BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều ĐINH THU HIỀN: Trăm sông về biển

ĐINH THU HIỀN: Trăm sông về biển


TRAM-SONG-VE-BIEN-DINH-THU-HIEN

 


Cha mẹ tập kết ra Bắc, cậu bé Lưu Đình Triều (sau này trở thành nhà báo Lưu Đình Triều, nguyên Tổng Thư ký toà soạn báo Tuổi Trẻ) và chị gái đã ở lại Đồng Nai để bà ngoại nuôi dưỡng. Thời điểm ấy, gia đình người chiến sĩ cách mạng Lưu Quý Kỳ (nguyên Vụ trưởng Vụ báo chí, Ban Tuyên huấn TW; Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam) tưởng chỉ tạm xa nhau 1-2 năm sẽ đoàn tụ. Nhưng chiến tranh khốc liệt đã dẫn đến cuộc chia ly 21 năm. Và hoàn cảnh đẩy đưa khiến cha con họ ở hai chiến tuyến đối lập. Nỗi đau. Nước mắt. Và nhiều hơn thế. Cho ngày gặp lại.


Tuổi thơ bỏ lại

 

Ngày 27/7/1953, gia đình họ Lưu đón thêm một thành viên chào đời. Đây chính là ngày đình chiến liên Triều nên khi nghe tin tức như vậy, nhà cách mạng Lưu Quý Kỳ đã đặt tên con trai là Đình Triều. Năm 1954, ông Lưu Quý Kỳ đã cùng vợ rời miền Nam tập kết ra Bắc. Thời kỳ đó không thể mang 2 đứa con nhỏ đi cùng, ông bà Lưu Quý Kỳ đành để lại con trai nhỏ Lưu Đình Triều và con gái lớn Lưu Hà cho bà ngoại chăm nuôi. Ngày ấy, Lưu Đình Triều chỉ mới tròn 1 tuổi.

Trong trí nhớ non nớt ngày ấy, Lưu Đình Triều được nghe bà ngoại kể lại, sau khi đi ra Bắc một thời gian, ba má anh đã nhờ ông Trần Bạch Đằng nghĩ ra phương cách đưa Triều và Hà theo. “Bà ngoại tôi kể có một người phụ nữ xuống Biên Hoà, nơi bà cháu tôi ở, để đưa “tụi nhỏ” đi. Nhưng bà ngoại khá lo lắng, bởi khi đưa chị em tôi về ở, cảnh sát nguỵ đã hỏi cha mẹ đâu, có phải con Việt Cộng không, thì câu trả lời là: chết hết rồi. Trong giấy khai sinh của tôi cũng ghi rõ là Ba mất, Mẹ mất. Điều quan trọng nữa, là chặng đường mà chị em tôi sẽ phải trải qua khá dài. Chúng tôi sẽ được đưa qua cửa khẩu Tây Ninh sang Campuchia. Rồi từ Campuchia sang Lào, và từ Lào mới về Hà Nội. Nghĩ hai đứa cháu còn nhỏ bấy mà trải qua quãng đường đi bộ gian nan vất vả, lại nhiều nguy hiểm như vậy, nên bà ngoại từ chối. Bà tiếp tục “chạy chợ” hàng ngày để nuôi chúng tôi. Hàng ngày, bà đi lên cửa khẩu Mộc Bài mua dầu, bàn chải đánh răng, cá khô… mang về bán”. Nhà báo Lưu Đình Triều nhớ lại.

Trong lúc bà ngoại đi chợ, chị em Hà - Triều tự cơm nước nuôi nhau. Triều lớn dần lên, nghịch ngợm và quậy phá. Một bữa, có ông chú họ là sĩ quan Quân đoàn 3 tìm đến thăm các cháu, sau đó loan tin cho ông chú ruột của Triều tới kiếm. Thấy cháu trai không cha mẹ, lêu lổng với các trò “đá cá lăn dưa”, những người bà con họ hàng bàn cách đưa Triều ra khỏi Biên Hoà lên Buôn Ma Thuột để kèm cặp đi học. Ông chú của Triều khi ấy là Hiệu trưởng của một trường học tại vùng đất này nên có điều kiện để dạy dỗ cháu. Lưu Đình Triều được ăn sáng rồi đến trường, và lần đầu tiên trong đời được biết thế nào là đánh răng. Tuy nhiên, thời gian hạnh phúc chỉ kéo dài được 2 năm. Ông chú sau đó cũng bị bắt đi lính nên Lưu Đình Triều lại được trả về Biên Hoà cho bà ngoại.

Sẵn có nền được rèn luyện học hành đàng hoàng, Lưu Đình Triều đã tiếp tục đi học tại Biên Hoà. Cuộc sống của gia đình nhà ngoại thời gian này đã bớt khó khăn. Căn từ đường rộng lớn đã bán đi, nên bà ngoại mua cho Lưu Đình Triều chiếc xe gắn máy chạy. Tốt nghiệp Tú tài, Lưu Đình Triều ghi danh vô trường Đại học Luật. Anh kể: “Thực sự tôi chỉ thích vô trường Đại học Vạn Hạnh nhưng bà ngoại tôi không có tiền đóng học phí. Mọi chuyện chỉ yên được thời gian ngắn, khi tôi đang học năm thứ hai Đại học thì đụng tới mùa hè “đỏ lửa” 1972. Tôi lại khai gian tuổi, nên không tránh được quân dịch. Khi ấy, thực sự tôi đã mang máng biết về câu chuyện của ba má nên bà ngoại tôi bàn với tôi trốn quân dịch. Bà nói: “Nếu mày đi lính, nghĩa là mày cầm súng bắn lại ba má mày. Nhưng biết đi đâu, trốn ở đâu bây giờ? Vậy là tôi vào sư đoàn 7 - sư đoàn bộ binh”.

Lưu Đình Triều sau khi tốt nghiệp ở Trường sĩ quan Thủ Đức, thì làm Trung đội trưởng của một trung đội trong sư đoàn 7. Trong tâm trạng chán chường bị “trôi” trong cuộc chiến, người chết kẻ bị thương la liệt, đã khiến Lưu Đình Triều thật sự uể oải. Anh từ chối các cuộc chơi xả stress của đám lính, thậm chí những lần được bạn bè dắt đi “chơi gái”, Triều đều lảng tránh. Tâm trạng ấy đã khiến Triều và vài người bạn khác đã tính mưu khi ra trận bắn vào nhau để bị thương, rồi về nhà. Nhưng khi đối mặt nhau, giữa tiếng bom rơi đạn nổ khủng khiếp ấy, họ lại không dám “ra tay”. Và nhiều sự may mắn hy hữu đã tới khiến Triều nhiều lần thoát chết. Vì vậy sĩ quan Lưu Đình Triều đã nhận được rất nhiều huân chương Anh dũng bội tinh. Có lần bị mảnh đạn găm vào tay, nhân dịp đó, Lưu Đình Triều xin về phép thăm nhà. Và sau đó, do bị thương liên tục mà Lưu Đình Triều có cớ về Biên Hoà gần người thân. Vài tháng sau, nghe tin xe tăng của Quân giải phóng đi tới Long Thành rồi, Lưu Đình Triều đành trút đồ lính rồi ở trong nhà luôn.

 

Đứa con khác chiến tuyến

 

Sự kiện Giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4/1975 đã mang lại sự sum họp gia đình của cha con Lưu Quý Kỳ - Lưu Đình Triều. Chỉ 15 ngày sau, vào một chiều hè nắng gắt, chiếc xe com-măng-ca đỗ xịch trước cửa nhà bà ngoại của chị em Triều – Hà. “Từ trên xe bước xuống một người mặc bộ quân phục, phía sau có một người lính bảo vệ cầm khẩu súng AK đi theo. Cả hai rảo nhanh vào nhà. Tôi biết đó là ba tôi. Ba gọi: “Lưu Hà – Đình Triều phải không?” Chị Hai tôi chạy tới ôm chặt lấy ba khóc nức nở. Ông vòng tay ra ôm lấy con gái. Còn tôi cũng chạy đến bên ông, mà không hiểu sao giây phút ấy lại chỉ cầm lấy tay của ba và không nói gì cả. Cho dù hơn 20 năm lúc nào tôi cũng rất thèm tiếng gọi Ba ơi, Má ơi. Cổ họng tôi nghẹn lại. Dường như có sự mặc cảm rất lớn đè nặng lên người, có sự sợ hãi nào đó át đi cả niềm vui ngày hội ngộ. Ba tôi gặp chị em tôi không nhiều, ông hỏi chuyện đôi chút về cuộc sống, về bà ngoại, và hẹn gặp hai chị em tôi ở chỗ ông ở trên Sài Gòn”, nhà báo Lưu Đình Triều trầm lắng với kỷ niệm xưa cũ.

Ít ngày sau, có dịp rảnh rỗi, Lưu Đình Triều và Lưu Hà đến gặp ba. Đêm hôm đó, trong sự hàn huyên gặp mặt máu mủ, người cha nằm ở giữa hai đứa con - khi ông ra đi còn đỏ hỏn bú mớm - khi ông trở về thì mọi chuyện đã như con tạo xoay vần. Ông Lưu Quý Kỳ hỏi Triều có biết ba má làm cách mạng không? Cậu con trai trả lời: Dạ có. Lại hỏi tiếp, vì sao biết vậy mà vẫn đi lính chống lại cách mạng? Triều thưa, thời buổi khi ấy rất muốn trốn quân dịch, nhưng không biết làm sao! Người cha nghe xong đã bật mí một câu chuyện, khi Đà Nẵng được giải phóng, ông vào tới nơi thì gặp em út của mình. Nghe em kể rằng Lưu Đình Triều đã đi lính Việt Nam Cộng Hoà thì lòng ông đau như cắt. Trở về Hà Nội, phải mấy ngày sau ông mới dám nói chuyện cho vợ biết. Má Lưu Đình Triều nằm vật vã, khóc đến mấy ngày.

Nghe kể chuyện, Triều chỉ biết cúi mặt. Sau rốt, ông Lưu Quý Kỳ thở dài: “Thôi, con ráng học tập cải tạo để chuộc lại những lỗi lầm của mình”.

Trong những ngày Lưu Đình Triều đi học tập cải tạo, anh đã trải qua những xáo trộn tâm lý rất đau đớn. Bởi tất cả mọi người khi ấy đều biết Lưu Đình Triều là con trai của ông Lưu Quý Kỳ, người ta đều muốn dành cho Triều một sự ưu tiên đặc biệt. Tuy nhiên, ông Lưu Quý Kỳ nhất định từ chối. Ông để cho Lưu Đình Triều thời gian trải nghiệm thấu đáo luồng tư duy khác ở một chế độ mới. Khi ấy, đã có lúc Lưu Đình Triều có tâm lý không tích cực: “Ba tôi đã thậm chí từ chối không vào trại để thăm tôi, mà chỉ nhờ người mang đến cho tôi một lá thư hỏi thăm. Cầm trên tay lá thư ấy, tôi nhớ cả đời không thể quên, tôi đã chạy ra vườn rau đọc thư. Vừa đọc vừa khóc. Tôi giận ba tôi, và nghĩ sao ba nỡ nào lại bỏ rơi tôi một lần nữa. Lần đầu tiên, khi ấy tôi chỉ mới có 1 tuổi chưa biết gì. Còn đến bây giờ, sau 21 năm gặp mặt, ba đủ điều kiện để bảo lãnh cho tôi mà ông lại từ chối! Tôi không do dự, xé ngay lá thư ấy trong sự hờn giận. Mãi sau này, tôi hiểu ba tôi làm như vậy cũng là một cách thương con, yêu con. Ông muốn rèn luyện con theo cách và suy nghĩ của mình!”

Trong suốt thời gian Lưu Đình Triều học tập cải tạo, người anh thường gặp nhất là chị Hai – Lưu Hà tới thăm nuôi. Trong trại cải tạo, có người giám thị quê Thanh Hoá rất tốt bụng. Ông thường giúp đỡ học viên bằng tình yêu thương vô đối khiến Lưu Đình Triều có cách nhìn vô cùng thiện cảm với bộ đội Bắc Việt. Một lần, người giám thị này đã vào báo cho Triều biết có chị em tới thăm. Anh nhìn ra cổng, thấy chị Hai dắt theo một cô gái chừng 16 tuổi. Cô nói giọng Hà Nội, kêu: “Anh Ba, anh Ba!”. Lưu Đình Triều biết đó chính là cô em gái ruột được sinh ra tại Hà Nội. Nhưng nghiệt nỗi thời khắc đó lại không trúng giờ đi thăm nuôi nên chẳng biết làm sao mà ra gặp được người thân. Nhìn cảnh anh em Triều đứng mải miết nhìn nhau, người giám thị kia đã nói: “Thôi, Triều ra gặp gia đình đi. Tranh thủ rồi quay lại ngay nhé!”. Vừa bước ra ngoài cổng, cô em gái đã nhào tới ôm anh và mếu máo quay sang nói với giám thị: “Chú ơi, chú đừng phạt anh cháu nhé!”. Người giám thị mắt cũng nhoè nước, vội quay đi lau hàng nước mắt. Sau cuộc gặp gỡ của anh chị em Lưu Đình Triều không đúng nội quy, không biết có phải giám thị đã bị kỷ luật chuyển đi nơi khác hay không mà anh không còn gặp lại người đàn ông tốt bụng ấy nữa.

Sau khi Lưu Đình Triều đi học tập cải tạo về, anh tới Ban tuyên huấn Trung Ương Cục, nơi nhà báo Lưu Quý Kỳ đảm trách cương vị Phó Ban, để gặp ba mình. Trên bàn làm việc, ông Lưu Quý Kỳ đã hỏi con trai muốn làm nghề gì. Lưu Đình Triều trả lời: “Thưa ba, con muốn làm báo!”. Ông Lưu Quý Kỳ hỏi vì sao lại muốn làm báo, thì Triều kể rằng từ hồi còn nhỏ đi học đã tham gia làm báo tường. Và sau này, cũng đăng các bài thơ, bài văn trên các tờ báo trong chế độ Việt Nam Cộng Hoà. “Ba tôi nghe xong, chỉ nói câu ngắn gọn rằng: ‘Con không đủ tiêu chuẩn làm báo. Con làm sĩ quan nên sống sung sướng rồi, nên phải vào làm trong giới công nhân để làm lại cuộc đời!”. Nghe ba nói vậy tôi sợ hãi, đâu dám có ý kiến gì, bèn vâng lời. Ông viết một giấy giới thiệu để tôi tới gặp Phó Giám đốc Sở Công Nghiệp 2. Sau khi coi hồ sơ xong, ông thấy tôi học xong năm thứ hai Đại học Luật rồi, thì nói hiện đang có chiến dịch X2 - cải tạo công thương nghiệp. Tôi sẽ tham gia vào chiến dịch này, việc đó chắc phù hợp, chứ không cần làm công nhân như cách gửi gắm của cha mình”, nhà báo Lưu Đình Triều cho biết.

 

Ngã rẽ cuộc đời


Vậy là cứ 7h30 sáng Lưu Đình Triều tới cơ quan đi làm nhưng cũng có nhiều ngày chẳng có việc gì cả, trưa anh lại quay về nhà. Má anh thấy vậy thì luôn nói “sao con về nhà sớm vậy, chắc ở trong sĩ quan chế độ cũ đã sung sướng quen rồi, giờ đi làm chút mà cũng không chịu nổi phải không?”. Nghe những lời nói của má, Lưu Đình Triều cảm thấy buồn, nên dù có những ngày không có việc thì cứ mang một xấp báo ra nhà thờ Đức Bà ngồi đọc. Đến hết giờ thì quay về nhà.

Sau một thời gian biệt phái tại Sài Gòn, ông Lưu Quý Kỳ lại trở ra Hà Nội sống và làm việc. Còn Lưu Đình Triều thì tranh thủ viết các bài báo gửi cho báo Tuổi Trẻ. Dù vậy, gửi đến 20 bài rồi mà chẳng được đăng bài nào.

Một lần, Lưu Đình Triều đọc được thông tin tuyển sinh vô học Đại học Báo chí, trong đó ghi rõ, “dành cho cán bộ, phóng viên của các tờ báo hoặc Đoàn viên ưu tú từ 3 năm trở lên”. “Tôi thấy mình đủ tiêu chuẩn, vì khi ấy tôi đã được kết nạp Đoàn, và được đánh giá có thái độ tích cực”. Vậy là anh chờ ba anh vào Sài Gòn để xin phép ông chuyển chỗ làm.

Được tin ba vô công tác, đang ở khách sạn Rex trên đường Nguyễn Huệ, Lưu Đình Triều ngồi chờ ông ngoài sảnh. Bữa đó chờ cả buổi thì ba anh mới đi công chuyện về. Ông đi vào rất nhanh, không để ý tới cậu con trai. Triều kêu: “Ba, ba, con nè!”. Khi ấy ông mới dừng lại nói, chiều nay ba còn họp nữa nên thôi vô đây ăn cơm rồi nói chuyện. Trong bữa ăn, Lưu Đình Triều tâm sự: “Ba, con muốn làm báo!”. Ông Kỳ nghiêm mặt lại: “Ba đã nói với con một lần rồi, con không có đủ tiêu chuẩn”. Khi ấy, “tôi rất ngây thơ, thực sự tôi vào được nghề báo do sự ngây thơ của mình. Tôi trả lời, con đọc báo thấy mình đủ tiêu chuẩn mà ba! Tôi thấy ba tôi suy nghĩ đôi chút rồi nói, thôi thì về làm đơn đi!”.

Vậy là anh được đi thi vào Trường Tuyên huấn Trung Ương. Sau đó nhà trường gửi giấy báo điểm nhưng không thấy gửi thông báo nhập học. Lưu Đình Triều là sĩ quan chế độ cũ duy nhất nằm trong danh sách trúng tuyển. Không ai dám quyết định điều này. Sự vụ được đưa lên bàn làm việc ông Tố Hữu. Trước đây, ông Tố Hữu khi vào Sài Gòn thăm ông Lưu Quý Kỳ đã được nghe về cậu con trai Lưu Đình Triều. Giờ ông Tố Hữu hiểu chuyện, liền nói ông Lưu Quý Kỳ làm đơn bảo lãnh gửi nhà trường. “Ba tôi khi đó cũng “rất chính trị”. Ông viết trong đơn là nếu con tôi đủ điểm, thì gia đình nghĩ cháu sẽ học được”. Các bác, các chú trong trường Tuyên huấn cuối cùng cũng đồng ý để Lưu Đình Triều vô trường.

Trong trường, Lưu Đình Triều gặp một “cô gái Bắc kỳ nho nhỏ” trông coi thư viện. Anh thấy rất cảm mến cô gái này, và cô cũng có ý muốn kết bạn với anh. Một lần, cô hỏi “anh có biết có một tay sĩ quan nguỵ, con trai ông Lưu Quý Kỳ được lọt vào trường này học hay không?”. Lưu Đình Triều chỉ biết cười cười cho qua. Rồi cô gái mời Triều về nhà ăn cơm. Anh phải khai thiệt rằng anh chính là “tay sĩ quan nguỵ” đó. Khi cô gái giới thiệu với bố cô rằng đây là con trai của ông Lưu Quý Kỳ, thì bố cô nói: “Chúc mừng cháu đã ra ngoài này học. Cố gắng để làm lại cuộc đời nhé cháu!”. Ngày hôm sau, Lưu Đình Triều hỏi ra mới biết, bố cô gái chính là thư ký của nhà thơ Tố Hữu. Cụm từ “làm lại cuộc đời” khiến Lưu Đình Triều ám ảnh, anh sợ quá không dám làm thân với cô gái kia nữa.

Những xì xào của bạn bè về thân phận “sĩ quan nguỵ, vào được trường Đảng học là do ông bố” khiến Lưu Đình Triều nhiều lúc cảm thấy rất tổn thương. Nhưng chuyện ấy không bằng một cú sốc lớn vào thời điểm anh được bầu vào Ban chấp hành Đoàn trường, và một cuộc “đấu tố” đã diễn ra. Người ta cho rằng sĩ quan nguỵ thì không thể ở vị trí lãnh đạo những người từng làm chiến sĩ quân đội nhân dân. Cuộc họp ấy khiến Lưu Đình Triều cay đắng, và nhận rõ hơn bao giờ hết về thân phận của mình. Anh bỏ cuộc họp giữa chừng, đi bộ từ trường Tuyên huấn lên Cầu Giấy, vừa đi nước mắt vừa chảy dài trong nỗi tức tưởi khó chia sẻ. Đến khuya, quay trở lại trường, anh cảm thấy ấm lòng vô cùng khi thấy Bí thư chi bộ và vài người bạn đã kiên nhẫn đứng chờ anh để nói những lời an ủi chí tình. Khi ấy, Lưu Đình Triều có một niềm tin rọi vào. Anh hiểu thêm về sự giằng co về nội tâm của cha anh, ông Lưu Quý Kỳ. Hẳn ông đã có rất nhiều trăn trở khi đứng giữa một bên là tình máu mủ cha con, còn một bên là sự nghiêm minh trong công việc điều hành việc chung của một cán bộ cách mạng trung thành.

Sau khi ra trường, Lưu Đình Triều quay trở về Sài Gòn, làm việc tại báo Tuổi Trẻ. Anh cho rằng, tập thể báo Tuổi Trẻ là một nơi mà không có sự kỳ thị con người thông qua lý lịch cá nhân. Và vì vậy, Lưu Đình Triều được thoả sức đi và viết, từ mũi Cà Mau đến Điện Biên Phủ, Tân Trào, Tây Nguyên. Những câu chuyện của người lính, người lao động đã khiến nam nhà báo hoà nhập được hơn vào môi trường làm việc lý tưởng. Anh đã dần thoát ra được những mặc cảm cá nhân, hiểu được tận cùng của sự nhân văn, tình người và sự hoà hợp sau cuộc chiến.

Hiện nay, nhà báo Lưu Đình Triều đang có ý định viết Hồi ký về cuộc đời mình. Anh dự định sau khi nhận quyết định nghỉ hưu vào cuối năm nay, công việc toà soạn đã rảnh rang rồi, Lưu Đình Triều sẽ tĩnh lặng lại để viết những câu chuyện của đời mình. 40 năm đã qua, kể từ khi giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước, nhưng ký ức của Lưu Đình Triều về cuộc chiến, về những nỗi khổ tâm đau đớn do hoàn cảnh tạo ra, dường như vẫn in hằn ấn tượng. Và tình cảm cha con - tình cảm đặc biệt hai phía chiến tuyến của Lưu Đình Triều và cha anh, Lưu Quý Kỳ là hoàn cảnh cực kỳ điển hình trong một giai đoạn lịch sử điển hình của đất nước.

Đ.T.H

(nguồn: báo Phụ Nữ VN số đặc biệt 30.4.2015)

Chú thích: “Trăm sông về biển” là tên một cuốn sách của cố nhà báo Lưu Quý Kỳ

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com