TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM - 2. Một bộ hữu ích

KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM - 2. Một bộ hữu ích

Mục lục
KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM
1.Lê Minh Quốc Kể chuyện danh nhân việt Nam
2. Một bộ hữu ích
3.Nhà thơ Lê Minh Quốc: 10 năm kể chuyện danh nhân
4. Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Kể chuyện danh nhân Việt Nam”
5. Lê Minh Quốc - nhà thơ mê… lịch sử
Tất cả các trang

 

Một bộ sách hữu ích

Bộ sách Kể chuyện danh nhân VN của Lê Minh Quốc vừa được in trọn bộ 10 quyển dày 2.574 trang, đề cập đến 207 nhân vật thuộc 10 lĩnh vực: các vị tổ ngành nghề VN, những người VN đi tiên phong, danh nhân khoa học VN, danh nhân văn hóa VN, danh nhân quân sự VN, danh nhân cách mạng VN, những nhà cải cách VN, các vị nữ danh nhân VN, danh nhân sư phạm, các nhà chính trị.

Cách đây chừng mười năm, khi bắt tay thực hiện bộ sách này, Lê Minh Quốc nói với tôi: “Trong nhà trường đang rộ lên tình trạng các em học sinh chuyền tay nhau “sách đen” về tình dục, khiến các bậc phụ huynh hết sức lo lắng. Vì thế, Thành Đoàn và NXB Trẻ đã gặp gỡ một số anh em viết văn để đặt hàng viết sách cho tuổi mới lớn. Bởi muốn chống cái xấu, phải có tác phẩm tốt để các em đọc”.

Bộ sách này được biên soạn trong tâm thế như thế. Lê Minh Quốc đã chọn lối viết “biên niên tiểu sử” về nhân vật và thể hiện theo cách “kể chuyện”. Cách viết này hợp lý, bởi không chỉ chuyển tải các sự kiện lịch sử bằng những con số khô khan, mà phải tái hiện một không gian sinh động. Cũng nằm trong ý đồ này, anh đã nhọc công sưu tập hàng trăm hình ảnh, tranh vẽ liên quan đến các nhân vật và sự kiện lịch sử được đề cập trong bộ sách. Trong đó, đáng chú ý là tranh dân gian, khắc gỗ, card poster in đầu thế kỷ XX. Đó cũng là cách để người đọc có thể hình dung được bối cảnh xã hội thời ấy. Trong quá trình biên soạn, Lê Minh Quốc cũng liệt kê điểm khác nhau (nếu có) về một sự kiện chính trị, văn hóa... - từ các nguồn tư liệu đã có. Do không phải là nhà sử học, nên anh chỉ nêu vấn đề, chứ không kết luận, để bạn đọc có thể tham khảo.

Thêm một điều cần ghi nhận là trong bộ sách này, có những nhân vật lâu nay ít được nhắc tới, do thiếu tư liệu như Đặng Minh Khiêm - người mở đầu loại thơ vịnh sử Nam bằng chữ Hán, Tống Hữu Định - người có sáng kiến "ca ra bộ" trên sân khấu cải lương, Vũ Đình Long- người đầu tiên soạn kịch theo lối Âu Tây, Tạ Duy Hiển - cánh chim đầu đàn của nghệ thuật xiếc VN, Hoàng Tích Chu - người tiên phong cách tân báo chí VN...

Dù theo tiêu chí nhân vật trong tập sách phải là người đã khuất, nhưng Lê Minh Quốc vẫn "phá lệ" khi đưa vào bốn nhân vật còn sống, được thế hệ trẻ ngưỡng mộ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà toán học Hoàng Tụy - cha đẻ của lý thuyết "Tối ưu toàn cục", giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - người đi đầu trong khoa học vật lý hạt nhân và Thiếu tướng Võ Bẩm - vị tư lệnh đầu tiên mở đường Trường Sơn huyền thoại.

Có thể ghi nhận, bộ sách này đã góp một phần nhỏ nhằm trang bị kiến thức cho bạn đọc trên hành trình tìm về lịch sử nước nhà.

Đoàn Tuấn
(nguồn: báo Phụ Nữ TP.HCM 27.3.2009)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com