Về Hội An, đã viết nhiều thơ trong sổ tay. Chiều nay, câu thơ chợt đến như sóng vỗ. Như thoáng mây bay qua. Như bước chân lang thang không định hướng. Hội An vẫn thế. Người vẫn đông. Vẫn những món ăn quen thuộc. Vẫn không gì khác. Vẫn là sự nghỉ ngơi. Thư giản. Mặc kệ thời gian. Qua nhanh hay chậm. Chẳng thèm quan tâm. Ra cửa Đại, nghe sóng vỗ.
Trước kia, từ bàn ăn phóng một tầm mắt mới thấy sóng, nay sóng vỗ dưới chân ngồi. Hỏi ra mới biết, sóng đã lấn vào bờ, đã cuốn trôi bãi bờ và đi sâu vào đất liền hơn 100 mét. Hội An đang có chính sách, kế hoạch kè lại bờ, nếu không cảnh quan dọc biển sẽ thay đổi khốc liệt. Lâu nay, nói đến Hội An người ta nhắc đến nhiều món ăn ăn ngon. Ngon đến độ anh chồng trong ca dao phải thốt lên não nùng như lúc xuống xề câu vọng lại sắp hụt hơi:
Hội An trăm thứ đều ngon
Vừa vừa cái miệng kẻo chồng con hết nhờ
Nhưng thử đặt câu hỏi, món ăn nào mà khi chế biến lại tiêu biểu nhất cho tính cách con người Hội An? Chọn lấy cao lầu, cơm gà, bánh tráng đập dập, chè mè đen, chè bắp hay gì khác? Câu hỏi khó quá phải không? Sau một hồi suy nghĩ, anh Nguyễn Sự - Bí thư Hội An, quả quyết phải chọn lấy món chè đậu ván! Đọc đúng theo âm Quảng Nam, phải là chè “đậu doáng”.
Anh lý giải: “Ở Hội An, chè đậu ván pha đường phèn, một loại cao cấp nhất của đường; bên cạnh đó còn có thêm vị ngọt của đường bát đen, một loại đường quê mùa, rẻ tiền. Sự kết hợp này đã chế biến chè đậu ván có vị một vị ngọt độc đáo. Hơn nữa, khi nấu thì đậu vẫn còn nguyên hạt, không nát. Vậy đó, tính cách người Hội An cũng thế. Họ không phân biệt người sang kẻ hèn; thấy lạ, không kinh ngạc; thấy quen, không vồ vập, xem như tự nhiên, bình thường. Họ có thể giao tiếp với các chủng tộc khác khi đến Hội An, nhưng vẫn không đánh mất bản sắc của mình”.
Có phải vì quá yêu vùng đất mình sinh ra và lớn lên, gắn bó cả cuộc đời nên anh Sự đã nghĩ thế? Điều này không cần tranh luận. Mà tranh luận làm gì trong ngày phơi phới gió lên và có thoang thoảng nhang trầm cổ kính rất Hội An?
Thật ra, bất kỳ vùng miền nào cũng có những món ăn ngon, với họ vẫn ngon nhất, không nơi nào có thể sánh kịp. Tình yêu quê hương cũng từ đó mà trở thành vết xước luôn khắc khoải trong tâm trí của mọi người. Vết xước ấy không bao giờ lành sẹo. Càng lớn tuổi, càng đi xa lại càng nhớ. Nhớ món ăn mà ngày xưa mẹ đã nấu. Tình cảm chân thật ấy, sống muôn đời vạn kiếp trong nỗi lòng mỗi một người.
Chiều qua, ở Huế. Y vẫn còn thả hồn theo nhịp sóng vỗ ngoài xa tít Thuận An. Vang vọng tiếng tụng kinh lẫn trong nhịp sóng. Nhìn thấy một đoàn nhà sư, chừng hai mươi người đi vòng quanh một ngôi mộ gió đắp trên bãi biển. Và nhịp nhàng cất lên những câu kinh cầu siêu. Không rõ, có phải đây là phong tục của ngư dân vùng biển cầu nguyện cho những linh hồn: “… vào sông ra bể / Cánh buồm mây chạy xế gió đông / Gặp cơn giông tố giữa dòng / Đem thân vùi rấp vào lòng kình nghê”? Vội vào nội thành Huế nên không kịp hỏi.
Đến Huế, thích nhất vẫn là những món ăn của vùng đất một thời đã là kinh đô nước Việt. Lúc vừa ăn bún thịt nướng, vừa nhẫm trong đầu những câu thơ vừa đến. Những câu thơ nối theo, đứt đoạn và hoàn thành sứ mệnh ghi lại một cảm xúc chân tình của lần đến Huế. Đời sống cứ thế nhẹ nhàng trôi. Trôi nhẹ nhàng cũng một phần là do con người ta tách ra ngoài, đứng bên ngoài các sự kiện thời sự khốc liệt đang diễn ra mỗi ngày.
Món ăn Huế hấp dẫn, ma mị, quyến rũ nghĩ cho cùng vẫn là ở nước chấm. Nói rộng ra, bí quyết ngon, thể hiện cái ngon bất tận của món ăn Việt cũng nằm gọn gàng, gọn ghẽ trong hai từ “nước chấm”. Cũng món ăn đó, cũng cách chế biến đó, nếu thay đổi “nước chấm” thì chẳng còn gì để nói nữa. Tựa như một người đẹp chỉ còn lại cái thân xác tầm thường, chứ sự tinh tế, tế nhị của linh hồn đã mất. Món ăn Huế ngon là ở đó. Ngon ở nước chấm. Ăn một lần sẽ nhớ như nhớ đến một mùi vị của da thịt nõn nà, phơi phới dâng hiến trong chiều gió lành lạnh, men nồng nàn và gợi mở sự háo hức khám phá cho dù đã tận hưởng nhiều lần. Rất nhiều lần. Mà vẫn không ớn. Vẫn không bưa. Vẫn thèm thuồng đến tê cay đầu lưỡi của mỗi lần lại nhớ.
“Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi”. Nhà vua đi vì “tuyệt mỹ giai nhân”, còn y chỉ vì món ăn. Ăn bún thịt nướng. Ngon ơi là ngon. Ngon ở nước chấm, rau xanh, ớt xanh và thoảng thoảng trong gió vẫn còn một chút nhang khói thanh diệu của ngày Tết còn sót lại trên vòm cau xanh mướt. Ông Vũ Bằng đã viết Món ngon Hà Nội, Món lạ miền Nam, ước gì có ai đó sành ăn, biết ăn, viết quyển sách lan man, đẩy đưa, ngẫu hứng khi thưởng thức món ăn Huế.
Nghe nói rằng, chỉ riêng các hạt muối bình thường kia, dân dã kia người Huế thừa khả năng, thừa sức chế biến thành hàng chục món muối khác nhau. Mỗi món là một vị mặn. Có mặn của sóng biển. Có mặn của gừng cay muối mặn. Có mặn của mặn mà thanh sắc nặng trĩu âm trắc của người Huế...
Thôi thì hãy nghe chính người Huế giải thích nhá, người đó là Bùi Minh Đức. Ông giải thích về các loại muối Huế: “Muối sống (ăn với rau tờn chẳng hạn), muối trắng ăn với khế chua; muối rang, muối hầm, muối tiêu, muối tiêu chanh, muối ớt, muối sả, muối ruốc muối thịt, muối riềng, muối khuyết, muối đậu phụng, muối mè, muối dầu lai, muối gừng, muối mè… (xem Từ điển tiếng Huế - tr.605). Ghê gớm chưa? Lại nghe nói, chính ở Huế là nơi đầu tiên xuất hiện món mắm tôm chua. Tại sao? Dòng ngoại của vua Tự Đức gốc Gò Công, bà Từ Dũ sai người ở quê làm món ăn này cho đỡ nhớ nhà. Từ miền Nam xa lắc xa lơ đó, phải đi dài ngày, khi ra đến kinh đô, mắm đã lên men chua. Và mắm tôm đó, dậy một mùi vị đặc trưng, cực kỳ độc đáo còn truyền đến ngày nay.
Sực nhớ câu văn của Nguyễn Tuân: “Hội An có từ bao giờ và tên cũ của Nó là gì? Là Hải Phố, là Phải Phố?... Hay là Hoài Phố? Tôi không phải là người tra khảo cố sự, nên tôi vẫn cho Hoài Phố là phải hơn. Một cái phố nằm bên sông Hoài... Chao ôi một thị xã Nhớ dựng lên sát một hải cảng Đợi (Cửa Đại), sao mà đất nước mình có những đại danh từ gợi cảm khá nhiều như vậy!”. Nhà văn lý giải về địa danh bao giờ cũng nặng tính chủ quan. Ấy vậy, lại thấy hợp lý hơn cả những công trình nghiên cứu khảo sát dày cả hàng ngàn trang.
Nghĩ cho cùng, sẽ chẳng bao giờ có thể truy nguyên gốc, tìm hiểu chính xác vì sao có tên gọi ấy. Cứ cảm nhận theo suy nghĩ của riêng mình, cũng chẳng ai bắt bẽ gì. Tại sao gọi chợ Cồn, gọi quán chợ Đo Đo? Chợ khác gì quán chợ? Tại Sao trên đường từ Đà Nẵng ra Huế, đi ngang qua Phú Bài, lại thấy có tấm bảng ghi rõ ràng “làng Phù Bài”. Sao lại “Phú”, sao lại “Phù"? Lại thấy địa danh Hói Mít. Hỏi ra, mới biết, “hói” cũng tựa như khe, lạch nước… Từ điển của Huỳnh Tịnh Paulus Của giải thích: “Hói: Rạch xẻo, cái xép”; trong khi đó Việt Nam từ điển do người Bắc thực hiện, cụ thể là Hội Khai Trí Tiến Đức chỉ ghi nhận: “Hói: Nói sọ rụng hết tóc: Hói đầu, hói trán”. Suy luận ra, “hói” là từ của miền Trung, miền Nam. Thêm một bằng chứng nữa, Từ điển tiếng Nghệ của các ông Trần Hữu Thung, Thái Kim Đỉnh cũng ghi nhận: “Hói: Vùng đất xa làng, sâu, cỏ lác ngập nước, thường ven sông”.
Đã từng nghĩ rằng, có ai đó, đi từ Nam chí Bắc, đi đọc Quốc lộ 1 và ghi lại hết các địa danh đã có, chắc chắn sẽ phát hiện ra nhiều điều lý thú mà các nhà nghiên cứu suốt đời cắm cúi với trang giấy cũng không thể có.
Hầu như ai cũng thừa nhận rằng, ông nhà văn Vang bóng một thời có tài chạm trổ chữ. Tỉa tót từng chữ. Làm mới câu văn, làm mới tiếng Việt bằng cách đặt các từ cạnh nhau vừa tài hoa, vừa kỳ thú, vửa cầu kỳ, vừa oái oăm đến độ có thể tạo ra sự bất ngờ trong nhiều cách liên tưởng khác nhau. Có thể nói, Mai Thảo cũng là một trường hợp không khác Nguyễn Tuân. Cũng ý thức làm mới lại các từ đã cũ nhằm diễn tả một câu văn mới hơn, lung linh hơn mà thú thật, đôi lúc đọc, đuổi bắt suy nghĩ của tác giả cũng mệt. Đọc tùy bút Võ Phiến dễ chịu hơn. Câu chữ giản dị mà chứa đựng nhiều thông tin, nhiều nhận xét tinh tế.
Ngồi ở Cửa Đại và ngắm nhìn từng bọt sóng xanh qua ly pha lê trắng toát đã đỏ rượu vang màu mận chín. Gió lên. Gió đã lên. Một chút ngất ngây của men đã tràn qua lưỡi. Qua môi. Chợt nghĩ về phận người khi nghe tiếng sóng vỗ mãi. Vỗ mãi, bên tai. Từng đợt sóng nhẫn nại, quyết liệt với mỗi một khoảnh khắc, từng phút giây không mệt mỏi, không ngơi nghỉ, cứ liên tục, cứ dội vào bãi bờ âm vang một nỗi niềm mà liệu có ai thấu hiểu?
Sóng lấp thời gian - vùi dưới sóng
Ráo riết từng giây đến vạn đời
Ai hay khoảnh khắc trong vô tận
Một cánh chim bay níu lệch trời?
Mỗi thân phận, mỗi phần kiếp trên hành trình đi về cõi Chết, đôi lúc, lại nghĩ đến. Và cứ thế, không cần có câu trả lời, cả thẩy chúng sinh đều đi, đi như những vạt mây trắng đang dần dần chìm khuất bể dâu không còn dấu vết. Thế nhưng lại có những cánh chim vụt bay qua trần gian, chỉ một lần, nhưng ngàn năm sau dấu vết vẫn còn in bóng trên nền trời thăm thẳm... Thế đấy. Sóng biển, từ ngày này qua tháng nọ có đủ quyền lực xóa sạch mọi triều đại, mọi di tích, mọi kiến trúc mọi dấu vết trên trái đất này. Nhưng hỡi ôi, một cánh chim bay trên nền trời kia mong manh là thế, yếu ớt là thế nhưng vẫn có thể níu lệch cả bầu trời. Thì ra, sự hiện hữu của một khoảng khắc cũng không khác gì vô tận.
Có nhà văn nào đó đã viết đại ý, nhớ đại khái rằng, một cánh bướm vỗ cánh ở nơi này có thể làm dậy sóng trùng dương nơi kia. Ngồi ở biển, viết được bài Tứ tuyệt trên, tự dưng y “tự sướng” bởi đã tìm ra một cách diễn đạt về lẽ vô thường. Sực nhớ, Hội An, nơi này, đã có nhiều kỷ niệm của ngày tháng tâm hồn còn trong veo như giọt nước mưa. Rồi tất cả đã xa. Chỉ còn lại một hoài niệm nhẹ nhàng và có lẽ chẳng bao giờ mất đi. Có những câu thơ như “trời cho”. Viết dễ dàng như giỡn chơi mà sẽ chẳng bao giờ có thể viết lại được lần thứ hai:
Giọt sương treo mái hiên đình
Nửa đêm thức giấc hỏi mình tan chưa?
Một câu thơ Thiền. Được viết bởi một người điên. Phạm Phú Hải (1950-2009). Đã chết. Đã có câu trả lời.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|