LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.8.2017

tuoitre-kiemchung

 

 

Nhìn qua lãnh vực nào cũng thấy sai/sai phạm. Đó là đặc điểm của tháng ngày đang sống. Sai đâu cũng còn có thể sửa, chấn chỉnh làm lại, chứ sai ở lãnh vực giáo dục thì nguy quá. Ý kiến này chẳng mới mẻ gì. Xưa nay các nhà sư phạm đã bàn luận, tranh luận, trao đổi “nát nước” từ hội thảo đến hội nghị; từ nhà bếp ra phòng khách; từ quán cà phê, bia bọt nhì nhằng đến hội trường oang oang mi-cờ-rô...

Tóm lại, lãnh vực giáo dục đang “có vấn đề” là câu chuyện thời sự đang sờ sờ ra đó. Thời của ông Bộ trưởng nhiệm kỳ trước tuyên bố kỳ thi tuyển đại học là “Trận đánh lớn”. Nghe khiếp quá, y bèn viết cái tiểu phẩm đăng trên báo Pháp luật TP.HCM số ra ngày 22.8.2015. Kết thúc là mấy câu vần vè: “Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!/ Hoan hô sự nghiệp trăm năm trồng người!/ “Đánh” ngược rồi lại “đánh” xuôi/ Thí sinh vật vã nếm mùi gian truân…”. Mùi gian truân ấy, đến đời Bộ trưởng sau, có gì thay đổi không?

Có câu hỏi, tự nó đã là câu trả lời.

Từ năm 1442, Tiến sĩ Thân Nhân Trung khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà càng lên cao; nguyên khí suy thì nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy, các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo hiền tài bồi đắp thêm nguyên khí”. Câu nói này, thời đại nào cũng đúng và có tính phổ biến của toàn cầu, chứ không riêng gì suy nghĩ của người Việt Nam.

Thế thì, sự “bồi đắp thêm nguyên khí” hiện nay ra làm sao?

Sáng qua, đọc tờ báo Thanh Niên và kinh ngạc: “Một thầy cùng lúc hướng dẫn 44 học viên thạc sĩ của 3 chuyên ngành: Đây là một trong những sai phạm của Học viện Khoa học xã hội (KHXH) thuộc Viện Hàn lâm KHXH VN, trong tổ chức quản lý đào tạo sau ĐH mà kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT vừa chỉ ra”. Chỉ đôi dòng ngắn ngủi ấy, lại trở thành tiếng thở dài vô tận của bất kỳ ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà. Mà này, sai phạm này lại diễn ra ở một học viện thuộc Viện Hàn lâm KHXH VN lại càng kỳ quái. Xưa nay, nghe đến mấy từ “Viện Hàn lâm” lập tức trong trí óc con người ra nghĩ đến một cơ quan của trí tuệ, của học thuật; và của tất cả những gì sáng giá nhất thuộc lãnh vực văn hóa-giáo dục của một đất nước đó. Thế mà nó vẫn xẩy ra sai phạm tày trời. Cứ như đùa. Như giỡn chơi.

Bấy lâu nay, trên trang báo Tuổi trẻ điện tử có mở cuộc thăm dò: “Một số người có điều kiện kinh tế có xu hướng muốn bỏ ra nước ngoài làm ăn, sinh sống. Theo bạn, lý do chính là vì: Tìm cơ hội làm ăn tốt hơn/ Lo lắng về chất lượng môi trường/ Mong con cái được giáo dục tốt hơn/ Lý do khác”. Tính đến sáng ngày 28.8.2017 tạm thời kết quả như sau: “Tìm cơ hội làm ăn tốt hơn: 10,4%; Lo lắng về chất lượng môi trường: 18,5%; Mong con cái được giáo dục tốt hơn: 57,7%; Lý do khác: 13.4%”. Các con số này nói lên điều gì?

Có câu hỏi, tự nó đã là câu trả lời.

Từ năm 1334, khi định lại phép thi cử, vua Lê Thái Tông ra chiếu: “Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học, phép chọn người có học thì thi cử là đầu”. Lẩn thẩn đọc lại vài tài liệu cũ để xem thi cử ngày trước ra làm sao. Thời trước thi cử là thi Kinh nghĩa, thơ, phú... mà chuyện “văn mình vợ người” là phổ biến, chẳng có gì chuẩn mực khi chấm cả. Do đó, các thí sinh tin rằng chuyện đậu, rớt còn phụ thuộc vào âm đức của gia đình mình nữa, “học tài thi phận” là vậy.

Nếu thí sinh hoặc bố mẹ làm việc thiện thì khi vào thi sẽ được đấng “khuất mày khuất mặt” báo ân; còn nếu làm ác, dứt khoát bị báo oán, gặp nhiều rủi ro không lường hết được. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà trong trường thi Hà Nội thời Nguyễn, ngay gần nhà Thập đạo có dựng lên hai miếu thờ Báo Ân và Báo Oán. Lúc làm lễ tiến trường, người ta không quên đốt giấy vàng mã nghi ngút!

Khi gọi thi sinh vào trường thi, nghe câu đầu tiên khiến các thí sinh rợn tóc gáy: “Báo oán giả tiên nhập! Báo ân giả thứ nhập! Sĩ tử thứ thứ nhập!” (Ma báo oán vào trước! Ma báo ơn vào thứ hai! Các thí sinh theo thứ tự vào sau!). Sau khi họ vào xong, cửa khóa chặt lại và truyền tiếp một lệnh nghiêm ngặt: “Khẩn bế trường môn! Nội bất xuất, ngoại bất nhập, vi lệnh giả trảm!” (Đóng chặt cửa trường, trong không được ra, ngoài không được vào, kẻ nào trái lệnh sẽ bị chém đầu!).

Hai miếu Báo Ân và Báo Oán tại trường thi Hà Nội đã bị phá bỏ sau khi Pháp chiếm Hà Nội để lập Nha Kinh lược, tức Thư viện Trung ương ngày nay.

Từ câu hô trên, nhà văn Nguyễn Tuân hư cấu thành truyện ngắn Báo oán cực hay. “Ba năm trước, cũng ngày tế tiến trường năm Mão, cảnh trời đất cũng âm thầm gần bằng ngày này. Quan chánh chủ khảo khoa ấy, theo tục lệ quen của mỗi khoa thi, cũng cúng tam sinh khấn mời những oan hồn nên nhập vào trường trước hết mà báo oán trả thù. Rồi ông Ðầu Xứ vào trường, rồi oan hồn hiện lên ngay ở kì đệ nhất. Một người đàn bà trẻ, xoã tóc, ẵm con, hiện ngay lên dưới lều, ngay chỗ đầu chõng, kêu gào giữ rịt lấy tay không cho viết. Gào khóc chán, người đàn bà ấy lấy mớ tóc xoã quất vào mặt ông cứ bỏng rát lên và cười sằng sặc, lấy nghiên mực đổ vào quyển của ông. Lần ấy ông xin đổi quyển đến hai ba lần. Vẫn người đàn bà quấy nhiễu không tha, để quyển ông cứ tì ố mãi. Lúc gần chiều, ông nổi một cơn đau bụng hoắc loạn, phải bỏ dở kì thi, nhờ người dìu về nhà trọ. Thế là ông bay ngay kì kinh nghĩa. Một người đầu xứ hay chữ và được Quan Đốc khen ngợi luôn mà hỏng ngay nhất trường thì có thảm thương không”.

Tại sao ông Đầu Xứ bị báo oán? Nhà văn Nguyễn Tuân viết tiếp: “Biết là có oan hồn hiện lên cố phá không cho mình mở mặt với thiên hạ, ông để tâm tra xét chuyện nhà. Thì ra, lúc sinh thời, cụ Huấn đẻ ra ông đã phạm vào một việc thất đức. Lúc sinh thời cụ Huấn, cụ đã mang lấy trách nhiệm tinh thần về cái chết của một người nàng hầu tài tình nổi tiếng một thời. Người thiếp đó, lúc tự ải, đã có mang được sáu bảy tháng. Cái âm oán ấy còn theo đuổi ông mãi, nếu ông cứ còn lều chiếu ở cửa trường thi. Đấy là lời người thiếp đó lúc ốp vào con đồng khi phụ lên. Nàng xưng là cô và gọi ông Đầu Xứ Anh là nó, cười sằng sặc và giọng nói the thé: “Nó còn đi thi, cô còn báo mãi. Các người hỏi cô muốn những gì ấy à! Cô muốn, cô muốn nó phạm huý, cho nó bị tội cả nhà kia. Nhưng nhà nó cũng có một ông mãnh thiêng lắm, cô không tàn hại nó được như lòng cô muốn”. Con đồng chỉ lắc lư nói có thế, nếu có gặng hỏi thêm thi chỉ khóc hu hu rồi lại lăn ra mà cười như bị ma ếm. Ông Đầu Xứ lạnh đến tuỷ xương sống trong người”. 

Chỉ là chuyện hư cấu do nhà văn tưởng tượng? Không đâu. Mới đây, ngày 20.6.2015 tại TP.HCM, Hội thảo Khoa học về Đào Tấn do tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ VHTT và DL, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT,Trung ương, Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN và Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc VN tổ chức kỷ niệm 170 năm sinh danh nhân Đào Tấn.

Thầy của Đào Tấn là nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu, biệt hiệu Quỳnh Phủ, Cúc Ông - sinh 1821 tại làng Nhơn Ân, quận Tuy Phước (Bình Định).  Ngay thuở nhỏ, ông nỗi tiếng là người tài hoa và học giỏi nhất trong làng. Trong thời gian trọ học để tiếp tục lai kinh ứng thí, Nguyễn Diêu và con gái ông chủ nhà có thầm đính ước. Sau những lời thề non hẹn biển, cô thôn nữ đã trao cho ông cái ngàn vàng quý báu nhất của đời người con gái.

Năm tháng trôi qua… Ông thi đậu Tú tài năm Tự Đức thứ 13 (186O). Trước tin vui này, có người láng giềng sốt sắng gả con gái cho ông. Do không được biết chuyện tình thầm kín của con nên cha mẹ của Nguyễn Diêu đã nhận lời! Điều này khiến ông đau khổ hết sức. Đôi mái đầu xanh ôm nhau khóc nức nỡ. Lúc này, nàng có thai đã mấy tháng. Giữa tình và hiếu biết chọn bên nào? Đêm ấy, ánh trăng chênh chếch trên ngọn cây cau cũng nhợt nhạt như cảm thông với nỗi đau này. Gục đầu trên vai người mình yêu, nàng cất lên tiếng hát huê tình não ruột: “Từ ngày giấy rã hồ trôi/ Anh ngồi anh khóc, em ngồi thở than/ Nhạn xa chen bóng mây tàn/ Dưới khe nước chảy trên ngàn ve kêu/ Ra đi là sự đã liều/ Mưa mai ai biết, nắng chiều ai hay/ Dám đâu trách mẹ trách thầy/ Trách trời sao nỡ đọa đầy tấm thân!”.

Nước mắt Nguyễn Diêu cũng rơi lã chã! Bóng trăng mờ nhạt dần. Nguyễn Diêu bịn rịn chia tay với người tình. Ông bước chân chạy thật nhanh, nhưng tiếng khóc của nàng tưởng chừng như đang níu ông quay trở lại. Từ đó, ông không còn gặp lại nàng nữa. Ngày ông cắn răng phụ tình, vui duyên mới làm tròn chữ hiếu để làm vừa lòng cha mẹ. Đó cũng là ngày nàng kết liễu đời mình. Nàng đã nhảy xuống giếng tự tử. Nhận được hung tin, Nguyễn Diêu rất đau khổ. Nỗi ám ảnh về nhan sắc người tình đầu tràn ngập trong tâm trí của ông.

Lạ thay, sau đó, cứ mỗi lần lều chõng vào trường thi Bình Định thì ông lại thấy nàng. Trước mắt ông là người con gái bồng con, nét mặt tiều tụy buồn thương. Nàng trân trân nhìn ông như oán, như trách. Ông khiếp vía muốn kêu lên nhưng lưỡi cứng đờ như đeo đá. Đứng nhìn sững ông trong giây lát, nàng biến mất. Nguyễn Diêu không còn tâm trí nào để làm bài nữa. Có kỳ thi bài làm của ông rất hay nhưng lại phạm húy, có kỳ thi đã làm xong bài thì lại bị vấy mực nên khoa thi nào ông cũng trượt.  

Người đàn bà tội nghiệp ấy, chính nàng đã tạo nên nguồn cảm hứng  để Nguyễn Diêu vở tuồng bất hủ Ngũ Hổ Bình Tây. Về sau, nhà văn hóa Đào Tấn - ông vua nghệ thuật tuồng Việt Nam có làm lễ trước bàn thờ thầy xin sửa một đoạn trong vở tuồng để từ đó, Ngũ Hổ Bình Tây trở thành viên ngọc không tì vết. Nguyễn Diêu mất năm 1880.

Từ cuộc đời cụộc đời của Nguyễn Diêu, nhân vật của Nguyễn Tuân đã nhắc nhở ta điều gì?

Có nhiều ca dao, thành ngữ liên quan đến lãnh vực giáo dục nước nhà. Chỉ đơn cử câu: “Sinh đồ ba quan”? Hiểu ra làm sao? Tra nhiều sách giải thích về thành ngữ lại thấy bỏ sót. Không chỉ là chuyện chữ nghĩa, nó còn liên quan đến chuyện thi cử của một thời, dẫu ai cũng biết sinh đồ là học trò, là người đỗ Tú tài thời Lê, nếu không có kiến văn làm sao tường tận?

May quá, trong Khoa mục chí của bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí, nhà bác học Phan Huy Chú có đoạn: “Năm 1750, cho mọi người nộp tiền vào thi Hương. Trước đây, khi mới trung hưng, mỗi người đi thi nộp 5 tiền gọi là tiền thông kinh, để chi tiền ăn cho Hiệu quan ở huyện. Từ thời Thái Bảo thi hành phép điệu, phí tổn về tiền thi đều lấy ở tiền công, tiền thông kinh này cũng nộp nhưng để chi phí vào việc làm trường và sắm đồ dùng cho quan trường. Đến bấy giờ, Thự phủ Đỗ Thế Giai cho rằng dụng binh tiêu phí nhiều, tiền tài Nhà nước thiếu thốn, cho mỗi người nộp tiền 3 quan, không phải khảo hạch, đều được vào thi, cũng gọi là tiền thông kinh. Vì thế, người làm ruộng, người đi buôn cho chí người hàng thịt, người bán vặt cũng đều làm đơn nộp tiền xin thi cả. Ngày vào thi đông đến nổi giày xéo lẫn nhau, có người chết ở cửa trường. Trong trường thi, nào mang sách, nào hỏi chữ, nào mượn người thi thay, thay nhau làm bậy, không còn biết phép thi là gì”.

Sự việc tồi tệ này diễn ra vào lúc Minh Vương Trịnh Doanh đem quân đi đánh Nguyễn Doanh Phương. Lúc thắng trở về, nghe tin này xôn xao trong dư luận, ông giận quá bắt các ông Hương cống phải thi lại hết. Kết quả là hơn phân nửa bị rớt. Từ  đó, trong dân gian mới câu mỉa mai “Sinh đồ ba quan” là vậy. Sau này, dưới đời vua Quang Trung, thay mặt nhà vua viết “Chiếu về việc lập nhà học”, danh sĩ lỗi lạc Ngô Thì Nhậm cũng chống lại việc nộp tiền để được đi thi Hương và ấn định: “Sinh đồ ba quan nhất thiết bắt về làm dân, cùng dân chịu sưu dịch”.

Sáng nay, đọc bài Điểm học bạ lớp 12: “ảo” tung chảo trên báo Phụ Nữ TP.HCM có đoạn: “Điểm học bạ của học sinh lớp 12 toàn khá giỏi và xuất sắc nhưng kết quả thi trung học phổ thông lại rôi nhiều như sung rụng. Độ vênh về điểm số từ hai kỳ thi này vô tình làm lộ việc cho diểm “ảo” ở các trường THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên TP.HCM”.

Chỉ riêng tại TP.HCM? Không đâu. Vậy, trích dẫn thêm thông tin đi chứ? Nghe câu hỏi ấy, y lại nhớ đến một câu thơ của Tú Xương. Câu gì vậy?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment