BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam

Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam

 

quyen-sach-nam-phuong-hoang-hau

 

Với câu hỏi: “Ai là hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam?”, tựa tập sách đã trả lời câu hỏi trên. Đó chính là Nam Phương hoàng hậu, tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh năm 1914, con gái hào phú Nam bộ là Nguyễn Hữu Hào (gốc Gò Công) và bà Lê Thị Bính. Số phận tình cờ, năm 1932 đang là nữ sinh du học, cô Lan đáp tàu D’Artagnan về nước thì tình cờ gặp Vĩnh Thụy - người vừa hoàn tất việc học ở Pháp hồi loan để làm vua nước Nam -  đi chung chuyến tàu.

Về sau, trong hồi ký Con rồng An Nam, vua Bảo Bảo có kể lại: “Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình”; và “Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ, hình như Đức Tiên đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia Thế tổ Cao hoàng đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người miền Nam”.

Những chi tiết này, ta có thể tìm đọc trong quyển Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam (NXB Hồng Đức) của “nhà Huế học” Nguyễn Đắc Xuân, người đã có nhiều côn trình nghiên cứu về triều Nguyễn và Huế xưa. Có thể ghi nhận, quyển sách này đã tập hợp đầy đủ nhất các tài liệu liên quan đến Hoàng hậu Nam Phương. Bạn đọc có thể tin cậy từ nguồn tư liệu của chính vua Bảo Đại, những người thân cận (hoặc cùng thời) với Nam Phương như Hoàng Xuân Hãn, Phạm Khắc Hòe,  Nguyễn Tiến Lãng, Ưng Thuyên, Ưng Trình… Và đóng góp cần ghi nhận ở Nguyễn Đắc Xuân là ông đã thực hiện những chuyến đi điền dã, gặp gỡ nhân chứng tại Pháp để thu thập khá nhiều tài liệu về nhân vật mà ông đã nghiên cứu.

Ngoài phần hình ảnh phong phú, có nhiều ảnh lần đầu công bố, Nguyễn Đắc Xuân còn tái hiện Nam Phương trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Có một điều nổi bật nhất, ngay sau khi nước nhà giành độc lập năm 1945, bà đã hướng về Chính phủ Hồ Chí Minh với tất cả nhiệt thành của một con dân yêu nước.

Ít ai biết, trong Tuần lễ vàng kêu gọi toàn dân đóng góp tiền bạc, của cải ủng hộ nhà nước để có kinh phí kháng chiến, Hoàng hậu Nam Phương là một trong những người đầu tiên ở Huế đã đóng góp rất nhiều. Lại có thêm chi tiết thú vị, ta không ngờ nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Trần Thanh Địch bấy giờ là phóng viên của báo Quyết Thắng cũng đã đến gặp bà tại cung An Định bên bờ Bắc sông An Cựu để thực hiện bài phỏng vấn… Có thể nhiều người ngạc nhiên với chi tiết này, khi thực dân Pháp trở lại gây chiến ở Nam bộ, bà có viết thông điệp bằng tiếng Pháp keu gọi nhân dân tiến bộ ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Những hành động tích cực này khiến người đọc dành nhiều thiện cảm hơn cho Hoàng hậu Nam Phương.

Về tình riêng, bà không may mắn khi trở thành vợ của ông vua có sao “đào hoa” chiếu mệnh. Thật cảm động, khi đưa năm con Bảo Long, Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung, Bảo Thăng sang Pháp, bà đã viết thư cho Bảo Đại: “Tất cả cuộc đời em thuộc về mình và đàn con mà thôi”. Bà mất ngày 14.9.1963 khi mới 49 xuân xanh. Khép lại tập sách Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam, lòng ta xao xuyến khôn nguôi…

LÊ VĂN NGHỆ

(nguồn: Báo PN TP.HCM số ra ngày 14.9.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com