BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Ăn dễ hay khó?

LÊ MINH QUỐC: Ăn dễ hay khó?

 

andehaykho-1R

 


Tất nhiên là dễ. Ai cũng biết ăn nhưngĂn bánh, trả tiền” có thể hiểu “bánh” qua một nghĩa khác đấy chứ? “Ăn cơm Phật, đốt râu thầy chùa”, lần sau ma nó cho ăn. Cái ngữ này cũng chẳng khác gì loại “ăn cháo, đái bát” “Ăn cá bỏ lờ”, “Ăn xong quẹt mỏ”. Thông thường, “Ăn cây nào rào cây ấy” nhưng lại có kẻ “ăn cây táo, rào cây xoan”.

Sự đời cũng lạ, có lúc “ăn cháo gẫy răng” nghĩa ra làm sao? Là có những điều mà mình không ngờ mà vẫn xẩy ra chăng? Cũng món cháo, nghe có câu “Ăn cháo để gạo cho vây”. Trùm sò “ăn mắm mút dòi ấy” cỡ này khổ hay sướng?

Ai lại chưa từng ăn thịt bò? Nhưng đúng điệu phải là “Thứ nhất thịt bò đương tái, thứ hai con gái đương tơ”. Muốn quảng cáo cho món ăn ngon, có câu này hay: “Già ăn trẻ lại, gái ăn đắt chồng”. Lại nữa, phải biết “ăn mít bỏ xơ, ăn hồng nhả hột”, “ăn cá nhả xương” chứ đừng “Ăn canh không chừa cặn”, “Ăn khoai cả vỏ”, “Ăn chó cả lông”, “Ăn mó xó niêu”, “Ăn sông ăn sít”… Có lẽ, hạng hèn kém, đáng chê trách nhất vẫn là “Ăn hớt cơm chim”. Ngây thơ nhất vẫn là hạng người thích “Ăn bánh vẽ”. Loại tởm nhất là “Dây máu ăn phần”. Khi túng quẩn phải ngửa tay xin ai cái gì đó, đừng có chảnh chọe như “Ăn mày đòi xôi gấc”, “Đi ăn chực đòi bánh chung” đấy nhá!

Mấy ông bợm nhậu thường được khen phóng khoáng, chịu chơi vì thường “cho chó ăn chè”. Nhiều đôi vợ chồng đâm đơn ra tòa, nhất quyết đòi ly dị cho bằng được vì ăn phải thứ này. Thứ này là thứ gì? “Ông ăn chả, bà ăn nem”. Ơi hay, nem chả có tội tình gì trong vụ này? Nhiều hotboy giật thót cả người khi nghe cô người yêu đòi “ăn rở”,  chắc chắn đã tố cáo cho hành động “ăn cơm trước kẻng”.

Để khen những người làm việc nhà nước, có trách nhiệm, ta nghe nhắc đến câu “Quan ăn tại phủ, ngủ tại công đường”. Thời buổi nào cũng có những vị quan thanh liêm ấy. Mà thời nào cũng có những kẻ điếu đóm “Ăn cơm nhà vác bài ngà cho quan”. Không ít vị quan nhà ta từng rơi vào tình cảnh éo le “Ăn xôi chùa ngọng miệng”. Nói như Truyện Kiều, lúc ấy, dù biết tỏng tòng sự tình nhưng rồi “Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?”. Thôi thì, cứ “ngậm miệng ăn tiền” mặc kệ ai “Ăn ngược nói ngạo”. Chán thế!

Thiên hạ vẫn quý những ai “Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối”. Chê cười những ai, “Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mữa”; “Ăn như thuyền chở mã, làm như ả chơi trăng”. Thuyền chở mã là đồ vàng mã, thứ hàng giấy đốt cho người cõi âm, nó nhẹ hều nên chở bao  nhiều cũng xong. Nói cách khác những kẻ ấy chỉ thuộc loại “Ăn hại đái nát”, “Ăn tục nói phét”.

Người ta thường bảo: “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”. Mình nuôi con gà, thằng cha căng chú kiết nào đó cuỗm mất, bực mình quá, bèn chửi! Đạt đến “đỉnh cao” của lối chửi mất gà ở Huế, nhà nghiên cứu Thân Trọng Tuấn chép được, cực hay. Chỉ trích đoạn cuối có liên quan đến ăn: “Đói thì tau cho ăn, khát thì tau cho uống. Tụi bây đừng hòng giở trò đá cá lăn dưa, ăn chưa bưa, lừa chưa đã, mà đã qua mặt được với tau. Phải liệu mau mau, kéo bầy kéo lũ, phủ phục tại đây mà nghe tau dạy biểu".

Lại nghe còn có “dị bản” khác, chẳng hạn: “Bây ăn chi mà ác nhân ác nghiệp. Bây ăn bằng nồi đồng, bây ăn bằng nồi đất, bây ăn lật đật, bây ăn nửa đêm, bây ăn mờ sáng. Bây ăn cho chồng bây sợ, bây ăn cho vợ bây kinh, bây ăn cho ngã miếu sập đình, cho tổ tiên bây chết hết để mình bây ngồi đó bây ăn. Đồ cái quân ăn chó cả lông, ăn hồng cả hạt. Đồ cái quân không sợ Phật đánh Thánh đâm, đồ cái quân không sợ trời tru đất diệt. Bây ăn mần răng mà hết một chục rưỡi con gà?".

Nghe quá hớp. Thôi thì, chi bằng “tay làm hàm nhai” rồi “Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành”, chẳng việc gì phải “Ăn một miếng, tiếng để đời”. Kiếm miếng ăn lương thiện, bằng sức lao động thì mới có thể yên lòng mỗi đêm “Ăn no ngủ kỹ chổng tỹ lên trời”. Hay ho chi cái thói “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, phải không?

L.M.Q

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười số 530 ngày 1.9.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com