Hành trình của con kiến và Hành trình của nhà thơ…
Hình ảnh con kiến và hình ảnh người làm thơ có mối liên hệ gì với nhau, thưa anh?
- Từ cõi mây nhìn xuống trần gian này, ta sẽ thấy dòng người ngược xuôi ngoằn ngoèo như những đàn kiến đang hành quân. Hành quân nhưng không mang theo vũ khí để tự vệ, ngoài sự lương thiện. Đó là hành trình của những thân phận phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” kiếm sống; là thân phận của “con ong cái kiến” trong xô bồ và hỗn độn của cuộc sống từ một ngày đến một đời. Và cứ thế, cuộc đời đi qua, không để lại một dấu vết rõ rệt. Hình ảnh ấy khiến tôi nghĩ đến hình ảnh lặng lẽ, lầm lũi của nhà thơ trên hành trình trong cõi dâu bể của thi ca. Đó là một hành trình tự nguyện và tự nhận thức về mình, với sự ám ảnh: Con kiến đo từng ki lô mét / Bao giơ đo cho hết quả địa cầu? / Giọt sương sớm hữu hình trong nháy mắt / Tiếng chuông nào vọng đến ngàn sau?
Cứ cho là như thế đi. Vậy khi anh bảo: “Chỉ riêng tôi mới cảm nhận được cô đơn thuần túy”, thì phải hiểu thế nào là “cô đơn thuần túy” của một nhà thơ?
- Khi viết “cô đơn thuần túy”, tôi muốn nói đến một điều sâu kín nhất, riêng biệt nhất của mỗi con người (chứ không riêng gì nhà thơ) mà chỉ tự họ mới cảm nhận được chứ không thể chia sẻ với ai khác, ngoại trừ chia sẻ với chính mình.
Ai cũng biết thơ đang trong thời kỳ “lạm phát”. Anh cũng tự biết thân biết phận “làm thơ không phải để cạnh tranh”. Thế thì tại sao vẫn cứ mải miết “suốt đời chạy theo thơ” để rồi tự chuốc lấy “dấu ấn của sự thất bại não nề của những giấc mơ không bao giờ đạt đến”?
- Đó là số phận. Số phận của một kẻ ngốc nghếch luôn sống trong ảo trưởng của cái cõi thơ không bờ bến. Dù ảo tưởng hay dù ý thức được sự thất bại não nề, nhưng vẫn lao vào thì đó là bản lĩnh của một kẻ “chịu chơi”. Dám chơi. Mà ý nghĩa đích thực của cuộc đời, của cái sự chơi là gì? Là chơi. Chứ không phải chuẩn bị chơi hoặc đạt được gì sau khi chơi. Làm thơ thì cũng vậy thôi. Nó không còn một sự lựa chọn nào khác.
Ngông nghênh, ồn ào, khoa trương; vừa làm thơ vừa viết sách “hàng chợ” để kiếm ăn…; để rồi ngày ngày lại “dằn vặt”, “tự vấn” và “soi gương tự tát vào mặt mình”. Lê Minh Quốc - nhà thơ là thế à?
- Trong cái sự “ngông nghênh, ồn ào” của y, ai là người nhận ra những tiếng thở dài não nuột? Trong “viết cả sách hàng chợ” của y, ai là người nhìn thấy những giọt mồ hôi thấm qua từng con chữ? Hãy thương nhà thơ. Hãy nhìn họ qua thơ họ. Qua thơ họ hãy nhìn khoảng trống giữa hai dòng chữ để hiểu họ…
Từ Trong cõi chiêm bao đến Hành trình của con kiến, tức là gần hai chục năm làm thơ, anh đã vẽ được “cái mặt mình” chưa?
- Điều may mắn là tôi chưa hài lòng với “cái mặt mình”, vì thế mới có “Hành trình của con kiến”. Còn gì buồn hơn, bi đát hơn và não nùng hơn khi anh tự hài lòng với gương mặt đang có? Với tôi vẫn là Mặt mày sao giống mặt tôi / Tìm đâu cho trọn ngày vui hẹn hò / Bây giờ trái đất buồn xo / Vẽ tôi an phận nằm co mỏi mòn (1994).
Tất nhiên, không khó, với một người làm thơ, để “hô” những câu như: “Nếu cầm bút chỉ vì mê nổi tiếng / mê quan trường vênh váo hái ra danh hái ra tiền / hái ra tình / nào ai biết sẽ có ngày sẽ hái / chính số phận của mình” hay “vì anh, mẹ thao thức / vì anh, em bạc tóc / vậy anh sợ gì bão táp / sợ gì chân trời giông tố cuồng điên / sợ gì đêm đen ngược xuôi đơn độc / chẳng sợ gì…”. Anh không sợ người ta bảo là “sáo” à?
- Một ngàn năm sau nữa, người phụ nữ có thể đẹp hơn, thông minh hơn, v.v… nhưng có một phẩm chất không thay đổi. Là gì vậy? Là sự thủy chung. Chẳng lẽ đó là “cái sự sáo” ư? Trước người tình, lắp bắp vì chân thành, tim run vì thành thật quá đỗi để thốt lên “Anh yêu em” - chẳng lẽ cũng là “sáo” ư? Mà trên đời này cũng lạ, khi một sự vật được gọi đúng với tên gọi của nó vẫn là điều khó nhất. Những câu thơ trên, được viết một cách giản dị và chân thành nhất. Mấy ai nhận ra như thế không? Tôi vẫn tin là có.
Lan Ngọc (thực hiện)
(nguồn: báo Thể thao & văn hóa 20.10.2006)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|