Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong tâm tưởng của người viết, thay vì vẫn thường được vinh danh như một đấng minh quân hai lần lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh tan giặc Nguyên Mông hay vị tổ sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, hiện hữu trước nhất là với tư cách một người đứng đầu có tầm nhìn xuất chúng về giá trị của sự cộng hưởng dân chủ.
Tài năng quân sự của một vị vua không đơn thuần chỉ nằm ở việc người đó cầm quân ra sao, mưu lược thế nào, kế sách hiểm hay dùng tướng hay, mà cao hơn cả là khả năng tập hợp quần chúng ở một quốc gia mà quân đội chính quy ít khi thoát ly tuyệt đối khỏi khái niệm nhân dân.
Từ hội nghị Bình Than tập trung thảo luận kế sách đến Hội nghị Diên Hồng trưng cầu ý kiến của các bô lão trong thiên hạ, từ chính sách khoan hòa lấy dân làm gốc đến việc chọn tư tưởng nhập thế như ánh lửa phổ chiếu cho tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm; tất cả hợp thành một chỉnh thể tô đắp nên hình tượng Trần Nhân Tông với tư cách là một con người khắc tên mình vào lịch sử thông qua việc không chọn tách rời khỏi quần chúng. Như một lẽ tất yếu, khi Đức Phật Hoàng xuất gia, tư tưởng quán thông cho con đường tu tập của ngài nói riêng và là minh đăng cho dòng thiền sau này đều cô đọng lại ở trong cụm Hòa quang đồng trần, Cư trần lạc đạo, hay Niết Bàn thị sinh tử, sinh tử thị Niết Bàn.
Như Nguyễn Kim Sơn (2009) đã từng bàn sâu về vấn đề này, thực chất những tư tưởng nêu trên chẳng phải là một sáng tạo có tính đột phá về mặt tư tưởng khi mà lối nghĩ “Cư trần lạc đạo” do Đức Phật Hoàng khởi xướng vốn thoát thai từ triết học của Lão Tử với cách nghĩ “Hòa quang đồng trần”, tư tưởng Tùy tục của Trang Tử, cũng như tư tưởng Lạc đạo của Nho giáo (có chăng là không an bần). Tuy nhiên, cái chói sáng của Trần Nhân Tông chính là nằm ở sự dung hòa giữa tư tưởng của các nhà, thổi vào đó sự an nhiên của Phật tính để đưa ra một cách nhìn mới mẻ đầy bao dung cho lối tu nhập thế (Nguyễn Kim Sơn, 2017).
Là một vị vua đứng trên muôn người, con đường mà đức Phật Hoàng chọn không phải là con đường tự lánh, tự cao như Hòa thượng Thích Thanh Từ (1988) đã từng phân tích. Hòa thượng cho rằng người tu hành nhiều khi tự sa vào một lối tư duy có phần lệch lạc rằng khi đã chọn đường tu mà có chút thành tựu thì lại thấy rằng chỉ có mình là sen thơm giữa đầm còn chúng sinh chỉ là bèo dạt trôi sông. Lối nghĩ đó thực chất là chính mình không trong sạch mà tưởng mình trong sạch, rồi cho mọi người là nhơ bẩn.
Cái chấp mê bất ngộ ở đây nằm ở chỗ thực chất sự trong sạch của bản thân là cái chưa đạt được mà đã ngộ nhận đến độ tột cùng, chả khác gì mình không biết điểm khuyết của mình mà đã chấp điểm dở của người khác. Hậu quả nhãn tiền của hình thức tư duy này là tự mình không sửa được mà chỉ biết oán trách những người chung quanh. Lối tu lạc thế vậy chẳng những hại mình mà còn hại người, chẳng mấy chốc mà đánh mất cả bản ngã.
Kinh Phật nêu rằng phải tự thấu được lỗi của mình và đừng chấp nhặt lỗi của người khác; nếu không, chẳng phải sẽ tiến tới cách nhìn cực đoan rằng chỉ mình ta giác ngộ mà chúng sinh thì si đần, lâu dần sẽ chẳng còn muốn gần gũi với tha nhân hay sao?
Nếu đường tu dẫn tới kết quả cuối cùng là xa trần lánh thế, biết riêng mình ta thì đi tới nơi đâu mới thật sự là đoạn tuyệt với thực tại? Sự khu biệt về mặt tinh thần đó tưởng chừng là thanh tịnh, nhưng có lẽ lại chỉ là một khía cạnh của sự ái kỷ mà thôi. Sự giải phóng về mặt tư tưởng của Trần Nhân Tông với tư cách là một vị vua chính là nằm ở chỗ khi đang đứng trên tột đỉnh của danh vọng, Đức Phật Hoàng vẫn biết đâu là bước lùi. Bước lùi đó cũng không lấy xuất phát điểm là đỉnh cao để chỉ hướng tới những mốc diệu vợi, mà hơn cả là từ điểm cao, Người chọn bước vào!
Có nhiều cách hiểu cho cụm từ Hòa quang đồng trần, nhưng với cá nhân người viết, tôi hiểu việc mang ánh sáng tới chiếu cho bụi trần không phải là một sự ban ơn mà ở đó có kèm theo chút e dè rằng bụi kia sẽ làm mờ đục ánh sáng chiếu tới. Tôi hiểu sự an lạc mà Đức Phật Hoàng tìm kiếm là sự vì mình cũng là vì người mà đức Phật đã nêu trong câu Ngã bất nhập Địa ngục thùy nhập?
Trần thế của Trần Nhân Tông quả chưa đến mức phải bị coi là Địa ngục, nhưng những bộn bề của cuộc sống trần ai vẫn được chọn là điểm đến của đường tu có lẽ tựu lại ở suy nghĩ rằng nếu bụi trần được tinh luyện qua lửa, chả phải sẽ thành thủy tinh lấp lánh sao? Bản thân thứ tỏa sáng đầy giá trị đó chỉ có thể tạo thành từ sự kết hợp giữa lửa quang và bụi trần, đồng nghĩa với cách hiểu rằng chỉ khi nào thật sự đặt cả bản thân trong nhân gian thì sự kết hợp giữa người và cảnh đó mới chỉ ra lối vào Niết Bàn.
Là người sống ở hậu thế, người viết vẫn phải thán phục sự khoáng đạt mà sâu sắc đó trong tư duy của Trần Nhân Tông. Và có lẽ cũng chỉ có thể ở tầm tư duy như vậy, Đức Phật hoàng mới có thể khiến lịch sử phải ghi nhớ tới mình với hơn một tư cách. Sự kết hợp quân - tăng (lại là một sự kết hợp) một cách nhuần nhuyễn không khiên cưỡng đó tạo thành một thứ âm ba kéo dài vang vọng không chỉ đối với lịch sử cổ trung đại Việt Nam, mà hơn cả còn là lịch sử tư tưởng của dân tộc (Lê Mạnh Thát, 2010).
Để tạm kết, trong cái se lạnh của đêm những ngày Tết Kỷ Hợi này, tôi chợt nhớ tới mấy dòng của nhà văn Đài Loan Cổ Long:
Gió vốn không có tiếng
Cây cũng không có tiếng
Gió thổi qua cây tạo thành tiếng
Vậy đó là tiếng của gió hay tiếng của cây? (1)
Hà Nội, mùng 6 Tết
Kỷ Hợi 2019
Chú thích: (1) Cách dẫn ý để giải thích chữ Duyên phải gồm đủ:
* điều kiện cần có (gió, lá cây)
* cơ hội thuận lợi (gió thổi vào lá)
PGS.TS.Trần Thúy Anh , TS.Phan Quang Anh
Tài liệu tham khảo:
- Lê Mạnh Thát (2010). Toàn tập Trần Nhân Tông. Hà Nội: NXB Phương Đông.
- Nguyễn Kim Sơn (2009). Cội nguồn triết học của tinh thần thiền nhập thế Trần Nhân Tông. Tham luận Hội thảo kỉ niệm 700 năm ngày mất của Trần Nhân Tông, Hà Nội.
- Nguyễn Kim Sơn (2017). Trần Nhân Tông - Thiền lạc và Thi hứng. Hà Nội: NXB ĐHQG Hà Nội.
- Thích Thanh Từ (1988). Xuân trong cửa thiền.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|