LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 12.8.2017


nasa_shxu

Lá thư viết tay của cậu bé Jack Davis

 

Sáng thứ bảy. Rảnh rỗi. Không thích ngồi quán cà phê cà pháo “buôn dưa lê”. Cũng chừng ấy câu chuyện, chả gì mới, hễ gặp nhau là nhai đi nhai, lại. Để làm gì? Giết thời gian ư? Có nhiều cách. Chẳng hạn, ngồi một mình nghĩ vẩn vơ. Nghĩ đến câu nói vống, nói đùa, nói tếu táo, “có ít xít ra nhiều” phổ biến từ thời y còn sinh viên: “Ăn như tu, ngủ như tù”. Dù rằng, lúc vào nhà ăn tập thể trong ký túc xá, y chỉ thấy: "Tô canh lạnh lẽo nước trong veo/ Một miếng thịt heo bé tẻo teo/ Bốn thằng ốm đói tranh nhau vớt/ Một đứa nhanh tay hớt cái vèo / Cọng rau muống luộc màu xanh biếc/ Thau cơm mới tí đã hết veo/ Tựa cằm ôm thìa lâu chẳng được/ Thịt có còn đâu dưới nước lèo”. Vậy nên, “Tối đói cồn cào không ngủ được / Muỗi còn bu chích cái thân bèo”. Thơ của ai? Không rõ. Nhưng chắc chắn phải là chàng sinh viên của thời đất nước thoát ra khỏi cơ chế bao cấp. Chữ “tù” trong “Ăn như tu, ngủ như tù”, vui ra phết.

Thế nhưng khi đọc “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” đã ớn lạnh. Nổi da gà. Câu nói có tính đúc kết, khái quát, phổ biến cho mọi thời đại, mọi sắc tộc, chẳng gì phải bàn cãi nữa. Trúng chóc. Ấy vậy, quan niệm này, ngày nay đã khác. Đã có sự thay đổi. Thì ra, thời nào cũng có những chuyện xẩy ra khiến con người ta không thể ngờ, không lường hết trước được.

Chẳng hạn, về cái nghề mà y đã kiếp sống từ thuở học trò đến nay: Viết báo, viết sách. Rằng, đầu thế kỷ XX, hầu hết các nhà văn đều viết tay trên giấy học trò. “Đẳng cấp” lắm thì gõ lóc cóc trên máy đánh chữ. Nhà văn Vũ Trọng Phụng viết tay trên loại giấy rẻ tiền, mực màu tím, không chừa lề nhằm tiết kiệm giấy. Những trang viết ấy, khó có thể chống lại nổi sức tàn phá khủng khiếp của thời gian. Rồi, hiện nay, chẳng còn nhà văn nào viết tay nữa, kể cả đánh máy chữ. Họ bảo quản bảo thảo tốt hơn nhiều lần - khi trình bày cảm hứng trên máy vi tính.

Dù thiên về cảm xúc, nhưng trong thời đại bùng nỗ thông tin của kỹ thuật công nghệ, họ cũng hăm hở, hạ quyết tâm xông vào lãnh vực tin học. Nếu trước đó, Nguyễn Trọng Tạo có tập Thơ trên máy chữ thì Nguyễn Nhật Ánh đã có truyện dài Buổi chiều Windows. Cái thuở ban đầu tiếp cận với tin học, y đã học tại Hội Nhà báo TP.HCM - ngay tại góc ngã tư Hai Bà Trưng - Lê Duẩn, Q.1 (nay đã là Khách sạn InterContinental Asiana). Lần đầu tiên biết đến hệ lập trình MS.DOS, rồi diễn đạt thành thơ: “Biển hình vuông. Khuông màu xanh trước mặt/ Biến động liên hồi. Sáng tạo vô biên/ Chớp nhoáng đổi thay đường bay tin  học/ Tôi ngỡ ngàng khi gặp gió tháng giêng”.

Để tạo thói quen cũng không dễ, nhiều người ban đầu viết không nổi chỉ vì không còn được nghe tiếng… lóc cóc đều đặn như khi gõ máy chữ! “Ma lực’’ của tiếng vang ấy, hấp dẫn lắm chứ. Y cũng thế. Trậm trầy trậm trật mãi. Cuối cùng phải bỏ chiếc máy đánh chữ vào thùng giấy cột chặt, dán kín, treo lửng lơ lên trần nhà để lúc nhớ nhung về một thói quen cũ cũng bó tay. Không còn cách nào khác. Phải tiếp cận với công nghệ mới. Càng viết càng thấy khoái. Chỉ tiếc một điều, rồi đây thế hệ sau khó có thể tim thấy bút tích của nhà văn để lại. Cái máy vi tính rất phổ biến hiện nay, ngay cả đứa trẻ vừa oe oe lọt lòng mẹ cũng có thể sử dụng ngơ ơ bà ờ, thế hệ nhà văn Vũ Trọng Phụng không thể tưởng tượng đến.

Ngày càng có nhiều thay đổi, trước đó, chẳng ai ngờ tới. Cụm từ “địa ngục trần gian” dùng dể ám chỉ chốn lao tù; “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” đến một lúc nào đó, người ta sẽ không còn nhớ đến nữa. Tại sao? Đơn giản chỉ vì xã hội ấy không còn tội phạm. Nói đùa à? Không đâu. Báo Thanh Niên số ra ngày 35.3.2016: đưa tin: “Hà Lan đã đóng cửa 8 nhà tù năm 2009, và đóng cửa 19 nhà tù khác trong năm 2014. Hà Lan không phải là quốc gia đầu tiên đóng cửa nhà tù vì không có đủ tội phạm. Số nhà tù của Thụy Điển cũng giảm khoảng 1% mỗi năm từ năm 2004 đến năm 2011. Sau đó, từ năm 2011 đến năm 2012, số nhà tù giảm 6%. Trong năm 2013, Thụy Điển đã công bố sẽ đóng cửa 4 nhà tù và một cơ sở cải huấn khác”.

Nghe cứ như đùa.

Lại nữa, VnEpress ngày 12.7.2017 đưa tin: “Không có tội phạm, nhà tù ở Hà Lan thành nhà hàng, văn phòng”. Trong bài báo này, ông Mandy Jak - chuyên gia tư vấn tiếp thị và truyền thông của dự án chuyển đổi công năng nhà tù ở Hà Lan đã phát biểu một câu cực chảnh. Chảnh như con cá cảnh. Nghe mà không thể tưởng tượng ra nổi. Câu gì? “Làm sao để mở cửa nhà tù trở lại là thách thức lớn nhất với chúng tôi". Nghe phát ghét. Mà ganh tỵ. Mà thán phục, mà kinh  ngạc về một xã hội tốt đẹp đến thế. 

Sáng thứ bảy, ngồi nghĩ lẩn thẩn chuyện này, thế đã đủ. Không nên bàn sâu quá. Nó ám vào người. Cũng tựa như anh chàng nọ vì mê câu: “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”, mê muội, mê đắm rồi cũng có lúc từ trong sách một con hồ ly tinh nhảy ra, biến hóa thành người đẹp rủ rê động tình thì khốn lắm thay.

Như mọi ngày, sáng thức dậy vẫn phở. Vừa ăn vừa nhẩn nha đọc một thông tin mà y cũng không ngờ đến: “Đầu vào của ngành sư phạm tụt dốc thảm hại?”. Câu nghi vấn. Liệu có đúng? Trong chuyên mục Thời sự & suy nghĩ, đồng nghiệp Ngọc Hà cho biết: “Mùa tuyển sinh 2017, trong khi có ngành 30 điểm vẫn trượt thì một loạt trường ĐH đào tạo sư phạm chỉ lấy mức điểm chuẩn giản dị bằng điểm sàn: 15,5 điểm. Giật mình hơn, ở bậc CĐ đào tạo giáo viên dạy tiểu học và THCS, thí sinh chỉ cần đạt 9-10 điểm là ung dung giành suất trúng tuyển. Có trường hợp vì cộng cả điểm ưu tiên, nên chỉ đạt 2-3 điểm/môn đã trở thành thầy giáo tương lai! “Đây là dấu hiệu rất xấu cho sự phát triển giáo dục. Thầy giỏi mới có trò giỏi. Khởi điểm của người thầy chỉ ở mức điểm rất thấp như thế, sau này sẽ trao truyền gì được cho thế hệ học sinh tương lai?” - GS Phạm Minh Hạc, chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục, trăn trở”.

Một lần nữa, đồng nghiệp Bút Bi lại đùa một cách thông minh, hóm hỉnh mà sâu cay, đau đớn. Ấy là “lý luận” của một chú nhóc tèo hỉ mũi chưa sạch khiến ông bố phải “đứng hình”: “Nó bảo: Con học yếu thật, nhung con chỉ cần thi được 3 điểm/ môn thôi là đủ đậu sư phạm rồi. Ra trường con đi dạy, học trò con sau này trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, tiến sĩ… Rồi mấy người đó sẽ gọi con là thầy. Cần gì học giỏi”.

Thiết tưởng thời trước, nhà giáo Chu Văn An - “Vạn thế sư biểu - Thầy của muôn đời” dẫu có bi quan nhất cũng không thể tưởng tượng ra nổi. Hỡ ôi, câu "Lương sư hưng quốc" đặt trong thực trạng này, nghe ra mỉa mai, chua chát quá đi thôi.

Không rõ ở nước ngoài, người ta đã giáo dục các em học sinh tiểu học ra làm sao? Tự hỏi, bởi không thể tưởng tượng ra nổi tại sao ở Mỹ, lại có “Học sinh lớp 4 đăng ký làm nhân viên bảo vệ hành tinh tại NASA” (Báo Thanh Niện ngày 7.8.2017). Rằng, khi hay tin Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tuyển nhân viên đảm đương nhiệm vụ này, trong lá thư tay gửi đến cơ quan này, cậu Jack Davis viết: “Có thể cháu chỉ mới 9 tuổi thôi, nhưng cháu nghĩ mình thích hợp cho công việc. Một trong những lý do là chị cháu nói cháu là người ngoài hành tinh. Ngoài ra, cháu đã xem hầu hết các bộ phim về vũ trụ và người ngoài hành tinh mà cháu có thể biết đến”; “Cháu còn nhỏ, vì thế cháu có thể học cách suy nghĩ như người ngoài hành tinh”.

Thú vị chưa? Rất thú vị. Chưa hết đâu. Còn thêm một sự thú vị khác nữa, ông Jim Green - giám đốc phụ trách khoa học hành tinh của NASA không xem thường mà nghiêm túc viết lá thư trả lời: “Chú nghe cháu nói là 'người bảo vệ thiên hà' và quan tâm đến vị trí 'nhân viên bảo vệ hành tinh'. Điều đó thật tuyệt! Vị trí 'nhân viên bảo vệ hành tinh' thực sự hấp dẫn và là công việc rất quan trọng. Công việc đó nhằm bảo vệ trái đất khỏi những vi trùng khi chúng ta đem các mẫu thử nghiệm từ mặt trăng, các thiên thạch và sao Hỏa về lại trái đất”; “Các chú vẫn luôn tìm kiếm những nhà khoa học và kỹ sư sáng giá tham gia hỗ trợ, vì thế chú hy vọng cháu sẽ học tập chăm chỉ và đạt kết quả tốt ở trường. Các chú hy vọng sẽ đón tiếp cháu tại NASA một ngày gần đây”.

Cả hai lá thư đều đáng yêu quá đi mất.

Giáo dục được những đứa trẻ mặt còn búng ra sữa có suy nghĩ suy tích cực ấy, há chẳng phải một đất nước hạng tồi.

Lại nghĩ thêm một chút về giáo dục. Hôm qua đã viết xong bài báo “Gần 200 năm  trước người Việt đã đóng được tàu chạy bằng hơi nước”. Trong quá trình sử dụng các tài liệu như Quốc triều chánh biên toát yếu, Đại Nam thực lục của Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tự Đức thánh chế văn tam tập… suy nghĩ rằng, cần có sự thay đổi nhiều hơn nữa về sự đánh giá các vua triều Nguyễn. Có đọc tài liệu gốc, thơ văn, lời Dụ, Chiếu v.v… mới thấy rõ và cảm thông: “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông" (Nguyễn Trãi) của họ. Và mới đánh giá công bằng họ đã làm được những gi cho Dân, cho nước lúc đang ở  ngôi cửu trùng. Ngay cả vua Tự Đức nay đã có nhìn nhận thế này, đánh giá thế khác nhưng đâu là nỗi lòng, khát vọng của ông mà bấy lâu các nhà viết sử chưa đề cập đến? Chuyện này, có dịp bàn sau.

Tuy nhiên, đọc sách sử mới nhận ra, các nhà nho uyên bác thuở xưa chỉ nặng về văn chương, điển tích, điển cố v.v… hơn là chú ý, quan tâm ghi chép lại những sáng chế, phát minh thuộc lãnh vực khoa học kỹ thuật. Mà đã không quan tâm thì sự nghiệp của những con người thuộc lãnh vực ấy cũng chẳng ghi chép gì mấy, chỉ nhắc qua sơ sài như bao cái tên vô danh khác. Rằng, từ năm 1839, các ông Hoàng Văn Lịch, Võ Huy Trinh; năm 1865, các ông Hoàng Sưởng, Lê Bân… cùng cộng sự đã  làm nên sự kiện lừng lẫy: đóng được tàu chạy bằng máy hơi nước. Nhưng rồi đời sau biết cụ thể gì về công đức, sự nghiệp của họ?

Với lối chép sử ấy, còn dẫn đến bất cập gì nữa? Kết thúc bài báo, y viết: “Đọc lại những gì sử sách đã ghi, tất nhiên lòng ta cũng tự hào không khác gì tâm thức người xưa. Chỉ tiếc rằng, tài liệu chỉ có thế, không biết thêm gì hơn và lấy làm đáng tiếc vì không thể trả lời được câu hỏi -  trước đây nhà sử học Nguyễn Thiệu Lâu cũng đã nêu ra: “Các tàu lớn, vừa, nhỏ dài rộng là bao nhiêu, trọng tải bao nhiêu tấn, chạy bằng nồi xúp-de nhưng có cánh quạt hay có guồng, tốc độ bao nhiêu, có thể mắc súng được không, và có thể chở được bao nhiêu binh sĩ, ra biển có thể lênh đênh được bao nhiêu ngày mới phải cập bến để ăn than?” (Quốc sử tạp lục, NXB Cà Mau - 1994, tr.276).

Nếu các nho thuở ấy viết sử có tư duy cập tiến như các ông Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện… thì tốt quá. Đó là những nhân vật lẩy lừng, ngay từ nhỏ họ đã chú ý đến đến lối học suy luận, phán đoán, quan sát, phê bình và ghét lối học từ chương của khoa cử đương thời.

Có giai thoại rằng, một lần, cách đây trên một trăm năm, thầy trò làng Bùi Chu nhân tiết xuân dẫn nhau lên chơi núi Lô Sơn. Thầy trò cùng nhau xướng họa ngâm vịnh rất tâm đắc. Chỉ riêng có một cậu học trò lang thang đây đó, tay cầm quyển sổ nhỏ, mỗi khi phát hiện điều gì hoặc quan sát thấy điều gì lạ thì cặm cụi ghi ghi, chép chép. Xế chiều, cậu đến chỗ thầy giáo lễ phép hỏi: “Bẩm thầy, núi Lô Sơn này cao mấy thước, diện tích mấy tầm, cách Song Ngư mấy trượng?”. Nghe câu hỏi bất ngờ quá, thầy giáo lắc đầu, không giải đáp nổi. Các bạn học cũng chịu chết, không ai trả lời được. Buổi đi chơi núi dù có vui vẻ bao nhiêu, nhưng những câu hỏi trên không giải đáp được cũng khiến cậu học trò cũng buồn xo. Bóng hoàng hôn nhập nhoạng buông xuống, trên đường về cậu thầm nghĩ: “Đi chơi núi mà không biết núi cao bao nhiêu thì học được cái gì?”.

Cậu học trò đó, chính là Nguyễn Trường Tộ.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment