BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Bỡn cô Tư Hồng - roi đan bằng… chữ

LÊ MINH QUỐC: Bỡn cô Tư Hồng - roi đan bằng… chữ

bonco-tu-hong--1R

Trong số những người con nuôi của vua Tự Đức, Ưng Đường “tốt số” hơn cả. Sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, xuống chiếu Cần vương chống Pháp thì y được Kinh lược Bắc kỳ Nguyễn Hữu Độ, thượng thư Phan Đình Bình trong Viện Cơ mật cùng giặc Pháp đưa lên ngôi, lấy niên hiệu Đồng Khánh. Ngay từ đầu, y đã tỏ thái độ hợp tác chặt chẽ với giặc Pháp. Một trong việc làm “đáng nhớ” nhất dưới triều Đồng Khánh là ngày 1.10.1888, y đã ra Đạo dụ nhường hẳn cho Pháp quyền sở hữu hoàn toàn thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Như vậy, so với Sài Gòn, là thành phố cấp 1, do tổng thống Pháp ký Sắc lệnh thành lập vào ngày 8.1.1877 thì ba thành phố trên trở thành nhượng địa của Pháp muộn hơn những 11 năm.

Nhận thức Hà Nội là một trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Nam nên thực dân Pháp đã tiến hành những bước quan trọng trong việc xây dựng lại Hà Nội. Điều này còn có ý nghĩa: không những khuất phục được tinh thần phản kháng của người dân bản xứ mà còn làm cho chính người Pháp yên tâm khi thấy quyền lực của chúng ngày một ổn định!

Trong công cuộc xây dựng này, có lẽ có việc phá thành Hà Nội vẫn là sự kiện để lại trong tâm khảo người đương thời nỗi đớn đau thống thiết nhất.

Công việc này tiến hành từ tháng 2.1894 và đến cuối năm 1897. Bọn thực dân cũng đểu cáng, khi san bằng tường thành Hà Nội, chúng cho giữ lại Cột cờ, Đoan Môn và nhất là Cửa Bắc. Vì Cửa Bắc còn dấu tích... hai phát đạn đại bác mà quân Pháp, dưới quyền chỉ huy của Henri Rivière, từ các tàu chiến đậu trên sông Hồng đã công phá thành! Dấu tích này biểu dương sức mạnh của quân đội Pháp và cũng nhằm thị uy người dân bản xứ! Một bài thơ khuyết danh thời ấy, nay đọc lại, ta có cảm giác như tác giả đã viết trong ràn rụa nước mắt:

Than ôi! Đệ nhất cảnh Thăng Long,
Vượng khí ngàn năm có nhựa không?
Hai cửa còn trơ hai thánh miếu,
Một thành sót lại một hoàng cung.
Nhường ngao ngán nỗi công ông Bạch,
Cũng gớm ghê cho của chị Hồng.
Còn biết đâu là nền đế bá,
Than ôi! Đệ nhất cảnh Thăng Long.

Trong bài thơ này, hai câu luận có nhắc đến ông Bạch và chị Hồng. Theo truyền thuyết từ ngàn xưa: lúc Cao Biền đắp thành Đại La (tức thành Thanh Long-Hà Nội), mấy lần đều sụt lở; một đêm Cao Biền đứng trên vọng lâu nhìn ra thấy vị thần cởi ngựa trắng chạy một vòng; rồi bảo Cao Biền cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành. Vì vậy khi xây xong thành, Cao Biền cho lập đền thờ, gọi là đền Bạch Mã, nay vẫn còn tại số 76 phố Hàng Buồm.  Còn câu “Cũng gớm ghê cho của chị Hồng” nhắm chỉ vào ai? Xin lưu ý, chữ “của” ở đây tác giả đã dụng ý chơi chữ một cách châm biếm, cay độc và sau này, cụ Nguyễn Khuyến cũng sử dụng chữ “của” đắc giá này một lần nữa:

Khắp cõi trời Nam đều biết tiếng,
Nghìn năm danh tiếng của bà to!

Bấy giờ, mặc dầu hội đồng thành phố đã chấp thuận, nhưng không mấy “doanh nghiệp” nào dám đứng ra nhận thầu việc phá thành, vì ai cũng biết việc làm này sẽ bị nhân dân lên án, chỉ trích. Cuối cùng, có một “nữ quái” dám đứng ra thầu là cô Tư Hồng!

Tư Hồng tên thật là Trần Thị Lan, quê ở Phủ Lý (Hà Nam), có nhan sắc và thông minh. Trong những năm lũ lụt, thất bát, thị bỏ quê ra Hà Phòng kiếm ăn, lấy chú Hồng - người Hoa kiều làm chồng, mọi người thường gọi thím Hồng. Sau khi chồng về suối vàng, thị tái giá với quan tư Croibier Huguet - một cố đạo phá giới nên “chết tên” cô Tư Hồng. Vụ thầu này đã đem lại cho thị món lợi kếch xù. Chỉ riêng tiền bán số đá xanh, đá hộp cũng đủ cho thị xây được tòa ngang dãy dọc tại đường Quán Sứ ngõ Hội Vũ.
Nhưng lòng tham không có đáy, dù đã giàu nứt đố đổ vách, nhưng thị vẫn buôn lậu thuế. Nhân lúc đồng bào Thừa Thiên - Huế bị lũ lụt, thị đầu cơ tích trữ lúa gạo để bán ra với giá cắt cổ! Khi ba chiếc thuyền chở đầy ắp lúa gạo vào đến nơi thì sự việc đổ bể. Thị to mồm, xảo quyệt biến từ thuyền buôn thành... thuyền “tế độ” phát chẩn, cứu đói dân nghèo! Với “hành động hào hiệp, thương người” này, thị được triều đình Huế phong cho hàm “Tứ phẩm nghi nhân”! Không dừng lại đó, thị dùng tiền mua chạy chọt để bố của thị cũng được phong hàm “Hàn lâm thị độc”! Thật vẻ vang! Cáu tiết trước cái trò ma mãnh này, nhà nho Trần Bình đã viết đối cay độc:

Bốn chữ sắc phong hàm cụ lớn;
Ba thuyền tế độ của bà to!

Đem “hàm cụ lớn” đối với “của bà to” thì không còn tiếng chưởi nào nặng hơn nữa! Thế mới biết, cách chơi câu đối trong tiếng Việt biến hóa thiên hình vạn trạng đến chừng nào!

Tương truyền, trong ngày đón nhận sắc phong của triều đình, thị về làng tổ chức khao vọng lớn lắm. Nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng được mời, nhưng cụ lấy cớ tuổi già sức yếu nên không đến. Biết cụ là người hay chữ nhất trong làng, lại đỗ đầu khoa bảng nên gia đình thị vẫn nài nỉ xin cụ viết cho câu đối đem về treo để nở mày nở mặt cùng thiên hạ. Từ chối mãi không được, cụ đành viết bức hoành phi ba chữ “Chi chi giả” và câu đối Nôm:

Tay trắng làm nên, có tàn, có tán, có hương án thờ vua, danh giá lẫy lừng hăm sáu tỉnh;
Má hồng gặp vận, nào biển, nào cờ, nào sắc phong cho cụ, chị em hồ dễ mấy lăm người.

Câu đối này, ai cũng khen hay. Từng chữ, từng câu không những nói được bước thăng tiến của gia đình thị mà còn đối nhau chan chát, chả ai bắt bẻ vào đâu được. Nhưng những bậc thâm nho thừa biết nhà thơ Nguyễn Khuyến mỉa mai, khinh miệt khi xếp ngay sau “sắc phong cho cụ” là “chị em hồ dễ...”! Ai đời lại đặt “cụ” chung chạ với “chị em” như thế! Đây là tiếng gọi bỡn cợt nhằm chỉ những phụ nữ làm nghề không đứng đắn là loại cô đầu, gái làng chơi! (Về sau, tại miền Nam, trong thập niên 1960 - 1970 cách gọi “chị em” vẫn còn tồn tại, nhưng lại thêm chữ “ta” - thành ra “chị em ta” nhằm chỉ loại gái điếm!).

Còn bức hoành phi “Chi chi giả” thì lúc ấy, bá quan văn văn võ đang dự tiệc đều ngớ người ra, không hiểu cụ Nguyễn Khuyến tặng cho ba chữ ấy là ngụ ý gì? Mãi đến khi đọc đi đọc lại, có người mới tình cờ nói lái lại thành... “cha cha đĩ”! Quả là một cách chơi chữ đến tài tình. Thế thì, ai nấy mới vỡ lẽ ra là nhà thơ đã vận dụng câu tục ngữ “Làm đĩ có tàn, có tán, có án thờ vua” để tát vào mặt những kẻ hợm hĩnh một đòn đích đáng.

Không rõ cô Tư Hồng mất năm nào, trong hoàn cảnh nào, nhưng tên tuổi của thị cũng được một vài nhà văn giai đoạn 1932-1945 có nhắc đến trong tiểu thuyết hiện thực phê phán, chẳng hạn nhà văn Đào Trinh Nhất viết Cô Tư Hồng. Gần đây, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến viết Me Tư Hồng…

Nhân đây cũng xin nói thêm, thông thường khi nói đến cô Tư Hồng, người đương thời còn liên tưởng đến cô Bé Tý ở phố Hàng Bạc cũng nổi danh trong... làng me Tây!
Trong hồi ký Phạm Duy, một nhạc sĩ nổi tiếng xuất thân từ thời đầu Tân nhạc, có cho biết: “Trước hết, cô Bé Tý là người rộng rãi, ai xin tiền cô cũng cho. Rồi tới cái ngông của cô là ở ngay giữa thành phố, cô cho xây một sở thú nhỏ với một dẫy chuồng nhốt khỉ, gấu và những con thú (cô làm thành quái vật) như gà ba chân và lợn hai mõm. Ai đi qua nhà cô cũng phải dừng chân lại để coi sở thú tí hon này... Vào trong nhà cô là như lạc vào trong truyện vẽ bằng tranh, vào trong truyện thần tiên. Nào là những xác chim, xác hổ được nhồi bông. Nào là những con rắn sống uốn mình quanh chiếc ngai sơn son thếp vàng trên đó có cô Bé Tý ngồi bảnh choẹ và lên đồng thường xuyên giữa một đám đầy tớ toàn là những người lùn. Ai vào nhà Cô thì đều phải gọi cô là Bà Chúa. Đối với tôi, cô Bé Tý với thế giới gà ba chân, lợn hai mõm, những người lùn, những đồng cô bóng cậu mặc y phục lộng lẫy, múa gươm hay chèo thuyền trong khói nhang nghi ngút, với chiêng trống tưng bừng... giống như chuyện ảo tưởng có thực”.

Thật ra những trò trên của Cô Bé Tý là nhằm che mắt người đời chứ thị sống bằng nghề buôn thần bán thánh, dắt mối gái cho quan Tây, nhưng không “nổi tiếng” bằng cô Tư Hồng. Thậm chí trong câu đố dân gian, người ta cũng “lôi” cô Tư Hồng vào cho bằng được:

Đố ai có tán, có tàn
Có nhang, có án, có hồn sắc phong
Lừng danh cả đất Thăng Long
Cái danh đã lớn, cái lòng cũng to
Tơ vương biết mấy cho vừa
Để người khen tặng vần thơ... cửa lòng?

Thiết tưởng, ta cũng nên biết thêm một câu đối nữa, nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng đã “tặng” cho cô Tư Hồng:

Lạ lùng thay! Khôn ngoan chẳng lọ nhờ chồng, ba nghìn đồng sắc tứ Phu nhân, người được như me là ít có;
May mắn nhỉ! Danh giá để dành cho cụ, bảy mươi tuổi hàm phong Thị độc, ai rằng sinh gái của như không?

Thì “me” ở vế trên đích thị là... me Tây! Ngoài ra, cô Tư Hồng còn được đưa vào một câu đối khác với tên gọi “dì Tư”, qua đó, ta biết thêm một vài nhân vật đương thời cũng “lẫy lừng” không kém của thời điểm ấy:

Có hay chi cõng rắn cắn gà nhà, phong lưu chú Bát, phú quý dì Tư, mây nổi đã từng qua trước mắt;
Thôi đừng có rước voi giày mả tổ, sự nghiệp bà Bông, thơ ông Húng, gió bay đành lẽ gác ngoài tai.

“Chú Bát” là ẩn danh của Nguyễn Trọng Kim, do làm Thương biện Hà Nội nên mọi người thường gọi Thương Kim, được Pháp phong hàm “bát phẩm bá hộ”, có sản nghiệp lớn ở Hàng Khay và tương truyền là người cho xây Tháp Rùa ở Hồ Gươm để mả! Bà Bông là vợ kế của Hoàng Cao Khải, tương truyền khi Khải làm tiễu phủ sứ đánh nhau với cụ Đề Thám bị mất ấn, sai vợ đến ở trong trại của một thống lĩnh nghĩa quân là Thân Đức Luận để lừa lấy trộm ấn đem về! Còn ông Húng tức Phạm Văn Toán, chuyên sản xuất rau húng, nhờ giàu có, nịnh Tây mà leo lên được chức... Tổng đốc Nam Định và sính làm thơ!

Có nhiều tài liệu còn cho biết cụ Nguyễn Khuyến cũng viết tặng cô Tư Hồng câu đối để dán trước cổng nhà:

Mở ra toác toạc toàn toang, cửa càn khôn chia làm hai mảnh;
Khép lại khìn khin khít khịt, máy âm dương đưa đẩy một then.

Nhưng thật ra không phải thế.

Đó là câu đối mà cụ viết cho mụ Hậu Cẩm, tên thật Lã Thị Thoan, người cùng làng với cụ. Mụ này lấy ông Nhiêu Sinh, sau khi  chồng chết, tái giá với một tên cảnh sát người Pháp ở Nam Định - thường gọi là Tây Cẩm. Về già, không con cái, bà ta bỏ tiền ra “mua hậu” để sau khi chết được “giỗ hậu” ở đình làng. Do đó trong làng mới gọi là mụ Hậu Cẩm.

Trở lại với vụ phá thành Hà Nội, sau này kẻ sĩ Bắc Hà còn tiếp tục viết những thơ ưu thời mẫn thế. Cái nhìn cảnh vật Thăng Long trong buổi giao thời Pháp -Việt nhố nhăng đến nhói lòng:

Nghìn năm văn vật đất Thăng Long,
Văn vật ngày nay mới lạ lùng:
Tham biện, tham tằm, tham cán sự,
Đốc bò, đốc chó, đốc canh nông.
Du côn, mật thám đầy sông Nhị,
Giăng há, ma cô chật núi Nùng.
Trừ miếu Khổng kia chưa tiện nói,
Còn thì văn vật đất Thăng Long.

L.M.Q
(nguồn: Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay 937 - 20.8.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com