những người có chức quyền trong làng xã. Ngoài ra, thịt heo ngon ở cặp giò, lợn giò, bò bắp và thịt nơi má con heo, đầu gà má lợn … như dân gian đã nói. Bộ lòng heo thì đem nấu cháo, cháo lòng heo, cần phân biệt với cháo heo là cháo nấu cho heo ăn. Cháo lòng heo ăn rất ngon và rất bổ nên có lời khuyên các cô gái: Lấy ai mà chẳng một chồng/ Lấy anh hàng thịt ăn lòng sớm mai. Tuy nhiên, lòng lợn là thức ăn rất mát, người yếu không nên dùng có thể …. đột quỵ, giống như người yếu mệt mà làm chuyện … ấy, nên dân gian ta thường lưu ý: thứ nhất phạm phòng, thứ nhì lòng lợn là như thế!
Trong giỗ kỵ ở gia đình, gia tộc không thể thiếu thịt heo. Gia chủ dùng thịt heo để chế biến thành những đồ cúng, kính dâng lên Ông Bà Tổ Tiên trong lễ cúng. Có lễ cúng, phải dùng cả một đầu heo luộc. Cồng cộc bắt cá dưới bàu/ Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo là để nói lên nhà nghèo không thể mua đầu heo về làm đám giỗ được, chỉ mua được vài lạng thịt là may lắm rồi.
Trong lễ cúng thần thánh ở đình đài, đền miếu, không thể không có lễ tam sanh (hay tam sênh) như trong Lục súc tranh công đã chép: Vua ngự lễ Nam Giao đại hội/ Phải có heo mới gọi tam sanh. Đó là lễ dâng cúng lên ba loại thịt: thịt bò, thịt dê và thịt heo. Con heo để cúng đình miếu thường là nguyên con heo sống, toàn một màu lông (thường là màu trắng) và để nguyên con, không xẻ thịt (gọi là heo toàn sắc và toàn sinh). Con heo được tắm rửa thật sạch, vị chủ lễ sau khi khấn vái, thọc dao vào cổ heo lấy một ít huyết trong ly và bỏ vào đó một nhúm lông, đặt lên bàn thờ để làm lễ tế sanh. Tục đó gọi là tế mao huyết. Thực hiện việc đó, có người cho đó là nhớ lại loài người sống thời “ăn lông ở lỗ”, biểu lộ lòng biết ơn tổ tiên, hướng về nguồn cội. Con heo hiến tế đó, gọi là heo đồ. Có một bài văn cúng heo cho ông Địa được lưu truyền: Vái ông Địa, vía ông Đàng/ Cho con mà thi đổ ông Trạng/ Con về làng cúng heo/ Cái da, con cho dân nghèo/ Cái mình, con xẻ nửa, treo ngang nóc nhà/ Rước ông rồi lại rước bà/ Còn cái Thủ này, con tạ cúng ông!
Trong các hội làng, ở một số làng có những tục lệ liên quan đến con heo. Ở làng Niệm Thượng, thuộc xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, hằng năm, cứ đến ngày mồng 6 Tết, theo cổ lệ, dân làng tổ chức mở lễ Chém lợn tế Thần. Lợn được tế Thần, dân làng cung kính gọi là Cụ Ỉn. Cụ Ỉn do làng chọn từ hai con lợn nhỏ giao cho hai tráng niên độ tuổi 49 chăm sóc từ rằm tháng 8 âm lịch. Đến mồng 6 Tết, dân làng rước Cụ Ỉn lên núi Nghè, sau đó rước về đình làm lễ. Lễ rước, dẫn đầu có đội nghi trượng, ngai kiệu và phường bát âm. Người dân đứng chờ trước cổng nhà mình, chuẩn bị sẵn tiền lẻ, thức ăn để bỏ vào hộp ngay trên cũi Cụ Ỉn. Trước khi tế thần Cụ Ỉn” được ăn thức ăn do dân làng dâng cúng. Sau khi trưởng lão thắp hương khấn thần, hai tráng niên múa đao … chém lợn. Nếu lưỡi dao bén ngọt, Cụ Ỉn ra đi nhanh chóng, thanh thản và máu lợn xối ra hết thì đó là điềm báo vị thần hài lòng và năm nay sẽ được mùa. Sau đó, dân làng chen vào, lấy tiền quệt vào máu lợn rồi mang tiền ấy về nhà để thờ. Dân làng tin rằng tài, lộc, vận may sẽ đến với gia đình suốt năm. Đây là tục lệ đã có mấy trăm năm nay. Tục chém lợn là biểu hiện còn sót lại của tín ngưỡng phồn thực sơ khai. Máu lợn được cho rằng đồng nhất với mưa, với phôi sự sống nên có tác dụng làm cho cây trồng, vật nuôi thụ thai, sinh trưởng và sinh sản nhiều. Sau này, việc chém lợn trước dân làng cũng như trước khách du lịch rất phản cảm nên việc này làm ở trong đình, không có sự chứng kiến của người dân.
Ngoài ra, tại một số làng, cũng có những tục liên quan đến con heo. Như làng Tích Sơn, huyện Hưng Hóa, Phú Thọ có tục dân làng cùng nhau đuổi bắt một con heo được một người trong làng nuôi nấng và thả vào rừng. Ai bắt được, coi như gặp nhiều may mắn. Như làng An Ninh, xã An Bình, huyện Nam Thanh, Hải Hưng có tục, nhân ngày hội làng cúng thành hoàng Nguyễn Huy Tỉnh, một võ tướng của Trần Hưng Đạo đã từng lập công đánh quân Nguyên, dân làng diễn lại sự tích xin dâng lợn cho Nguyễn Huy Tỉnh để khao quân…Ở làng Duyên Yết, huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Tây cũng có tục lệ dâng thịt lợn lên tế thần nhắc lại tích dân làng làm cỗ khao quân tướng Nguyễn Hiển thời Hùng Vương. Vì để kịp hành quân đuổi giặc nên dân làng phải làm thịt heo, dọn mâm cỗ cho nhanh. Từ đó, hằng năm, cứ đến ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch, dân làng mở hội Chạy lợn. Chạy đây có nghĩa là thật nhanh, mổ lợn nhanh, làm cỗ nhanh. Ban giám khảo chỉ chấm điểm cao khi xem xét vết mổ phải gọn, kín đáo trông lợn như còn nguyên con, trừ đầu lợn bị chặt để tế thần. Còn mâm cỗ phải đầy đủ 10 thứ theo quy định, như phải có thủ, vĩ, tim, gan, bầu dục, thịt vai, thịt mông, thịt đùi…
Con heo đã được tác giả Vô Danh trong tác phẩm Lục súc tranh công ca tụng: Việc quan hôn tang tế vô hồi/ Thảy thảy cũng lấy heo làm trước. Hay heo đặng câu “sát thân thành nhân” là giết mình để hoàn thành đạo nhân. Như vậy, tác giả đã công nhận con heo có đức hy sinh, tự lấy thân xác mình để việc tế lễ có ý nghĩa, đưa đến cho mọi người được an lành, may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.
Ngoài việc tế lễ, con heo cũng đã biết hy sinh thân xác mình cho việc cưới xin, đưa đến cho đôi vợ chồng có cuộc sống hạnh phúc. Ngay việc nộp cheo cho làng, nếu cưới vợ không cheo, thì mười heo cũng mất do bị làng phạt. Cho nên dân gian ta thường hay chế giễu hủ tục này: Em về thưa mẹ cùng cha/ Bắt lợn đi cưới, bắt gà đi cheo/ Đầu lợn lớn hơn đầu mèo/ Làng ăn chẳng hết, làng treo cột đình/ Ông Cả đánh trống thình thình/ Quan viên mũ áo ra đình ăn cheo!
Trong việc cưới xin, phải có heo làm vật sính lễ: Em về thưa mẹ cùng thầy/ Có cho anh cưới tháng này anh ra/ Anh về thưa mẹ cùng cha/ Bắt lợn sang cưới, bắt gà sang sêu. Có những bà mẹ, vì tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng, để cho con gái mình phải than thở: Bây giờ kẻ thấp người cao, như đôi đũa lệch so sao cho vừa. Cũng giống như thế: Thầy mẹ em tham ruộng đầu cầu/ Tham nhà con một, tham trâu đầy chuồng/ Thầy mẹ em tham bạc tham tiền/ Tham con lợn béo, cầm duyên em già/ Để đến nay anh cưới em nửa con gà/ Dăm ba sợi bún, một và hột xôi. Lại có cảnh đồ sính lễ không xứng với việc “môn đăng hộ đối” làm lỡ duyên đôi lứa: Ai bưng trầu rượu tới đó, chịu kho khó mang về/ Em thương anh thảm thiết trăm bề/ Heo vay, cau tạm, áo mượn, võng thuê/ Thầy mẹ bên em nay nhún mai trề/ Dạ không nỡ dạ, em không dám chê anh nghèo. Nhưng không phải nhà gái nào thách cưới cũng đòi lợn, đòi gà: Người ta thách lợn thách gà, nhà em thách cười một nhà … khoai lang. Tình duyên thiếu êm đẹp thì cũng có những lời không êm đẹp: Còn duyên anh cưới ba heo/ Hết duyên anh cưới con mèo cụt đuôi hay còn duyên anh cưới ba heo/ Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi. Đâu còn những ngày anh thương em không biét để đâu, để trên thùng cám, để đầu chuồng heo. Con heo dự phần trong việc cưới xin “không đúng chỗ, không hợp cảnh hợp tình” cũng bị người đời phê phán: Rập rình nước chảy qua đèo/ Bà già tập tễnh mua heo cưới chồng. Hay trai tơ lấy gái nạ dòng/ Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu… Lòng heo để lâu dễ bị thiu, gây mùi khó ngửi. Còn gái nạ dòng là người đàn bà có chồng con và tuổi đã lớn. Đây nói về cuộc tình duyên trái cựa, cũng như câu trai tơ lấy gái góa chồng/ Như mua nồi đồng đem nấu cám heo. Nhưng đó là chuyện tình yêu, vì khi đã yêu nhau rồi thì có sá gì những chuyện vặt vãnh đó, miễn lả họ sống hạnh phúc là được rồi, mặc cho người đời chê trách. Trong cưới xin có bà mai, như bà mai này: Bà mai muốn ăn đầu heo/ Nói chuyện giàu nghèo, đưa đẩy, đẩy đưa!
Đời sống vợ chồng cũng có lúc: Đang khi lửa tắt cơm sôi/ Lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem/ Bây giờ lửa đã cháy rồi/ Lợn no, con nín, tòm tem thì … tòm.
Con heo cũng được làm thịt để chiêu đãi mừng lên quan chức, nhất là thi đỗ, dân gian gọi là ngã heo ăn mừng. Ngày xưa, sĩ tử thi đỗ cử nhân, tiến sĩ sắp ra làm quan, gia đình phải làm heo chiêu đãi họ hàng làng xóm, các chức sắc trong thôn xã, nếu không thì bị chê trách vô vọng bất thành quan. Có sĩ tử chắc là mình sẽ đỗ trong kỳ thi Hương nên gia đình lo sắm heo trước. Đến khi thi đến kỳ ba thì hỏng, nếu đậu thì được cái tú tài (đậu kỳ bốn thì được cái cử nhân, được ra làm quan) anh chàng chẳng được gì cả, liền phải nhắn gấp về nhà: Ai về nhắn nhủ mẹ cha/ Mua heo thì trả, trường ba con hỏng rồi.
Con heo cũng được đem cúng vái khi nhà có người bệnh hay gặp những điều bất hạnh, như trường hợp anh đau, em vái tận tình/ Vái cho anh mạnh, mở cửa đình cúng heo/ Em vái rồi, anh cũng vọt miệng vái theo/ Đau Nam vái Bắc biết mấy heo mới hết bệnh này!
Ngày lễ, ngày Tết thế nào cũng có việc ngã heo, nên ngày Tết đã đến sau lưng/ Con chó thời mừng, con lợn thời lo.
Trong xã hội xưa, việc phạt vạ của chính quyền xã thôn, có khi nạn nhân phải làm heo để chuộc tội, nên có câu chuyện ví von này: Nửa đêm trời đổ mưa giông/ Ông mụ nhà ếch tồng ngồng gặp nhau/ Có thầy lý trưởng đi đâu/ Bắt về đánh mõ hợp mau dân làng/ - Vì bây làm bậy giữa đàng/ Mổ lợn cho làng ăn vạ mau lên!
Phân của con heo cũng như phân của con bò, con trâu rất tốt cho cây trồng như người xưa đã nói: Bí phân trâu, bầu phân lợn. Chuồng lợn thì đầy phân, đầy bùn, đầy nước, heo nằm dầm mình trong đó, nên người đời cho heo sống dơ bẩn và đem ví người sống dơ như heo. Nhưng thực sự, loài heo không có tuyến mồ hôi hoạt động nên cứ phải dầm mình trong bùn nước như thế để làm mát cơ thể. Lợn rừng sống trong rừng núi cũng dầm mình trong bùn nước như thế. Điều này có nghĩa là cơ thể con heo có nguy cơ trở nên bị nóng quá mức và chúng phải ở dơ để làm mát, vì nước bùn bay hơi chậm hơn nước thường. Các nhà khoa học cho rằng một lớp bùn phủ lên bề mặt da giống như lớp kem chống nắng để giữ cho da con heo khỏi tác động của ánh nắng mặt trời hay giống như kem thoa chống muỗi để tránh bị muỗi chích. Tức là lợn ngâm mình trong bùn để giữ cho da chúng sạch chứ không phải do ở bẩn. Lẽ ra chúng có thể làm mát bằng cách khác, nhưng chúng không có lựa chọn nào khác vì phải sống trong chuồng đầy bùn nước, chật chội, tù túng… Do đó, con heo bị mang tiếng oan ở dơ như heo như người đời thường phê phán.
Hình ảnh, cuộc sống của con heo cũng được người đời ví von, ám chỉ những con người trong xã hội sống thiếu văn hóa, sống lười, sống dơ dáy, gặp gì ăn nấy chẳng biết chọn lọc…
Đó là những kẻ mượn đầu heo nấu cháo, lấy những thuận lợi, những gì tốt đẹp có sẵn của người khác để làm lợi cho mình: Hỡi người quần trắng dây lưng thao/ Cha mẹ thế nào, ăn mặc giàu sang? Hay là anh buôn bán ngoài đàng? Mượn đầu heo nấu cháo, nổi màng màng dễ coi!
Đó là những kẻ mà con lợn lòng không kiềm chế được, có những hành động xấu xa đê tiện, xâm phạm đến danh dự, thân xác người khác phái. Và con lợn lòng này đã được hổ trợ thêm bằng những tranh ảnh, truyện, phim, băng đĩa … con heo, một thứ văn hóa gọi là “cô xon” (cochon), đồi trụy phổ biến lén lút gây nhiều tác hại, làm hư hỏng nhiều người, nhất là giới trẻ.
Đó là những kẻ rao mật gấu, bán mật heo, những tên làm hàng giả, hàng kém phẩm chất để lừa người mua.
Đó là những kẻ thích đua đòi bắt chước một cách lố bịch những thứ “văn minh rởm”, thấy voi đú, chó đú…, lợn sề cũng hộc. Đú đây là đú đởn, vui đùa lẳng lơ, không lành mạnh, nghiêm túc.
Đó là những kẻ biết miếng thịt là miếng nhục, nhưng vẫn thủ thỉ ăn sỏ lợn, không từ một hành động nào để có ăn cho thỏa lòng tham…
Nói toạc móng heo ra, đó là những kẻ làm xã hội lụn bại, gây cản trở sự phát triển xã hội về mặt văn hóa, đạo đức, kinh tế…
Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật, hình ảnh con heo cũng là nguồn cảm hứng cho các nghệ nhân nặn tượng, vẽ tranh, khắc gỗ ..
Hàng năm, khi Tết đến, những bức tranh dân gian Đông Hồ rực rỡ bày bán khắp chợ quê, người dân mua về trang trí trên vách cho cảnh Tết thêm vui.
Những bức tranh lợn, lợn mẹ, lợn con nung núc, béo tốt như lời chúc tụng sang một năm mới ấm no, sung túc. Các em nhỏ càng thích thú, nâng niu con lợn đất được các nghệ nhân nặn thành những con lợn mũm mĩm, nằm bệt thỏa mái, ngếch mõm đòi ăn. Mỗi khi được người lớn mừng tuổi, các chú bé lại gửi cho lợn giữ hộ, để một ngày nào đó, lợn sẽ cho bé thỏa mãn một ước mơ. Hình ảnh con lợn đất này cũng được tìm thấy ở những di chỉ cổ của người tiền sử.
Ở các đình làng miền Bắc, hình ảnh con lợn, không phải là vật linh nhưng vẫn được các nghệ nhân chạm gỗ trên những kẻ, ván long trong đình. Qua những hình chạm khắc đó, ta thấy được con heo đã được con người nuôi nấng, săn bắt. Như ở hiên đình Cam Đà (Hà Tây) có chạm khắc hình con heo rất sống động, đang lững thững đi. Cũng tại Hà Tây, nơi đình Hạ Hiệp, có chạm cảnh quan quân cướp bóc, hình ảnh con heo mập mạp được chạm khắc vào coi như một “chiến lợi phẩm”. Ở đình Bình Lục (Quảng Ninh) một con heo được chạm đầy sức sống, đang vươn lên đớp mấy lá khoai. Đình Phất Lộc (Thái Bình), ở vĩ kèo, có hình chạm khắc con heo với hình xoáy âm dương trên thân, đang ăn cành rau do một phụ nữ cầm, tay kia bế con nhỏ đang bú. Đặc biệt, chạy suốt cái kẻ gian giữa đình Liên Hiệp (Hà Tây) có chạm khắc một cảnh đi săn heo rừng, hình ảnh rất sống động. Con heo bị săn tìm đường trốn chạy, nhưng chân sau bị một cánh tay lực lưỡng nắm chặt nhấc lên cao.
Hình ảnh con heo cũng được dân gian đưa vào câu đố.
Với lời giải là con heo nằm trong các câu: - Ai cũng phải bảo rằng lười/ Ăn xong rồi chỉ biết chơi biết nằm/ Ở nhà chẳng trọn một năm/ Muốn cho mau lớn phải chăm thật nhiều. - Mẹ đi trước đánh bồng đánh bạt/ Con đi sau vừa quát vừa la (heo nái, heo con). - Muốn sống lâu ăn ít (ăn ít thì không tăng trọng, lâu mới xuất chuồng)/ Muốn sống ít thì ăn nhiều (ăn nhiều thì mau mập sẽ sớm xuất chuồng)/ Nỏ (có nghĩa là khô khan) mồm mày chớ có kêu/ Nẫu cho ăn mập, sớm chiều thịt đây! Nẫu đâu có thương chi mày. - Tam thủ nhất vĩ, lục nhĩ lục nhãn, tứ túc chỉ thiên, tứ túc chỉ địa (Hai người khiêng con heo, có 3 cái đầu (tam thủ, 2 đầu người và 1 đầu heo), một cái đuôi (nhất vĩ, 1 đuôi heo), sáu lỗ tai (lục nhĩ, 4 lỗ tai người, 2 lỗ tai heo), sáu con mắt (lục nhãn, 4 mắt người 2 mắt heo), bốn chân heo đưa lên trời (tứ túc chỉ thiên), bốn chân của hai người khiêng heo đi trên đất (tứ túc chỉ địa)…
Trong một số câu đố người đố đưa hình ảnh con heo vào để đố như câu: Không phải mèo, giống mèo/ Không phải heo, giống heo/ Ăn đêm, báo tin dữ, lời giải là con chim cú mèo, có hai túm lông ở trên đầu trông giống như tai mèo, chim ăn thịt, có mắt lớn, thường kiếm mồi vào ban đêm, theo mê tín tiếng kêu của chim (giống tiếng heo kêu nên còn gọi là chim heo, chim lợn) đưa đến cho người dân những điềm dữ, những bất hạnh trong cuộc sống.
Trong các câu đố về chữ nghĩa, hình ảnh con heo cũng được đưa vào: - Cầm tinh tuổi Hợi con này/ Thêm huyền, đồ vật cầm tay là gì? Lá cành ủ rũ sắc chi? Không e là bệnh phải đi dưỡng đường (Chữ HEO, thêm dấu huyền thành HÈO là cây gậy cầm tay, thêm dấu sắc thành HÉO, lá cây héo úa, bỏ chữ E đi, thành HO, bệnh ho cần đi bệnh viện). - Đầu bò mà gắn đuôi heo/ Ai mà thấy nó lăn queo tức thì (Chữ đầu là chữ B, gắn vào chữ EO (đuôi chữ HEO), thành BEO là con beo rất hung dữ gặp người là bắt ăn thịt liền). - Em là vật học trò dùng/ Bỏ đầu sẽ bé nhất trong một nhà/ Khúc đuôi nếu bỏ nốt ra/ Úi trời, em mập như là con heo (Vật học trò dùng là cây BÚT, bỏ chữ đầu là B sẽ còn là ÚT, người con bé nhất trong nhà, nếu chữ ÚT bỏ khúc đuôi là chữ T thì thành chữ Ú là mập mạp như con heo). - Mình trên giống chuột rất hôi/ Mình dưới là người trên bác, trên cha/ Họp nhau cùng ở một nhà/ Làm nơi nuôi vịt, nhốt gà, thả heo (Lời giải là chữ CHUỒNG nuôi gà, nuôi heo. Mình trên là phần đầu, chữ CHÙ là con chuột CHÙ rất hôi, còn mình dưới là phần sau, chữ ÔNG, thứ bậc trên bác, trên cha). - Tôi là một thứ trái cây/ Hỏi vào ngoài nắng sẽ ra bệnh này/ Hỏi đi, dấu sắc tới ngay/ Thành ra thứ để cho bầy heo xơi (Tên trái cây là trái CAM, bỏ dấu hỏi vào sẽ thành CẢM là bệnh cảm khi dang nắng nhiều. Nếu lấy dấu hỏi đi, thêm dấu sắc vào thành CÁM, một thức ăn của loài heo)…
Hình ảnh con heo, một con vật thân thiết của con người, đã đi vào đời sống văn hóa, tình cảm, tín ngưỡng của dân tộc Việt như thế.
HÌNH ẢNH CON HEO TRONG NGÔN TỪ TIẾNG VIỆT
Trong ngôn từ Tiếng Việt, hình ảnh CON HEO cũng đã đi vào lời ăn tiếng nói thường ngày của người dân Việt từ xưa, đầy phong phú và gợi hình, gợi cảm. Tên gọi các loại heo cũng rất phung phú và đa dạng, tùy theo chủng loại, sắc da, màu lông, mập ốm, kích thước lớn nhỏ, giới tính, môi trường sống ….
Tuy là tiếng Việt, nhưng người dân miền Bắc gọi tên con vật này khác với tên gọi người dân trong miền Nam. Miền Bắc gọi là lợn, miền Nam gọi là heo.
Miền Bắc có lợn sề (lợn nái đã đẻ nhiều lứa), lợn nái (lợn cái nuôi để cho đẻ, còn gọi là lợn mạ), lợn thịt (lợn đã thiến nuôi để lấy thịt, còn gọi là lợn bột, lợn cấn), lợn lòi (lợn rừng), lợn giống hay lợn cà (lợn đực không thiến, nuôi để phối giống), lợn sữa (lợn đang thời kỳ còn bú, khi dứt sữa, gọi là lợn cai, lợn choai, lợn cốm), lợn vòi (hay còn gọi là lợn hôi, lợn mạch có hình dáng giống lợn rừng nhưng lớn hơn, sống đơn độc trong rừng rậm rạp), lợn ỷ (lợn to, mặt ngắn, mắt híp, mũi cong)… thì miền Nam có heo nhà (heo nuôi ở chuồng nhà), heo nái, heo đực, heo con, heo sữa, heo choai, heo lứa, heo rừng (còn gọi là heo nọc chiếc, heo lăn chai da rất dày, cứng do tìm chỗ dầu chai mà lăn), heo ruộng (heo nuôi ở đất ruộng), heo nuôi nân (heo đẻ nhiều lứa hay heo đực thiến nuôi riêng cho mập, nặng cân bán được giá hơn), heo đèo, heo đẹt hay heo cỏ (heo nhỏ nhất trong bầy, heo lớn nhất trong bầy là heo trội còn heo voi là heo cao to, lớn, nặng đôi tạ, lòng nhiều), heo bông (vá đen trắng xen nhau), heo lang (heo đen có vá trắng), heo vá chàm (heo có vá trắng trên đầu), heo đen tuyền (có màu da đen, và bây giờ heo đen cũng được gọi thay con heo do đồng bào dân tộc nuôi, xưa gọi là heo mọi)…
Ngay tiếng gọi con vật nuôi đó, không chỉ là heo, lợn mà còn được gọi là con ột, con ỉ, con ỉn, con éc, con quắn, con lang, con gỏi, con trư, con hợi, con thỉ …
Heo nhập giống từ phương Tây là heo tây, thuộc loại heo ngoại, như heo đại bạch, heo Đurôc, heo Eđen, heo Yoocsai … đem gây giống với heo ta, heo nội thành heo lai, như heo Ba Xuyên (Sóc Trăng cũ, mình heo có đốm đen trắng).
Heo nuôi để làm thịt, heo thịt thường là heo đực, nuôi đến gần khi chúng bắt đầu rượn thì đem thiến, lấy bộ sinh dục (heo bột), nếu là heo nái thì không để nái hay để giống, nuôi cho ú, đem bán, đó là heo thiến. Người ta còn dùng heo sữa là heo tơ, mới lớn đem quay, đút lò. Heo đực tơ dái lớn mà nhỏ con, phải thiến thì mới có thể nuôi được, đó là loài heo dái hay heo hạch. Còn heo đực nuôi để lấy giống, gọi là heo nọc hay heo giống. Loại heo này chuyên đi “đánh thuê”, được chủ dẫn đến nhà có heo nái đang thời kỳ “chịu đực” (gọi heo nước nái) để gây giống. Để đền công cho chủ heo nọc, chủ nhà đưa tiền hay nếu không nhận tiền, chủ heo nọc sẽ nhận con heo to hơn hết trong bầy khi heo nái sinh, heo đó gọi là heo bắt nọc. Gọi là heo đồ là heo để nguyên con đem cúng tế thánh thần.
Heo nái đẻ nhiều lứa, gọi là heo sề (người đàn bà sinh nở nhiều lần cũng gọi là gái sề). Heo béo, nặng cân, to con là heo ú, heo voi, heo đẫy, heo nưa, heo đú mỡ, heo căng mỡ, heo lăn mỡ … các loại heo sung sức, thịt đầy mỡ. Còn heo nhỏ con là loại heo cò hay heo cỏ. Heo gầy, ốm là heo còi, heo thừa vú, thiếu sữa do vú heo mẹ không còn thừa cho bú. Heo con chết khi mới đẻ ra, gọi là heo lót ổ. Heo gầy cũng do bị bệnh như heo gạo, do có sán lãi trong thịt như hạt gạo. Heo bệnh có thể chết, là heo toi. Heo chết vì trúng gió là heo gió, nhưng gió heo (hay gọi gió heo may) thì không dính dáng gì đến con heo cả, mà là tên gọi loại gió bấc, mang ít hơi lạnh, thường thổi về mùa thu, gió heo lành lạnh thổi về, thương người quan ải lòng tê tái sầu. Cũng như gọi cháo heo, không phải món cháo nấu bằng thịt heo cho người ăn, mà là món cháo nấu cho heo ăn. Cháo nấu cho người ăn, gọi là cháo lòng, cháo dùng lòng heo luộc chín xắt bỏ vào tô cháo. Nếu vào quán cháo lòng, nghe chủ nói hết lòng phục vụ thì phải hiểu là quán bán hết cháo rồi, hết lòng heo rồi, chứ không phải chủ đem hết lòng mình niềm nỡ đón tiếp khách đâu! Và khi nghe người miền Nam nói bậy như cháo heo là nói sự rối loạn, không nhịn nhau, vi phạm cang thường, lễ nghĩa trong gia đình.
Từ heo mà không phải con heo còn có nhiều trong ngôn từ Việt. Như nói heo dầu là nói đến một bộ phận phân phối dầu trong ô tô. Như nói heo đất là nói đến cái bủng bỉnh cho trẻ con bỏ tiền để dành. Đánh bài nuôi heo không phải dùng phương tiện cờ bạc có tiền mua heo về nuôi mà nói về canh bạc, những người chơi bài chung tiền, đặt vào nhiều lần, nếu ai trúng thì ăn trọn. Loài chim có chim heo, chim lợn (chim cú) là loại chim ăn đêm, có tiếng kêu giống tiếng heo kêu. Cây có cây măng nanh heo là măng tre dưới đất đâm lên, đầu măng nhọn như nanh con heo rừng. Có cây đầu heo là loại cây lớn, da trơn, có u lớn giống cái đầu heo. Có cây cứt heo (miền Bắc gọi là cây cứt lợn) là cây cao khoảng 50 cm, lá to có răng, mềm mịn, hoa tím chùm to, trái có năm vảy ở đầu, lá và rễ dùng trị bệnh kiết lỵ. Chất củi cho mau khô bằng cách chất chồng chuồng heo, cách chất củi chất hở khoản cùng cơi lên bốn phía giống như cái chuồng heo. Heo cũng còn được gọi loài cá, cá heo, loài động vật có vú sống ở biển, rất tinh khôn, dễ huấn luyện. Ở vùng nước ngọt cũng có cá heo, sống nhiều ở sông Hậu Nam Bộ và các phụ lưu. Cá chỉ bằng ba ngón tay, dài khoảng một tấc, không vảy, mình hơi xanh có nhiều nhớt, còn kỳ, vi, đuôi màu đỏ cam. Khi bắt lên khỏi mặt nước cá kêu éc éc như tiếng heo kêu nên có tên là cá heo. Rồi ngưới có mặt, mũi, miệng, tai … giống heo cũng được người khác gán cho người có mặt heo, mũi heo, miệng heo, tai heo …, lại còn “tô” thêm: mũi cong như mũi lợn, mắt như mắt lợn luộc hay trách, quở người mập mạp: béo như lợn, mập như heo… Và nhân vật Trư Bát Giới trong Tây Du Ký ai cũng biết. Về phim, hình ảnh, truyện cũng có phim con heo, ảnh con heo, truyện con heo, là những thứ phim ảnh truyện hạ cấp, đồi trụy, chuyên kích thích con lợn lòng của con người, để từ đó có những hành động dâm ô, tồi bại, vi phạm đạo đức, pháp luật.
Qua các tên gọi con vật, ta thấy tiếng Việt ta thật phong phú. Nếu ta đi vào các bộ phận của con heo, ta lại càng thấy sự giàu có của tiếng Việt hơn.
Ví dụ như tên gọi về mỡ của con heo (nuôi heo lấy mỡ, nuôi đứa ở đỡ chân tay) ta thấy nhiều tên gọi khác nhau. Tên gọi các loại mỡ trong con heo tùy thuộc vị trí nơi ta lấy mỡ, tùy thuộc hình dáng, độ dày mỏng của lượng mỡ. Loại mỡ mỏng, bèo nhèo, có nhiều chỉ thưa bám vào màng phía trong bụng heo, bao bọc trái tim và ruột heo, giống in hình cái chài cá của ngư dân, nên gọi là mỡ chài. Mỡ này có chỗ dày chỗ mỏng nhưng rộng, có thể trải phủ lên cái đầu heo khi bày cúng. Người ta còn cuốn thịt bò trong mỡ chài này để nướng, là món ăn khoái khẩu. Mỡ sa lấy ở bụng heo, dính theo nhau cả một miếng lớn. Còn mỡ xôi là lớp mỡ bao chung quanh ruột non và ruột già. Mỡ cấu thành tấm dày ở hai bên sườn heo là mỡ lá và bám vào thịt ở cạnh sườn heo là mỡ gàu. Mỡ ở gáy heo là mỡ gáy hay mỡ phần. Mỡ heo nguyên miếng, chưa thắng ra mỡ nước là mỡ cái. Mỡ thắng ra nhiều nước là mỡ cao, đó là mỡ heo dày lớp. Còn mỡ heo con, mỏng, thì thắng ra ít nước, gọi là mỡ thấp.
Trong con heo có nhiều loại mỡ thì trong con heo cũng có nhiều loại thịt. Con heo xả thịt ra, nếu thịt có ba lớp: da, mỡ, thịt thì gọi là thịt ba rọi hay ba chỉ. Ngoài ra, còn có thịt nạc, thịt nạc giăm (phần nạc thịt có làn mỡ mỏng xen vào giữa sớ thịt), thịt nạc vai, thịt mỡ (thịt phần nạc có dính mỡ), thịt bắp đùi, thịt cốc-lết (phần thịt nuộc lưng heo cắt hình tam giác có dính chút đầu xương sống và đầu xương sườn), thịt đầu (thịt lóc ở đầu có cả tai và mũi), thịt nách (thịt thẻo ở nách, có làn mỡ mỏng, ít béo), thịt nồi gọ (cục thịt nạc thật to ở phía trong và trên bắp đùi), thịt nuộc lưng (hai miếng thịt chạy dài hai bên xương sống), thịt bầy nhầy (thịt lộn với gân mỏng, thịt nhão nhợt)…
Miền Bắc gọi heo bằng lợn nên có bánh da lợn hay tranh dân gian Đông Hồ vẽ heo mẹ heo con thì gọi là tranh lợn. Về bánh da lợn, chưa thấy ai giải thích rõ được vì sao người miền Nam kêu lợn bằng heo, nhưng loại bánh ở miền Nam này lại mang cái tên đậm chất Bắc đến thế: bánh da lợn. Có người cho rằng vì người Bắc mang món ấy vào Nam nên giữ nguyên tên, cũng có người cho rằng cách kết hợp vần điệu chữ “da lợn” nghe êm tai hơn “da heo” và “da lợn” nghe văn hoa hơn, lịch sự hơn, “ngon lành” hơn, tránh gọi tên con vật mà người miền Nam gọi, giống như tên gọi món cháo đã trình bày ở trên. Thôi thì thế nào cũng được, chỉ biết rằng món bánh có cái tên ấy quả là món bánh ngon, hấp dẫn bao người. Điểm đặc trưng của chiếc bánh da lợn là phải có nhiều lớp chồng lên nhau, chia tầng rõ rệt, khiến chiếc bánh trông đẹp mắt vô cùng. Lớp bột óng, dẻo dai mà mỏng manh có chút liên tưởng tới miếng da con heo.
Người miền Nam cũng gọi tranh lợn như người miền Bắc, không gọi là tranh heo, nhưng người miền Bắc nói “nói toạc móng heo” hay “chạy xoạc móng heo” như người miền Nam nói, họ không nói “nói toạc móng lợn” hay “chạy xoạc móng lợn”.
Khi con heo được đưa lên phim đóng vai trong phim thiếu nhi, làm hiệp sĩ thì được gọi là hiệp sĩ lợn. Nhưng phim cho người lớn mang chất đồi trụy thì gọi là phim con heo.
Có tích giải thích từ con lợn sang con heo, là do ở miền Nam, có sự di dân từ ngoài vào, trong đó có những vùng âm nói rất nặng, như khi họ trình với quan ở miền Nam, “quan lớn” thành “quan lợn”. Quan cho đó là mỉa mai quan, không kính trọng, coi quan như con lợn, nên quan ra lệnh ai nói “quan lợn” là phải phạt mười hèo. Hèo là cây gậy dài bằng mây. Từ đó, người dân nhìn con lợn thì chỉ thấy cây hèo đập vào mông họ nên gọi con vật này một cách mỉa mai là “con hèo”. Rồi để phân biệt con lợn với cây hèo, họ bớt đi dấu huyền, gọi con lợn là con heo. Con lợn đi từ Bắc xuống Nam thành con heo là như thế.
Về ẩm thực, thịt heo đem chế biến, ta có thật nhiều món thịt khác nhau, với nhiều tên gọi khác nhau, ngon ngọt bổ dưỡng khác nhau: thịt luộc, thịt nướng, thịt quay, thịt đút lò, thịt ram, thịt xay, thịt bằm, thịt chà bông, thịt hầm, thịt kho, thịt kho khô, thịt kho tàu, thịt kho tiêu, thịt xẻ khô, thịt ram, thịt xào, thịt muối, thịt tái, thịt nguội, thịt đông, thịt giả cầy, thịt xông khói, thịt giăm-bông, thịt xúc xích, thịt lạp xưởng, thịt phá lấu, thịt phay, thịt ướp, thịt ướp lạnh, thịt xá xíu…, lại còn có món nem heo, chả heo, tré heo, tim heo trộn, canh cật heo, tiết canh heo…
Trong việc chế biến thịt heo cũng như các loại thịt khác thì người đầu bếp không thể nào quên: Thịt chó thì phải có riềng/ Thịt lợn thì phải có riêng món hành/ Thịt gà cần phải lá chanh/ Tía tô cà chuối mới thành ba ba, và không có gì lạ khi nấu thịt heo: Trâu teo heo nở, thịt trâu nấu thì bị teo lại, thịt heo nấu thì nở ra. Lòng heo được khen là ngon, nhưng con lợn có béo thì lòng mới ngon. Còn về gan heo, có người cẩn thận: Thương con thì cho con ăn tiết/ Giết con thì cho con ăn gan, vì khi con heo bị bệnh chất độc thường tập trung ở gan.
Chuyện heo cúi năm Hợi thật lắm chuyện. Cuối cùng, trong năm Hợi này, mong rằng người tuổi Hợi được như lời người xưa đã nói: Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn và chúc cho mọi người tránh được cái cảnh heo kêu, con khóc, nợ đòi/ Cả ba thứ ấy thiệt thòi đắng cay.
N.V.B
< Lùi | Tiếp theo > |
---|