Nếu tính từ tờ Gia Định Báo với cột mốc ra đời 1865, đến nay, nghề báo đã trở thành quen thuộc với mọi người
Thế nhưng, với chức danh tổng biên tập (TBT) xuất hiện từ bao giờ? Có lẽ không phải ai cũng trả lời rành mạch. Nói như thế, bởi từ thuở ban đầu của nền báo chí nước nhà, khi điều hành tờ báo trên, nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký được ghi chức "Chánh tổng tài".
Không rõ, trước năm 1975, danh xưng TBT đã có chưa và từ thời điểm nào mới xuất hiện trên các văn bản hành chánh? Đã thế, lại thêm câu hỏi này nữa: Trong tòa báo đó, vai trò TBT là bao gồm những nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn như thế nào? Đã có văn bản nào do nhà nước quy định? Thế thì, chức danh này có khác gì chủ bút, chủ nhiệm mà trước đây bạn đọc thường thấy ghi ở trang đầu tiên của tờ nhật báo?
Thiết nghĩ, đây cũng là một đề tài nghiên cứu lý thú dành cho những ai quan tâm đến sự phát triển của nền báo chí nước nhà.
Vì lẽ đó, tập sách "Tổng biên tập - Chuyện người trong cuộc", ấn hành vào dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, đã được công chúng quan tâm.
Trước hết, phải nói rằng đây là dự án được NXB Trẻ khởi động từ năm 2017 do nhà báo Duyên Trường (chủ biên) và thực hiện với cộng sự là nhà báo Lưu Đình Triều, cán bộ giảng dạy báo chí Đoàn Khuyên. Thời gian này, rõ ràng quá dài so với việc chuẩn bị nội dung một quyển sách, nhưng ít nhiều cho thấy sự khó khăn khi tiếp cận với TBT không dễ; và làm thế nào để họ trải lòng kể lại công việc của mình thì cũng khó nốt.
Nhà báo Duyên Trường cho biết một trong những lý thú qua tập sách này: "Có những thực tế, những kinh nghiệm khái quát thành bài học, thành kinh điển, thành quy trình về nghề và nghiệp, về những việc nên làm và những điều cần tránh, về những đặc trưng cần nhận diện trong thực tế Việt Nam" (tr. 12). Như ta đã biết, công tác nghiệp vụ báo chí không bao giờ giẫm chân tại chỗ, luôn đòi hỏi phải thay đổi từ cách viết, tiếp cận vấn đề, kể cả cách quản lý từ phía nhà nước…
Vậy hiện nay, các vấn đề trên có gì khác so với trước?
Xin nêu một thí dụ từ nhà báo Phạm Quốc Toàn - nguyên TBT Người Làm báo Việt Nam - kể rằng thời chiến tranh, nhà báo Lưu Quý Kỳ - Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương - đã ví von, nhắc nhở trách nhiệm của các TBT là "Chỉ huy làm báo chẳng khác nào chỉ huy tác chiến, bài binh bố trận ra sao, xuất quân đánh địch theo hướng nào, phương châm tác chiến như thế nào vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Một TBT giỏi, biết tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật và mệnh lệnh của bộ tư lệnh tối cao (sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng), sẽ biết mình phải đánh trận như thế nào, tiến thoái ra sao, nã đạn vào thời điểm nào" (tr.274). Lời căn dặn này, nay đã được các TBT ứng xử thế nào trong các tình huống cụ thể, khi mà hệ thống báo chí ngày một đa dạng về hình thức thế hiện?
Đôi khi đọc quyển sách về đề tài nào đó, ta cảm thấy thu thập được nhiều thông tin về vấn đề mà mình cần tìm hiểu, quyển sách này là một thí dụ. Câu chuyện của Phan Hồng Chiến, Hằng Nga (Người Lao Động), Thế Thanh (Phụ Nữ TP HCM), Võ Như Lanh, Lê Văn Nuôi, Lê Hoàng (Tuổi Trẻ), Phan Quang (Đài Tiếng nói Việt Nam), Cao Xuân Phách, Trần Thế Tuyển (Sài Gòn Giải phóng), Đào Nguyên Cát (Thời báo Kinh tế Việt Nam)… rõ ràng có sức lôi cuốn bởi từ "người thật việc thật" đã diễn ra, nay mới có dịp công khai, rõ ràng như những bài học về nghiệp vụ làm báo.
Qua các lời kể của gần 40 TBT xuất hiện trong tập sách này, bạn đọc có thể tìm thấy những câu chuyện sinh động, cụ thể. Nhờ đó, tập sách thêm phần hấp dẫn, thiết thực chứ không phải lý thuyết sách vở.
Và một trong nhiều thông tin khiến tôi thật thích thú, chẳng hạn, nhà báo Lưu Quang Định - TBT Dân Việt, Nông thôn ngày nay - kể lại câu chuyện có liên quan đến đối tượng - nói như nhà phê bình Hoài Thanh "Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê", chính tờ báo Nông thôn Ngày nay lần đầu tiên đã tổ chức một sự kiện cho các "người nhà quê" đó được đối thoại với Thủ tướng: "Trong khi các tầng lớp khác hay được đối thoại với Thủ tướng thì nông dân chưa bao giờ, mà nông dân chiếm 70% dân số, lại có rất nhiều vấn đề, nên khi chúng tôi đặt vấn đề đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí ngay" (tr.166).
Qua câu chuyện kể của người đứng đầu các cơ quan báo chí trong tập sách này, ít nhiều giúp bạn đọc hình dung ra sự khó khăn, thử thách, áp lực qua nhiều thời kỳ. Từ đó, ta có thể hình dung ra cung cách làm báo của nhà báo, kể cả va vấp lẫn đóng góp của họ.
Trở lại với câu hỏi, quyền hạn của TBT đến cỡ nào, vì có thông tin khiến ta ngạc nhiên khi nhà báo Hữu Thọ - nguyên TBT báo Nhân Dân - kể lại câu chuyện vào ngày 24-5-1987. Ngày đó, ông đã nhận được lá thư, trong đó có câu khiêm tốn: "Nếu các đồng chí thấy được thì đăng" (tr. 128). Ai viết câu đó? Xin thưa, chính là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ta hiểu, với cương vị của mình, ông hoàn toàn có quyền chỉ đạo nhưng với câu đó là sự khiêm cung về phía mình, nhưng lại là sự tôn trọng với cơ quan báo chí đó, mà người đứng đầu là TBT.
Vậy, tìm hiểu vai trò của TBT vẫn là một điều thú vị, không riêng gì bạn đọc mà còn dành cho chính nhà báo. Tất nhiên, tập sách này mới chỉ dừng lại với 380 trang là còn quá ít. Hy vọng, sẽ còn có thêm những câu chuyện kể nữa từ các TBT khác, nhất là khi phương tiện hành nghề báo chí hiện nay đã phát triển với nhiều loại hình đa dạng hơn trước.
L.M.Q
(Báo Người Lao Động ngày 20.6.2021)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|