THƠ Thơ trước 1975 LÊ MINH QUỐC: THUỞ MƠ LÀM... THI SĨ - 3. Năm ấy tôi 16

LÊ MINH QUỐC: THUỞ MƠ LÀM... THI SĨ - 3. Năm ấy tôi 16

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: THUỞ MƠ LÀM... THI SĨ
1. Thuở mơ làm... thi sĩ
2. Những bài thơ không có nhuận bút
3. Năm ấy tôi 16
EM TÔI
CHO TRƯỜNG XƯA
HẠ, MÙA PHƯỢNG NỞ
GIÂY PHÚT ÊM ĐỀM
LỄ VU LAN
NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC Ở NGOÀI BỂ ĐÔNG
CHỢT MÙA THU ĐẾN
NGÀY MỚI
CHO TA
LỤC BÁT HỒN NHIÊN
HOA MẪU ĐƠN
CÂY THÔNG
XUÂN QUÊ HƯƠNG
TRẦM TÍCH
NHƯ GIỌT SƯƠNG ĐÊM
ĐI HỌC ĐẦU XUÂN
MẸ VÀ LỊCH SỬ
LỤC BÁT NGÀY RỜI XA MÁI TRƯỜNG
THẦY VÀ MẮT BÉ
LỤC BÁT THIÊN BẤT HỦ
VÀNG SON XƯA
ĐÔNG VỀ CHỢT NHỚ DÁNG XƯA
CỤ ĐỒ NHO
THƯƠNG CHA MẸ
BÉ VÀ DĨ VÃNG
ĐÊM LỄ NOEL
MẸ VÀ NGÀY GIÁNG SINH
MỘNG MƠ
ĐÊM XUÂN HỒNG TUỔI THƠ
XUÂN TRONG TRÍ NHỚ
NGẬM NGÙI
THOÁNG NGẬM NGÙI TRONG NGĂN TIM BÉ NHỎ
ĐÓA HỒNG TUYỆT VỜI CHO GIA ĐÌNH
SUỐI MƠ
HẠNH PHÚC
(KHÔNG NHỚ IN BÁO NÀO, KHOẢNG 1973-1974)
Tất cả các trang

Năm ấy tôi 16

Năm 16 tổi, chưa biết thơ là gì nhưng tôi đã biết làm thơ. Năm 16 tuổi chưa biết thất tình, nhưng tôi đã hoài niệm về cuộc tình đã mất. Đó là cái tuổi trẻ còn nuôi nhiều ước mơ, sống với nhiều mộng mị. Làm thơ về chuyện tình yêu cũng là một cách bắt chước “thú đau thương” của những người đi trước mà mình đã học và ảnh hưởng, chứ thuở ấy chú nhóc là tôi nào có biết gì về mắt biếc và môi hồng.

Untitled-3

Tuy nhiên, có một dấu ấn sâu đậm khó quên, còn hằn trong trí nhớ của tôi thuở ấy vẫn là những bài hát “phản chiến” của Trịnh Công Sơn hoặc những ca khúc của nhóm Du ca. Hầu như trên cái dải đất miền Trung không ngày nào không có xuống đường, biểu tình…. Không khí phản kháng tràn vào trong trường học. Những lú đó, vui nhất là được nghỉ học, lũ học trò chúng tôi cũng lon ton theo anh chị học lớp lớn hơn “xuống đường” để biết thế nào là lựu đạn cay, để nhặt những truyền đơn rải trắng phố phường. Cũng hò reo, cũng chạy tán loạn một cách vui vẻ. Để rồi đêm về, chìm trong giấc ngủ là quên tất. Cái tuổi 16 thuở ấy của học trò miền Nam là vậy. Vậy mà ý thức về tình yêu quê hương, về tự tình dân tộc hình thành dần trong trí óc non nớt một cách tự phát.

Ngày tháng dần qua.

Tôi vẫn thường xuyên có những bài thơ học trò đăng đều đặn trên báo Thiếu Nhi do ông Nguyễn Hùng Trương (chủ nhà sách Khai Trí) và nhà văn Nhật Tiến chủ trương. Những bài thơ này hoàn toàn không có nhuận bút và báo biếu. Được in thơ và nhất là được nhìn thấy cái bút hiệu “Thiên Bất Hủ” rất oách của mình dưới mỗi bài thơ là một niềm vui tột cùng. Rồi cũng như các anh chị  học lớp lớn hơn, năm 16 tuổi, tôi đã cùng bạn bè biết thức trắng đêm (tất nhiên không cần cà phê) để… làm báo! Đó là những tờ báo tường được trình bày một cách chỉn chu, đầy “sáng tạo” để thi đua giữa các lớp với nhau. Không dừng lại đó, chúng tôi lại làm… báo in! Oách quá đi chứ! Gọi là báo in nhưng thật ra chỉ là một cách nói. Chúng tôi quay roneo các sáng tác của nhau để… tặng nhau! Đôi lúc tôi thầm ước ao rằng, làm sao có thể tìm được những tập san vụng dại ấy nhỉ? Dù vụng dại nhưng đã là một phần đời, một phần kỉ niệm yêu dấu không quên của tuổi học trò năm 16 tuổi.

Tuổi học trò đi qua như gió. Như nắng. Như mưa. Bỗng nhiên một ngày nọ, tôi thấy mình lớn hẳn lên. Mình đã lớn. Đó là lúc nửa khuya cả nhà thức dậy, mẹ tôi đọc kinh Phật lâm râm và nguyện cầu. Ba tôi đứng ngoài sân nhìn về phía xa xăm. Còn tôi, tôi đang nằm trong hầm lắng tai nghe tiếng đại bác dội về thành phố Đà Nẵng. Chiến tranh đã đến tận trong ngõ ngách phố thị. Rồi cảm nhận ấy qua mau, bởi tôi  ngủ thiếp đi. Và sáng mai thức dậy, tôi đã thấy rợp phố phường là những ngọn cờ nửa xanh, nửa đỏ. Lũ học trò thì thầm với nhau “Việt cộng đã về”. Nhớ lại lòng tôi lúc ấy, tôi không vui và cũng không buồn, bởi trong lòng chưa có một ý thức chính trị rõ rệt. Chỉ dăm ngày sau, chúng tôi lại tập trung đi học. Vẫn ngôi trường ấy. Vẫn chỗ ngồi ấy. Nhưng người thầy đã khác. Bài học thuộc lòng đầu tiên của năm giải phóng với thế hệ chúng tôi là bài thơ viết về dòng sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh. Bài hát tập thể đầu tiên không phải do thầy giáo dạy, mà lại do một chú bộ đội tập cho chúng tôi hát. Bài Trường em. Nay tôi còn nhớ như in. “Trường em lợp ngói đỏ. Bên hàng cây xanh. Ngày ngày vang tiếng hát. Chúng em vui học hành. Chúng em thi nhau viết. Thật đẹp tên Bác Hồ. Chúng em thi nhau vẽ. Ngôi sao trên lá cờ”. Sau này, tôi cố gắng đi tìm tên tác giả bài hát này qua nhiều tư liệu, nhưng bất lực.

Tuổi 16 của tôi lẫn lộn trong cái tuổi học trò của một thế hệ. Và chỉ ba năm sau, tôi đi bộ đội. Sau lưng vẫn là những ngày còn nuôi nhiều ước mơ, sống với nhiều mộng mị.

Lê Minh Quốc

(nguồn: Tập sách Thời mực tím của người nổi tiếng - NXB Giáo Dục - 2008)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com