THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Cứ “hữu xạ” ắt “tự nhiên hương”

LÊ MINH QUỐC: Cứ “hữu xạ” ắt “tự nhiên hương”

huu-xa-tu-nhien-huong-1-R

 

Cách đây khá lâu, trên chuyến tàu đi nghỉ mát, tôi ngồi cạnh ông cụ có dẫn theo một cháu nhỏ. Thiên nhiên tươi đẹp lướt qua ngoài khung cửa sổ, tôi ngước mắt nhìn theo. Lúc thấy núi đồi xanh, khi nhìn được bãi bờ nhịp nhàng từng con sóng biếc. Nắng chói chang. Mây trắng nõn. Tự dưng, tâm hồn sảng khoái lạ thường. Bỗng có tiếng nói thì thầm, lắng tai nghe, tôi biết ông cụ đang kể chuyện cổ tích cho đứa cháu.

Câu chuyện thế này: Ngày xửa ngày xưa, có người tỷ phú trước lúc lìa bỏ cõi đời mới gọi các con lại và nói: “Ta đưa số tiền này, các con hãy tìm mua bất kỳ một thứ gì đó, có thể làm đầy căn phòng của ta đây. Nếu ai thực hiện được, ta sẽ trao cho toàn bộ gia tài”. Cầm số tiền chẳng đáng là bao, các con vội vàng lao ra khỏi nhà, ai cũng nghĩ mình sẽ là người đáp ứng được yêu cầu của người cha. Tuy nhiên, lúc bước ra chợ, họ mới thấy khó bởi số tiền quá ít ỏi. Biết mua gì?

Đắn đo mãi, trời đã về chiều, phải mua cái gì đó ngay thôi.

Thế là, người con thứ nhất mua và vác về nhà một kiện rơm. Quả thật, sau khi tháo rời ra, những cọng rơm nhẹ tênh ấy đã choán đầy cả phòng. Người cha không nói gì, sai Osin thu dọn hết đống rơm ấy; xong, người con thứ hai lại đem vào phòng những ngọn nến, thắp lên, ánh sáng đã tỏa sáng hết căn phòng. Vậy gia tài sẽ trao cho ai? Sở dĩ hỏi như thế, vì người con thứ ba vẫn lặng lẽ đứng yên, không thấy cầm theo bất kỳ vật gì.

“Còn con thế nào, hả út?”. Nghe cha hỏi, anh ta lễ phép: “Thưa cha, số tiền của cha, con trả lại, không muốn mua bất kỳ thứ gì vì chưa thật cần thiết. Con nghĩ, làm đầy căn phòng của cha hiện nay đã có rồi”. Người cha ngạc nhiên: “Ta vẫn chưa hiểu ý con muốn nói”. Người con út quả quyết: “Trong phòng cha đã có đầy không khí. Nó đã có một cách hiển nhiên như đã có nên chẳng mấy ai để ý đến. Nếu không có không khí làm sao ta có thể hít thở mỗi ngày?”

Từ câu kết của mẩu chuyện nghe lóm, tôi nghĩ thêm đôi điều bâng quơ.

Trên trái đất này, hầu như mỗi sinh vật đều có vai trò cần thiết của nó. Ca dao có câu: “Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng/ Đèn ra trước gió còn chăng hỡi đèn?/Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn/ Cớ sao trăng lại chịu luồn đám mây?”. Sự hơn thua, so sánh ở đây, ngẫm ra thấy buồn cười. Trăng là trăng. Mà đèn là đèn. Cả hai đều có sở trường lẫn sở đoản. Con người ta cũng vậy thôi. Ông trời cực kỳ công bằng, khi đã đưa bàn tay này trao ai quà tặng gì,  lập tức bàn tay kia cũng lấy lại một thứ khác.

Làm gì có người từ lúc lọt lòng, cất tiếng khoe oe oe đã nhận sự sung sướng cho tới lúc chui tọt vào lòng đất; ngược lại, chẳng có ai phải gánh chịu lầm than, khốn khổ cả một kiếp người? Từ nhận thức này, ông bà ta đã đúc kết lại sự trải nghiệm: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Rồi “sông có lúc, người có khúc”. Tùy giai đoạn cuộc đời, mỗi người có lúc thăng lúc trầm, lúc “lên voi xuống chó”. Ai cũng như ai thôi.
Nhiều người lại không nghĩ thế.

Do đó, một khi hanh thông công việc làm ăn, tiền bạc thu vào như nước chảy chỗ trũng, lập tức họ “thông báo” cho “làng trên xóm dưới” lác mắt chơi. Đôi khi sự hợm hĩnh ấy lại chạm đến niềm trắc ẩn, buồn tủi của người khác. Lúc khoe khoang những thứ đắt tiền, tiêu xài phung phí, ném tiền qua cửa sổ thì những con người nghèo rớt mồng tơi biết được chuyện ấy, họ sẽ vui hay buồn? Đành rằng, vui buồn thế nào là chuyện của mỗi cá nhân, chẳng ai phải chịu trách nhiệm cho ai. Mình có tiền “giàu nứt đố đổ vách” ắt có quyền tận hưởng, còn lại thiên hạ “sống chết mặc bay”, chẳng can cớ gì đến mình.

Suy nghĩ này, có đúng không?

Ai đã từng lướt qua các trang mạng xã hội, hẵn có lúc chạnh lòng, chẳng hạn, thời buổi “gạo châu củi quế”, tìm ra đồng tiền nuôi sống vợ con muốn chảy máu nước mắt, phải tằn tiện từng đồng xu gửi về quê nuôi cha mẹ già, ấy thế, lại “đập vào mắt” là hình ảnh xe hơi, biệt thự rồi la liệt những cái váy, túi xách, đôi giày, smartphone… thuộc “hàng hiệu”. Thậm chí, còn khoe ngay cả con chó giữ nhà mỗi ngày cũng được ăn vài ký thịt bò v.v… Khoe làm gì thế? Chẳng để làm gì, chỉ trong một phút cao hứng muốn thiên hạ biết mình “không phải dạng vừa đâu”.

Tuy nhiên, vì thích khoe khoang mà đôi khi chính mình phải gánh lấy sự phiền toái không đáng có. Chị bạn tôi vừa dậm chân kêu trời cũng vì cái tính ấy. Mọi việc riêng tư từ mua sắm đến du lịch, ăn uống ở đâu thì “nhất cử nhất động” chị đều “tương lên” mạng xã hội. Dù chưa ghé chơi nhưng ai cũng biết rõ chị đã sắm những vật dụng gì, đặt ở vị trí nào ở trong nhà. Phải thế chứ, thiên hạ có biết thì mới trầm trồ, thèm thuồng, ganh tỵ. Làm sao họ có thể sánh kịp “đẳng cấp” của mình. Có xách dép chạy theo cũng còn lâu.

Tháng vừa rồi, cả gia đình chị hào hứng du lịch nước ngoài. Chị post hình ảnh liên tu bất tận, ngày này đã đáp xuống phi trường nào, ngày kia đã tham quan nơi đâu; qua ngày sau lại đang vui chơi chỗ nào v.v… Tóm lại, lịch trình dài dằng dặc ấy, “năm châu bốn biển” đều biết đến.

Không ngờ, sau lúc kết thúc cuộc hành trình, quay trở về, chị suýt ngất khi biết kẻ trộm đã đột nhập vào nhà “khoắng sạch” mọi thứ. Thì ra, sự khoe khoang công khai ấy không khác gì “vẽ đường cho hưu chạy” và  khiến kẻ xấu động lòng tham. Mà chúng dám “ra tay” và “thành công trên cả tuyệt vời” bởi thừa biết vào ngày ấy, giờ ấy gia đình chị đang ở đâu, đang làm gì.

Trở lại câu chuyện mà tôi đã nghe “lóm” trên chuyến tàu lửa, có lẽ nhiều người đồng tình: Khi cậu con trai út nhấn mạnh về vai trò của không khí, không phải những thứ khác lại không có giá trị bằng. Mọi vật dụng đều có giá trị riêng biệt, khó có thể so sánh, tuy nhiên nó chỉ phát huy hết giá trị trong từng trường hợp cụ thể. Con người ta cũng vậy thôi. Ai cũng có sở trường lẫn sở đoản.

Cứ “hữu xạ” ắt “tự nhiên hương”. Nghĩ như thế, sống như thế để cảm nhận và chọn lấy cuộc sống nhẹ nhàng, thư thái vẫn tốt hơn. Hà cớ gì lúc nào cũng phải “lao tâm khổ trí” tìm mọi cách “đánh bóng” cái tôi? Nghĩ cho cùng, “cái tôi” của người này chắc gì đã hơn “cái tôi” của người khác?

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 416 ngày 10.10.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com