BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: LAI RAI BA SỢI

LÊ MINH QUỐC: LAI RAI BA SỢI

 

lai-ra-i-ba-soi

 


Thuở nhỏ, học lớp tiểu học, cô giáo dạy câu vần vè nhằm phân biệt dấu hỏi, ngã: “Bà Ba Bủng bươn bả buôn bán bên bãi biển. Bả bán bánh bèo, bánh bỏng. Bả bừa bãi, bê bối, bợm bĩnh bị bộ binh bắt bỏ bót ba bốn bữa. Bả buồn bã”. Những từ như “bót” vây mượn từ “poste” tiếng Pháp, nghĩa là đồn, trạm canh, trụ sở cảnh sát, nay chẳng mấy ai sử dụng nữa. “Bả”, ta hiểu “bà ấy” nhưng lại đồng âm với “bả” là thuốc độc trộn với thức ăn, “tọng” vào họng là… chầu trời ngay tắp lự! “Bãi” là chỗ đất ăn ra ven sông, ven biển nhưng “bãi” lại còn có nghĩa là bỏ đi, không làm nữa.

Nhắc đến bánh bèo, ai cũng nhớ khi ăn dùng dao tre nạo tách phần bánh ra khỏi chén cho gọn, người Huế gọi “cái cạy”, Quảng Nam gọi “cái siêu”. Ca dao miền Trung có câu: “Con quạ nó đậu chuồng heo/ Nó kêu bớ mạ bánh bèo chín chưa?” Thời buổi này, “bánh bèo” lại dùng theo nghĩa khác. Ban đầu nhằm chỉ những cô nàng ăn mặc một cách diên dúa, luộm thuộm, trông bèo nhèo thiếu sức sống, về sau, nó được sử dụng có liên quan đến giới tính.

Lâu nay, để chỉ một việc đã mất trắng, mất tất cả, không được gì, người ta thường nói: “Xôi hỏng bỏng không”.  Xin hỏi, “bánh bỏng” của bà Ba Bủng có liên quan gì đến “bỏng” trong câu thành ngữ trên? Có đấy chứ! “Bỏng” là một thứ quà ăn vặt, lấy hạt ngũ cốc rang phồng lên cho nở ra, rồi trộn thêm mật, chẳng hạn, bỏng ngô. Thế nhưng khi bị lửa táp, bị tạt nước sôi… do tác động “quá hớp” của nhiệt khiến da bị tổn thương cũng gọi “bỏng”. Tuy nhiên, người miền Nam lại gọi hiện tượng đó là “phỏng”. Cụ Phan Bội Châu, có hai câu thơ rất hay: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai?”. “Phỏng” ở đây lại “chạy” sang nghĩa khác, chẳng hạn, là từ cái có sẵn mà “phỏng” theo na ná; là sự ước tính như “tính phỏng”; là nêu ra như để hỏi với ý nghĩa phủ định. Câu thơ của cụ Phan hoặc “Rằng xem phỏng đã cam ấy chưa” (Truyện Kiều) là theo hiểu cái ý sau chót.

Mà này, trong tiếng Việt, cái âm “B” ấy cũng” lắm chyện ra phết!

Thử bắt đầu bằng từ “ba”, tất nhiên ai cũng biết dùng chỉ số lượng, nhưng nó lại biến hóa khôn lường. Thử liệt kê: Ba búa, ba bứa, ba bớp (thứ ngang bướng, không nghe theo người khác), ba lia, ba gai/ba gai ba góc, ba kẹo (hà tiện, keo kiệt), ba lém (lém lỉnh), ba xàm, ba toác, ba nhe, ba xạo, ba lơn (nói bông lơn, pha trò đùa), ba rọi (pha tạp một cách nhố nhăng), ba đía, ba vạ (chung chạ, bừa bãi), ba láp/la láp ba lốp, ba lăng nhăng (hạng tầm thường, lông bông), ba xi đế, ba chớp ba nháng (làm vội vã, không chu đáo), ba lô ba la, ba sớn ba sác (vô ý tứ, không chú ý), ba trợn ba trạo, ba trật ba vuột (không ăn khớp, không thuận lợi), bà sồn ba sựt (chưa gì chắc chắn, còn lở dở)…

Thành ngữ “ba que xỏ lá” nhằm chủ sự lừa dối, gian lận, bợm bĩnh, đểu cáng. Có cách giải thích, nó ra đời từ một trò chơi bịp bợm thời trước nhằm moi tiền người khác, tuy nhiên, cụm từ đó nếu tách riêng biệt “(bọn) ba que”/“(đứa) xỏ lá” thì vẫn được hiểu theo nghĩa tương tự. Rõ ràng, hầu hết các từ có dính dáng đến từ “ba” như nêu trên đều chỉ những sắc thái, những tính cách, những sự việc chẳng ra làm sao cả. Thoạt nghe xong, ắt muốn tránh xa cho lành.

Có những từ vây mượn từ tiếng Pháp như ba gai (pagaille), chỉ người ngang ngạnh, bướng bỉnh, không tuân theo nề nếp, vốn từ tiếng Việt lại có thêm “ba gai ba đồ”, “ba gai ba ngạnh”. Ba nhe (panier: chỉ người khuân vác ở ga xe lửa, bến tàu) nhưng khi thâm nhập vào tiếng Việt lại chỉ hạng “đá cá lăn dưa”. Ba dớ (paille: vụn mạt sắt, kim loại khi dũa hoặc do sự ma sát mà có) lại phát sinh thêm “ba dấm ba dớ” theo nghĩa như vớ vẩn, không đâu vào đâu. Ba láp (tầm phào, lếu láo mượn từ palabre). Ba xí ba tú (par-ci, par-tu), chỉ biết lõm bõm, biết lỏi, biết qua loa, hời hợt, không đến nơi đến chốn. Ba đá (soldat: đơn vị lính chính quy người Pháp), nhưng lại dùng theo nghĩa chế giễu như “Ôi! Cái thứ đồ đá, chấp làm gì”.

Khi vây mượn “bavard” là già chuyện, khoác lác để có “ba hoa”, lập tức, người Việt “chế” thêm ba hoa chích chòe, ba hoa xích đế, ba hoa xích tốc, ba hoa thiên địa, ba hoa thiên tướng… là nói luôn miệng, nói phóng đại, có ý khoe khoan. Nói đến độ cái miệng không kịp kéo da non, lời nói không chính xác, phù phiếm, hão huyền nhằm “chém gió” cho sướng miệng.

Có lẽ, “ba hoa xích đế” cũng là cụm từ nhiều người tranh luận nhất Theo Vũ Bằng, “ba xích đế” bắt nguồn từ “ba xị đế”. “Đế” là một thứ rượu nấu bằng cỏ “đế”: “Trước đây, vì độc quyền nấu rượu trong tay người Pháp, nên ở miền Nam, muốn có thứ rượu vừa rẻ vừa ngon do nông dân ta lấy gạo nếp làm ra, cũng phải nấu lậu. Muốn nấu “lậu” phải ra “biền” (ruộng) mà nấu. Ngoài biền không sẵn củi nên phải nấu bằng cỏ “đế”. Vì thế, gọi là rượu đế, tức rượu “lậu” đun bằng cỏ đế”. Nhưng vì sao lại gọi “ba xị đế”? Vì chỉ uống chừng đó là say - mà đã say thì nói năng không kiểm soát thành ra câu chuyện trở thành “tào lao xích đế”. Nghe cũng có lý đấy chứ? Những tại sao từ “xị” lại biến âm ra “xích”?

Xị là dung tích tương đương một phần tư lít, nhưng tại sao gọi là xị? Theo nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ, “xị” là nói tắt của “xá xị”, dung tích của chai xá xị đã được dân chúng công nhận. Nếu đúng như thế, “xị” mới xuất hiện chừng trăm năm trở lại đây thôi. Bằng chứng, trong ca dao tục ngữ, thơ văn cổ chỉ xuất hiện “bầu/nậm/vò”, chẳng hạn, “Tay cầm bầu rượu nắm nem/ Mảng vui quên hết lời em dặn dò”; “Ông mất chân giò, bà thò nậm rượu”; hoặc: “Anh giúp một thúng xôi vò/ Một con lợn béo một vò rượu tăm”. Thêm một bằng chứng nữa là từ điển của Huình Tịnh Paulus Của (1895) không ghi nhận, chỉ có loạn xị, xuôi xị.

Bước sang đầu năm mới rồi, mình kéo nhau ra quán làm vài xị “lai rai ba sợi” chăng! Ơ hay, tại sao không là con số khác mà dứt khoát phải là “ba sợi”?

L.M.Q

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười ngày 1.1.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com