HỘI HOẠ Bài viết

LÊ MINH QUỐC - Giỡn với sắc màu

GIỠN VỚI SẮC MÀU
(VÀI SUY NGHĨ VỀ HỘI HỌA)

gionvoisac-mau

       Sáng tạo là gì? Là chính anh khám phá những bí ẩn trong chính con người anh. “Tâm này cũng ở lòng này mà ra”. Tôi ngờ rằng bất cứ ai cũng có một năng khiếu về nghệ thuật nào đó. Nếu họ có thời gian “nuôi dưỡng” hạt giống nghệ thuật trong tâm hồn mình và biết cách “đánh thức” nó. Với suy nghĩ này, tôi từng viết: “Hạt giống đã gieo và anh sẽ gặp/ Một tình yêu nặng trĩu cả hai tay/ Anh quỳ xuống tạ ơn lòng thiện/ Cho anh tìm anh ngay dưới gót giày/ Gieo hạt nào sẽ gặt quả ấy/ Anh tin tưởng mình sẽ gặt phía tương lai” (2002). Tôi đến với hội họa cũng thế. Hạt giống hội họa, tôi đã gieo trong tâm hồn mình từ muôn kiếp trước. Đọc lại những bài thơ trong tập Tôi vẽ mặt tôi (1996), tôi bất ngờ nhận ra đã từ lâu lắm rồi, đã có những sắc màu ẩn hiện trong đó. Ẩn hiện không cố tình, như một lẽ tự nhiên không thể nào khác: “Bằng chất liệu bụi bặm, khói xe và son phấn/ tôi vẽ mặt tôi trên chiếc gương soi/ gương mặt thật của thằng kép hát / đang múa mép khua môi/ hãy nhếch miệng cười/ âm thanh kêu như ngựa hí” (Tôi vẽ mặt tôi).  Cũng có thể đó là một khát vọng  không cùng của một tình yêu không đạt đến: “tôi buồn quá/ cúi xuống vẽ trên từng chiếc lá/ chân dung nàng/ nụ cười chiều nay méo xệch/   môi son màu tím bóng hoàng hôn/ và đôi vú rất ngon/ thơm như hạnh phúc / để vẽ được nàng tôi phải ăn hết một trăm bông hoa cúc/ từng đêm ngồi ngộ độc/ quét màu trên khung vải" (Chân dung nàng)...
     Hạt giống chỉ nẩy mầm khi có điều kiện thuận tiện.
    Do công việc làm báo nên gần đây tôi có quen với họa sĩ Suối Hoa, chị vẽ minh họa cho truyện ngắn của báo Phụ nữ TP.HCM. Trong những lần trò chuyện, chúng tôi chỉ nói chuyện về hội họa. Hơn cả thế, tôi được tận mắt nhìn những búc tranh của chị tại xưởng vẽ là nhà riêng. Sắc màu lung linh như ánh sáng. Như cõi mơ. Như cõi thật trong trần gian đầy bụi bặm này. Và nó đã hấp dẫn tôi. Thế giới ấy đã choáng ngợp lấy hồn tôi. Không còn cách nào khác, tôi đã ngồi xuống và vẽ. Lần đầu tiên vẽ, tâm trạng như thế nào nhỉ? Thú thật, đó là cảm giác của một người sắp lao xuống biển, nhưng lại không biết bơi. Bàng hoàng. Run rẩy. Thậm chí muốn bỏ cuộc. “Vẽ gì đi tôi ơi/ biết vẽ gì khi tâm hồn trống rỗng”. Ma lực của khung vải trắng toát là nó đủ sức khiến cho ta phải chùn tay, phải đắn đo, phải thận trọng. Nhưng rồi, như một sự tự ý thức, tôi phải tự “khuyên nhủ”, “động viên” chính tôi: “Quốc à! Vẽ đi, vẽ chơi thôi mà. Đừng ngại”. Phải vượt qua cái cảm giác “chết người” ấy.
     Tôi vượt qua bằng sự ngốc nghếch bằng bản lĩnh của một đứa trẻ tập đi. Của người mù đi trong đêm tối. Khi nhìn một đứa trẻ tập đi trên đường xa vạn dặm, tôi tin không ai dè bỉu nó. Mà dù có dè bỉu hoặc vỗ tay thì cũng không là gì, khi nó đã quyết đi. Với người mù đi với bóng đêm thăm thẳm hoặc với bình minh vừa đến thì điều đó chẳng có ý nghĩa gì. Hắn cứ đi và tôi cứ vẽ. Tôi vẽ lại ký ức của chính mình mà hai mươi năm trước đã hiện hữu trong thơ tôi: “Vẽ giấc ngủ em theo đường cá lội/Cá rong rêu siêu thoát cõi địa đàng/ Anh không thấy gì - chỉ ngoài bóng tối/ Con cá bơi rực rỡ cái đuôi vàng” (Nghĩ về hội họa). Tôi không xác lập một khuynh hướng nào cả. Với một người mù, khi đi, họ đi theo sự chỉ bảo của linh cảm. Nếu đi theo thói quen chỉ là sự tập đi. Tôi vẽ theo sự chỉ bảo của cái “gu” thẩm mỹ mà tôi đang có. Nhờ thế, tôi tin rằng, tôi tạo cho tôi một phong cách. Có thể người ta sẽ thích hoặc không. Nhưng điều đó cũng bình thường trong sáng tạo. Thậm chí khi anh vẽ A, nhưng người ta lại nghĩ đến B thì cũng là lẽ tự nhiên. Đừng bận lòng.
     Tôi thường vẽ chân dung. Từng đường nét trên gương mặt không chỉ là những đường nét cụ thể mà nó còn phản ánh một tâm trạng. Tôi thường vẽ hoa. Bởi mỗi bông hoa là một số phận người. Tôi thường vẽ phụ nữ khỏa thân. Bởi, phụ nữ - nghĩ cho cùng cũng hình ảnh những bông hoa, những chân dung tiêu biểu nhất cho một kiếp người. Với tôi, đó là những ám ảnh không cùng trong đời sống. Mà đời sống này đáng yêu quá, vậy tại sao ta không tái hiện lại niềm vui ấy bằng những sắc màu bi thảm nhất?
      Có nhiều người hỏi một câu rất “nghiêm túc”, đại loại, anh tự đánh giá tranh mình? Sẽ phát triển sự nghiệp hội hoạ song hành với sự nghiệp thi ca? Nghe khiếp quá! Thật ta, tôi không biết. Tôi tuổi Kỷ Hợi, tôi tin rằng, những người cầm tinh như tôi chỉ thành công trong sự ngẫu hứng. Mọi sắp xếp, toan tính trước một cách chu đáo nhất, hoàn hảo có khi lại là đường vào ngõ cụt. Chẳng dại gì tôi làm như thế. Tôi thích vẽ thì vẽ, lúc nào thích làm thơ thì làm. Chẳng ai bắt buộc cả. Mà trong sự đánh đu với trò chơi sáng tạo, có người được và cũng có người chẳng được gì. Nói như thế cũng chưa đúng. Với tôi, ai chơi cũng là “được”. Miễn chơi là chơi, chơi như một sự tự thân - chứ không phải chuẩn bị để rồi chơi hoặc bắt chước chơi như kẻ khác. Lúc này, tôi lại muốn làm thơ và thơ rằng: “có những ngày đi xuống cõi người ta/ tôi lại thèm ăn những xanh, vàng, tím, đỏ.../ tôi thèm uống những tiếng cười trẻ nhỏ/ để giữ cho mình cảm xúc tươi non/ đêm nay tôi ngồi vẽ/ một bóng đen vây bủa linh hồn/ đã hát lên những lời ca ánh sáng...”.
      Vẽ trong sự nhọc nhằn. Vẽ trong sự hoan lạc. Như nhảy xuống biển để đến với một bến bờ mới. Cũng có thể sẽ đến. Cũng có thể quay lui. Bỏ cuộc nửa chừng. Điều đó không quan trọng. Được thỏa mãn sự sáng tạo, cảm hứng của chính mình là số phận của người mang cây thập tự giá của nghệ thuật đi qua cõi trần gian này. Hiện nay, tôi đã cho treo vài bức tranh của tôi tại cà phê Miss Sai Gòn (90 Phạm Ngọc Thạch, Q.3- TP.HCM) và công bố lai rai trên tập san Áo Trắng. Và bây giờ, “chao ơi màu sắc/ đã dẫn anh đi đến phía vô cùng/ đùa cùng anh lắt léo cõi mê cung/ cái chốn nào cũng là anh dò dẫm/ sợ quái gì non sâu rừng thẳm/ sợ quái gì giông tố chân mây/ anh vẽ mặt với mày/ mặt mày hiền lành/ mặt mày ác quỷû/ gương mặt nào cũng như lơ ngơ mộng mị/ ngơ ngác giấc mơ vô vọng ở trên đời/ tưởng rằng vẽ chơi/ nhưng lại cuộc chơi không bắt đầu và không kết thúc...”

LÊ MINH QUỐC

(nguồn:  Tạp chí Phong cách 7.2008)

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC “ngoại tình” với hội họa

ngoai-tinh-voi-hoi-hoa

      Anh vốn chung thủy với thơ ca, phụ trách trang văn nghệ của báo Phụ Nữ TP.HCM, kiêm phụ trách chhon5 thơ cho báo Tuổi Trẻ online, tập san Áo Trắng, cuối năm ngoái anh xuất bản tập trường ca Hành trình của con kiến, và năm nay đùng một cái, anh "ngoại tình" với hội họa, bằng việc sắp mở triển lãm tranh.

ngoaitinh-R

 

      *Nghe tin nhà thơ Lê Minh Quốc chuyển nghề sang vẽ tranh và đang mở phòng tranh riêng?

      -Không phải mở phòng tranh riêng mà sắp... triển lãm tranh. Vì sau khi xem tranh của tôi vẽ, có một vài anh em họa sĩ “tình thương mến thương” gợi ý nên tổ chức chung cho vui. Mà cũng là vui đấy thôi, chứ không hề có một ý định gì khác. Nếu không có gì thay đổi thì khoảng tháng 11.2007 chúng tôi sẽ triển làm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Nếu không, qua năm 2008 tôi sẽ triển lãm cá nhân. Hiện nay, đã có một vài galery có lời mời rồi. Thật ra, không phải vì tôi vẽ “như họa sĩ chuyên nghiệp” mà họ yêu mến mình đấy thôi.

      *Xuất phát từ đâu mà anh vẽ tranh, bởi không phải cứ lấy bút lông, màu ngoệch ngoạc vài nét là thành tranh được?

      -Tôi không biết. Chỉ biết, đã rất lâu rồi, từ trong vô thức tôi đã viết khá nhiều thơ về hội họa. Thậm chí còn có cả tập thơ lấy tên “Tôi vẽ mặt tôi” nữa. Những vần thơ đã hiện về không tính toán, nhưng đã dự báo công việc của ngày hôm nay. Hơn mười năm trước, tôi đã viết:

*...bây giờ tôi vẽ mặt tôi

một dòng sông chảy qua môi khô cằn

*... để vẽ được nàng, tôi phải ăn hết một trăm bông hoa cúc

từng đêm ngồi ngộ độc

quét màu trên khung vải

hỡi thiên thần lang thang trên trời cao mê mải

cho tôi được nghe lời mặc khải

chúc tụng nàng

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 6 trong tổng số 6

Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com