BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Doanh nhân Nguyễn Minh Hương - CEO của Golden Communication Group: Cuộc đời nở hoa khi ta là chính ta

Doanh nhân Nguyễn Minh Hương - CEO của Golden Communication Group: Cuộc đời nở hoa khi ta là chính ta


 

trang-1-RMHR

Doanh nhân Nguyễn Minh Hương hiện nay là CEO của Golden Communication Group - một công ty với doanh số khoảng vài trăm tỉ /năm không phải là chuyện dễ dàng. Chị từ lúc nhận đồng lương đầu tiên trong đời  “mừng đến rụng tim”, nay đã là một sự thành đạt, chị tâm tình: “Cuộc đời nở hoa khi ta là chính ta”.

*Bước chân vào đời, bất kỳ ai cũng mong muốn mình sẽ làm “một cái gì đó” cho mình, cho cộng đồng. Ý hướng đó rất đang hoan nghênh, cần tạo điều kiện cho họ nhưng trước hết phải là nỗ lực của chính bản thân họ. Khởi nghiệp  - Start up theo định nghĩa của Fobes là gầy dựng  công ty cung cấp những sản phẩm và dịch vụ  dựa trên nền tảng đổi mới, cải tiến công nghệ; dùng công nghệ làm nền  tảng để tạo nên quy mô phát triển nhanh và chi phí giảm. Vậy, với những gì đã trải nghiệm, góc nhìn của chị thế nào?

- Dù khởi nghiệp hay xây nghiệp, bài toán hóc búa nhất đó là tồn tại giữa “đại dương đỏ”. Cứ 100 doanh nghiệp thành lập, sau một năm chỉ còn lại 3-4 doanh nghiệp tồn tại. Tỉ lệ 3 -4 % thành công cũng không làm các anh chị nản lòng. Con đường dựng nghiệp kinh doanh chông gai nhưng thực ra không quá đau thương như bạn thường được nghe. Nhìn lại câu chuyện của chính tôi tạo dựng một nhóm công ty quy mô hơn 150 nhân viên, là đối tác là các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thì dựng nghiệp không chỉ từ khi đứng tên giám đốc công ty trong giấy phép kinh doanh mà bắt đầu từ rất sớm ở những ngày đầu đi làm.

*Bắt đầu từ những ngày đi làm? Nghe ra có gì đó vô lý lắm không, khi mà ta mới chân ướt chân ráo vào đời?

- Tôi nghĩ là phải tự ý thức như thế. Thời đó, tôi học ngành quản lý văn hóa và tốt nghiệp loại giỏi nhưng chẳng biết làm thế nào để xin việc. Chỉ nhớ là lúc học thầy cô dạy trong trường hay nhắc đến Nhà Văn hóa Thanh Niên với sự ngưỡng mộ. Khi đã được đặt chân chính thức vào một cơ quan trung tâm văn hóa lớn nhất thành phố, quả thật tôi mừng như cá gặp nước. Tôi làm tất tần tật mọi việc từ phà trà, rửa ấm chén, quét phòng, giặt giẻ lau bảng, rồi mới được nâng cấp lên thuyết minh phim trong rạp, tổ chức chương trình biểu diễn của các đội nhóm, câu lạc bộ nghệ thuật, đi theo trả tiền catse, ký nhận…

Do không nề hà bất cứ việc gì, anh chị nào nhờ gì cũng làm, làm nhiều nên học nhanh, xử lý vấn đề tốt và bắt đầu có kinh nghiệm. Nhờ sự xốc vác và chịu khó hết lòng dù chỉ là những công việc nhỏ nhoi, lặt vặt tôi đã được thương, được tin và cơ hội lớn cũng từng bước được trao để vẫy vùng. Điều ngây ngô nhất là trong suốt hai năm tôi làm việc không có lương mà chỉ có tiền bồi dưỡng ít ỏi dành cho cộng tác viên. Sau gần hai năm loanh quanh, tôi cũng được trở thành nhân viên chính thức bước  vào phòng kế toán ký nhận tháng lương đầu tiên mà mừng muốn rụng tim.

Trẻ tuổi là một lợi thế chỉ khi bạn có nhiệt huyết đam mê. Bạn mới ra trường thì không thể đòi hỏi thành công ngay. Hãy thôi mơ mộng chỉ làm việc nhẹ, lương phải cao hay em phải làm đúng chuyên môn của mình, em không muốn phụ việc, em cần được giao dự án làm một mình để em chứng minh năng lực… Tất cả những điều đó chỉ là “ảo tưởng sức mạnh” càng non yếu thì ảo tưởng sức mạnh càng cao.

Nếu nhìn lại thì hoàn cảnh mới vào nghề của tôi chắc thê thảm hơn rất nhiều bạn vì toàn đi làm chân sai vặt mà lại chẳng được trả lương nhưng điều gì đã khiến tôi không bỏ cuộc? Có lẽ nhờ sự chuyên tâm và kiên định với nghề nên chắc các anh chị thương và tạo điều kiện sau thời gian thử thách. Với tôi, có hai chữ “kiên” bạn cần làm khi mới dựng nghiệp đó là kiên nhẫn và kiên cường. Nói cách khác, chính là dám dấn thân và làm mới mình.

*Vâng, đồng ý là vậy. Nhưng nghe ra “sách vở” quá, vì rằng, không phải bất kỳ ai với “kim chỉ nam”, “thần chú” này là có thể thành công. Vậy, “công thức” của sự thành công có thay đổi tại những môi trường khác nhau không?

- Không thay đổi vì ở môi trường nào bạn cũng cần phải hết lòng thì mới tạo dựng được kinh nghiệm, sự tự tin và xây dựng được lòng tin của người khác. Môi trường càng bình lặng lại càng cần phải lăn lộn để có thêm nhiều trải nghiệm. Muốn thế, tạo ra việc mà làm.

* Ơ hay, đi làm là kiếm lấy đồng lương, miễn lương họ trả đầy đủ, lương càng nhiều càng tốt, chứ đâu phải làm việc nhà mình mà mình “tạo việc ra mà làm”?

- Thời làm ở Nhà văn hóa Thanh Niên, với sự hồn nhiên của tuổi trẻ, tôi cứ lọ mọ, loay hoay xem mình có thể làm gì mới hơn, hay hơn không, từ những công việc nhỏ, dù chỉ là chỉnh sửa từng cái poster, từng tờ thư mời, từng nội dung... Khi làm phó giám đốc Nhà văn hóa Sinh Viên, tôi cũng thế. Mỗi khi làm được cái gì mới là tâm hồn phơi phới vui hơn tết. Tôi nghĩ, vốn quý nhất của tuổi trẻ đó là sự nhiệt huyết, không tính toán, làm sống chết và luôn muốn làm tốt hơn, mới hơn. Vốn quý này như một viên kim cương thô cần được mài giũa thông qua các hoạt động thực tiễn.

* Tất nhiên, những “lý thuyết” này, tôi nghĩ mọi người hầu hết gật gù tán thành. Thế nhưng, vẫn chưa đủ. Tôi muốn nói đến cơ hội. Nhiều người than thở tại vì, bởi vì, do là không có cơ hội, tuy nhiên“Chỉ có những người bỏ lỡ cơ hội, chứ không có người không có cơ hội” , nhà văn Pháp La Beaumelle đã khẳng định như vậy.

- Vâng, cơ hội không tự đến mà mình phải tìm và tạo ra nó. Tạo ra nó cũng có thể là lúc cân nhắc mình có dám thay đổi để nắm bắt hay không?

* Trường hợp của chị thay đổi như  thế nào, có thể chia sẻ?

- Khi ở nhiều ngã rẽ khác nhau trong cuộc đời, tôi băn khoăn là mình nên tiếp tục công việc nào đây? Tôi tự đặt nhiều câu hỏi về được và mất khi thay đổi, khi bắt đầu lại từ đầu. Cuối cùng thì bản chất ưa thử thách, khám phá đã thắng. Tôi quyết định từ bỏ vị trí Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Sinh Viên để bắt đầu lại từ con số không với công việc biên tập viên HTV (Đài Truyền hình TP.HCM) - dù lúc đó, không biết có thi đậu hay không? Sau khi đã được nhận làm việc tại HTV nhưng rồi tôi lại… từ bỏ sau hai năm làm nghề.

*Tại sao thế? Ai cũng thừa biết sức hấp dẫn của ngành truyền hình, sự nổi tiếng, thu nhập ổn... vẫn khiến bao người ngưỡng mộ và khát khao. Vậy tại sao chị lại từ bỏ tất cả, một lần nữa để làm lại từ đầu?

- Tất nhiên, một khi có quyết định đó, tôi cũng sợ. Sợ rất nhiều nhưng cứ suy đi tính lại điều mình thực sự khát khao là gì? Lựa chọn cuộc sống ổn định hay phát triển với những năng lực mới, trải nghiệm mới? Muốn chủ động tạo ra cuộc sống hay chờ đợi theo sự dẫn dắt, sắp xếp của người khác? Muốn tổ chức thực hiện được những điều mình mong muốn hay chỉ ngồi đó than thở, bực bội? Khi đã đi tận cùng những câu hỏi và mong muốn trung thực nhất thì tôi quyết định chọn cơ hội về điều hành một công ty trong Golden Communication Group.

Ngày đầu về Golden, Tôi cũng ám ảnh những nỗi sợ khác liên quan đến chuyên môn như sợ phải ngồi viết những đề xuất, trình bày các ý tưởng, thiết kế, phương thức tổ chức sự kiện dành cho một dự án, công trình nào đó để đi đấu thầu. Mà lại bằng tiếng Anh. Trong khi đó vốn liếng Anh của tôi là tiếng Anh đi giảng dạy, chứ không phải tiếng Anh của dân làm nghề marketing & truyền thông. Chưa kể những kiến thức chuyên ngành về marketing tôi cũng tậm tịt, mơ hồ.

Nỗi sợ lớn hơn liên quan đến “cái tôi” của một người thành công phải bắt đầu lại ở lĩnh vực mà mình mới chỉ mới vỡ lòng, đó là sợ bị nhân viên xem thường vì kém nghề. Tôi cũng sợ công việc kinh doanh của công ty thất bại do bản thân yếu kém, sợ khách hàng ngoảnh lưng, quay mặt. Dù đã từng hàng nghìn lần đứng trước vài ngàn khán giả mà không thấy run bằng đi đấu thầu, phải thuyết trình trước dăm khách hàng, bởi mình đang phải làm công việc mà mình chưa giỏi. Đã thế, còn là áp lực rất lớn về cơm áo gạo tiền của bao nhân viên.

Khi bước vào môi trường mới, nghề mới bạn sẽ phải nỗ lực rất nhiều, bạn được quyền chọn lựa xây dựng, thay đổi hay khoanh tay nhìn… Với mình khi bước vào nghề và tham gia môi trường làm việc tại Golden mình cũng không hoàn toàn hài lòng vì có rất nhiều giá trị mâu thuẫn, cách làm, suy nghĩ khác biệt. Thay vì phàn nàn, bài bác, bỏ đi thì mình đã bắt đầu xây và kiên nhẫn xây. Động lực để xây đó là mình đã trải qua những môi trường làm việc quan liêu, ì ạch, có khi làm tổn thương nhau… vì vậy mình mong muốn xây môi trường tốt hơn những gì mình đã trải qua. Trong quá trình phát triển của một công ty, khi bạn bắt tay vào xây có nghĩa là bạn đang xây cho chính mình và thấy mình trong đó. Lúc này bạn không còn dành thời gian và cảm xúc quá nhiều cho những điều tiêu cực mà dùng năng lượng của mình tạo ra những điều tốt đẹp hơn.

* Chi tiết này, với tôi thật thú vị. Lúc này, tôi nhớ đến quan niệm sống của nghệ sĩ vĩ đại Charlie Chaplin, ông bảo: “Đừng sợ sống”. Vậy, làm sao vượt qua nỗi sợ đó? Chị đã thoát ra nỗi ám ảnh đó bằng cách nào?

- Học. Nỗi xấu hổ làm lãnh đạo mà chẳng biết gì đã trở thành động lực để tôi phải học. Học từ nhân viên giỏi, học từ khách hàng, học từ các lớp ngắn hạn. Học không đủ mà phải lăn ra làm cùng nhân viên chỉ có thế mới là thực học. Mình muốn doanh nghiệp phát triển thì chính mình phải phát triển.

Khi nhận trọng trách điều hành công ty, tháng đầu tiên khi đọc bản P&L (Báo cáo lời lỗ) mà con số bay tít mù vì tôi không hiểu gì cả. Tôi loay hoay dò tới dò lui nhưng quả thật cũng chỉ là dò và đoán. Cuối cùng, tôi quyết định phải gặp trực tiếp giám đốc tài chính để nhờ giải thích cho tường tận. Sau khi nghe giải thích nhưng trong đầu vẫn lùng bùng với số má. Không thể cứ lùng bùng mãi nên tôi cấp tốc tìm mua sách về về quản lý tài chính đọc sống chết. Hơn 6 tháng sau, tôi đã có thể tự tin trao đổi với giám đốc tài chính về những số liệu mà mình còn băn khoăn. Cứ mỗi lần học thêm được cái mới và thực hành nhuần nhuyễn tôi lại thấy tự tin và hào hứng hơn với công việc đang làm.

Khi được học về nghề truyền thông marketing tại Malaysia, Singapore, London, NewYork; học Master Coach - nghiên cứu tỉ mỉ hành vi của con người với những thói quen, phân loại thói quen tích cực và tiêu cự nhằm khai vấn và phát triển con người tại Bangkok, với tôi là tháng ngày khó quên. Nhớ lần đầu tiên một mình đặt chân đến Mỹ vừa dự hội thảo, vừa học, tôi đầy lo lắng, sợ hãi. Nhưng những chuyến tham gia các hội thảo với các hệ thống về nghề tại các trung tâm lớn của thế giới dần giúp tôi vững vàng bắt nhịp nhanh chóng với thị trường quốc tế. Rồi tôi tiếp cận, cung cấp dịch vụ cho những khách hàng là những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu. Sau những năm dài lao đầu vào học, tôi nghiệm thấy chẳng có gì là phí hoài. Học chính là của để dành, là những viên gạch giúp ta có đủ kiến thức nền và  tự tin bước vào những lĩnh vực mới lạ, nhiều thử thách.

* Từ kinh nghiệm của chị vừa kể, hẳn nhiều người lại càng tâm đắc với lời dặn dò của cụ Phan Châu Trinh từ thế kỷ trước: “Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý tặng cho đồng bào là ‘Chi bằng học’”. Vâng, phải học. Hiện nay, chị đã là một CEO của ngành truyền thông, một ngành cạnh tranh quyết liệt, hơn nữa, thiên hạ cũng hay dễ “soi” nhất. Vậy, đâu là điều chị hướng tới?

- Thực ra nghề CEO là trăm nỗi lo, cả kho áp lực. Bạn bị áp lực từ nhân viên, từ khách hàng, từ thuế, từ nhà cung cấp, từ các cổ đông và từ chính mình. Vậy làm thế nào? Nói chung chung là phải có bản lĩnh thì không đủ, bản lĩnh là kết quả của rất nhiều thứ tạo ra từ sự tự tin, hiểu biết chuyên môn, đến kỹ năng lãnh đạo, sự khôn ngoan và niềm tin mạnh mẽ. Sau nhiều năm lăn lộn với bộ máy và con người, tôi quyết định triết lý lãnh đạo là dựa trên niềm tin về sự đàng hoàng, tử tế, công bằng và cùng xây dựng với tâm thế tích cực, chủ động.

Với công việc đang điều hành hiện nay, tôi nhận thấy nghề truyền thông marketing là nghề cạnh tranh nhiều nhất về nhân lực. Nhân sự trong ngành không ổn định, luôn biến động vì còn thiếu quá nhiều. Khi chọn lựa nhân sự luôn gặp bài toán là chọn người tài hay người tốt. Rất nhiều lần tôi buồn và cảm thấy đau lòng vì người mình đào tạo, đặt bao hy vọng thì lại bỏ mình ra đi… Quả thật những lần vậy là đau đầu vì nhân sự thay đổi, đau lòng vì bao nhiêu hy vọng mong đợi lại ra đi cùng với người đó. Hụt hẫng, buồn, lo nhiều lần rồi cũng sẽ quen vì con đường đi của công ty và người ấy không còn tương thích. Thay vì trách họ thì ta cần hiểu và thấu cảm với quyết định của họ. Có thể công ty tìm người chưa phù hợp hoặc chưa có hệ giá trị cốt lõi và văn hóa rõ ràng để những người cùng chung giá trị đến và ở lại cùng nhau lâu dài.

Tôi đã từng chịu xất bất xang bang nhiều lần về việc tuyển dụng và giữ người. Đến bây giờ mình hiểu rằng sẽ không bao giờ có giải pháp hoàn hảo nhưng nếu chỉ có một người được chọn thì sẽ chọn người tốt. Người tốt sẽ tạo ra nhân viên tốt, đồng nghiệp tốt. Tốt ở đây được hiểu là những người có tư cách và lối sống tử tế cùng chuyên môn phù hợp từ đó chúng ta sẽ đào tạo và cho họ điều kiện để họ phát triển vững vàng.

* Theo chị vừa nói, nghề truyền thông marketing là nghề cạnh tranh nhiều nhất về nhân lực. Tôi hiểu là một ngành cần nhiều nhân lực. Thí dụ, ai đó đủ năng lực, đạt các yếu tố, nhu cầu vừa đặt ra, liệu chừng họ có thể lọt vào “mắt xanh”, tầm ngắm của nhà  tuyển dụng?

- Tôi rất thích làm việc và nói chuyện với những người có khát vọng bởi trong họ luôn có ngọn lửa đầy cảm hứng và họ sẵn sàng giúp ta thắp lửa. Trong kinh doanh, đặc biệt là với các công ty non trẻ, người lãnh đạo có khát vọng sẽ giúp phát triển cuộc đời của chính họ và dẫn dắt doanh nghiệp đi xa. Nếu không, mình không thể truyền cảm hứng và niềm hy vọng cho đội ngũ. Làm việc với con người là khó nhất vì ranh giới  giữa  tốt và xấu, đúng sai, khát vọng và tham vọng đều không rõ ràng. Đôi khi tham vọng sẽ trở thành động lực rất lớn giúp ta phát triển nhưng nếu tham vọng đó chỉ có mục tiêu duy nhất là lợi ích cá nhân thì sẽ không bền lâu và cũng không thể truyền cảm hứng và có được sự tin cậy của người khác.

*Nói cách khác, tôi còn nghĩ đến sự dấn thân. Có dám dấn thân hay không? Dấn thân có thiệt thòi không?

- Thực ra tùy góc nhìn của mỗi người định nghĩa dại khôn. Đối với riêng tôi thì dấn thân là cách sống hết mình, khai thác hết năng lực của mình để tạo ra sự thay đổi tốt đẹp hơn. Dấn thân là cách học hỏi nhanh nhất, hiệu quả nhất vì khi bạn dấn thân là lúc bạn tập trung toàn tâm sức để học hỏi, đóng góp và bạn sẽ thu hoạch rất nhiều kinh nghiệm, bài học từ thực tế. Dấn thân còn giúp bạn chiếm được tình cảm thương mến của những người xung quanh vì ai cũng thích được làm việc với những người nhiệt thành. Dấn thân cũng là cách giúp bạn thăng tiến nhanh hơn vì bạn sẽ nâng cấp năng lực làm việc, giao tiếp xã hội tốt hơn và đặc biệt chiếm được cảm tình, sự nể phục của mọi người nên việc được đề bạt và cất nhắc vào vị trí cao hơn là tất yếu.

*Dấn thân trong công việc vì lợi ích chung, vi cộng đồng, tất nhiên nhiều người đồng tình với suy nghĩ này. Và nghĩ cho cùng, đây cũng chính là ý nghĩa của hạnh phúc?

- Qua nhiều lần thử, tìm kiếm tôi nhận ra trải nghiệm bước vào con đường kinh doanh và phát triển bản thân trong ngành truyền thông là thử thách khắc nghiệt nhưng lại khiến tôi phát triển và hạnh phúc. Vậy làm cách nào để ta tìm được môi trường và công việc phù hợp với giá trị cốt lõi của mình để mình thấy vui và hạnh phúc. Một trong những điều thú vị thầy của tôi đã chia sẻ đó là: “Bạn sẽ không hạnh phúc nếu bạn không phát triển”, và quả đúng là mình chỉ hạnh phúc khi phát triển. Trong sâu thẳm tiềm thức, tôi luôn tìm cách tiến đến những môi trường, những công việc thử thách và tạo điều kiện cho mình phát triển.

Khi ta là chính ta, không chối bỏ, không phán xét, không vật vã “đeo mặt nạ”, không mất quá nhiều năng lượng cho những việc tiêu cực, tranh đấu nội tâm thì nơi đó là nơi bạn thuộc về. Có một khái niệm rất hay đó là bạn là người chịu trách nhiệm với chính bạn, với gia đình bạn và với cộng đồng của bạn. Chỉ khi bạn nhận thức mình là người chịu trách nhiệm thì lúc ấy bạn mới không trở thành nạn nhân của tất thảy.

Cuộc đời mỗi người không chỉ có công việc mà còn có muôn mặt từ gia đình đến các mối quan hệ, tài chính nhưng khi được là chính mình nhiều nhất thì cũng là lúc sự nghiệp của bạn dễ thăng hoa, cảm xúc hứng khởi, hạnh phúc bình an. Ngược lại nếu sống “đeo mặt nạ” và ứng xử theo yêu cầu của người khác thì không thể hạnh phúc và bình yên dài lâu dù có tiền hay giữ vị trí cao trong xã hội. Từ những thăng trầm đã trải qua, tôi có thể sẻ chia rất nhiều cảm xúc, nhiều bài học nhưng đôi khi bài học đó chỉ đúng với hoàn cảnh của mình. Để phát triển và có cuộc sống hạnh phúc thì không chỉ nhờ vào kinh nghiệm của bản thân mà còn là những bài học từ thế giới quanh ta, từ sách vở, từ những người ta gặp trên đường đời. Hành trình sống hạnh phúc còn quan trọng hơn cả thành công và với mình nó là đích đến cuối cùng.

Hạnh phúc không phải là điểm đến cuối cùng mà là từng phút giây trong suốt chặng đường. Hạnh phúc thực sự chỉ đến khi bạn chọn tận hưởng và yêu quý từng giây phút trong cuộc sống và biến nó trở nên có ý nghĩa với cuộc đời của bạn. Chỉ khi bạn chọn trở thành người hạnh phúc bạn mới chắc chắn có hạnh phúc. Cuộc đời nở hoa khi ta là chính ta.

* Những ngày này, khi đối mặt với nhiều thay đổi từ đại dịch Covid-19 tất nhiên dẫn tới nhiều hệ lụy, nhiều thay đổi. Tuy nhiên những giá trị cốt lõi vẫn tồn tại, vẫn còn đó. Về những chia sẻ này, tôi mạo muội nghĩ rằng, tính thời sự và thiết thực vẫn còn có ý nghĩa lâu dài. Xin cám ơn chị đã dành thời gian tâm tình tình về câu chuyện chúng ta đang bàn mà cũng là quan tâm của nhiều người, nhất là những người trẻ.

LÊ MINH QUỐC

(thực hiện)

(nguồn: Báo ANTG giữa tháng - số 162 tháng 7.2021)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com