Nhà báo Lưu Đình Triều - Trưởng ban Thanh niên của Báo Tuổi Trẻ, một bút danh không xa lạ với bạn dọc Báo Tuổi Trẻ hơn mười năm qua, một gương mặt quen thuộc với đông đảo bạn thường tham dự sinh hoạt ở Nhà văn hóa Thanh niên qua các hội thi… Nhân kỷ niệm ngày Thanh Niên VN 26/3 chúng tôi mời bạn đọc tham gia cuộc trò chuyện giữa anh và phóng viên Báo Phụ Nữ. Cuộc trò chuyện diễn ra khá đặc biệt: vào đúng ngày 8/3 tại căn-tin NVH Phụ Nữ! Một số khách ra vào, nhìn anh cười: À,nhà báo Lưu Đình Triều đang “được”... hành hạ! Hy vọng cuộc trò chuyện này sẽ đem lại cho bạn đọc ít nhiều điều thú vị.
PV: Anh chọn nghề báo có phải vì cha anh là một nhà báo nổi tiếng - nhà báo Lưu Qúy Kỳ?
Từ nhỏ tôi đã mê say làm báo và thường tham gia làm báo ở trường trung học.Tôi định thi vào Khoa Báo chí của ĐH Vạn Hạnh nhưng lại không kham nổi mức học phí quá cao nên đã chuyển sang học luật. Suốt thời thơ ấu và thanh niên, tôi phải sống xa cha mẹ (cha mẹ tôi tập kết ra Bắc, gởi lại tôi bà ngoại nuôi). Ở trong Nam, tôi chỉ biết loáng thoáng là cha tôi làm báo. Sau này miền Nam được giải phóng, tôi mới gặp lại cha tôi. Ông hỏi tôi: “Con muốn làm nghề gì?, Tôi đáp: “Con muốn làm nghề báo”. Ông cụ bảo: “Làm báo khó lắm con à!”. Tôi hiểu, ông cụ e rằng tôi không đủ bản lĩnh để làm báo. Sau đó, cha tôi giới thiệu vào làm ở Sở Công nghiệp. Đến năm 1979 tôi nộp đơn vào thi vào Trường Tuyên huấn TƯ 1 (Hà Nội). Thi đậu, tôi ra Hà Nội học. Trong thời gian học, tôi cộng tác viết bài cho báo Tuổi Trẻ. Và sau khi ra trường (năm1984), tôi về cộng tác tại Báo Tuổi Trẻ.
*Anh học hỏi được điều gì ở người cha mình làm báo?
Trước khi viết một bài báo, cha tôi thường suy nghĩ rất kỹ về tít. Bao giờ đặt xong tít - nghĩa là đã định hướng rõ ràng, ông mới viết .Tôi học được ở cha tôi điều đó: phải định hướng trước khi viết. Có một điều tôi học ông cụ mãi mà không được: viết thật gọn.
*Làm báo về Thanh niên có đòi hỏi những kỹ năng gì đặc biệt không?
Viết về thanh niên đòi hỏi quan trọng là người đồng cảm với thanh niên. Phong cách viết phải nhẹ nhàng, giản dị, dễ đọc, dễ đi vào lòng thanh niên…
*Anh cũng đã từng viết nhiều về nữ thanh niên với bút danh Thu Hà…
Tôi đã viết về nữ thanh niên với bút danh ấy suốt một thời gian dài. Đến khi chị Hồng Thọ về Báo Tuổi Trẻ cộng tác, tôi mới trở lại làm đàn ông. Hồi ấy, có một nam độc giả ái mộ đặc biệt chị Thu Hà nhưng tôi đâu dám xuất đầu lộ diện! Điều ngộ nghĩnh và thú vị là cho đến nay tôi là người đàn ông đầu tiên và duy nhất giữ cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Nữ thanh niên TP.HCM.
*Những đề tài yêu thích của anh là gì ?
Tôi thích viết về những gì lãng mạn bay bổng của cuộc sống thanh niên. Nhưng những bài báo gây ấn tượng của tôi lại là những bài báo viết về các nhân tố điển hình rất thực tế.
*Anh tâm đắc nhất bài báo nào của mình ?
Đó là bài viết về anh Lễ, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin Q.11 người đã bị bọn xấu đâm chết vì anh thường can thiệp, ngăn cản những hành vi quậy phá của chúng. Tôi còn nhớ khi người ta đưa tôi đến nhà anh, người vợ trẻ góa bụa của anh ra mở cửa với một gương mặt mất hồn. Chị gật đầu chào và không thốt lên một lời nào. Vào nhà, chị ngồi dựa tường, lặng lẽ nhìn lên bàn thờ chồng. Nỗi đau đã làm chị như hóa đá. Lúc ấy, tôi đã nghĩ mình khó mà hỏi han được điều gì từ người vợ đau khổ này. Đứa con trai khoảng 6-7 tuổi của anh chị xuất hiện. Cháu bé hồn nhiên kể với tôi đủ chuyện về cha mình: “Ba dạy con hát, ba làm đồ chơi cho con…”. Những lời của con trẻ như kích thích, khơi nguồn… Người mẹ bật khóc và bắt đầu trút hết nỗi niềm… Tôi đã viết trong xúc động và bài viết ấy khiến tôi nhớ mãi.
*Người ta bảo, nhà báo hay bị mua chuộc. Nhà báo viết về thanh niên, có bị mua chuộc không? Người ta cũng bảo, nhà báo dễ rung động, dễ khóc. Anh có bao giờ khóc không ?
Rõ ràng, khi viết về các nhân vật điển hình thì không thể có chuyện mua chuộc. Tuy nhiên, đôi lúc nhà báo cũng khó tránh khỏi cái nhìn thiếu chính xác do những yếu tố khách quan cũng như chủ quan.
Tuổi thơ của tôi sống xa cha mẹ nên thường tủi thân, thường hay khóc. Lớn lên, trở thành người đa cảm, dễ xúc động. Nhiều khi tôi xúc động đến tưởng chừng như phải khóc, nhưng có lẽ lớn rồi nên kềm lại được.
Hiện nay, anh vẫn còn được gọi là nhà báo trẻ. Anh có tự cảm thấy mình trẻ hay không?
Một đồng nghiệp của tôi ở Báo Phụ Nữ đã có lần gọi tôi là nhà báo hơi trẻ. Tôi rất thích cái từ hơi trẻ. Xét tuổi tác, quả là tôi chưa già nhưng cũng chẳng còn trẻ. Về phong cách, tôi thấy mình vẫn còn giữ được nhiều chất hơi trẻ. Tôi sống chan hòa và rất ham vui. Vợ tôi nhiều khi cũng tham phiền vì tính ham vui của tôi!
*Nếu đóng vai người già để khuyên lớp trẻ, anh sẽ khuyên họ điều gì trong hoàn cảnh xã hội hiện nay?
Nếu thế, tôi chỉ có một lời khuyên cho lớp trẻ: Hãy sống tự chủ nhưng không có nghĩa là bất chấp mọi thứ.
*Thời điểm 1986 - 1987, trang Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình trên Báo Tuổi (do anh thực hiện) là trang báo đầu tiên của TP.HCM thường xuyên đăng tải thơ tình không? Anh có thích thơ tình không? Anh có bao giờ làm thơ tình?
Tôi rất mê thơ tình, nhất là thơ tình Nguyễn Trọng Tạo, tôi thuộc nhiều thơ của nhà thơ ấy… Hồi còn trẻ, tôi cũng hay làm thơ. Nhưng từ khi làm báo, tôi rất ít làm thơ. Thực ra, tôi làm thơ nhiều nhưng đăng không được bao nhiêu, bởi đơn giản là… thơ dở. Tốt hơn hết là giã từ thơ để làm báo.
*Tại sao trang Nhịp sống trẻ của báo Tuổi Trẻ chỉ đề cập đến những vấn đề của thanh niên trẻ độc thân mà rất ít và hầu như không hề đề cập đến những vấn đề của gia đinh trẻ?
Vào thời điểm 1986 - 1998, trong trang Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình (sau đổi thành Tâm tình bạn trẻ) đã có chuyên mục Gia đình trẻ. Tôi lúc ấy dù độc thân, nhưng lại thường viết cho chuyên mục trên. Thời gian sau này,c ó lẽ do quá thiên nhiều về sự bay bổng lãng mạn, sáng tạo… nên tôi ít tổ chức bài về gia đình trẻ - đối tượng ít nhiều không thể tự do bay bổng như những người độc thân. Vả lại, phải nhìn nhận một điều, Báo Phụ Nữ khai thác những đề tài về hôn nhân gia đình bao giờ cũng “bài bản” và thu hút hơn báo Tuổi Trẻ.
*Khi đi thực tế, lấy tư liệu để viết bài,tình cờ gặp một người đẹp, anh có nhớ đến vợ hay là anh cũng... tán tỉnh..?
Tôi rất thích những câu thơ sau của Thuận Hữu:
Đừng trách làm chi những phút giây xao lòng
Ai cũng có một thời để thương một thời để nhớ
Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ
Ý thơ rất tâm lý, rất đời và đặc biệt là rất “an toàn”, bởi vì sau những phút giây ấy người ta lại cảm thấy yêu vợ nhiều hơn.
*Thường khuyến khích người khác viết Chuyện tự kể, anh thử một lần tự kể chuyện tình của mình trên của mình trên Báo Phụ Nữ xem sao?
Khó kể vô cùng, bởi vì nhiều lý do. Thứ nhất, tôi không biết phải kể chuyện tình nào! Thứ nhì, anh em trong Báo Tuổi Trẻ vẫn đùa tôi: “Lưu Đình Triều yêu lần nào cũng như yêu lần đầu”. Thứ ba, hiện nay tôi đang yên ấm, có mà dại thì mới nhắc chuyện cũ!
*Từng làm giám khảo nhiều cuộc thi của thanh niên, anh nhận xét gì về lớp trẻ hôm nay?
Tôi nhận thấy một lớp thanh niên rất tự tin và chững chạc đang xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là trong những cuộc thi hùng biện. Lớp trẻ ngày nay hơn hẳn thế hệ ngày trước ở một số phương diện.
*Để khuyến khích thanh niên sống đẹp ,những người đi trước cần phải làm gì?
Họ phải xuất phát từ thanh niên để lắng nghe thanh niên, hiểu thanh niên. Đừng chủ quan, đừng áp đặt đối với thanh niên. Người lớn hãy sống đẹp, hành động đẹp để làm gương chứ đừng chỉ thuyết giảng bằng lời suông.
*Đông đảo bạn trẻ sinh hoạt ở NVH Thanh niên đã bình chọn anh là một nhà báo có ngoại hình thu hút. Anh nghĩ gì về điều này?
Nếu quả thật có sự bình chọn đó, có lẽ vì những bạn trẻ chưa nhìn thấy nhiều nhà báo khác có ngoại hình thu hút hơn. Có lẽ, các bạn trẻ yêu thích phong cách và lối nói chuyện của tôi: vui vẻ, dí dỏm, hòa nhập trọn vẹn vào giới trẻ... Cũng có lẽ do tôi thường xuyên xuất hiện nên các bạn trẻ nhớ đến. Người ta bảo, đẹp không bằng chai mặt. Có khi các bạn trẻ thích thú vì sự chai-mặt-dễ-chịu của tôi.
*Anh có bao giờ xem ai là thần tượng không?
Thần tượng, nếu có đối với tôi, không phải là một cái gì bất biến. Tôi nể trọng và thấy cần phải học hỏi nghị lực và cách sống của một số người không phải chỉ ở thế hệ trước mà còn ở những lớp trẻ, ở những thế hệ sau.
*Trên đời này, anh ghét nhất người phụ nữ nào? Người phụ nữ nào ghét anh nhất?
Tôi chúa ghét những phụ nữ có tính đỏng đảnh. Ai là những phụ nữ ghét tôi nhất, làm sao tôi biết được? Biết đâu chừng không phải một mà là nhiều người phụ nữ "ghét tôi nhất” thì sao.
*Đã trải qua đổ vỡ gia đình, theo anh, đứng trước sự đổ vỡ gia đình tất yếu không thể cứu vãn, người đàn ông cần phải có thái độ thế nào?
Họ phải cố gắng hành xử sao cho xứng đáng là một đàn ông, đừng đổ lỗi cho ai khác, và nghĩ đến trẻ con để giảm thiểu tối đa những thương tổn mất mát.
*Bà xã anh hiện nay là một speaker. Làm chồng một speaker có gì phức tạp không?.
Tôi cảm thấy hơi mệt về giờ giấc (speaker lúc nào cũng đi về khuya). Nhưng nghĩ lại, tôi thấy giờ giấc của nhà báo cũng quá lung tung. Tôi là người dễ ghen, nhưng nhiều lúc cũng phải chấp nhận ở nhà ôm con để vợ thực hiện chương trình. Cũng may là cách sống, cách ứng xử của vợ tôi đã tạo được niềm tin nơi tôi, nên tôi chưa lần nào phải lên cơn ghen.
*Anh là người thương dẫn chương trình cho nhiều hoạt động của NVH Thanh niên. Có phải vợ anh đã truyền nghề speaker cho anh không?
Hoàn toàn không phải như vậy, mà trái lại, chính tôi đã tạo được ấn tượng ban đầu với với Minh Hương (bà xã tôi) bằng một Lưu Đình Triều - speaker nghiệp dư bên cạnh Lưu Đình Triều - nhà báo.
*Anh nghĩ gì về cuộc trò chuyện hôm nay?
Thoạt tiên, tôi cảm thấy hơi bất ngờ và vui vì được Báo Phụ Nữ quan tâm,nhưng... cũng nhức đầu vì câu hỏi. Tôi không hiểu những nhân vật khác có cảm giác thế mà sau khi được chị phỏng vấn; riêng với tôi, cuộc chuyện hôm nay như một dịp để tôi soi rọi lại mình.
DIỄM CHI
(nguồn: Chuyên mục Trò chuyện với người nổi tiếng của Báo Phụ Nữ số 7 - từ 20.3 đến 31.3.1996)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|