BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: NGÀY THÁNG CHƯA XA

LÊ MINH QUỐC: NGÀY THÁNG CHƯA XA


LEMINHQUCO-NGAY-THANG-CHUA-XA

 

Cho đến nay, và có lẽ suốt đời, tôi khó quên được nỗi sung sướng khi nhìn thấy bài thơ của mình lần đầu tiên được chọn in trên báo Sài Gòn Giải phóng.

Bấy giờ, đời sống sinh viên còn khó khăn lắm, phải “Nước mắm đại dương, canh toàn quốc” mỗi ngày tại Ký túc xá. Vì thế, khoản nhuận bút ấy, với tôi là món quà quý báu có thể cải thiện bữa ăn suốt cả tuần. Mà từ cũng bài thơ đó, giữa tôi và nhà thơ Lê Giang là một kỷ niệm êm đềm. Bài thơ lấy cụm từ “Tìm ngọc ở quê mình” của cô để làm tựa và được chọn in trên số báo Chủ nhật ra ngày 30.11.1986. Nhắm mắt tôi vẫn còn nhớ vanh vách: “Cầm chén cơm ăn bây con thấm thía/ Những câu hò như máu chảy trong con/ Nuôi con lớn -  quý như là hạt ngọc/ Dạy con làm người phải biết nghĩa biết ơn”.

Bấy giờ, không rõ nhà thơ Vũ Ân Thy đã là Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ chưa hay nhà văn Trần Văn Tuấn? Tôi không biết nữa. Khi ra trường, tôi mới cộng tác thường xuyên và thân thiết với các anh chị trong Ban như Vũ Ân Thy, Ngô Ngọc Ngũ Long, Nguyễn Nhật Ánh, Xuân Thái, Việt Hà, Bạch Tuyết rồi sau này còn có thêm Hà Giang. Và bây giờ là Đào Tuấn Anh, Tường Vân…

Tuy nhiên, qua “mắt xanh” của nhà báo Quốc Kế, bấy giờ anh đang “chủ xị” Ban Tuần san, tôi mới trở thành người đứng chuyên mục “Chuyện tình các danh nhân Việt Nam”. Từ chuyên mục này, tôi đã viết hàng tuần, viết ròng rã trong nhiều năm liền, viết đến hơn 200 danh nhân. Sau này, từ các bài báo trên, nhiều NXB đã chọn in thành sách và tái bản nhiều lần. Nếu không là mối quan hệ thân thiết với anh chị trong Ban chắc chắn tôi không thể cộng tác dài hơi đến thế. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in những gương mặt đồng nghiệp như Quốc Kế, Phạm Thục, Lê Dũng, Huy Thắng, Phi Á. Thu Nga, Mai Văn Thi, Phùng Thị Phượng… mà hầu như tuần nào tôi cũng gặp và trò chuyện tại báo SGGP.

Nhân đây cũng “bật mí” luôn, do có một gắn kết số phận nên có thời gian, tôi như “người nhà” của báo. Từ đời các Tổng biên tập như các anh Tuất Việt, Cao Xuân Phách, Dương Trọng Dật, Trần Thế Tuyển… nơi chốn ấy, với tôi lại càng khó quên. Đó là khoảng thời gian, qua trò chuyện với các đồng nghiệp tôi đã tiếp thu được nhiều kinh nhiệm viết báo, thao tác về nghiệp vụ. Ông bà ta bảo: “Học thầy không tày học bạn”, làm sao tôi có thể quên lời dặn dò, hướng dẫn của các anh Trần Quang Thịnh, Hải Nam, Đỉnh Chi…; hoặc từ trao đổi với các bạn cùng lứa như Tường Lộc, Cao Vũ Huy Miên… lúc trà dư tửu hậu.

Có lẽ thêm một điều khó quên của sự thân tình, hào hiệp từ báo SGGP còn là các đồng nghiệp với Văn phòng đại diện ngoài Hà Nội - như anh chị Tô Sản, Đỗ Thu Thủy, Vũ Song Toàn, Lê Hồng Thanh, Ngô Nguyễn Tân Anh và nhất là với chị Đỗ Thu Thủy. Vợ chồng chị Thủy giúp đỡ chu đáo lúc tôi mới “chân ướt chân ráo” ra tác nghiệp hoặc du lịch. Bây giờ, mỗi lần ra Thủ đô, trong trí nhớ vẫn còn nhớ đến từng ngóc ngách trong căn nhà ở phố Lê Văn Hưu với nhiều kỷ niệm của tình đồng nghiệp.

Chao ôi, thoáng đó mà đã xa. Thời gian đã xa nhưng tình đồng nghiệp của anh chị báo SGGP vói tôi vẫn đang gần, gần lắm và tưởng chừng như vẫn còn nghe quanh đậy những tiếng nói cười rổn rãng, thân thiện của thuở nào.

“Dạy con làm người phải biết nghĩa biết ơn” - Câu thơ lần đầu tiên được in trên báo SGGP, nay hiện về trong tôi như một sự nhắc nhở.

L.M.Q

(nguồn: Báo SGGP ngày 5.5.2017 - kỷ niệm 42 năm ngày báo SSGP ra số báo đầu tiên)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com