BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Làm gì cho hết buổi chiều?

LÊ MINH QUỐC: Làm gì cho hết buổi chiều?


lam-gi-cho-het-buoi-chieu-1R

 

May quá, khách đã về.

Ngày thứ bảy, ở nhà, chẳng biết làm gì cho hết buổi chiều. Đang loay hoay lướt web, nghe tiếng chó sủa. Giật mình. Có người đến tìm. Khách không xa lạ, cũng không thân thiết. Tự nhiên, lại tìm đến nhà. Thế có bực không? Không tiếp, sợ bị cho là “chảnh”. Giải thích từ “chảnh” thế nào là đúng nhất? Đã nghe “chảnh”, “chảnh chọe”, “chảnh chó”, “sang chảnh” thậm chí “Chảnh như con cá cảnh” nữa. Đành phải ngồi tiếp chuyện. Mất thời gian quá. Dù lúc ấy, chẳng bận việc gì. Câu chuyện xã giao nhắc về người này người kia, y chẳng quan tâm gì. Nhạt nhẽo.

“À, có nhớ Y, X, Z không, bây giờ đã là…”. Là cái gì đi nữa, cũng chẳng cần phải biết. Biết để làm gì? Mà những X,Y, Z - kể cả khách, lâu rồi chẳng gặp. Đời sống ai nấy lo. Biết thêm cũng chẳng ích gì. Đã thế, lại hỏi, “Dạo này công việc thế nào?”. Thế nào thì thế nào? Nghe hỏi, chỉ cười. “Vợ con thế nào?”. Có những người luôn hỏi người khác bằng những câu hỏi như tỏ ra quan tâm nhưng thật ra rất ấm ớ. Đã thế, lại còn khuyên rằng… Nghe phát mệt. Có sống giúp được người khác đâu mà cứ khuyên thế này, thế nọ? Dù chân tình nhưng lời khuyên ấy ích gì cho người khác? Chẳng lẽ không bày tỏ thái độ gì, bèn tỏ ra chăm chú lắng nghe. Nghe tai này, lọt qua tai kia. Dông dài vô tích sự. Tự nhiên mất thời gian với những câu chuyện vô thưởng vô phạt ấy.

Bực, nói thế thôi.

Nếu không quý mình, người ta đến làm gì? Có cầu cạnh gì đâu mà khó tính trái nết? Biết thế nhưng vẫn không thích. Đến tận nhà thăm hỏi làm gì, chỉ cần một câu tin nhắn là xong. Việc gì phải gặp nhau, mất thời gian cả đôi bên. Một câu hỏi han, có là gì? Sau công việc mỗi ngày, quay về nhà là lúc con người ta chẳng khác gì con thú trở về hang. Tìm nơi an toàn. Trú ẩn. Không muốn ai quấy rày, dù thăm hỏi thân tình. Bạn bè làm việc chung cơ quan từ thuở tóc xanh, đến lúc về hưu nhưng chắc gì đã ai ghé nhà ai. Mà có đến, vừa câu một câu hai đã kéo nhau ra quán. Vì thân thiết. Thân tình. Còn người không thân, chỉ dăm câu ậm ờ cho xong nhưng ngoài mặt cứ vồn vã, làm như hiếu khách lắm. Trong bụng chỉ thầm mong, về đi cho. Nào dám nói ra. Bấm bụng mà chịu đựng. Ấy mới oải.

Quay trở về nhà, nằm một mình, đọc sách vẫn sướng hơn. Chẳng hạn, vừa đọc quyển Đi tìm Cung điện Đơn Dương - Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung (NXB Thuận Hóa) của Nguyễn Đắc Xuân. Tóm tắt vài ý chính:

Ngày 29.7 Nhâm Tý (nhầm ngày 16.9.1792), vua Quang Trung băng hà. Ngài chết vì bệnh “huyễn vựng”? Nếu đúng, “chứng bệnh thường hay chóng mặt và mê mẩn từng chập, do bệnh bấn huyệt và bệnh thần kinh suy nhược sinh ra” (Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh). Nói nôm na, ngài mất do tai biến mạch máu não.

Từ đó đến nay, các nhà sử học đau đáu nỗi niềm đi tìm lăng mộ của vị anh hùng dân tộc dã từng đánh tan tác 29 vạn quân Thanh vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789). Thật lạ, đây cũng năm nổ ra Cách mạng Tư sản Pháp “làm rung động cả châu Âu, đã lật đổ chế độ cũ bằng một thứ "xã hội mới" và là một khuôn mẫu mà các phong trào cách mạng sau này hướng vào, coi cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789 là một cách mạng đi trước” (Từ điển wikipedia).

Lăng mộ vua Quang Trung ở đâu?

Suốt một thời gian dài, giới sử học tập trung về lăng Ba Vành (Huế). Năm 1961, tạp chí Bách Khoa có đăng bài Lăng Hoàng đế Quang Trung của Nguyễn Thiệu Lâu. Ông Lâu là nhân viên Đông phương Bác cổ học viện, làm việc dưới quyền cụ Nguyễn Văn Tố. Từ năm 1941, Linh mục L.Cadière - người sáng lập Hội Những người bạn Huế và cũng là chủ bút của tạp chí cùng tên, gợi ý ông Lâu: “Lăng Nguyễn Huệ ở miền núi phía Tây Huế. Anh hãy tìm đi và tiến hành khảo cứu”. Ông Lâu đã tìm ra lăng mộ Ba Vành ở Thiên An, khẳng định: “Đây là lăng Hoàng đế Quang Trung”. Có thể tìm đọc lại bài viết này trong tập sách Quốc sử tạp lục (NXB Mũi Cà Mau -  1994) của Nguyễn Thiệu Lâu. Từ đó, đã có nhiều ý kiến khác nhau, trong nhiều năm liền giới nghiên cứu đã khảo sát rất kỹ về lăng Ba Vành.

Như ta đã biết, Đại Nam chính biên liệt truyện cho biết lăng mộ vua Quang Trung đã được “táng vu Hương Giang chi nam” (táng ở bờ nam sông Hương), trong khi do lăng Ba Vành lại quá xa bờ Nam sông Hương.

Vài năm trở lại đây, “Nhà Huế học” Nguyễn Đắc Xuân lại đưa ra hướng khác. Theo ông Xuân, lăng mộ Quang Trung đặt ngay trong cung điện Đan Dương.

Tại sao ông Xuân đi theo hướng này? Là do ông đi theo sự mách bảo của… thơ! Ông căn cứ vào bài thơ Cảm hoài của Ngô Thì Nhậm và cho biết cụ thể như sau: “Ngày 29-7 (nhuận) năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung mất. Ngô Thì Nhậm được cử sang Trung Quốc báo tang và cầu phong cho vua Cảnh Thịnh (Quang Toản). Vì uy tín của vua Quang Trung rất lớn, nhà nước Trung Hoa lúc ấy đã có những nghi lễ đón tiếp trọng thị. Điều đó làm cho Ngô Thì Nhậm càng cảm niệm công ơn to lớn của vua Quang Trung. Trong khi đang xúc động ấy, ông đã viết bài Cảm hoài (Xúc động trong lòng). Câu 8 bài thơ: “Đan Dương cung điện nhật tam thu” (Trông về Cung điện Đan Dương một ngày coi bằng ba thu). Tác giả giải thích rõ thêm hai chữ Đan Dương bằng một chú thích gần đầy một trang. Trong lời chú thích ấy có thông tin: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”. Chú thích của một câu thơ đã mở ra một vấn đề lớn trong sử học.

Quý thay.

Biết đâu sau này, giới sử học đồng tình với phát hiện của Nguyễn Đắc Xuân thì sao? Khi đó, chắc chắn thiên hạ sẽ… đọc thơ của tiền nhân chu đáo hơn chăng? Biết đâu cũng sẽ có người phát hiện ra nhiều điều lý thú nhờ đọc… thơ - như trường hợp ông Xuân đọc Cảm hoài của Ngô Thì Nhậm? Nghĩ thế cho nó vui cái cuộc đời nhàm chán, tẻ nhạt này.

Và cũng xin nói luôn, không ai cũng có thể biết… đọc thơ.

Các loại hình nghệ thuật khác, chẳng hạn kịch, cần có lời thoại, người diễn xuất; tiểu thuyết cần tình tiết, nhân vật; âm nhạc cần đồ rê son fa mi du dương trầm bổng v.v… Vậy, thơ có gì? Chẳng có gì, ngoài chữ. Sắp xếp từng con chữ đứng cạnh nhau, đứng lên nhau như lắp gạch xây một ngôi nhà, không cần mạch vữa, chỉ bằng chữ. Mà những con chữ đó tự nó gắn kết lại một cách vững chãi, hoàn chỉnh. Thế thì, muốn đọc đọc thơ phải có kỹ năng, phải có khả năng thẩm thấu từng chữ để biết thơ hay/ thơ dở.

Có điều phải nói thật rằng, thời buổi này, còn có mấy ai đọc thơ nữa đâu. Hỏi trăm người như một, các đồng nghiệp đều cho biết, họ không còn hào hứng in tập thơ như vài chục năm trước. In thơ vừa tốn tiền, vừa mất thời gian tặng. Chẳng có đơn vị phát hành nào mặn mà với thơ. Vậy, in thơ làm gì? Nhiều người đã chuyển sang hướng mới: post thơ lên các trang mạng xã hội, ai đọc thì đọc, chẳng tốn kém gì mà lại quảng bá rộng rãi hơn.

Đôi khi đang mải mê đọc sách, lại có cú điện thoại hẹn hò lai rai một chút. Cũng hay. Sực nhớ tối hôm qua, đi dự tiệc của doanh nghiệp nọ mời nhà báo nhân ngày 21.6. Được quà cáp, ăn uống no say tại khách sạn Majestic. Từ phòng ăn bước ra ngoài sân thượng, gió lồng lộng. Loáng thoáng có chút mưa. Lúc ăn, anh em ảo thuật lên sân khấu trình diễn góp vui. Tiếng vỗ tay vang trời. Gần sắp chia tay, có nhà báo xin con chim bồ câu - vốn “đạo cụ” của nhà ảo thuật. Người ta kiếm cơm bằng mấy con bồ câu đó, đã huấn luyện nhọc công biết bao nhiêu lẽ nào lại xin xỏ? Mà vẫn cứ nằng nặc xin cho bằng được. Lý do đưa ra, “vợ tôi rất thích bồ câu trắng”.

Nghe sướng chưa?

Bây giờ, ai cũng đủ sống rồi. Xin với xỏ làm gì. Thời sinh viên mới là  “rách”, ở trọ trên đường Đinh Bộ Lĩnh, cách nhà của nhà thơ Tường Linh, vài căn. Thỉnh thoảng, ghé có qua nhà ông uống trà, đàm đạo  thơ văn. Sau khi ra trường, về báo Phụ Nữ TP.HCM  mới biết vợ của ông là cán bộ Hội Phụ nữ phường. Cả hai cùng là cộng tác viên của báo Phụ Nữ TP.HCM  từ những số báo đầu tiên. Lúc y ở trọ, sát vách là nhà cầm đồ. Thời đó, đôi lúc túng quá cũng cầm vài bộ quần áo, rồi chuộc lại, có khi bỏ luôn. Lúc mình ngặt nghèo, họ tha hồ chê ỏng chê eo, chỉ cho vay không bằng 1 phần 10 giá trị đồ của mình. Biết thế, nhưng có nhiều người nghèo cũng phải đâm đầu vào.

Lúc còn sống, có lần chị Ái, bà chị ruột muốn kiếm sống bằng nghề quái quỷ này, y cương quyết không cho. Ăn đồng tiền đó sướng ích gì. Cuối cùng, chị cũng phải nghe theo, qua kinh doanh quần áo cũ. Thời đó gọi “đồ Sida”, “đồ bành”. Mua từng kiện hàng quần áo từ ngước ngoài gửi về, rồi phân loại tùy đẹp, xấu, cũ, mới rồi bán ra với giá khác nhau. Loại quần áo này, thiên hạ đã sử dụng rồi nhưng với người khác vẫn hàng mới. Dọc đường Triệu Nữ Vương, Ông Ích Khiêm, gần chợ Cồn (Đà Nẵng)… lúc ấy buôn bán nhiều lắm. Gần đây khi đi chơi trên miệt Tân Bình, Tân Phú còn thấy quần áo mới toanh đổ ra bán đầy lề đường, gọi “hàng tồn kho”, “hàng xổ”… Chẳng mấy ai ghé mắt đến, cũng chỉ dành cho người nghèo. Bây giờ phải “hàng hiệu” mối sành điệu. Đời sống đã khác trước.

Xem lại Từ điển từ mới tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (NXB TP.HCM - 2002) vẫn chưa thấy cập nhật những từ trên.

Trở lại với chuyện cầm đồ. Có lẽ, người cầm đồ nổi tiếng nhất nhân loại là Alyona Ivanovna - nhân vật trong tác phẩm Tội ác và trừng phạt của Dostoevsky. Do căm ghét “mụ đàn bà tồi tệ, bệnh hoạn, tham lam, ăn lời cắt cổ, hút máu đồng bào, chấy rận của xã hội” nên Raskolnikov - một sinh viên trường Luật ở Petecbua lạnh lùng lấy búa bổ vỡ đầu mụ và cướp tiền bạc, châu báu. Sau vụ giết người khủng khiếp đó, dù chưa bị phát hiện, lương tâm của Raskolnikov vẫn bị dày vò. Điều cốt lõi là gì? Dù các nhà làm luật có đưa ra hàng loạt biện pháp trừng trị kẻ sát nhân, nhưng không sự trừng phạt nào dữ dội, mãnh liệt bằng hình phạt trong lương tâm của chính hắn.

Đọc hồi ký của Vương Hồng Sển, thỉnh thoảng cụ nhắc lại rằng, dân biết chơi đồ cổ thứ thiệt không bao giờ ép giá của người khác. Có những gia đình danh gia vọng tộc, sắm được nhiều đồ quý, “hàng độc” nhưng đến đời con cháu sa cơ thất thế nên phải bán dần, chẳng nắm rõ giá trị thật. Biết thế, nhiều tay chơi đồ cổ ranh ma bèn cò kè, ép giá, mua với giá rẻ mạt. Cụ Sển bảo, mua bán như thế là “thất đức”. À! Ông bà mình nói: “Có đức mặc sức mà ăn”. Chắc gì ông bà mình nói? Biết đâu bọn ăn trên ngồi trốc, đè đầu cởi cổ dân đen đã bịa ra câu đó nhằm tự bào chữa cho việc làm thất đức? Y có đức không? Chắc có, nhưng ít. Nhiều người phụ nữ long lanh lệ thầm vì y, vậy y thất đức quá đi chứ? Ngược lại cũng do ít đức nên y cứ la oai oái: “mỗi lần yêu là một lần suýt chết/ tại sao tôi phải chịu đựng quá nhiều”?  

Ôi đời, chả biết thế nào mà lần.

LM.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 940 ngày 20.9.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com