Có thể ghi nhận Việt sử diễn nghĩa là bộ sử ca cuối thời Nguyễn.
Cùng với các bộ sử Thiên Nam ngữ lục, Thiên Nam minh giám, Đại Nam quốc sử diễn ca… bộ Việt sử diễn nghĩa được viết bằng chữ Nôm ra đời vào đầu thế kỷ XX là sự kế thừa và tiếp nối truyền thống phổ biến lịch sử đến đông đảo quần chúng dưới dạng thể tài sử ca. Đáng tiếc đến tận bây giờ, bộ sử này vì nhiều lý do vẫn chưa được biết đến một cách rộng rãi.
Nhà nghiên cứu Phan Đăng cho biết: “Từ năm 1976, khi gặp được nguyên bản Việt sử diễn nghĩa, chúng tôi đã lưu tâm tìm hiểu về văn bản, tác giả, rồi tiến hành phiên âm, chú thích, phân đoạn, đối chiếu… Trên cơ sở những gì có được, từ 1983 đến nay, chúng tôi đã giới thiệu tác phẩm này qua một số bài nghiên cứu in trên các tạp chí trung ương, các thông tin và tạp chí khoa học ở một số trường Đại học, hoặc bằng tham luận trong các hội thảo khoa học. Tất cả chỉ với một ước muốn là có được điều kiện thuận lợi để có thể trình bày, giới thiệu một cách đầy đủ, trọn vẹn Việt sử diễn nghĩa và Việt sử diễn nghĩa tứ tự ca đến với người đọc, đồng thời cung cấp nguyên bản tác phẩm để cùng nhau gìn giữ loại văn bản quý hiếm của cha ông để lại...”.
Tác phẩm Việt sử diễn nghĩa viết về lịch sử Việt Nam từ họ Hồng Bàng cho đến hết nhà Hậu Lê, kết thúc với việc đưa hài cốt Lê Chiêu Thống từ Trung Quốc về nước (thế kỷ XXIX trước Công Nguyên - TCN - đến đầu thế kỷ XIX).
Các tác giả của Việt sử diễn nghĩa là các ông Tôn Thất Hân (1854-1943); Hồng Nhung (1844-1923);Hồng Thiết (1850-1937). Tuy gắn bó với triều Nguyễn nhưng họ đã có cái nhìn khách quan về từng sự kiện, con người; không vì thiên kiến mà làm mất đi tính khách quan của lịch sử, ví như đề cao Nguyễn Huệ với trận phá quân Mãn Thanh (câu 1781-1796):
Huệ truyền lệnh đến ngày mai,
Cho voi đi trước, quân bồi theo sau.
Rạng đông đến trước lũy Tàu,
Huệ ra giục trống trận đầu đốc quân.
Mãn Châu thiết kỵ thành quần,
Voi rào rào tới, ngựa lần lần lui.
Đều vào nơi lũy Ngọc Hồi,
Bốn bề phát súng, trong ngoài trở chông.
Huệ truyền thừa thắng xung phong,
Toóc rơm lăn trước, bác đồng kéo sau.
Xông vô tên đạn đánh nhào,
Phá tan đồn lũy độ đâu mấy giờ.
Huệ quân khi ấy thừa cơ,
Đồng lòng hết sức khu trừ đôi nơi.
Thanh triều tướng soái chạy dài,
Hanh, Long, Thăng, Đống mấy người quyên khu.
Được biết, NXB Khoa học Xã hội và đơn vị làm sách Khai Tâm tổ chức ra mắt tác phẩm Việt sử diễn nghĩa tại cà phê Trung Nguyên (19B Phạm Ngọc Thạch, Q.1 vào lúc 13g30 ngày thứ Bảy 9.5.2015.
H.V
(nguồn: http://phunuonline.com.vn/nguoi-yeu-sach/tac-pham-va-du-luan/viet-su-dien-nghia/a142673.html)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|