BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: NHỮNG TÌNH BẠN TRONG VĂN CHƯƠNG

LÊ MINH QUỐC: NHỮNG TÌNH BẠN TRONG VĂN CHƯƠNG

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: NHỮNG TÌNH BẠN TRONG VĂN CHƯƠNG
1. Ngô Tất Tố - Vũ Trọng Phụng giữa giông tố cuộc đời
2. Những ngày vui của Nhất Linh và Khái Hưng
3. Mối tình thơ của Đông Hồ - Mộng Tuyết
4. Xuân Diệu - Huy Cận xương luồn qua xương
5. Nam Cao - Tô Hoài chia sẻ từ trang viết đến cuộc đời
6. Sơn Nam - Kiên Giang một đời lăn lóc
Tất cả các trang

 

 

nhunbg-tinh-ban-trog-van-chuong

 

Trong văn học Việt Nam xưa nay đã có những đôi bạn tri âm, tri kỷ. Họ chia sẻ buồn vui từ cuộc sống đến tác động lẫn nhau trong sáng tác văn chương, sáng tạo nghệ thuật. Từ động viên, giúp đỡ chân chân thành của người này, người kia có thêm cảm hứng, nỗ lực để viết những tác phẩm cống hiến cho đời. Và ngược lại.

Với loạt vài Những tình bạn trong văn chương, chúng tôi tin rằng sẽ góp phần giúp bạn đọc thấy rằng, giá trị của tình bạn ấy không chỉ là nét non tươi đẹp, ấm áp, là chỗ dựa tin cậy trên đường đời của họ mà qua đó, bạn đọc còn được thưởng thức những áng thơ văn có giá trị.

L.M.Q

(IX.2016)


 

Ngo-tat-to-va--vu-trong-phung-1-R

Ngô Tất Tố - Vũ Trọng Phụng


Ngô Tất Tố - Vũ Trọng Phụng giữa giông tố cuộc đời

 

Nhà văn Vũ Trọng Phụng nhỏ hơn Ngô Tất Tố 18 tuổi. Tình cảm họ dành cho nhau luôn bền chặt, cả cho đến lúc một người xuôi tay nhắm mắt.

Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố thân thiết nhau từ năm 1935, lúc cùng làm chung tờ Công Dân - tòa soạn ở số 11 Hàng Da (Hà Nội) chung với Vũ Bằng, Nguyễn Triệu Luật, Phùng Bảo Thạch... Sở dĩ họ thân nhau vì trước đó, lúc viết cho các báo Thần Chung, Phổ Thông, Đông Phương, Thực Nghiệp Dân Báo..., Ngô Tất Tố đã nổi tiếng là cây bút chiến sừng sỏ. Tính cách quyết liệt chống lại cái xấu, cái ác, bất công xã hội... rất phù hợp với chí hướng, tâm nguyện của tác giả Giông tố, Cạm bẫy người, Số đỏ...

 

Tình bạn nghèo

Không những hợp nhau về trách nhiệm, thái độ dũng cảm của người cầm bút chiến đấu cho lương tri, lẽ phải, họ còn hợp nhau ở chỗ cùng... nghèo. Chính Ngô Tất Tố đã nói một câu “để đời”, có sức khái quát về giới cầm bút thuở ấy: “Hầu như riêng ở phương Đông, cái nghèo cũng là cái trường đúc nên văn sĩ”.

Mà ở Vũ Trọng Phụng là thứ “nghèo gia truyền” chứ không phải “nghèo lỏi”, Ngô Tất Tố nhận xét. Do chơi thân với nhau nên Ngô Tất Tố biết thói quen của bạn: “Mỗi khi ở Gia Lâm sang nhà báo, ông cứ cặm cụi cuốc bộ đi, lại cuốc bộ về, hôm nào mỏi lắm mới lấy năm xu đi xe. Một điều đáng trọng hơn nữa là đời ông luôn luôn thấy sự túng thiếu, nhưng không lúc nào ông tự đem cái sự túng thiếu của mình ra làm phiền lụy người nào, dù là khi túng thiếu cực điểm cũng vậy”.

Ngoài quý mến về tính cách, một trong sự thể hiện tình bạn của họ còn là sự ủng hộ quan điểm, tư tưởng của nhau đã thể hiện trong tác phẩm.

Lúc làm Báo Tương Lai, Vũ Trọng Phụng viết Vỡ đê và in từng kỳ Giông tố trên Hà Nội Báo đã khiến nhiều đồng nghiệp khâm phục.

Ngô Tất Tố sau đó cũng bắt đầu viết tiểu thuyết. Một phần Tắt đèn lần đầu tiên xuất hiện trên Báo Tương Lai (9.1936) với tựa Một ổ chó và một đứa con. Khi in thành sách, lập tức trên Báo Thời Vụ (số ra ngày 31.1.1939), Vũ Trọng Phụng khen ngợi: “Tắt đèn là một thiên tiểu thuyết có luận đề xã hội, điều ấy, cố nhiên - hoàn toàn phụng sự dân quê! Áng văn có thể gọi là kiệt tác, tòng lai chưa từng thấy...”.

Vũ Trọng Phụng cho biết thêm, sở dĩ ông phải viết bài viết nồng nhiệt này, còn vì “bạn tôi lại từ làng báo mà mới bước vào làng tiểu thuyết, và Tắt đèn là áng văn đầu tiên của bạn, cũng là áng văn mới mẻ nhất về loại văn chương ngày nay”. Phải chí cốt, thân thiết lắm, người ta mới hăm hở, ủng hộ thành công đầu tiên của bạn. Đến nay, nhận định của Vũ Trọng Phụng hoàn toàn chính xác, Tắt đèn vẫn là tác phẩm xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán nước ta giai đoạn 1930 - 1945.

 

Kê đơn bốc thuốc cho bạn

Về năm tháng cuối đời, Vũ Trọng Phụng bị ho lao. Thầy thuốc khám bệnh và ra toa chữa trị cho ông chính là người bạn thân thiết Ngô Tất Tố.

“Bấy giờ người ông tuy đã tiêu tước, nhưng mạch hai tay vẫn còn có lực. Sau khi coi mạch và hỏi các chứng, tôi kê cho ông bài “Nhị trần thang” hợp bài “Nung thang” gia một lạng ý dĩ và dặn ông uống một ngày hai thang. Sáng mai, tôi lại lên thăm, ông khoe với tôi bệnh đã bớt nhiều, có lẽ không chết. Từ đó ông cứ uống mãi đơn ấy, tuy thỉnh thoảng cũng thay đổi ít nhiều, nhưng đại thể vẫn không ngoài hai phương thuốc trước”, Ngô Tất Tố kể.

Khoảng một tháng sau Vũ Trọng Phụng có khỏe hơn. Ông đến thăm bạn ở Báo Thời Vụ. Ông tâm sự sẽ lên nghỉ dưỡng ở Tam Đảo.

Ngô Tất Tố kể tiếp: “Lên Tam Đảo được tám ngày thì ông phải về, vì ho nhiều và hai ống chân bị bại. Nghĩ không còn cách gì hơn, tôi lại thêm bớt hai bài thuốc cũ để ông uống xen với bài “Nhân sâm dưỡng vinh” bỏ quế và kỳ. Lần này không có công hiệu, uống năm thang thuốc, bệnh tuy không tăng, nhưng cũng không giảm, hai chân vẫn bại không đứng dậy được. Vì muốn trút trách nhiệm cho người khác, tôi cố khuyên ông hãy dùng thuốc tây. Hình như ông cũng nhận thấy ý tôi, nên mới hỏi rằng: “Bác tưởng tôi có chết không?”. Câu hỏi của ông làm cho tôi buồn vô hạn, nhưng tôi vẫn bình tĩnh mà đáp lại rằng: “Chết làm sao được!”. (Tạp chí Tao Đàn số tháng 12.1939 - số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng).

Ít lâu sau, Vũ Trọng Phụng qua đời, lúc chỉ mới 27 tuổi. Sở dĩ Ngô Tất Tố không dám nói thật bệnh tình vì không muốn bạn “trước khi từ giã cõi đời, ngoài cái lo nghèo lại còn lo thêm cái chết”. Ngô Tất Tố quả quyết: “Ông Phụng tuy chết, mười mấy tác phẩm của ông vẫn còn sống. Thế cũng là thọ”.

Lê Minh Quốc

(nguồn: Báo Thanh Niên số ra ngày 19.9.2016)



Những ngày vui của Nhất Linh và Khái Hưng


Năm 1930, Nguyễn Tường Tam từ Pháp về nước sau quãng thời gian du học và bắt đầu Nhà thơ Tú Mỡ cho biết: “Nguyện vọng tha thiết của anh Tam là viết văn, làm báo, sống bằng ngòi bút của mình”. Trên tờ báo trào phúng Phong Hóa (bộ mới) số đầu tiên ra ngày 22.9.1932, độc giả thấy những tên tuổi mới nhưng lập tức tạo được tiếng vang.

Chính Nguyễn Tường Tam là người định hướng cho các cây bút trong tờ Phong Hóa (sau này là Ngày Nay). Chẳng hạn, Tú Mỡ chuyên làm thơ trào phúng, Hoàng Đạo chuyên về nghị luận, Khái Hưng chuyên viết truyện ngắn, truyện dài... Đây là cái tài của Nguyễn Tường Tam trong việc sử dụng, phát huy khả năng của từng cộng sự.

Ngày nọ, lúc đang thương lượng mua lại tờ Phong Hóa của ông Phạm Hữu Ninh, Nguyễn Tường Tam tình cờ đọc một bài khảo luận đăng trên tờ Văn học tạp chí, ký tên Bán Than. Bút danh này có liên quan gì đến danh tướng Trần Khánh Dư đời nhà Trần? Lập tức, ông nghĩ ngay đến đồng nghiệp Trần Khánh Giư cùng dạy Trường tư thục Thăng Long. Quả nhiên ông đoán không sai. Ngay từ lúc gặp gỡ họ đã nhanh chóng kết bạn do tâm đầu ý hợp về quan niệm văn chương, về xã hội...


untitled-11_yhcu

Khái Hưng

Cả hai hợp ý nhau đến độ ban đầu, bút danh Nhất Linh, Nhị Linh, Nhất Nhị Linh, Cốc Lốc Tử là Nguyễn Tường Tam và Trần Khánh Giư ký chung. Sau này, Nguyễn Tường Tam mới chính thức ký Nhất Linh; còn Trần Khánh Giư đảo mẫu tự từ tên thật thành Khái Hưng. Về tuổi tác, Khái Hưng hơn Nhất Linh 10 tuổi.

Không chỉ có thế, do yêu mến Nhất Linh, Khái Hưng còn viết tập truyện dài Những ngày vui bằng giọng văn hài hước, kể lại những ngày Nhất Linh cùng các cộng sự làm tờ Phong Hóa, nhưng tác giả đặt tên trại đi. Chẳng hạn, về nhóm Tự Lực là Tự Động và nhân vật trong đó giải thích: “Tự Động là tự mình động đậy, tự mình chuyển động, không phải theo ai, không nhờ sức ngoài, không chịu ảnh hưởng ở ngoài sai khiến. Hai chữ “Tự Động” của người ta hay lắm đấy chứ. Báo Tự Động của người ta là một tờ báo tự lập, không sống về phụ cấp của chính phủ hay của một nhà tư bản nào. Tự hoạt động để sống một cách vẻ vang”. Với thông tin này, rõ ràng ý định thành lập Tự Lực Văn Đoàn đã nhen nhúm ngay từ lúc bắt đầu làm tờ Phong Hóa.

Hồn bướm mơ tiên in năm 1933 của Khái Hưng là quyển truyện thứ nhất của Tự Lực Văn Đoàn và cũng là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng. Người viết tựa chính là Nhất Linh: “Tác giả đặt câu chuyện vào trong một cảnh chùa ở miền trung du Bắc Việt và khéo phô diễn những vẻ đẹp thiên nhiên của miền ấy khiến ta đem lòng yêu những cảnh đồi núi, nó khác hẳn cái cảnh “bùn lầy nước đọng” miền hạ du phẳng lì và buồn tẻ. Lại thêm được lối văn giản dị, nhanh nhẹn, tuy vui vẻ mà làm cho người ta cảm động vô ngần. Cái cảm ấy là một cái cảm nhẹ nhàng, phảng phất vui buồn tựa như những ngày thu nắng nhạt điểm mưa thưa”.

Đọc kỹ bộ Phong Hóa và Ngày Nay, ta dễ dàng nhận ra hầu hết truyện ngắn, truyện dài in từng kỳ của Khái Hưng đều do Nhất Linh vẽ minh họa. Sau đó, Nhất Linh và Khái Hưng còn in chung tập truyện ngắn Anh phải sống, viết chung truyện dài Gánh hàng hoa, Đời mưa gió. Đây cũng là điều đặc biệt trong văn học VN vì ít có trường hợp tương tự. Về chuyện sáng tác chung này, trong hồi ký văn học, nhà thơ Tú Mỡ cho biết: “Dạo Khái Hưng và Nhất Linh viết chung truyện dài Đời mưa gió, trong buổi họp tối thứ bảy, hai anh bàn nhau kỳ này nên cho hai nhân vật chính (Tuyết và Chương) đi đâu, làm việc gì đột nhiên trái chứng trái khoáy, rồi mỗi kỳ mỗi anh thay nhau chấp bút”.
Vợ chồng Khái Hưng không có con. Họ nhận con trai của Nhất Linh làm con nuôi và đặt tên Trần Khánh Triệu.

untitled-1_hogy
Nhất Linh qua nét vẽ Nguyễn Gia Trí Ảnh: T.L

Trăng mùa xuân đó ai tâm sự

Lâu nay khi đọc bài thơ Tương dạ biệt rất nổi tiếng của thi sĩ Huyền Kiêu: “Ngồi suốt đêm trường không nói năng/Ngậm ngùi chén rượu ánh vừng trăng/Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ/Có giống như mình lưu luyến chăng?”, nhiều người cứ ngỡ là tác giả viết về tình yêu đôi lứa. Điều đó không sai nhưng xuất phát ban đầu không phải vậy.
Như đã biết, tại Sài Gòn ngày 17.6.1958, giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay do Nhất Linh chủ trương phát hành số đầu tiên, khởi in “trường giang tiểu thuyết” Xóm Cầu Mới của Nhất Linh. Và đây cũng là nỗ lực cuối cùng của Nhất Linh trong lĩnh vực báo chí. Văn Hóa Ngày Nay có hé lộ thông tin về Tương dạ biệt. Bài thơ này được in lồng trong một bức tranh mực tàu.

trang-xua-tranh-cua-khai-hung_SOOK-1-R

Tranh Trăng xưa do Khái Hưng vẽ

Tranh vẽ ánh trăng lùa vào khung cửa sổ, phía ngoài có bóng liễu rủ, thềm cửa một con mèo đang ngồi, cái bàn trong phòng có đặt ly rượu, mà theo tờ báo: “Đây là bức tranh chính tay Khái Hưng vẽ (mấy chữ nho bên cạnh là Khái Hưng họa) để tỏ nỗi buồn của ông khi một người bạn văn thân thiết của ông, Nhất Linh, vì công việc chống Pháp, phải bỏ đi xa...”. Câu thơ cuối: “Trăng mùa xuân đó ai tâm sự?/Anh đã xa rồi anh biết đâu” chính là nỗi lòng của Khái Hưng tặng bạn mà Huyền Kiêu đã nói hộ.

Chi tiết này càng khiến chúng ta cảm động về tình bạn của họ.

Lê Minh Quốc

(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 20.9.2016)


 

Mối tình thơ của Đông Hồ - Mộng Tuyết


'Cặp thi nhân Đông Hồ - Mộng Tuyết sẽ ở lại trong lịch sử thi ca VN như một mối tình thơ đằm thắm, thủy chung, đã nhuốm chút màu huyền thoại' là ghi nhận của nhà thơ Huy Cận - một trong những người em, người bạn thân thiết với vợ chồng Đông Hồ.

dongho_miong_tuyettinhban_zscu

Đông Hồ và Mộng Tuyết trên đường phố Sài Gòn khoảng năm 1951 - 1953 Ảnh: T.L

 

Cưới vợ chạy tang

Đông Hồ tên thật Lâm Tấn Phác, tự Trác Chi, sinh ngày 10.3.1906 tại làng Mỹ Đức (Hà Tiên). Lúc mới lên ba, cha mẹ qua đời, ông được người bác đem về nuôi, cho ăn học. Sau khi ông thi bằng sơ học Pháp - Việt ở Sài Gòn rồi đi học ở Cần Thơ thì bà bác dâu mất. Vâng lời bác, Đông Hồ thôi học về cưới vợ chạy tang. Ông se duyên cùng cô Lại Linh Phượng.

Cưới vợ xong, Đông Hồ được bổ chân giáo học, dạy lớp nhứt (lớp 5 bây giờ) tại Trường Hà Tiên. Thời gian này, do ảnh hưởng tư tưởng của thi hào Tagore: “Có học tiếng mẹ đẻ thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được”, Đông Hồ mở Trí Đức Học Xá. Trong số các học trò, có cô Thái Thị Út - sau này nổi tiếng với bút danh Mộng Tuyết. Công việc đang diễn ra tốt đẹp, chẳng may người vợ có nét đẹp hiền từ, khả ái qua đời, để lại cho ông một con nhỏ, tên là Mỹ Tuyên.

Năm 1928, cùng với bài ký Linh Phượng của Đông Hồ khóc vợ, Giọt lệ thu của Tương Phố khóc chồng đã trở thành hai tiếng khóc ảo não, thê thiết, xúc động nhất trên văn đàn VN những năm 20 đầu thế kỷ 20.

Học trò đến Trí Đức Học Xá luôn thấy chiếc bàn dài trong căn nhà “Độc thê lệ xá” có tấm ảnh thờ Linh Phượng, phía dưới là hai câu thơ của Đông Hồ: “Trăm năm chẳng ở cõi trần/Nghìn năm hãy giữ tinh thần cùng nhau”.

Cô học trò Thái Thị Út kể: “Bọn trẻ chúng tôi ái ngại thương thương nhìn bàn thờ chị trong suốt buổi học”. Thời gian chậm rãi trôi qua. Lúc Đông Hồ cư tang, có người con gái chủ điền, cháu cụ Phác Đình Nguyễn Thần Hiến ở Rạch Giá qua chơi Hà Tiên, đến thăm nhà Đông Hồ. Các học trò đều nghĩ thầy Đông Hồ sẽ tục huyền với cô gái này. Không ngờ, cuối cùng ông bác của Đông Hồ lại xin dạm hỏi người chị thứ năm của Thái Thị Út là cô Thái Nhàn Liên.

 

Khóc vợ lần hai

Cũng như người vợ đầu, cô Thái Nhàn Liên vóc dáng thanh nhã, trắng trẻo, công, dung, ngôn, hạnh vẹn toàn và cũng là con nhà nề nếp, nho phong. Đám cưới được tổ chức long trọng vào lúc giữa khuya trong một đêm trăng sáng. Lúc ấy, cô học trò Thái Thị Út có thơ mừng: “Vui chị, chị tình trong cốt nhục/ Mừng anh, anh nghĩa chốn chi lan/ Trăm năm gia thất nhiều êm đẹp/ Trang điểm hồ Đông cậy bóng sen”.

Vui duyên mới, hai năm sau Đông Hồ có thêm một con gái, tên là Mỹ Diễm, tức Yiễm Yiễm. Rồi sinh thêm một trai, nhưng không nuôi được. Thời gian này, ông lên Sài Gòn làm chủ bút báo Sống với chủ trương tiếp tục cổ động, tuyên truyền cho việc dạy và học chữ quốc ngữ. Tiếc rằng tờ báo này không thọ, ông quay về Hà Tiên và cũng là lúc vợ ông nhuốm bệnh. Bà bị bệnh Parkinson phải điều trị ở Bệnh viện tâm trí Biên Hòa, lúc ấy chưa gọi là bệnh viện tâm thần như bây giờ. Nhưng rồi các bác sĩ cũng bó tay.

Lúc này, nữ sĩ Mộng Tuyết phải đứng ra gánh vác mọi việc gia đình chị Năm vì tình chị em nhưng cũng còn là sự ngưỡng mộ, kính trọng người anh rể vốn là thầy của mình - người đã tuyển chọn thơ văn của học trò thành tập Bông hoa đua nở, Lời hoa để gửi in trên tạp chí Nam Phong - vốn là tờ báo “danh giá” nhất thời bấy giờ.

Đến năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Chẳng bao lâu, quân Anh đổ bộ giải giới quân Nhật, giúp Pháp đặt lại ách thống trị. Tiếng súng nổ rền vang. Đông Hồ tham gia Ủy ban Kháng chiến ở Hà Tiên và bị thực dân bắt. Sau khi được thả ra, ông phải lánh lên Sài Gòn. Mọi việc nhà, chỉ còn một tay Mộng Tuyết lo toan. Nữ sĩ Dưới mái trăng non nhớ lại: “Tôi nằm với chị và Yiễm suốt đêm không nhắm mắt. Tôi chợt hoa mắt mơ màng như có bóng hình ai lướt qua ngoài cửa. Tôi định thần lại và lo sợ vô cùng. Và chị Năm tôi đã qua đời hôm sau đó”. Một lần nữa, Đông Hồ lại khóc vợ.

Sau đó, Đông Hồ chắp nối tơ duyên với em ruột của vợ là nữ sĩ Mộng Tuyết. Cho đến lúc đã bước sang tuổi “cổ lai hy”, nữ sĩ vẫn không quên ấn tượng người thầy từ thuở ấy: “Tôi nhớ mãi hình ảnh bóng dáng thư sinh của anh vác cành hoa sen gượng nhẹ giữ cho cọng hoa đừng gẫy”. Đông Hồ có câu thơ tặng vợ: “Tuổi trẻ vui lây hồn thế hệ/ Đường chiều thêm đẹp bước vân trình/ Thời gian dẫu đổi màu sương tuyết/ Ngan ngát còn thơm mái tóc trinh”.

Những năm 50 thế kỷ trước, vợ chồng nhà thơ Đông Hồ sống tại Sài Gòn, họ mở nhà sách Yiễm Yiễm thư trang, nhà xuất bản Bốn Phương - chuyên tâm về hoạt động văn hóa. Đông Hồ, Mộng Tuyết viết chung tập sách Hà Tiên thập cảnh. Trước đó, năm 1945, cả hai đã có tập thơ đặc biệt Thơ Mộng Tuyết, bút Đông Hồ gồm 10 bài thơ cứu đói của Mộng Tuyết do Đông Hồ đề từ và chép tay, chép từng tờ trên giấy bạch ngọc gửi đến bạn hữu, môn sinh kêu gọi “Mong đọ cho cân giá ngọc vàng” để có tiền gửi ra bắc cứu đói giúp đồng bào.

Không chỉ tình duyên, tình bạn đã “nhuốm chút màu huyền thoại” mà ngay cả sự “ra đi” của Đông Hồ cũng là một huyền thoại. Ngày 25.3.1969, trên bục giảng của Trường đại học Văn khoa Sài Gòn, Đông Hồ đang giảng bài thơ Vịnh Hai Bà của nữ sĩ Ngân Giang thì ngất xỉu. Sinh viên đưa ông vào bệnh viện, lúc 19 giờ 30 cùng ngày, ông vĩnh viễn đi vào cõi hư vô... Từ đây, Mộng Tuyết lần lượt tái bản toàn bộ di cảo, tác phẩm của Đông Hồ. Về cuối đời, bà lui về sống ở Nhà lưu niệm thi sĩ Đông Hồ tại TX.Hà Tiên - được xây dựng trên nền của Trường Trí Đức học xá ngày xưa. Và cái chết của bà, năm 2007 (thọ 93 tuổi), là sự ra đi của nữ sĩ cuối cùng trong Phong trào Thơ mới.

Lê Minh Quốc

(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 21.9.2106)



Xuân Diệu - Huy Cận xương luồn qua xương

1_GNGRxuan_dieu_huy_can

Huy Cận (trái) và Xuân Diệu chụp năm 1940 tại Sài Gòn / Ảnh: T.L

 

Hồi ký song đôi (NXB Hội Nhà văn) là một tập sách độc đáo. Không chỉ kể lại chuyện đời mình, Huy Cận còn viết cả cuộc đời của Xuân Diệu. Cuộc đời của hai thi sĩ lớn được lồng vào nhau như hình với bóng. Tình bạn ấy hiện hữu trên văn đàn như một sự sắp đặt từ muôn kiếp trước.

Lúc đang dự hội nghị hợp tác văn hóa tại Dakar, thủ đô của Senegal, bất ngờ nhà thơ Huy Cận trào máu mũi, ngất đi. Ai nấy đều hoảng hốt. Sự cố này xảy ra vào lúc 7 giờ 40 ngày 18.12.1985, đó là lúc tại Hà Nội, nhà thơ Xuân Diệu vừa tắt thở. “Điều mà người ta gọi là thần giao cách cảm là có thật”, Huy Cận nhớ lại.

Cả hai quen thân nhau từ lúc còn học ở Trường Quốc Học (Huế). Thường mỗi chiều sau giờ học, họ rủ ra sân cỏ phía sau trường đi dạo và đọc thơ mới sáng tác cho nhau nghe. Vừa chia sẻ mà cũng vừa góp ý, “rút kinh nghiệm” nhằm nâng cao trình độ về thơ. Bất ngờ trên Báo Ngày Nay (số tết năm 1938), Huy Cận ngạc nhiên khi thấy bài thơ Chiều xưa của mình được đăng. Đây là một trong những bài thơ mà Huy Cận đã gửi riêng cho Xuân Diệu.

Rồi Xuân Diệu lại viết bài giới thiệu Thơ Huy Cận cũng đăng trên Ngày Nay, có những đoạn rất nồng nhiệt: “Huy Cận! Một tâm hồn đặc biệt quá, nồng cháy bên trong, e lệ bên ngoài, hay nói nhớ và hay làm thinh, để men lòng càng rạo rực hơn nữa...”. Khi Huy Cận in tập thơ đầu tay Lửa thiêng năm 1940, cũng chính Xuân Diệu viết tựa, gửi gắm một cảm tình sâu lắng, chân thành: “Đời xưa có một người thi sĩ lành như suối nước ngọt, hiền như cái lá xanh; gần chàng, người ta cảm nghe một nỗi hòa vui, như đứng giữa thiên nhiên, tâm hồn thơ thới”.

Cuối năm 1939, Xuân Diệu và Huy Cận ở căn gác 40 Hàng Than (Hà Nội). Bây giờ, Phủ Toàn quyền có mở cuộc thi tuyển một số tham tá ngành thương chính, nói nôm na là “nhà đoan” và những ai làm việc gọi là “Tây đoan”. Xuân Diệu bàn với Huy Cận: “Ta cứ đi thi xem sao, nếu đậu có được đồng lương để yên thân về cuộc sống, thì làm thơ mới thoải mái được, mới theo lý tưởng văn chương của mình được”. Đúng thế, bởi cả hai đang sống trong hoàn cảnh mà Xuân Diệu đã thốt lên chua chát: “Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt/Cơm áo không đùa với khách thơ”.

Sau khi nộp đơn và thi đậu, Xuân Diệu được bổ làm viên chức ở Nha Thương chính tỉnh Mỹ Tho. Theo Huy Cận: “Về sau, tôi mới hiểu ra rằng, sở dĩ chính quyền thực dân Pháp bổ nhiệm anh Diệu đi xa vì chúng nghi rằng nhóm làm Báo Ngày Nay là một nhóm hoạt động cách mạng chống Pháp, chúng nó tách nhóm này được chừng nào hay chừng ấy cho chúng”.

Khoảng thời gian này, thi sĩ Thơ thơ có gửi tặng tác giả Lửa thiêng xấp vải để may bộ quần áo mặc mùa hè. Huy Cận xúc động cảm tạ bằng bài thơ, có câu: “Mở thư một sáng lạnh lùng/Hai chiều vải dệt tao phùng Huy - Xuân/Dọc ngang tơ chỉ sát gần/Đi về mấy dạo hai thân một hồn/Một mai ta chết xin chôn/Hai ta sát cạnh xương luồn qua xương”.

Từ chức về sống chung với bạn

Hơn ai hết, Huy Cận hiểu rất rõ những bức xúc, ngậm ngùi của Xuân Diệu khi “phải bám vào cái khổ nhục mà sống”, không thể còn cảm hứng để làm thơ nữa. Hiểu được nỗi lòng của bạn trong tình huống “Bỗng dưng thi sĩ hóa Tây đoan”, Huy Cận rất áy náy. “Cho nên lúc tôi thi đậu kỹ sư canh nông và bắt đầu đi làm, có tiền lương (trong lúc đó tôi vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng bí mật), thì tôi mời anh về sống với tôi tại Hà Nội. Anh Diệu đánh điện cho tôi: Diệu từ chức được chưa?, thì tôi trả lời tức khắc: Từ chức ngay và về Hà Nội”. Vậy là đầu năm 1943, anh Diệu thôi làm Tây đoan, về Hà Nội cùng sống với tôi ở số nhà 61 Hàng Bông, hai người chi tiêu chung một đồng lương của tôi” (Huy Cận - Hồi ký song đôi).

Khi Kháng chiến toàn quốc (1946) bùng nổ, Xuân Diệu - Huy Cận vào Hà Đông rồi lên Việt Bắc. Bấy giờ, Huy Cận ở ATK (An toàn khu) của Chính phủ; Xuân Diệu làm Báo Văn Nghệ. “Nhưng cứ khoảng một tháng một lần, Diệu vai mang ba lô đi xe đạp và đi bộ về gặp tôi ở ATK”. Huy Cận còn cho biết thêm: “Giải phóng miền Bắc, chúng tôi về Hà Nội, được bố trí ở 24 đường Cột Cờ, nay là phố Điện Biên Phủ”. Tại căn nhà này: “Đêm đêm trên gác đèn chong/Cận ngồi cặm cụi viết dòng thơ hay/Dưới nhà bút chẳng rời tay/Bên bàn Diệu cũng miệt mài trang thơ/Bạn từ lúc tuổi còn tơ/Hai ta hạt chín trong mùa nắng trong/Ánh đèn trên gác dưới phòng/Cũng là đôi kén nằm trong kén trời” (Huy Cận).

Trở lại với lúc ở Dakar, khi hay tin Xuân Diệu mất, Huy Cận đánh điện tín gửi về ban tổ chức tang lễ đề nghị: “Thế nào cũng chờ tôi về rồi hãy chôn bạn tôi”. Có thêm chi tiết này nữa, Huy Cận kể: “Xe tang có về qua nhà 24 Điện Biên Phủ, dừng lại mươi phút để anh Diệu thăm ngôi nhà trước khi về an nghỉ. Xe tang vừa đi qua thì bát hương trên bàn thờ anh Diệu bốc cháy. Và lạ lắm, sau khi anh Diệu mất đêm 18 thì cả chùm hoa Ăng-ti-gôn trước nhà anh héo khô hết, trong khi đó cũng chùm hoa Ăng-ti-gôn nhà bên cạnh vẫn còn tươi tắn”.

Với tình bạn tri âm, tri kỷ cùng Xuân Diệu nửa thế kỷ, Huy Cận cho biết là “hương trầm tỏa từ tâm hồn đồng điệu”. Và từ trước năm 1940, với tình bạn ấy, thi sĩ Lửa thiêng đã thốt lên chân thành, da diết: “Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận/Gọi gió trăng mà thỏ thẻ lời trên/Rất thương yêu, xin nhớ gọi giùm tên/Rất an ủi của bạn chàng: Xuân Diệu”.

Lê Minh Quốc
(nguồn: ngày 22/09/2016 báo Thanh Niên)


 

Nam Cao - Tô Hoài chia sẻ từ trang viết đến cuộc đời

namcaotohoai1_GAAP

Nhà văn Nam Cao, nhà văn Tô Hoài /// Ảnh: T.L


Từ thầy trò thành bạn tri kỷ

Tác giả Dế mèn phiêu lưu ký là người cẩn trọng chữ nghĩa, đi nhiều, quảng giao, quan hệ rộng. Đọc Tự truyện, Chiều chiều, Cát bụi chân ai... có thể thấy rõ điều đó. Tuy nhiên, có một bạn văn cùng thời, ông luôn nhắc đi nhắc lại với giọng văn tình cảm, trìu mến: Nam Cao.

Tô Hoài “vào nghề” lúc truyện ngắn Nước lên được đăng Báo Hà Nội tân văn. Bấy giờ, năm 1938, Nam Cao đang là thầy giáo dạy học Trường tư Công Thành ở làng Thụy Khuê, Hà Nội. Tô Hoài đến học thêm tiếng Pháp. “Tôi gọi anh là ông giáo Tri. Nam Cao biết tôi ít tuổi hơn anh, văn hóa kém anh nhưng về sau anh thấy tôi đã viết được truyện đăng báo. Tôi nghĩ việc đó có thể khuyến khích anh. Nam Cao đã đỗ bằng “đíp lôm” thích viết văn, thế mà đến nay vẫn lận đận”, Tô Hoài cho biết. Từ đây, hai người trở thành đôi bạn tri kỷ. Chia sẻ buồn vui từ trang viết.

Cuộc đời nhà giáo của Nam Cao không kéo dài. Ít lâu sau, ngày 22.9.1940, Pháp nhục nhã cúi đầu ký kết hiệp định chấp nhận phát xít Nhật chiếm đóng Đông Dương. Trường tư Công Thành bị đóng cửa vì lính Nhật trưng dụng làm chuồng ngựa!

Tác giả Dế mèn phiêu lưu ký đã nhớ lại tháng năm này: “Mấy năm nay, Nam Cao thất nghiệp vì trường học phải đóng cửa đã về ở nhà tôi. Chúng tôi ở trong một gian bên kín bưng, cái gian nhà ngày trước có những thầy giáo bên đạo đã ở, chỉ trổ một vuông cửa sổ tí tẹo, thành gạch sâu và im ắng đến nỗi bất chợt thò tay có thể nắm được đuôi chú chim sẻ đương than vãn ngoài hốc tường... Mỗi tháng, chúng tôi bận viết vào mấy ngày cuối tháng. Có khi, chúng tôi phải viết đổi tay cho nhau mới kịp. Nam Cao thạo tả nhân vật, tôi nhờ anh viết cho tôi những đoạn như thế. Lúc Nam Cao buồn ngủ hay chán viết, anh bảo tôi: “Cậu làm hộ mình thế này nhé. Sắp mưa, bờ ao có bụi tre. Buổi chiều, mấy trang cũng được”. Tôi vốn thích tả cảnh. Tôi lia hộ bạn vài trang như anh đã phác".

Thời gian này, năm 1941, Nam Cao đã viết được truyện vừa Cái lò gạch cũ, tức kiệt tác Chí Phèo. Sau khi viết được truyện ngắn Cái lò gạch cũ, Tô Hoài cho biết, bạn mình đã cầm bản thảo bán cho ông Trác Vỹ, chủ Nhà xuất bản Đời Mới. Dăm ngày sau, đến dò hỏi thế nào, ông này nói với Nam Cao rằng, cái tựa cũ không “ăn khách” nên nhờ nhà văn nổi tiếng nhất bấy giờ là Lê Văn Trương đổi thành Đôi lứa xứng đôi. Do Nam Cao đang là cây bút mới, sợ độc giả không chú ý nên ông Vỹ mới thuê nhà văn đang nổi tiếng với nhiều tác phẩm như Ngựa đã thuần rồi mời ngài lên viết lời giới thiệu. Có điều khá hài hước là khi sách in xong, ngoài bìa người ta in tên Lê Văn Trương to gấp mấy lần tên Nam Cao. Âu cũng là một cách “tiếp thị” trong thị trường sách thuở ấy. Từ Đôi lứa xứng đôi, tên tuổi Nam Cao bắt đầu được công chúng biết đến. Ông tiếp tục viết thêm những truyện ngắn đặc sắc khác như Dì Hảo, Nửa đêm...

 

Nơi Nam Cao nằm xuống cũng có tên Vũ Đại

“Bấy giờ, đang là cây bút viết thường xuyên cho Nhà xuất bản Tân Dân của Vũ Đình Long, tôi mách mối, ông Tân Dân mời Nam Cao viết truyện thiếu nhi và truyện ngắn”, Tô Hoài kể. Không chỉ thế, qua Vũ Bằng - người này đang ăn lương của nhà Tân Dân điều hành tờ Tiểu thuyết Thứ Bảy, tác phẩm Nam Cao đã lần lượt được in nhiều và tên tuổi được bạn đọc biết đến. Tuy nhiên, nghề viết văn thuở ấy vẫn không thể đủ sống, nếu không muốn nói là túng thiếu.

Tình hình chính trị ngày càng ngột ngạt, oi bức như đang báo hiệu một cơn sấm sét sẽ đến. Tô Hoài đã bí mật tham gia Hội Văn hóa cứu quốc của Việt Minh. Ông có “giác ngộ” một số bạn văn, tất nhiên không thể thiếu Nam Cao: “Tôi đưa báo bí mật Cứu quốc, Nam Cao đọc chăm chú”. Cùng chí hướng như bạn, Nam Cao bắt đầu viết những bài về tình hình chính trị theo yêu cầu của đoàn thể. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, năm 1947, Nam Cao để vợ con ở Hà Nam, lên Bắc Kạn làm Báo Cứu quốc chung với Tô Hoài.

Vợ Nam Cao tên Sen - Trần Thị Sen, trong khi đó, tên thật của tác giả O chuột cũng tên Sen - Nguyễn Sen. Bà Trần Thị Sen cho biết: “Hai anh quấn quýt nhau lắm. Lúc anh Nam Cao còn sống, anh thường ước sau này hai gia đình sẽ trở thành sui gia”. Sáng 30.11.1951, Nam Cao bị giặc Pháp bắn chết tại gốc cây bàng trước nhà thờ Mưỡu Giáp rồi ném xác xuống ao. Nhắc lại lúc khốn khó sau khi chồng mất, bà Trần Thị Sen còn cho biết thêm con trai Nam Cao được Tô Hoài đem về chăm sóc, cho đi học. “Đặc biệt, tôi rất biết ơn anh chị Tô Hoài đã giúp đỡ tôi rất nhiều”, bà nói.

Có một điều lạ lùng không lý giải được: trước đây khi viết Chí Phèo, Nam Cao đã hư cấu ra một làng tên là Vũ Đại, nhưng ông không ngờ khi mình chết lại được chôn ngay trên đất làng Vũ Đại (H.Gia Viễn, Ninh Bình) có thật trên bản đồ!

Lê Minh Quốc
(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 23.9.2016)


 

Sơn Nam - Kiên Giang một đời lăn lóc

sonnam-kieggiaglucvemythonam2007_BYSA

Sơn Nam - Kiên Giang lúc về Mỹ Tho năm 2007 /// ẢNH: T.L


'Vừa là bạn đồng hương, vừa là tình văn nghệ trên 20 năm từ đồng ruộng đến thành thị, tôi có dịp sống gần và sống chung với nhà thơ Kiên Giang'. Đây là những dòng Sơn Nam viết về Kiên Giang từ năm 1969, lúc bạn mình in tập thơ Lúa sạ miền Nam.

Năm 1995, tôi nhận được thư của Kiên Giang, ông viết: “Đến gặp L.M.Q để trao tập thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím rút trong 3 tập Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Quê hương ấu, Lúa sạ miền Nam. Anh Sơn Nam dặn tôi trao cho nhà thơ”. Thật cảm động, gần 30 năm sau, một lần nữa, viết tựa cho tập thơ này, Sơn Nam lại nhấn mạnh: “Nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà nhỏ hơn tôi năm, ba tuổi, là người cùng sinh quán ở làng Đông Thái, Q.An Biên, tỉnh Kiên Giang”.

Sau năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết, đôi bạn này cùng lên Sài Gòn sống bằng nghề cầm bút. Họ thật sự kiếm sống bằng con chữ, ngoài ra không có thêm bất kỳ một thu nhập nào khác. Có lần tôi hỏi “Ông già Nam bộ” rằng giữa hai người thì thu nhập của ai khấm khá hơn. Ông Sơn Nam cười khà khà cho biết do viết báo cho nhiều tờ báo nên lúc nào cũng có “đồng ra đồng vào”. Trong khi đó, Kiên Giang nghiêng về lĩnh vực sân khấu, là tác giả nhiều vở cải lương lừng lẫy một thời; ít viết báo, chỉ chọn thơ cho chuyên mục Mái nhà thơ, Cánh đồng thơ trên một vài nhật báo ở Sài Gòn.

Do cùng nghèo nên đôi bạn này luôn thương cảm và giúp đỡ những người nghèo. Tôi nhớ hoài tâm sự của nhà thơ Đơn Phương tại trại phong Bến Sắn (Bình Dương). Trước lúc mất, Đơn Phương vẫn còn giữ cảm giác sung sướng đến rợn người khi được đọc lời giới thiệu của nhà văn Sơn Nam về những bài thơ của mình do nhà thơ Kiên Giang chọn giới thiệu trên báo, đài. Niềm cảm thông, sự trìu mến của hai nhà văn đàn anh đã tiếp sức cho một người bất hạnh như Đơn Phương thêm niềm vui sống.

Thời điểm năm 1965, lúc Mỹ đổ quân sang miền Nam VN, có lần cà kê dê ngỗng, nhà văn Sơn Nam viết Truyện ngắn của truyện ngắn, chính là phản ánh tâm trạng của tầng lớp trí thức nghèo thành thị đang hoang mang, không rõ thế sự sẽ diễn biến ra sao. Gọi là truyện ngắn nhưng nó dài đến 117 trang in, NXB Phù Sa ấn hành.

Điều thú vị, như Sơn Nam cho biết, là tác phẩm này được gợi cảm hứng từ một lần nhà thơ Kiên Giang rủ ông đi lên Chợ Lớn gội đầu lúc ông than nhức đầu quá: “Nhức đầu thì gội đầu. Đặc biệt lắm, ở Sài Gòn không đâu có. Anh bạn chủ tiệm uốn tóc phụ nữ bày ra kiểu đó... vui lắm. Như ở Nhật Bổn dành cho bạn thân. Mình vô tiệm, ngồi để mấy cô gội cho, gội cho vui. Tôi gội nữa. Vừa rẻ tiền, vừa đứng đắn” (tr.95), nhân vật nhà thơ Kiên Sơn đã bảo với nhà văn, ký giả Tấn như thế.

Cuối cùng, tác giả kết luận: “Thôi! Càng gội càng buồn”. Câu chuyện rề rà, cốt truyện tưởng như không đâu vào đâu, mạch văn trễ nải, chậm rãi nhưng theo Sơn Nam cũng là một cách thể hiện nỗi ưu tư về thời cuộc của ông và Kiên Giang lúc ấy.

Mẹ khổ suốt đời con lận đận

Còn nhớ năm 1997, bạn đọc yêu thơ giật mình khi hay tin nhà thơ Kiên Giang không còn được trú ngụ ở cái chái trên đường Âu Dương Lân (Q.8, TP.HCM) nữa. Bấy giờ, sau nhiều lần thay đổi chỗ trọ, Kiên Giang quay về “cắm dùi” bên hông khu đất dành xây khu dưỡng lão nghệ sĩ. Ở đó được chừng gần năm rưỡi, ông phải đi vì công trình bắt đầu xây dựng. Vậy phải ở đâu? Khi hay tin này, nhà văn Sơn Nam đi đến nhiều tòa soạn báo, tìm gặp anh em phụ trách văn hóa văn nghệ để thông báo. Sở dĩ như thế vì Sơn Nam thường lui tới các tòa soạn gửi bài cộng tác nên quen biết với nhiều nhà báo.

Nhờ vậy, thấu hiểu hoàn cảnh ngặt nghèo của thi sĩ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, nhiều bạn đọc hảo tâm đã giúp đỡ tận tình. Còn nhớ lúc chở Sơn Nam đến thăm ông trước lúc dọn đi, tôi thấy trên bàn thờ mẹ, Kiên Giang có ghi 2 câu thơ viết trên tấm gỗ tạp: “Mẹ khổ suốt đời con lận đận/Thương con hồn mẹ chắc linh thiêng”.

Thật cảm động, lúc ấy, tôi chứng kiến 2 người bạn tâm giao cùng nói về mẹ của mình. Sở dĩ như thế vì bấy giờ Sơn Nam có nhắc lại bài thơ Ngủ bên chân mẹ của Kiên Giang được bạn đọc tạp chí Kiến thức ngày nay chọn là bài thơ hay nhất trong năm 1992. Kiên Giang kể có lần mẹ ông nhỏ nhẹ: “Mẹ biết con làm thơ, cái nghề này chết đói, nhưng mẹ được nghe thơ con rồi, quý lắm, không có gì đổi được”.

Tình cảm của Sơn Nam dành cho Kiên Giang không chỉ trong sinh hoạt đời thường, còn là trên lĩnh vực sáng tác nữa. Chính tác giả Hương rừng Cà Mau là người trước nhất khẳng định Kiên Giang “để lại cho đời vài câu tuyệt vời mà nhiều nhà nghiên cứu cứ ngỡ là... ca dao Nam bộ”: “Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương”; “Ong bầu đậu đọt mù u/ Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn”; “Ngày mai đám cưới người ta/ Cớ sao sơn nữ Phà Ca lại buồn?”. Sơn Nam đánh giá về bạn: “Một cuộc đời lăn lóc, chẳng bao giờ khấm khá, về già làm chuyện ái hữu, tương tế, quả là thành đạt, không xấu hổ với đất nước. Đây là một người bạn cùng xóm, cùng làng, cùng xứ U Minh mà tôi lấy làm tự hào và thật lòng ca ngợi”.

Bây giờ, cả hai lại cùng nằm lại ở nghĩa trang Bình Dương. Còn nhớ, nhân giỗ đầu Sơn Nam, ngày 13.8.2009, Kiên Giang có ứng tác bài thơ tặng bạn như sau: “Sống thì xuôi ngược bôn ba/ Chết nằm đất Nghĩa, vẫn là cố hương/ Đây Bến Cát: Đất Bình Dương/ Sơn Nam vào đất miên trường ngàn thu”.

Lê Minh Quốc
(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 24/09/2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com