BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết TRỐNG ĐÁNH XUÔI, KÈN THỔI NGƯỢC- Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: "Thổi ngược" mà hợp quy luật mới khó

TRỐNG ĐÁNH XUÔI, KÈN THỔI NGƯỢC- Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: "Thổi ngược" mà hợp quy luật mới khó


noi-nguoc-ma-hop-quy-luat-moi-kho-1-R

 

Một trong những thói xấu của người Việt là không đoàn kết, không có sự nhất quán về nhận thức. Dù sự việc đã sờ sờ ra đó, không còn phải tranh biện gì nữa mà cách tốt nhất, cần thiết nhất trong thời điểm đó vẫn là sự thống nhất hành động, nhưng rồi vẫn có người tìm cách “nói ngược” cho bằng được. Việc làm này, chẳng khác gì “nước chảy xuôi, bè kéo ngược” -  khiến sự việc chung lộn xộn, không có sự hài hòa thống nhất.

Lý giải điều này thế nào?

Đọc Đại Việt sử ký toàn thư, đời nhà Trần, ai lại không đùng đùng nổi giận với chi tiết này: Năm 1257, ngày 12.12 âm lịch, quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy tiến tới Bình Lệ Nguyên. Thế quân Mông Cổ rất mạnh, vua Trần Thái Tông phải lui giữ sông Thiên Mạc. Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền Nhật Hiệu hỏi kế sách chống giặc. Nhật Hiệu đương dựa mạn thuyền, cứ ngồi chứ không đứng dậy nổi, chỉ lấy ngón tay chấm nước viết hai chỉ “nhập Tống” lên mạn thuyền. Sử thần Ngô Sĩ Liên có nhận xét: “Nhật Hiệu là đại thần cùng họ với vua. Giặc đến, khiếp sợ, hèn nhát, không có kế sách chống giữ, lại còn kiếm cách xui vua mình chạy đi ở nhờ nước khác, thì còn dùng hắn làm tướng làm gì?”.

Rõ ràng, do sự sợ hãi, yếu hèn của chính họ, vì thế, nhiều người tìm cách nói ngược lại ý chí của cộng đồng. Trong thời đại internet, phải thừa nhận một nhu cầu tâm lý có thật, rất thật là nhiều người dù tài năng chỉ “thường thường bậc trung” nhưng lại muốn thiên hạ phải biết tên, biết mặt! Chiêu trò được sử dụng phổ biến nhất là nói ngược lại suy nghĩ của đám đông.

Chẳng hạn, mới đây một tỉnh nọ thuộc loại nghèo nhất trong các tỉnh thành của nước ta có ý định xây dựng tượng đài với số tiền “khủng”. Tất nhiên, dư luận không đồng tình và đã có nhiều ý kiến “cãi” lại. Ai cũng cho rằng, trong tình hình dân sinh, kinh tế nước nhà chưa dư dả gì thì nên cân nhắc. Thế nhưng vẫn có những người phản bác lại bằng lý lẽ cù nhầy, “nói lấy được” rất hung hăng. Cái tâm, cái lòng của họ là thế chăng? Nếu được thế đã là may. Còn trường hợp này hoàn toàn không phải, chọn cách “nói ngược” cũng không ngoài mục đích “chơi nổi”, “đánh bóng” tên tuổi dù biết răng sẽ bị “ném đá” tơi bời. Cần gì. Miễn ai ai cũng biết đến mình là được.

Qua đó, ta lại thấy “nói ngược” cũng là một cách thể hiện cái thói háo danh - cũng là một thói xấu của người Việt.

Nhiều người cho rằng khi “nói ngược” tức lại họ đang thể hiện tinh thần phản biện để vấn đề sáng tỏ hơn. Thì, cứ cho là thế. Nhưng đừng quên rằng, khi tranh luận điều gì, người đó phải có tri thức, kiến thức và nền tảng văn hóa nhất định chứ không phải lúc nào cũng “nói ngang cành bứa”, “nói nhăng nói cuội”, “nói thành nói tướng” chẳng có một cơ sở gì cả.

Trước đây, trong phong trào Duy tân - một sự khai sáng dân trí, dân chủ sáng chói nhất của thế kỷ XX, các nhà nho cấp tiến như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can, Lê Đại, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn… đã “nói ngược” với thể chế, cơ chế chính trị đương thời, thậm chí còn đòi chém đầu cả nhà vua nhằm thủ tiêu chế độ quân chủ là các cụ đã phản ánh được nguyện vọng chung, ý chí của cả cộng đồng. Tinh thần “nói ngược” ấy đáng kính trọng biết đường nào. Sở dĩ các cụ dám “nói ngược”, vì đã nắm được quy luật biện chứng của sự phát triển tất yếu.

Vì thế, một khi “nói ngược” không được trang bị bằng tinh thần khai phóng ấy, chỉ vì mục đích “chơi trội” làm ra vẻ “ta đây” không kém gì ai thì hãy nên suy nghĩ lại. Những số phận con người bình dị, bình thường trong cuộc đời cực kỳ thông minh, đừng hòng ai đó có thể đánh lừa họ bằng cách “nói ngược” nhằm phục vụ ý đồ riêng tư nào đó.

L.M.Q

(nguồn: Báo Thể thao & Văn hóa ngày 11.9.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com