Ngày xửa ngày xưa, có cậu thư sinh Đặng Xuân Bảng, quê ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường (Nam Định), ngay từ thuở bé đã sáng dạ, học hành giỏi giang. Ai cũng phải khen giỏi. Trước ngày lều chõng, lai kinh ứng thí những mong: “Rồng mây khi gặp hội ưa duyên/ Mang quách cả sở tồn làm sở dụng” (Nguyễn Công Trứ), có người đến thử tài, đọc vế đối:
Trời có mắt, trời không xa, đèn trời soi xét;
Nào ngờ, người đó vừa dứt lời, chàng đã đọc ngay:
Đất không chân, đất biết chạy, quả đất xoay tròn.
Không thể chê vào đâu. Chữ nghĩa đối lại đâu ra đó. Tự tin lắm. Quả nhiên, khoa thi năm 1856, chàng đã thi đậu tiến sĩ. Ta thấy, ở vế đối này, “quả đất” đối lại với “đèn trời”. Thế thì “đèn trời” là đèn thế nào? Hỏi khó rồi. Trả lời thế nào? Thế thì, cách tốt nhất hãy lật qua quyển sách khác. Rằng, ông thi sĩ trào phúng Kép Trà có cây đèn quý, dưới chân đèn có khắc hai chữ Thiên đăng (đèn trời). Ngày nọ, ông chánh tổng ghé chơi nhà, nhìn thấy, thích quá, đòi mua. Thích thì chìu. Nhưng sau đó, ông ta lại lờ đi, “quăng cục lơ” không thèm trả tiền. Đòi mãi không được, cáu quá, Kép Trà gửi cho Chánh tổng bài thơ như sau:
Xin ông thắp ngọn đèn trời
Khêu cao cho tỏ khắp mười xã dân
Soi xa rồi lại soi gần
Soi sao đến cụ văn thân mới là…
Thử hỏi, từ câu đối đến câu thơ đều xuất hiện từ “đèn trời” nhưng có phải một loại? Ta bàn sau. Câu ca dao xao xuyến nhất trong tình cảm mỗi người, nói về nỗi lòng nhớ đấng sinh thành, vẫn là lúc:
Ngó lên nhang thắp đèn lờ
Mẫu thân đâu vắng gường thờ quạnh hiu
“Giường thờ” là nơi ông bà, cha mẹ lúc sinh thời đã từng ngồi, nằm, ngủ. Khi xưa, lúc tang lễ, chủ nhà khiêng cái giường này đặt sát quan tài nhằm tỏ ý kính trọng như lúc mẹ cha, ông bà còn sống. Lần hồi, giường thờ cải tiến thành “bàn thờ”, nhỏ, thấp, đặt sát vách, có các vật dụng mà người quá cố đã dùng như bình vôi ăn trầu, chén trà, khăn quàng vai, thêm lư hương đốt trầm, bộ lư… Dần dà, “bàn thờ” cải tiến thành “tủ thờ” cao hơn. Tủ thờ đóng bằng gỗ tốt, có cẩn xà cừ, khắc các cảnh tùng, bách, ngôi đình, cầu kiều, hình ngũ quả… Và, trên bàn thờ luôn thắp ngọn đèn dầu. ngọn lửa bé như hạt đậu. Còn nhớ, hồi nhỏ đi học, bạn bè hay đùa nhau: “Đêm đen, đem đèn đi đâu đó?”. Sở dĩ nhìn thấy là do đèn ấy thắp sáng. Mà, có lúc không dùng từ “thắp”, ta có thể thay bằng từ “lên”, thí dụ, có người tặc lưỡi: “Chà, nhà đã lên đèn nhưng vẫn chưa thấy nó về”. Lên đèn là đèn lúc ấy đã thắp sáng.
Thiệt ngộ nghĩnh cho tiếng Việt, với ngọn đèn đôi khi từ sáng và cháy lại sử dụng cực kỳ tréo ngoe. Thí dụ, vì lý do gì đó, ngọn đèn bị hư, bị hỏng nên lúc bật công-tắc không tỏa ra ánh sáng, người ta gọi đèn cháy/ đèn bị cháy tức đèn đã xi cà que, “xong phim”, muốn sử dụng phải thay bóng đèn mới, lúc ấy, người ta gọi “đèn sáng”. Loại đèn này lâu hư, không dễ bị cháy, thế nên mới xuất câu thề thốt: “Thề có bóng đèn làm chứng”. Nghe ra trớt quớt vì nếu lời thề đó sai/ không đúng/ nói xạo thì bóng đèn cháy cái cụp? Sức mấy, vì đèn này sử dụng bằng điện. Hồi người Pháp mới sang nước Nam ta, bấy giờ mới có điện, người ta gọi “đèn điện khí”.
Khi cụ Nguyễn Đình Chiểu; “Trước đèn xem chuyện Tây Minh” thì cụ phải châm tim đèn trong dĩa dầu phụng/ dầu phọng, dầu lạc gọi là “đèn cháy”, ta hiểu đèn đang tỏa ra ánh sáng. Đèn ấy, thỉnh thoảng phải khêu/ khêu tim đèn: “Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ/ Dầu hao thiếp chịu, đèn lờ thiếp khêu”, Vâng, sáng là từ trái nghĩa với tối, nhưng tùy loại đèn, ta thấy “đèn sáng” ngược với “đèn cháy”, thế nhưng “đèn cháy” có lúc cũng hiểu là “đèn sáng”.
Thiệt oái oăm.
Nếu lúc cạn dầu, ánh sáng chỉ tỏa ra lờ mờ, ngọn lửa thấp thì gọi “cháy lu”; nếu ánh đèn điện không sáng tỏ, cũng chỉ mờ mờ như thế, gọi là “điện lu”. Mà, cái sự điện lu này khi sử dụng trong cách nói trào phúng của người Việt lại hàm nghĩa hoàn toàn khác. Ta hãy đọc bài tứ tuyệt của Phan Minh Phụ - cháu ngoại của nhà thơ Thượng Tân Thị nổi tiếng ở miền Nam:
Ai cũng than phiền ánh điện lu
U u ám ám tợ mây mù
Đêm xuân sao nhuốm màu thu đạm
Lòng đã u buồn, điện cũng u
Điện lu/ điện u là điện gì? Là điện thiếu ánh sáng, không sáng tỏ, vậy, khác gì với cháy lu không ta? Nghe hỏi, biết rằng, có ai đó đang tủm tỉm vỗ đùi cái đét ra chiều thích thú lắm đây. Ngược với điện lu/ cháy lu ắt ta có từ gì? Có một từ cần phải nhắc đến vì có thể ít ai sử dụng, chính là rệt. “Rệt: Tỏ rõ” (Việt Nam tự điển, 1931). Như vậy, rệt này ta còn thấy trong từ đôi “rõ rệt”. Nay, chẳng mấy ai nói “tỏ rệt” mà trước đây Đại Nam quốc âm tự vị (1895) đã ghi nhận, thường sử dụng “tỏ rõ”. Mà, rệt còn có nghĩa là “sáng lắm, rõ ràng”, ở cấp độ cao hơn chính là “rực” tức sáng bừng lên, tỏa sáng. Hiểu như thế nên khi làm “Phần tự vị” Chinh phụ ngâm bị khảo (NXB Văn Học - 1993), câu thơ chữ Hán “Phong hỏa ảnh chiếu Cam Tuyền vân” (Ánh lửa cao lẫn khói bốc lên (báo có giặc) rực chiếu đến tận đám mây ở Cam Tuyền - bản dịch của Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 13B), với câu dịch: “Khói Lam Tuyền rực rệt thức mây”, cụ Hoàng Xuân Hãn giải thích: “Rực rệt: Trỏ lửa đỏ lắm, chiếu sáng ra chung quanh” (tr. 272). Theo cụ, rực rệt cũng hàm nghĩa như rựng, vì thế với dị bản: “Ngoài Cam Tuyền lửa khét rựng mây”, cụ cũng giải thích như rực rệt.
Có điều lạ, hiểu là hiểu như thế nhưng biết đâu trong trí nhớ của nhiều người vẫn thích câu dịch: “Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây”? Cứ gõ câu này trên Goolge, ta sẽ thấy có “Khoảng 102.000 kết quả (0,62 giây)”, vượt xa số lượng các câu dịch vừa nêu trên. Mà “mờ mịt” là tối tăm, không thấy gì cả, tức là đã hiểu qua nghĩa khác, ít ra là khác với nguyên tác chữ Hán. Tại sao lạ thế? Thiết tưởng do các từ rệt, tỏ rệt, rực rệt, rựng đã phai nghĩa theo năm tháng, người sử dụng chọn lấy từ khác dễ hiểu hơn đang đồng hành cùng thời đại của họ chăng?
Vậy, cháy là gì?
Cứ theo như Đại từ điển tiếng Việt (1999) có cả thảy 6 nghĩa: “1. Bén, bốc lửa thành ngọn; 2. Bị thiêu hủy bằng nhiệt; 3. Nóng ran, khô khát, khó chịu trong người; 4. Bị hủy hoại, làm cho sạm đen do thời tiết, khí hậu bất thường; 5. Bị hủy hoại, đứt mạch điện, do dòng điện quá mạnh; 6. Phản ứng tỏa nhiệt và có ánh sáng. Ngoài ra còn có thêm nghĩa nhằm chỉ lớp cơm cháy bị sém đóng thành từng mảng ở đáy nồi, chẳng hạn, cháy cơm nếp”. Thế thì, “đèn cháy” trong ngữ cảnh vừa nêu trên có thể hiểu theo nghĩa 1 và nghĩa 5.
Thế nhưng trong tục ngữ, thành ngữ dù vẫn có từ “cháy” nhưng chắc gì đã nằm trong các nghĩa vừa nêu, thí dụ, người miền Nam có từ “sát cháy”, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Sát cứng, khít rịt. Thường nói về đồ khảm nhận khéo, không hở mí”. Lại còn có câu: “Khi lành, cho nhau ăn cháy; khi dữ, mắng nhau cạy nồi”, hiểu theo nghĩa bóng khi thương khi ghét không chừng; “Cháy gan cháy ruột/ Cháy ruột cháy gan” lại hiểu là lo lắng, bồn chồn thái quá, nẫu cả ruột gan - nếu không dùng từ cháy, ta thay thế “Bầm gan tím ruột” cũng được. Có người than thở: “Canh bạc đó nhọ quá, tớ cháy túi”, chẳng cái túi nào bị cháy cả, chẳng qua chỉ là cách nói nhẵn túi, không còn một xu teng, một xèng nào. Lại còn có từ “chữa cháy” nhưng chắc gì có lửa đang phừng phừng? Thí dụ, đêm diễn ấy, đã đến tiết mục xuất hiện trên sân khấu nhưng ca sĩ danh ca Z vẫn chưa đến, chậm trễ kiểu này gay quá. Lập tức một người khác bất đắc dĩ phải “điền vào chỗ trống”, hành động “cứu bàn thua trông thấy” này gọi là chữa cháy.
Rằng, khi nhà thơ Vũ Quần Phương viết:
Áo đỏ em đi giữa phố đông
Cây xanh như cũng ánh theo hồng
Em đi lửa cháy trong bao mắt
Anh đứng thành tro em biết không?
Ơ hay, tại sao “lửa cháy trong bao mắt” vào lúc “em đi”? Ấy là cách nói hoa mỹ nhằm diễn đạt, có nhiều ánh mắt sáng lên, cháy sáng như lửa đặng dõi theo em một cách chăm chú. Do có từ “lửa cháy” nên mới có câu kế tiếp “anh đứng thành tro”. Muốn thành tro, cái thân thể ấy không chỉ cháy sém, cháy riu riu, cháy tròm trèm mà phải bị cháy bùng, cháy bừng, cháy phừng phựt, cháy hực, cháy rụi, cháy đen, cháy tiêu nhưng ở đây không xẩy ra, vì: “Anh đứng thành tro” là ngụ ý đang ghen/ ghen tuông, ganh tỵ/ tỵ nạnh mà không thể thốt nên lời. Đèn dầu muốn có lửa thì phải thắp/ đốt/ chích vào tim đèn. Ca dao có câu cực hay, rất đỗi cảm động:
Đêm đêm thắp ngọn đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Ơ hay, “đèn trời” là gì? Khó hiểu quá. Trong các loại đèn, làm gì có đèn trời? Đúng không nào? Để khỏi tranh cãi lôi thôi, xin liệt kê các loại đèn mà Đại từ điển tiếng Việt (1999) của Bộ GD và ĐT, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam đã ghi nhận. Chọn lấy từ điển này, vì rằng, đây vẫn quyển sách ghi nhận nhiều nhất các vốn từ hiện nay, cho đến thời điểm này: Đèn, đèn ba cực, đèn bàn, đèn bán dẫn, đèn biển, đèn cảm ứng, đèn cây, đèn cầy (nến), đèn chạy quân (đèn cù), đèn chiếu, đèn chớp, đèn cồn, đèn cườm, đèn dầu, đèn đất (đèn khí đá), đèn điện, đèn điện tử, đèn đóm, đèn lồng, đèn măng sông, đèn nê ông (neon), đèn trứng vịt, đèn xếp, đèn xì…
Hãy xem từ điển giải thích thế nào? “Đèn giời/ đèn trời: Sự sáng suốt của người bề trên, ví như ông trời, có thể nhìn thấy thấu suốt mọi uẩn khúc, éo le của người đời: nhờ đèn trời soi xét”. Cách giải thích này, hoàn toàn phù hợp với ngữ ghĩa trong bài thơ của Kép Trà gửi một vị quan lớn và của tiến sĩ Đặng Xuân Bảng vừa nêu trên. Rõ ràng là hiểu theo nghĩa bóng, còn “đèn giời/ đèn trời” trong câu ca dao “Đêm đêm thắp ngọn đèn trời” lại khác. Hoàn toàn không dính dáng gì với giải thích trên.
Thế, đèn trời là đèn gì?
Trong quyển Đặc khảo về tín ngưỡng gia thần (NXB Văn hóa Văn nghệ - 2013), hai nhà Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đại Phúc căn cứ vào quyển “La vie intime d’un Annamite de Cochinchine et ses croyances vulgaires” (1907) của Lê Văn Phát giải thích rõ ràng, có liên quan đến bàn thờ Thiên, tức bàn thờ đặt ngoài trời:
“Tập tục thờ Trời ở bàn Ông Thiên này được tiến hành hàng ngày, gia chủ thắp nhang vái trời, đất, bốn phương cầu cho gia đình được an lành và đặc biệt là cầu thọ cho cha mẹ. Tập tục đốt một ngọn đèn chong suốt đêm ở bàn thờ Thiên là nhằm cầu thọ. “Đêm đêm thắp ngọn đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Lễ trọng nhất trong năm là lễ vía Trời vào ngày mồng 8 rạng ngày mồng 9 tháng Giêng hằng năm theo lệ: “Mồng 9 vía Trời, mồng 10 vía Đất” có nguồn gốc từ người Hoa. Lễ gọi là vía Trời với nghi thức hành lễ gọi là “Thắp đèn trời”: Đốt một ngọn đèn sáp lớn tỏa sáng rực và đốt lò trầm hương. Cả hai cháy suốt đêm. Mục đích nhằm cầu an và cầu thọ cho cha mẹ. Đặc biệt trong lễ này, người ta trang hoàng nhà cửa tươm tất, dùng chén bát, đồ sứ sang trọng và mời dàn nhạc tấu mở tiệc đãi cha mẹ và bạn bè suốt đêm” (tr. 160-161).
Có điều thú vị, có lẽ ít ai biết đến là trong trò chơi “thai đố” ở miền Nam ngày xưa, khi đọc lên câu ca dao này, “nhà cái” hỏi: “Xuất quả?”. Ai biết sẽ nhận thưởng. Này bạn mình ơi, quả gì/ trái gì thế? Xin thưa, đáp án chính xác là trái mãng cầu.
L.M.Q
(nguồn: Báo ANTG giữa tháng - số 169 tháng 2.2022)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|