BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Bóc phốt… phớt tỉnh Ăng-lê

LÊ MINH QUỐC: Bóc phốt… phớt tỉnh Ăng-lê

boc-phot-va-phot-tinh-ang-le

 

Này, cô Hai, lại có chuyện này, trước một chuyện gì đó chưa xẩy ra nhưng có người tưởng ngon, quả quyết một cách chắc nụi là kết quả ắt thế, sẽ phải như thế, do đó mới có quyết định ngay tắp lự nhưng rồi cuối cùng lại diễn ra trật lấc. Tưởng ở mức độ chắc cú này mà bị trật cù chìa, người ta gọi “tưởng bở”. Chẳng hạn, ai đó đã làm việc gì đó không lượng sức mình, không nắm rõ vấn đề một cách cụ thể chắc chắn, chỉ mới tưởng mà lại tưởng dễ/ dễ dàng để rồi dẫn đến thất bại, có người mỉa mai: “Thấm đòn chưa? Đừng có tưởng bở”. Bở là hay rã, không bền, không dai, không rắn, xốp, dễ đứt, dễ rách, dễ bục, dễ rã, dễ bể… tùy ngữ cảnh mà chọn cách nói phù hợp. Do từ bở rành rành ra đấy, mới có cách nói liên tưởng: “Ăn dưa bở” là ngụ ý hình thức bề ngoài trông bắt mắt quá, cứ tưởng “ngon lành cành đào” nào ngờ khi bập vào thì lại trái ngược hoàn toàn, cũng tỷ như thấy ai đó bảnh tỏn, “lá ngọc cành vàng” nhưng lúc bóc phốt thì chỉ trơ ra cái cùi bắp.

Trong đời, ai lại chưa từng gặp trường hợp chó chết như những tay kia, mình tưởng con ông cháu cha, xem tiền như rác, tiêu xài cỡ “công tử Bạc Liêu” nhưng thật ra khi gặp chuyện mới biết chỉ là hạng ất cơ ma cà bông, trăm voi không được bá nước xáo, keo cú như vợ chồng “nghị Quế” đã đếm đi đếm lại từng miếng thịt ăn thừa lúc bảo cái Tí đem cất vào chạn, ngay cả kiết xác như chị Dậu cũng lắc đầu ngán ngẫm. Ấy thế, thế mà lâu nay chúng vẫn khoe mẽ đặng lòe tiền, lừa tình được khối người tin sái cổ. Nghĩ thế, cáu quá, phải vạch mặt chúng ra, nói cách khác là phải bóc phốt cho bõ ghét. 

Ửa, ủa, bóc phốt là gì hả cô Hai?

Khảo sát từ khóa “bóc phốt” qua Google: “Bóc phốt là gì”?, ta nhận được “Khoảng 2.640.000 kết quả (0,55 giây)”; “Bóc phốt nghĩa là gì?”, ta có “Khoảng 889.000 kết quả (0,67 giây)”. Thông tin này, cho thấy tính phổ biến của một từ mới xuất hiện trong lời ăn tiếng nói hiện nay. Tuy nhiên, xem ra cách giải thích về từ “phốt” vẫn còn “lửng lơ con cá vàng”, tức là các ý kiến chưa đồng thuận, chưa “chốt hạ” cuối cùng. Tựu trung trên mạng có 2 luồng ý kiến như sau:

“Phốt” cũng là từ vay mượn fosse: hố, hầm. Một khi nói “bể phốt” tức ám chỉ “hố phân” hoặc còn được gọi hầm cầu, hầm tự hoại, chứa chất thải hữu cơ.

“Phốt” là từ vây mượn tiếng Pháp faute: lỗi, sai lầm.

Trong 2 từ vây mượn này, phốt/ bóc phốt đã mượn từ nào? Trước hết, cần “thông qua” về ý nghĩa bóc phốt mà lâu nay được hiểu: “Là hành động công khai những thông tin lên mạng xã hội cho nhiều người cùng biết, phán xét và đánh giá. Những thông tin này thường không mấy tốt đẹp hoặc là việc làm sai trái của một cá nhân/ dịch vụ/ sản phẩm/ tổ chức”, theo vtc.vn; “Là người đưa ra những thông tin công khai lên mạng xã hội cho nhiều người cùng biết, những thông tin khi bóc phốt thường chả mấy tốt đẹp hoặc là việc làm sai trái của họ nhằm làm xấu hình ảnh của người nào đó trước công chúng”, theo Quantrimang.com.

Vậy, phốt này có phải vây mượn từ fosse?

Tôi nghĩ là không.

Vì rằng, bóc có hai nghĩa mà Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích: “1. Lấy đi, lột đi phần vỏ ngoài hoặc phần bọc, dán ở bên ngoài: bóc quả cam, bóc bánh chưng ra ăn; 2. Tháo đi, lột, dỡ ra: Kẻ gian bóc một đoạn đường ray”. Thế thì, bóc phốt đây là hiểu theo nghĩa 1: Cái sự bóc đó, do có vỏ bọc hình thức bên ngoài nên người bóc chưa thể biết cụ thể chất lượng nội dung bên trong. Thí dụ nhìn thấy trái cam ngon lành, xanh tươi mơn mởn bắt mắt, nhưng lột vỏ ra thì bên trong đã nhũn, đã hỏng. Nói cách khác, bóc này còn có thể đem lại cho những ai chứng kiến/ nghe/ đọc thấy được sự bất ngờ mà họ không đoán định trước. Hấp dẫn chính là chỗ đó.

Với fosse thì lại không đạt đến “tiêu chí” này. Vì rằng, ngay từ tên gọi đã xác định được rõ ràng bản chất của nó. Dù có “bóc” hay không thì ai ai cũng biết rồi. Vậy, còn gì bất ngờ nữa? Đã không bất ngờ, ai cũng biết tỏng tòng tong thì còn gì hấp dẫn, mà cũng đâu có tính phát hiện về cái điều người ta chưa biết đến. Thí dụ, chị X bóc phốt anh Y về tội đầu trộm đuôi cướp nhưng ai cũng biết Y đã từng có tiền án tiền sự, vậy, có gì lạ đâu, có gì bất ngờ, hấp dẫn đáng để quan tâm? Hơn nữa, với loại hầm cầu, hầm tự hoại, chứa chất thải hữu cơ ấy đố ai có thể bóc nổi mà phải khui/ cậy cần dụng nhiều sức lực, chứ không thể thong thả, nhẩn nha ngồi đó mà bóc.

Vậy, phốt này có phải vây mượn từ faute?

Tôi nghĩ là đúng.

Vì rằng, hành động bóc phốt đó được mọi người quan tâm vì cảm thấy bất ngờ, lần đầu biết đến, không ngờ ai đó/ sản phẩm đó, bấy lâu nay, mình “tưởng dzậy nhưng hổng phải dzậy”. Có như thế, thì sự bóc phốt đó mới là thông tin đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lẫn tò mò của đối tượng tiếp nhận. Thí dụ, chị X bóc phốt anh Y về tội đầu trộm đuôi cướp mà Y xưa nay được biết đến là doanh nhân thành đạt, hoặc nhà giáo gương mẫu, hoặc nghệ sĩ tiếng tăm đã từng thường xuyên rao giảng về đạo đức làm người, phải làm việc tốt cho cộng đồng, há chẳng phải là thông tin bất ngờ đó sao.

Bất ngờ và hấp dẫn ở chỗ lâu nay nhìn hình thức bên ngoài bảnh tỏn, oách xà lách đến thế nhưng ai ngờ che giấu bên trong lại là nội dung/ hoặc có một phần nội dung trái ngược của sắc màu tiêu cực, hắc ám. Vì lẽ đó, qua việc bóc phốt này mới dẫn tới tâm lý chung của số đông được gọi là “hóng phốt” - nhằm chi những ai ngong ngóng, háo hức muốn nghe, muốn biết đến phốt của ai đó.

Ý nghĩa sâu xa của từ bóc phốt (faute) chính là chỗ đó, chứ không phải bóc phốt (fosse) về sự việc/ con người/ sản phẩm mà ai ai cũng biết tỏng. Dù chỉ ra cái lỗi/ sai lầm của ai đó nếu có chứng cứ rõ ràng, nhưng không vì thế mà lợi dụng để mạt sát, xúc phạm, mạ lỵ, “đánh cho bằng chết”. Ranh giới của việc chỉ ra cái cái phốt (faute) của họ và sự miệt thị vốn mong manh, do đó, muốn gì thì muốn cũng phải cẩn trọng lời ăn tiếng nói chuẩn mực. Trở lại với “định nghĩa” của về bóc phốt vừa nêu trên Google, ta thấy cả hai đều trùng ý kiến cho rằng, bốc phốt “Là hành động công khai/ đưa ra những thông tin lên mạng xã hội”. Đúng những vẫn chưa đủ, nói cách khác là đã bó hẹp phạm vi của bốc phốt. Vì, hành động này diễn ra nhiều nơi nhiều chốn, chứ nào chỉ có ở mạng xã hội.

Mà này cô Hai ơi, có phải một khi bị “bóc phốt” ắt kẻ đó xấu hổ lắm đây, khi ra đường lấy mo che mặt, thiên hạ có chì chiết cũng thin thít như thịt nấu đông, mặt xanh như đít nhái chứ gì? Chắc thế. Nhưng ngược lại cũng khối kẻ mặt trơ như mặt thớt, vẫn “phớt tỉnh Ăng-lê” chăng? Có thể lắm. Vậy, câu chuyện đang hào hứng, dám hỏi thêm rằng, ta hiểu cụm từ này thế nào nhỉ? Trước hết, ta thử tìm hiểu về từ phớt.

 

Theo Việt Nam tân từ điển (1965) của Thanh Nghị, Từ điển Việt Nam (1971) của Ban tu thư Khai Trí, Tầm nguyên tự điển Việt Nam (1993) của Lê Ngọc Trụ giải thích: “Phớt (phiên âm feutre): Mũ phớt”… Rồi mới đây, khi bàn về phớt trong Phớt Ăng-lê là gì? nhà nghiên cứu An Chi cũng khẳng định: “Mũ phớt Ăng-lê cũng nói tắt thành phớt Ăng-lê. Phớt là do tiếng Pháp feutre mà ra (còn Ăng-lê là do Anglais). Nghĩa hữu quan của feutre là “dạ; mũ dạ (nón nỉ)” (Báo Thanh Niên ngày 18.7.2021).

 

Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là gì?

 

Thí dụ, “Có thể cậu đội một cái mũ phớt Ăng lê có thể không, cái này không cần thiết lắm” (Minh Quân, Khi ông cậu quý bị đắm tàu); hoặc văn liệu do học giả An Chi đưa ra: “Bộ đồ jean bạc màu + quả mũ phớt Ăng lê bất ly thân và hàng ria con kiến kiêu bạc” (nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Sao lại cấp phép cho ca khúc, ơ kìa!”, VOV ngày 31.5.2017)” v.v… Vâng, phớt này đúng là feutre nhưng nó chỉ giá trị trong trường hợp nhằm chỉ cái mũ phớt. Chứ nó không phải phớt trong ngữ cảnh: “Phớt tỉnh Ăng-lê: Phớt lờ, thản nhiên như người nước ngoài, người Anh, tự nhiên như không có gì xẩy ra: Chuyện đó mày cứ phớt tỉnh Ăng-lê đi, bận tâm chi cho mệt” (Huỳnh Công Tín, Từ điển từ ngữ Nam Bộ - NXB Khoa học Xã hội - 1997, tr. 994).

 

Nói như thế, phớt này từ tiếng Việt chăng? Ta thử tìm hiểu xem sao.

Phớt đã có trong tiếng Việt từ đời bà Cố Hỷ, từ thời xa lắc xa lơ, chẳng hạn, xét theo năm tháng mà từ điển đã ghi nhận: “Nhẹ lướt qua, phớt qua, nói phớt phớt, nói phớt qua, đánh phớt phớt, đánh phớt qua” (Đại Nam quấc âm tự vị, 1895), “Đánh phớt phớt, nói phớt qua về chuyện…, nói phớt qua, nói một hai lời phớt phớt lơ láo lạt lẽo” (Từ điển Việt Pháp của J.F.M Génibrel, 1898); “Nói màu nhạt không được thẫm: Đỏ phớt, xanh phớt; phớt phớt: Thường nói là phơn phớt, cũng có nghĩa như phớt” (Việt Nam tự điển, 1931), “Phơn phớt, phớt qua, phớt qua vấn đề, chặt phớt đi” (Từ điển Việt-Pháp-Hoa của Gustave Hue, 1937) v.v…

 

Các giải thích này bổ sung cho nhau, phớt có hai nghĩa: 1. Biểu thị thái độ/ hành động “được chăng hay chớ”, mặc kệ, sao cũng được, không quan tâm, không chú ý đến kết quả thế nào cả; 2. Màu sắc nhạt. Do đó, nó không thể kiêng cưỡng áp dụng cho phớt trong trường hợp Phớt tỉnh Ăng-lê/ Phớt Ăng-lê là hiểu theo nghĩa: Dù đang gặp/ thấy/ đối mặt với sự vật, sự việc nào đó nhưng người đó vẫn cứ tỉnh queo, tỉnh rụi, tỉnh bơ, tỉnh như không, tỉnh như ruồi, phớt tỉnh, phớt lờ không quan tâm gì sất.

 

Chà, phớt này không phải feutre (tiếng Anh) cũng không phải phớt (tiếng Việt), thế thì, nó ở đâu ra? Xin thưa, phớt trong ngữ cảnh này chính là từ vay mượn từ tiếng Pháp: flegme. Từ này có 3 nghĩa, trong đó có nghĩa ta đang bàn đến, Từ điển Pháp - Việt (1936) của Đào Duy Anh giải thích: “Lãnh đạm, vô tình, điềm tĩnh, trầm tĩnh, đằm, tính lãnh đạm, tính đằm”. Khi cái mũ phớt của Anh du nhập vào nước Nam, đơn giản dù feutre hay flegme đi  nữa thì phát âm cũng y chang. Để tạo nên một cách nói mới có hàm nghĩa khác, flegme đã hiên ngang đẩy từ feutre đi chỗ khác chơi và nó bắt quàng qua Ăng-lê vốn đang là loại mũ thời thượng lúc bấy giờ.

 

Do sự se duyên tréo ngoe này, tức là flegme chỉ kết hợp với Ăng-lê trong cái mũ phớt Ăng-lê nên nhiều người nhầm tưởng đây là câu nhận xét về người Anh. Thiết nghĩ, không cần thiết vì cần hiểu rộng ra, “Ăng-lê” trong ngữ cảnh này được mặc định nhằm chỉ người nước nước ngoài nói chung, chứ không phải hiểu bó gọn chỉ nhằm nói về người Anh.

 

Khi nói, phớt này là vây mượn từ flegme, liệu chừng có chủ quan hay không? Xin thưa là không. Bằng chứng là Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ đã ghi nhận; Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp (Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học TP.HCM - 1992), hai nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn Đức Dân giải thích: “1. Phớt (flegme) - (từ gốc Hy Lạp phlegma có nghĩa là tính khí, tính tình, tâm trạng). Tỏ vẻ lãnh đạm, lạnh nhạt như không hề để ý đến, không hề biết đến: “Bà ta đến gần cô Thúy Lan hầm hầm nói: “Cô phớt tôi là không được đâu nhé” - Nguyễn Công Hoan - Đống rác cũ, (tr. 330-331). Từ sự vây mượn này, nay Đại từ điển tiếng Việt (1999) đã bổ sung và “tổng kết”: “1. Thoáng nhẹ, lướt trên bề mặt; 2. Thờ ơ, tỏ ra không hề chú ý, để tâm đến; 3. Màu rất nhạt loáng thoáng trên bề mặt chút ít”. Và cũng chính từ sự vây mượn này, ta có thêm từ mới “phớt lờ” là kết hợp ăn ý giữa phớt và lờ, bởi khi chưa vây mượn flegme thì lờ trong tiếng Việt đã cùng nghĩa: “Giả tảng không biết: Gặp bạn cũ lờ đi không chào” (Việt Nam tự điển, 1931).

 

Có thể nói, Phớt tỉnh Ăng-lê / Phớt Ăng-lê cách sử dụng độc đáo, tinh tế, khéo léo mà ta không thể dễ dàng nhận ra: kết hợp do trùng âm giữa flegme và feutre để lái qua nghĩa khác, chứ không không phải “bê nguyên si” feutre Anglais. Nghĩ cho cùng, âu cũng là một cách “chơi chữ” tinh quái, lém lỉnh của người Việt. Khi nghe “chốt hạ” thế này ắt cô Hai cười mà rằng: “Ngay cả từ bóc phốt cũng thế nữa chứ ạ?”.

 

Vâng, đúng là thế. Nào ai dám cãi gì đâu.

 

L.M.Q

(nguồn: Báo An ninh thế giới cuối tháng - số 246 tháng 2.2202)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com