BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Câu đối về nghề buôn - chữ đọ với chữ

LÊ MINH QUỐC: Câu đối về nghề buôn - chữ đọ với chữ




cau-doi-ve-nghe-buon-1-R

 

Đọ là so đọ, so thử cho biết hơn kém thế nào. Chữ vế trên tám lạng, chữ đối/chọi lại phải nửa cân. Đối nhau sát sàn sạt. Trong phép làm câu đối sự ràng buộc của việc đọ chữ cực kỳ chặt chẽ, chỉnh chu từ số chữ, luật bằng trắc, ngữ nghĩa v.v… Theo cụ Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942) trong Thú chơi câu đối nhấn mạnh: “Một câu đối hay thì: Tư tưởng phải tự nhiên; Ý nghĩa phải cho minh bạch; Mạch lạc phải cho liên tiếp. Nhưng vì câu đối ít chữ, cho nên một câu đối hay lại cần nhất ở chữ dùng và âm hưởng các chữ ấy. Chữ dùng trong câu đối cốt phải cho: Chỉnh, nghĩa là đều nhau, bằng nhau. Cân, nghĩa là chữ nặng phải đối với chữ nặng, chữ nhẹ phải đối với chữ nhẹ cho xứng đáng. Âm hưởng các chữ dùng trong câu thì phải cho giòn, nghĩa là đọc lên nghe sang sảng (Toàn tập Ôn Như Nguyễn Văn Học, NXB Văn Học -2003, tập 2, tr.959-960).

Muốn đạt đến trình độ cao thủ võ lâm ấy, ngoài vốn từ, sử dụng từ như móc ừ trong túi lấy ra, ắt người đó phải rành, rành lẽ về lãnh vực mà mình viết câu đối. Có điều lạ, nếu khảo sát ca dao, tục ngữ ta thấy dân gian đã đúc kết lại nhiều kinh nghiệm phong phú về nghề buôn, đến nay chưa hẳn lỗi thời. Trong khi đó, ở câu đối thì số lượng lại không nhiều. Có lẽ, do quan niệm cũ không coi trọng nghề buôn bán nên các nhà nho - vốn là những người hay chữ, được xã hội trọng vọng gọi là “kẻ sĩ” - không mấy mặn mà chăng? Mà nếu có chăng nữa, trong câu đối tác giả cũng không giấu tiếng cười bỡn cợt, hóm hỉnh! Tương truyền, khi viết tặng cho người láng giềng câu đối treo trong ngày Tết, cụ Nguyễn Khuyến viết:

Tứ thời bát tiết canh chung thủy;
Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang.

Có thể hiểu nôm na, trong bốn mùa (xuân, hạ, thu, đông) và tám tiết (lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông, xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí) thay đổi, qua đi rồi quay trở lại; cây liễu trên bờ, cỏ bồ trên gò như cũng muốn điểm trang xinh tươi. Câu đối này đã vẽ được không khí đầm ấm của ngày Tết, nhưng do tặng cho ông bán thịt lợn nên ngời đọc có quyền liên tưởng đến nghề nghiệp của người được tặng qua mấy chữ... “bát tiết canh” và “đôi bồ dục” được sắp xếp đối xúng tài tình! Hoặc câu đối viết giúp người vợ khóc chồng làm nghề hoạn lợn:

Vui vẻ thay! Sợi chỉ vướng chân, thề thốt trăm năm ăn cùng ở;
Đau đớn nhỉ! Con dao cắt ruột, một giờ tâng hẩng thế là xong.

Cụ cũng đã khéo léo đưa vào câu đối những từ chỉ nghề nghiệp của sự chủ như “sợi chỉ”, “con dao”! Hay nhất vẫn này là từ “tâng hẩng”. Đọc câu đến đó ai lại không nhớ đến câu thành ngữ “Tâng hẩng như chó mất dái”. Mất, bởi nói bị thiến, bị hoạn chứ còn gì nữa. Ngay cả khi làm giúp cho cô vợ hàng thịt khóc chồng con, cụ cũng dùng cả “xương thịt”, “ruột gan”:

Con ơi con ơi! Những ước mong kinh sử dùi mài, ơn phụ mẫu nỡ dứt tình xương thịt;
Chàng hỡi chàng ơi! Sao bội ước hải sơn chan chứa, nghĩa phu thê càng đứt cả ruột gan.

Trong số các bậc túc nho, có lẽ cụ Tam Nguyên Yên Đỗ là người viết nhiều câu đối có liên quan đến nghề nghiệp nhất. Bởi lẽ lúc mới 50 xuân, cụ từ quan trở về quê nhà sống thanh đạm. Từ đây cho đến cuối đời, cụ đã gần gũi, thấu hiểu và sẻ buồn vui với bà con chòm xóm. Mà một người từng đậu đầu cử nhân trường thi Hà Nội (1864), rồi liên tiếp đậu đầu thi Hội, thi Đình (1871), bà con trong làng đến xin chữ đem về treo/thờ cũng là lẽ tất nhiên. Những người dân quê thiệt thà, tốt bụng trong tình làng nghĩa xóm, khi họ xin chữ, cụ luôn sẵn sàng nhận lời và viết rất trang trọng. Tuyệt hay. Chẳng hạn, có người làm nghề nhuộm, chẳng may chồng chết sớm sang xin cụ câu đối về thờ. Cụ đặt bút viết:

Thiếp kể từ lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại, điều khôn, nhờ bố đỏ;
Chàng ở dưới suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan, tím ruột với trời xanh.

Câu đối hoàn chỉnh, tuyệt vời không chê vào đâu được, cụ đã lấy nghề nghiệp của thợ nhuộm với đủ sắc màu để nói lên tình cảm thống thiết của người vợ khóc chồng. Còn với người vợ thợ rèn khóc chồng, cụ lại vận dụng những từ như “than”, “rèn”, “bễ”, “đe”:

Nhà cửa để lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp;
Công việc đành bỏ bễ, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi.

Đối với con trai của ông thầy lang khóc cha, cụ viết:

Tích tai bạch đầu ông! Bán hạ đan thanh thành tẫn thảo;
Cảm hỉ xa tiền tử! Trường sinh một dược tế linh tiên.

Hai câu này có nghĩa: Tiếc thay ông già đầu bạc! Nửa hạ đỏ xanh thành cỏ cháy; thương nỗi người con trai cả! Không thuốc trường sinh để cứu cha. Nhưng khi đọc lên, ta thấy phảng phất hương vị của các vị thuốc như bạch đầu ông, bán hạ, đan (bì), thanh (bì), cam thảo, xa tiền tử, trường sinh...  Nhân đây, lại nhớ đến vế đối (khuyết danh) dùng toàn vị thuốc như hồi hương, phụ tử mà nay chưa có người đối lại được: “Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương, phụ tử”. Hoặc có câu đối nói về nghề làm đồ gốm trên đất Đồng Nai xưa:

Mượn nồi, không trả, đòi lại trách;
Bể ấm, đền siêu, cãi lộn om!

Những “nồi, trả, trách, ấm, siêu, om” đã phản ánh tài tình về nghề thủ công này. Mà những câu đối có liên quan đến nghề nghiệp tương tự như vậy còn nhiều, có điều cũng chưa có người đối lại được như:

Lên phố Mía, gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại, hỏi thăm đường.

Hoặc nếu có đối lại được, vế đối cũng không hay bằng vế ra. Chẳng hạn, vế ra của một người đàn bà góa chồng, vì xinh đẹp nên nhiều bậc “phong lưu tài tử” tìm đến và tán tỉnh: “Nạc mỡ làm chi nữa? Em nghĩ chín rồi. Đừng nói với em câu tái giá!”.Những chữ “nạc”, “ mỡ”, “chín”, “tái”, “giá” cho ta biết được “nàng” đang... làm nghề bán phở! Đố ai có thể đối lại mà lúc đọc lên nghe phảng phất hương vị phở khiến ta phải thèm thuồng!

Nhà thơ Tú Xương, dù lều chõng chỉ đậu đến Tú tài, nhưng nổi tiếng là bậc tài hoa nên cũng được nhiều người đến xin chữ. Tương truyền, một bà buôn gạo ở mom sông chết chồng, đã được Tú Xương viết giúp cho câu đối khóc chồng:

Con cò lặn lội bờ sông, rủ rỉ ru con mà hóa thực;
Gối phượng ngậm ngùi dưới suối, bâng khuâng duyên chị lại từ đây.

Không những ngậm ngùi nói lên được sự lẻ loi duyên phận, mà còn cho biết nghề nghiệp của góa phụ nữa. Bởi ai không nhớ đến câu ca dao mà nhà thơ vận dụng tài tình:

Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non

Trong thú chơi câu đối có người đã ghép những câu tục ngữ, phong dao thành câu đối hoàn chỉnh:

Bán hàng chiều khách, khách nhớ nhà hàng, nhà hàng không nhớ khách;
Họp chợ lấy người, người làm nên của, của chẳng làm nên người.

Về hàng quán, hình ảnh quen thuộc nhất trong tâm trí của người Việt xưa có lẽ vẫn là quán nghèo dựng dưới gốc đa đầu làng. Người trong làng hoặc khách bộ hành dừng chân trong chốc lát uống bát nước chè xanh, ăn kẹo lạc, quả chuối chín, rít một hơi thuốc lào, tán gẫu dăm ba câu chuyện...  Nhiều nhà văn đã lấy quán nước làm “bối cảnh” để kể lại những câu chuyện thú vị.

Ông Nguyễn Đình Nghị (1886- 1954), quê Hải Hưng, người quyết định sự nghiệp hiện đại hóa của sân khấu chèo nửa đầu thế kỷ XX đã viết nhiều vở chèo cải lương như Một trận cười (tức Hoảng vì tình), Khôn có giống, Khôn trẻ bẽ già), Quá chơi nên nỗi... được khán giả chào đón, hoan nghênh nhiệt liệt. Với sức sáng tạo dữ dội và tạo ra nhiều tình huống cười lộn ruột, cười ra nước mắt. Ta thử “nghe” một “xen” vợ chồng chủ quán cãi nhau, Nguyễn Đình Nghị viết tuyệt khéo:

Anh quán hát sắp: - Chưa hết vốn hết lời, (thực là) chưa hết vốn hết lời, nghiện thời, thời tao uống, uống (xong), ế thời tao ăn (ấy)... Khách vào hàng như chuột sán lăn, hễ anh nào đẹp mẽ, nó lại săn như mèo! Này tao biết cái thân tao vừa xấu, vừa nghèo, (chứ) cho nên rằng tao mượn chén, chén ngủ khèo cho xong.

Chị quán hát sắp: - Mày ngủ rắp cho xong, chẳng thà mày ngủ rắp cho xong, kiếp người như thế, thế còn mong chi nhờ. Ví: Tôi phải lòng ai mà nó nghi ngờ? Có anh nào lú mỡ, tôi chỉ phất vờ lấy xu. Ối giời đất ơi! Thân gái này mà lấy phải anh chồng ngu, (hễ) nó say thời nó lại đù lại đeo. Ngồi đập tay xuống chiếu hát thảm: Nó vẫn eo xèo, chẳng thương tôi nó vẫn eo sèo, nào tôi chê xấu, chê nghèo ở đâu, giời đắng cay tôi phải chịu rầu, bao giờ cho tôi thoát nợ qua cầu ông giời ơi, nó sống để bêu đời !”

Dù vừa than như thế, nhưng khi có khách vào thì lập tức:

“Chị quán ca hành vân: - Miệng tôi mời! Miệng tôi mời, khách trang trọng vào chơi, hàng tôi mát, hàng tôi mát, mời bác nghỉ ngơi, thức ăn gì cũng lạ...”.

Hay quá xá là hay! Liên quan đến cái quán nghèo, tương truyền có một lần phái đoàn nhà Thanh sang nước ta, lâu nay cậy thế là nước lớn nên chúng tỏ ra hống hách, khinh thường người nước Nam là giống man di mọi rợ... Để sửa lưng bọn chúng một phen, vua Lê, Chúa Trịnh bèn sai nữ lưu Đoàn Thị Điểm giả làm người bán quán trên bờ sông Hồng, còn Trạng Quỳnh giả làm người lái đò. Đến nơi, bọn chúng sà vào quán nước của bà Điểm, thấy bà xinh đẹp, dịu dàng chúng buông lời chọc ghẹo trơ trẽn:

Nam bang nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh;

(Một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cày). Ngầm ý nói đàn bà nước Nam lẵng lơ, trắc nết. Bà Điểm vẫn mặt lạnh như tiền, nhổ toẹt bãi trầu xuống đất, đáp ngay:

Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất.

(Bọn quan to phương Bắc cũng từ chỗ ấy mà chui ra cả!).

Câu trả lời thông minh của bà Điểm như một cú tát đích đáng vào mặt bọn sứ Tàu hợm hỉnh. Từ đó, chúng phải thay đổi thái độ, không dám hoạnh họe trơ trơ tráo tráo như trước nữa. Bởi lẽ vừa bước chân sang nước Nam, chúng đã được dạy cho một bài học đau hơn hoạn mà đó là chỉ là người bán quán, chứ gặp văn nhân tài tử thì chưa biết “chuyện gì sẽ xẩy ra” nữa... Giai thoại này dù được gán cho bà Đoàn Thị Điểm hoặc bất cứ cô bán vô danh nào thì cũng nhằm ca ngợi tài trí của phụ nữ Việt ta, ca ngợi những người bán quán, dù nghèo, nhưng họ cũng không phải là kẻ tầm thường. Ta còn thấy bản lĩnh đó qua câu đối:

Bán trầu, bán rượu, không bán nước;
Buôn trăm, buôn chục, chẳng buôn quan.

Dụng ý vận dụng sự trùng âm dị nghĩa của cụm từ quen thuộc “Bán nước cầu vinh”, “Buôn quan bán tước” để viết câu đối này, chứng tỏ chủ quán không chỉ biết lấy đồng tiền làm trọng. Còn có một vài câu đối khác cũng liên quan đến những nghề nghiệp quen thuộc:

Có đài các gì đâu, khi thành thị, lúc thôn trang, thế vị chua cay từng đã trải;
Chẳng khôn ngoan chi cả, chốn phong hoa, nơi tuyết nguyệt, nhân tình mặn nhạt đã từng qua.

Mấy chữ “chua cay”, “mặn nhạt” khiến ta liên tưởng đến... nghề bán rượu và muối! Hoặc dành cho người làm thợ nhuộm:

Đã trót nhúng tay, xấu đều hơn tốt lỏi;
Quý hồ thuận mắt, thắm lắm lại phai nhiều.

thầy thuốc:

Có tật giật mình, cứu bệnh như cứu hỏa;
Đứt tay hay thuốc, làm phúc như làm giàu.

người bán bánh tráng (bánh đa):

Vuông tròn tính cuộc trăm năm, sấp ngửa khôn lường tay tạo hóa;
Mặn nhạt chút tình bán tử, mỏng dày sao khỏi miệng nhân gian.

thợ hớt tóc:

Cười cợt phấn son, tô điểm tóc tai người tứ xứ;
Mài dao đánh kéo, mở mang mày mặt khách năm châu.

thầy đồ:

Kinh sử một bồ, thầy dạy đánh vần không mỏi miệng;
Gươm đàn nửa gánh, khách du qua cửa chẳng dừng chân.
...

Thời Pháp thuộc có một “nghề” được nhiều người ham hố thèm thuồng vì... dễ moi tiền của dân! Nhưng do bất tài vô tướng, dốt nát nên những cần thiết phải phát biểu chính kiến, họ lại... ngủ gật, dân gian gọi đó là các ông “nghị gật” và có câu đối bỡn cợt:

Tối ba mươi đọc bài đít-cua, giật đầu cá vá đầu tôm, vì nước vì nhà, lòng máng vì đâu không chảy dốc!

Sáng mồng một há to mồm ếch, nhìn mắt gà ra mắt phượng, này con này vợ, cổ thừng chi thắt nỗi tơ vương.

hoặc:

Vận xám bởi cái tên, đến nỗi năm này đành mất ghế;
Màu hồng nhờ chiếc pháo, cho nên phái ấy được rung chuông!

Ngày nay, hàng loạt nghề mới đã du nhập vào Việt Nam, nhưng chẳng mấy ai còn rỗi thời gian và hứng thú để viết những câu đối về nghề như thuở trước. Nét đẹp văn hóa của thú chơi câu đối đang phai dần trong xã hội công nghiệp... Trở lại với ý kiến của cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, sau khi đọc các câu đối  trên, về chữ trong câu đối, càng thấm thía: “Chữ câu đối đã ít mà lại phải kén chọn, lựa lọc, cân nhắc, so sánh sao cho chắc chắn chín nục, già giặn và chọi nhau thật cân xứng mới được”. Ối dào, “Nghề chơi cũng lắm công phu” (Truyện Kiều).


L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 938 -1.9.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com