Nhà thơ viết sử
Giới nhà văn trẻ thành phố hứng lên nói vui nhà văn Sơn Nam là “ông già 300 năm” và nhà thơ Lê Minh Quốc là “ông trẻ 300 năm” để ám chỉ người có nhiều tác phẩm lịch sử và văn học chào mừng Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh 300 tuổi.
Lê Minh Quốc sinh năm 1959. Quê Đà Nẵng. Hiện là phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM. Hội viên Hội Nhà văn thành phố, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Anh đã đoạt được Giải thưởng Hội Nhà văn - Hội Điện ảnh thành phố.
Khởi đầu nghiệp làm thơ và báo chí, LMQ đã cho ra đời 5 tập thơ gồm: Ngày mai còn lại mình tôi. Trong cõi chiêm bao. Tôi vẽ mặt tôi, Thơ tình Lê Minh Quốc. Nếu không còn cổ tích trong vòng 8 năm (1990-1998).
Ba năm trở lại đây, LMQ đột ngột quay sang viết về lịch sử và đã in được 3 tập tiểu thuyết lịch sử được xã hội chấp nhận: Nguyễn Thái Học, Tướng quân Hoàng Hoa Thám, Nguyễn An Ninh - dấu ấn để lại (Sài Gòn 300 năm).
Trong thời điểm Sài Gòn 300 năm, LMQ viết và giới thiệu 25 đầu sách lớn nhỏ gồm sách sử và văn học (văn học 5) với hàng ngàn trang.
Theo chủ đề Sài Gòn 300 năm, LMQ còn viết kịch bản phim Người đi tìm hình của nước. Phim nói về Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ) những ngày ở Sài Gòn trước khi xuống bến Nhà Rồng. Kịch bản phim đoạt giải thưởng trong cuộc thi kịch bản Điện ảnh thành phố 1998. Ngoài ra làm phim Mèo vồ Cọp, phim ngụ ngôn cho Đài Truyền hình Thành phố.
Lưu Ngọc Vang
(nguồn: báo Doanh nghiệp chủ nhật 7.3.1999)
Nhan sắc phụ nữ trong cuộc đời danh nhân
(Đọc Mối tình của các danh nhân Việt Nam - Lê Minh Quốc - NXB Thanh niên 2000)
Có lẽ, đây là quyển sách đầu tiên đề cập khá nhiều chuyện tình của những danh nhân Việt Nam. Muốn được như vậy, rõ ràng người biên soạn phải tham khảo một khối tượng tư liệu rất đa dạng. Khi đề cập đến chuyện khá tế nhị này, công chúng khó chấp nhận người viết hư cấu hoặc thêm chi tiết không có thật. Chúng ta có thể thấy sự cẩn trọng của tác giả qua “tài liệu tham khảo” đáng tin cậy dưới mỗi bài viết. Đó cũng là một cách thể hiện của nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc.
Trong đời sống, tình yêu và trách nhiệm đã làm cho con người sống trọn vẹn hơn. Dường như phía sau sự nghiệp của các danh nhân đều có nhan sắc của một người phụ nữ với vai trò rất lớn. Nếu nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa không có bà Nguyễn Thị Tồn, nhà giáo Lương Văn Can không có bà Lê Thị Lễ, nhà nông học Lương Định Của không có bà Nobuko Nakamura, nhà văn Nam Cao không có bà Trần Thị Sen, nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan không có bà Hằng Phương, nhà văn Vũ Trọng Phụng không có bà Vũ Mỹ Lương, nhà văn Nguyễn Tuân không có bà Vũ Thị Huệ… thì có lẽ họ khó tạo dựng nên sự nghiệp của mình. Chính người phụ nữ Việt Nam đã biết sống quên mình, lo toan tất cả mọi điều để người “bạn đời” của mình yên tâm lo sự nghiệp lớn.
Nhà văn Nguyễn Tuân đã phát biểu rất thấu tình đạt lý: “Chúng tôi sống với nhau hòa hợp cho đến bây giờ cũng là lúc đầu bạc răng long rồi chứ còn gì nữa. Chung quy phải nói là do ở nơi bà cả. Tôi là thằng phá đình phá chùa, vì vậy cái người chịu đựng được tôi lại còn chung thủy và tận tụy săn sóc mình, thì cũng như người đúc tượng đúc chuông chứ còn gì nữa” (trang 388).
Và điều lạ lùng trong tình yêu, là dù không nên duyên nợ, nhưng nhan sắc của người tình đầu cũng là cảm hứng để các danh nhân của chúng ta có những trang tuyệt bút trong văn học sử. Chúng ta lại nhớ đến mối tình đầu của nhà thơ Phạm Thái với bà Trương Quỳnh Như, nhà thơ Tản Đà với bà Đỗ Thị Chính, nữ sĩ Tương Phố với ông Thái Văn Du, nhà thơ Phạm Hầu với bà Tôn Lệ Minh, nhà thơ Bích Khê với bà Song Châu v.v… Đúng như Lê Minh Quốc đã viết: “Mối tình đầu chỉ thoáng qua nhưng nó lại sâu sắc biết chừng nào” (trang 73).
Với 430 trang sách, kể lại 83 mối tình của danh nhân Việt Nam, chúng ta không thấy ở đó sự phản trắc, lọc lừa, mà khi yêu, họ đã yêu “hết mình”, bằng tất cả rung động của trái tim. Chẳng hạn, dù không đến được với chí sĩ Phan Bội Châu, nhưng o Diên vẫn giữ nguyên vẹn trong tâm trí hình ảnh tuyệt đẹp: “Ngày xưa, cụ Phan là nhà nho xinh trai, tài bộ, chữ tốt, văn hay, đàn địch giỏi. Gia dĩ tâm tình lại vui vẻ hoạt bát vô cùng. Bao nhiêu con gái trong vùng đều phải ngây ngất say sưa. Đó là họ chưa thể đoán trước được, cụ sẽ là bậc chí sĩ của nước nhà” (trang 43). Hoặc trường hợp bà sư già chùa Huê Cầu khi gặp lại người tình đầu là Hải Thượng Lan Ông, bà chỉ bùi ngùi: “Tôi không có chồng, phải cô độc, khổ sở như thế này cũng bởi số mệnh của tôi, chứ có dám trách ai đâu!”. Và bà cụ chỉ xin một cỗ áo quan để lo hậu sự (trang 139). Thật cảm động xiết bao.
Được biết, 83 mối tình của danh nhân đã từng được in nhiều kỳ trên tuần san “Sài Gòn Giải phóng” và được dư luận đánh giá tốt. Hiện nay, Lê Minh Quốc vẫn tiếp tục viết để có thể in tiếp tập thứ hai.
Phan An
(nguồn: báo Phụ nữ TP.HCM 25.3.2000)
Chuyện tình của các danh nhân Việt Nam
Lần đầu tiên có một nhà thơ đã viết nên hơn 200 chuyện tình của những người danh tiếng. Nhà thơ đó là Lê Minh Quốc. Khởi đầu, Lê Minh Quốc “viết giúp” cho tờ Tuần san Sài Gòn Thứ Bảy, mục “Mối tình đầu của các danh nhân VN”.
Khai thác khía cạnh mối tình đầu hẳn là thú vị, tuy nhiên đôi khi cũng có sự nhầm lẫn giữa mối tình đầu với... mối tình thứ hai, thứ ba, mà nhiều khi tình đầu cũng là... tình cuối. Sau, để cho “chắc ăn”, tác giả đổi thành “chuyện tình”...
Nhà thơ Lê Minh Quốc đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết để truy tìm tài liệu về nhân vật, phục hồi bối cảnh, không khí... để làm sống lại những câu chuyện tình (hầu hết đều rất xa xưa, có người đã ngót nghét ngàn tuổi). Trong tập sách này, bạn đọc có thể “truy cập” được chuyện tình của những danh nhân VN, từ Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, thiền sư Vạn Hạnh, Ỷ Lan... đến Đoàn Thị Điểm, Hải Thượng Lãn Ông, Lê Quí Đôn, Phan Huy Ích... rồi Nguyễn Du, Lê Ngọc Hân, Nguyễn Công Trứ... Cứ như thế, hơn 200 câu chuyện tình của hơn 200 danh nhân sẽ được phục hiện qua những trang văn giản dị của Lê Minh Quốc.
Ngày nay, đọc lại chuyện tình của các danh nhân, quả tình thấy “không ai yêu bằng các cụ” (Bao giờ cho tới ngày xưa / Yêu như các cụ cho vừa lòng ta - thơ Nguyễn Duy). Đặc biệt là tình yêu của họ, dù phù vân thoáng chốc, dù chia cắt ai oán, dù sâu sắc mặn nồng..., tất cả đều thực lòng, thực bụng, không hề nhuốm một chút toan tính, lọc lừa. Đấy cũng là điều mà nhà thơ Lê Minh Quốc thật sự tâm đắc khi thực hiện tập sách này.
TRẦN NHÃ THỤY
(nguồn: http://vietbao.vn/Giai-tri/Chuyen-tinh-cua-cac-danh-nhan-VN/40098268/236/
Khi viết về tình yêu của những người nổi tiếng
(Tác phẩm Mối tình đầu của các danh nhân của Lê Minh Quốc - NXB Thanh Niên 2000)
Trong hơn bốn ngàn năm giữ nước và dựng nước, dân tộc ta đã sinh ra những người con ưu tú trên nhiều lĩnh vực. Nói như nhà chính trị thiên tài Nguyễn Trãi thì hào kiệt không bao giờ thiếu và thời nào cũng có. Ở lĩnh vực quân sự, chúng ta có thể kể đến những anh hùng kiệt xuất như: Ngô Quyền, Lê Lợi, Trần Quốc Tuấn, Quang Trung, Đề Thám… Ở lĩnh vực văn hóa, chúng ta có thể tự hào với: thi hào Nguyễn Du, thi sĩ Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Đình Chiểu, Tản Đà, Tú Xương, Yên Đổ, Nguyễn Tuân… Và dân tộc ta cũng là con dân của một đất nước có truyền thống hiếu học, chúng ta làm sao quên những bậc tài danh như: Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, Hứa Tam Tinh, nhà đạo học Cao Xuân Huy, học giả Vương Hồng Sển, nhà văn Nguyễn Hiến Lê...
Tuy nhiên, từ trước đến nay công đức của các bậc danh nhân này, nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập đến nhưng chưa mấy ai chú ý đến cuộc đời riêng của họ, mà cụ thể là mối tình đầu. Chính vì lý do đó, tập sách Mối tình đầu của các danh nhân do nhà thơ Lê Minh Quốc biên soạn đã ra đời không ngoài mục đích giúp các bạn thanh niên hiểu thêm tình cảm sâu kín của họ - những tình cảm rất thật trong đời thường, rất đáng cho hậu thế chúng ta trân trọng và cần biết khi nghiên cứu sự nghiệp của họ. Với ý thức “Tình yêu - đó là thơ ca của cuộc đời. Cuộc sống thiếu tình yêu, không phải là cuộc sống mà chỉ là sự tồn tại. Không thể sống thiếu tình yêu, vì con người sinh ra có một tâm hồn chính là để mà yêu” (M.Gorky) và “Thế giới không có người biết yêu thì mặt trời sẽ tắt” (V.Hugo), chúng ta hy vọng tập sách sẽ đáp ứng được phần nào sự quan tâm của bạn đọc.
Trong khuôn khổ có hạn của tập sách, Lê Minh Quốc chỉ mới đề cập đến 83 danh nhân nổi tiếng trong lịch sử nước nhà. Qua đó, chúng ta có thể thấy được những tình cảm trong sáng, những rung động đầu đời rất mãnh liệt; những mối tình chung thủy son sắt đáng cho đời sau nhớ mãi. Làm sao chúng ta có thể quên được những giai nhân đã góp phần không nhỏ các bậc danh nhân làm nên sự nghiệp lớn? Có thể khẳng định họ là những người lặng lẽ đứng phía sau, nhiều lúc không ghi lại tuổi tên, nhưng công đức của họ thật lớn lao. Nếu không có những phụ nữ biết quên mình, biết chịu đựng để lo toan cho chồng như bà: Dương Như Ngọc (vợ Ngô Quyền), bà Ba Cẩn (vợ Đề Thám), bà Lê Thị Ty (vợ Phan Châu Trinh), bà Lê Thị Lễ (vợ Lương Văn Can)… thì liệu các danh nhân này có để lại sự nghiệp hiển hách như ngày nay?
Điều khiến chúng ta cảm động là dù không lưu lại tuổi tên như người tình đầu, người vợ của Vũ Khâm Lân, Cao Bá Quát, Tú Xương, v.v… nhưng họ mãi mãi là hình ảnh đáng tự hào của phụ nữ Việt Nam ta. Và cũng qua các mối tình này, ta thấy được tấm lòng thủy chung son sắt của bà Lê Ngọc Hân, Trương Thị Sáu, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Định, v.v… khi dành hco người tình đầu, người chồng của họ.
Có thể nói, các bậc tài danh này cũng yêu và biết sống trọn vẹn cho tình yêu không khác thế hệ chúng ta. Điều này giúp ta thấy họ thêm gần gũi và qua đó, chúng ta có thể lấy làm gương cho mình. Bởi lẽ, trong tình yêu của những danh nhân này ta không thấy sự lọc lừa, phản trắc mà thấy ở đó là sự quên mình vì sự nghiệp của người mà mình đang yêu. Nhân đây, chúng tôi cũng xin nói rõ, khi đề cập đến tình yêu - một vấn đề khá tế nhị – nên Lê Minh Quốc cho biết là anh đã không hư cấu thêm. Bất cứ mối tình nào trong tập sách này đều được căn cứ vào những tài liệu sử học, văn học đáng tin cậy. Bạn đọc có thể kiểm chứng lại qua mục “tài liệu tham khảo”.
Mối tình đầu của các danh nhân của nhà thơ Lê Minh Quốc được phát hành rộng rãi đến bạn đọc, có thể nói là tập sách lần đầu tiên tập hợp khá nhiều “chuyện riêng” của những nhân vật nổi tiếng. Anh tâm sự: “Do đó khó tránh khỏi những thiếu sót, dù chúng tôi đã cố gắng hết sức mình, rất mong được sự chỉ giáo, giúp đỡ chân tình của các bậc học giả uyên bác và của bạn đọc xa gần. Chúng tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc”. Với tư cách là một người đọc, tôi nhận thấy ở tập sách trên 400 trang này có nhiều điều rất thú vị, vì dù viết về chuyện tình của danh nhân, nhưng Lê Minh Quốc đã không quên nhấn mạnh đến sự nghiệp vẻ vang của các danh nhân này.
Hữu Phước
(nguồn: báo Công An TPHCM, số 825, 21/3/2000)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|