PHAN THỊ VÀNG ANH, CÒN SỐNG, CON ĐAU, CÒN HẠNH PHÚC



e5ee667b913d7863212cvanganhRR

Phan Thị Vàng Anh

 

Cho đến bây giờ, Phan Thị Vàng Anh chỉ mới in một tập thơ. Tập Gửi VB, NXB Hội Nhà văn, 2006, có 21 bài, 51 trang, 22 phụ bản, do Vương Trí Nhàn biên tập. Gửi VB được giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2007.

Phan Thị Vàng Anh còn có bút danh là Thảo Hảo, sinh năm 1968 tại Hà Nội, quê Quảng Trị. Cha là nhà thơ Chế Lan Viên. Mẹ là nhà văn Vũ Thị Thường. Tốt nghiệp Đại học Y khoa TP Hồ Chí Minh năm 1993, nhưng được biết đến như một hiện tượng lạ của văn chương Việt Nam đương đại. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Phan Thị Vàng Anh đứng sau một cái bóng quá lớn, một sự nghiệpvăn chương đồ sộ của cha mình, lại là đứa con duy nhất theo đuổi sự nghiệp của bố mẹ, ít nhiều cũng bị choáng ngợp.

Phan Thị Vàng Anh là một cây bút viết truyện ngắn xuất sắc, viết tạp văn, phê bình văn hoá văn nghệ sắc sảo trên các báo Thể thao Văn hoáNgười Đại biểu Nhân dânTuổi trẻTia sángThời báo Kinh tế Sài Gòn… Nhiều bài viết gây chú ý về một cách viết vừa có chất chính luận, bình luận vừa có tính hài hước, gợi mở, gây chú ý nhiều vấn đề nơi người đọc. Phan Thị Vàng Anh từng là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban công tác nhà văn nữ.

Điều nhận ra được trong Gửi VB, đó là tiếng nói nội tâm. Câu thơ trong bài Gửi VB, "tưởng lạnh như băng" đúng với tính cách của một con người luôn nghĩ khác thường, sống khác thường, viết khác thường nhưng ẩn trong đó một trái tim với nhịp đập thường xuyên về những cái bình thường. Tưởng mâu thuẫn mà lại thống nhất. Tưởng trớ trêu của số phận nhưng lại phù hợp với sự tiếp nhận của giáo dục gia đình. Xuất hiện với thể loại truyện ngắn, gây nên những ngỡ ngàng cho người đọc, viết tạp văn, phê bình văn hóa nghệ thuật sắc sảo, biến hóa, viết kịch bản và làm phim có nét riêng,... tưởng chỉ có vậy và chỉ vậy với một "Nguyễn Huy Thiệp mặc váy", như đánh giá của nhà văn Nguyễn Khải. Thế mà, một Gửi VB đầy ắp những cảm xúc, những cách tân, những suy tưởng mới, đầy bản lĩnh.

Năm 1993, Phan Thị Vàng Anh có tập truyện ngắn Khi người ta trẻ, được dịch và xuất bản tại Pháp với tên Quand on est jeune. Gửi VB là những bài thơ viết ở độ tuổi gần 40 (2006). Nghĩa là, các bài thơ đã có độ chín của tư duy và cảm xúc. 21 bài thơ là 21 bức tranh về tâm cảnh. Đó là không gian ngôi nhà của cha mẹ. Đó là một Hà Nội của ấu thơ: Buổi sáng phủ sương của những ảnh Võ An Ninh / Của Hà Nội khi còn đủ cả gia đình  / Cha và mẹ (Ở khách sạn Phú Gia) và chao ôi tha thiết là một Hà Nội ngày trở về. Một kiểu nói ghét đấy mà sao thương nhớ thẳm sâu thế: Chúng ta - hai kẻ ghét Hà Nội / Lại bồn chồn khi vào đến Cửa Ô / Sợ đường ra Nội Bài ngang qua những ruộng bắp / Là ngày đồng còn lưa thưa /Hai cái đầu tưởng lạnh như băng / Vào một ngày rất bình thường / Bị làn gió nhẹ góc Hồ Gươm / thổi cho / xiêu vẹo (Gửi VB). Đó là một Hội An: Trăng sáng / Ngư dân ở nhà chơi với vợ / Đợi đêm đen còn ra với phong ba (Ngày thứ ba ở Hội An). Đó là Quảng Trị, mù sương trong trí nhớ. Là Hai ly trà đá Sài Gòn (Gửi VB). Người đọc nhận ra, qua Gửi VB của Phan Thị Vàng Anh, có một tiếng nói mới trong văn học hiện đại.

Danh sách chuyển nhà, bài thơ ngắn, chỉ 122 từ. Ba khổ thơ đầu: 57 từ. Hai khổ cuối: 65 từ. Ba khổ thơ đầu, nêu những thứ vật dụng, khi dọn nhà, có thể mang đi, gồm: Hai cây cau mới mọc / Một bức tranh thêu ba con voi / Một đèn chùm / Hai nhà tắm / Một đèn bàn / Ba cái bình hoa Bát Tràng. Chỉ vậy đó !

Hai khổ cuối, dù đã dặn lòng:  Đồ đạc không nhiều, cố mà nhớ hết. Nhớ hết những gì ? Hóa ra, đó là những thứ không phải của mình, những thứ không đếm được bằng con số, những thứ từng làm nên những xao xuyến trong hồn người. Một lồng chim hàng xóm sáng nào cũng hót / Tiếng rao bánh khúc không rõ lời / Tia nắng đúng chín giờ vào lọt khe cửa sắt / Chạm viên gạch số ba / Từ ngoài đếm vào / Từ trái đếm vào / Từ ngoài đếm vào / Từ trái đếm ra / Ngày nào / cũng thế / đếm vào / Rồi lại đếm ra ... Tại sao nhà thơ cứ "đếm vào", "đếm ra" ở viên gạch thứ ba vào lúc đúng chín giờ tia nắng lọt qua khe cửa sắt. Thì ra, việc đếm ấy xuất phát từ một lý lẽ dễ hiểu, dễ hiểu đến nao lòng, đó là không thể dời bức tường, dời viên gạch số ba theo các vật dụng khi chuyển nhà. Vậy nên, có đến 6 lần từ "đếm" xuất hiện. Lẩn thẩn như người mất trí, cứ "đếm ra", rồi "đếm vào", "ngày nào cũng thế", chi tiết này làm nên một nét riêng của Phan Thị Vàng Anh. Việc chuyển nhà tưởng bình thường hóa ra không bình thường, vết xướt tâm hồn diễn ra nơi trái tim nhạy cảm của nhà thơ. Dọn nhà, ai trong đời không có một đôi lần! Song, tâm trạng có như nhà thơ không ? Dọn nhà hay dọn lòng ? Danh sách chuyển nhà, với Vàng Anh, thực chất là một trận đánh của tâm hồn.Câu chuyện dọn nhà làm ta nhớ đến nhà thơ Chế Lan Viên:

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn !                                                                                                    Tiếng hát con tàu)

Hầu hết các bài thơ trong Gửi VB đều ghi ngày tháng năm sáng tác, như nhật ký vậy (20/21 bài, viết từ năm 2001 đến 2006). Đây cũng là nét riêng của tập thơ. Một tiếng nói nội tâm dằng dặc trong những bài thơ: Để đi được xa thì ..., Về nhà, Tân hôn, Sơ đồ nhà mẹ, Danh sách chuyển nhà, Trước khi đi Hội An, Ngày thứ hai ở Hội An, Ngày thứ ba ở Hội An, Ngày lạnh nhất ở Hà Nội, Ở khách sạn Phú Gia, Gửi VB,... Dường như mỗi bước chân chạm vào những ảnh hình của quá khứ, đó có thể là căn nhà đang sống, đó có thể vùng đất tuổi thơ hay của ngày mới lớn,  nơi khi còn đủ cả gia đình, đó có thể là Hồ Gươm - rút hết hơi những ngày oi Hà Nội, đó có thể là vùng đất mới - Nhớ Sài Gòn quá, tựa lưng vào tường mà khóc / Nhớ những con hẻm nhỏ ít tiếng nói nhớ những con người lầm lũi...người đọc dễ nhận ra nhịp đập trái tim của tác giả xao xuyến, luyên lưu và bồi hồi: còn sống còn đau còn hạnh phúc (Ngày lạnh nhất ở Hà Nội).

Tiếng thơ Phan Thị Vàng Anh chưa thấy nói về những vấn đề nhân sinh. Những trăn trở về số phận con người, những chân trời xa hút về nẻo đời ấm lạnh tình người như còn xa lạ trong thế giới nghệ thuật của Vàng Anh. Tác giả cũng không vẽ chân dung bằng những câu thơ lấm láp bụi đường, khác nhiều với một số các nhà thơ đương thời. 

 

Vốn xuất thân trong một gia đình gắn bó với văn chương, do đó, khi chọn nghề viết, Phan Thị Vàng Anh ý thức về nghề, về đổi mới ngôn ngữ. Đây là những dòng viết về cha mình - Chế Lan Viên, song, đấy cũng là những suy nghĩ về nghề của Phan Thị Vàng Anh: “Đôi lúc tôi thấy, nghề văn như một cái ách, người ta lúc nào cũng áy náy lo âu, sợ mình chưa đọc đủ, chưa viết đủ, chưa viết xong lại thấy bực bội như thể có điều gì oan trái trong lòng chưa nói ra hết được. Và tôi nghĩ, có lẽ cha tôi chọn cho mình một cái ách nặng.Cha luôn luôn tất bật, yêu hoa cỏ nhưng chưa bao giờ dám bỏ hàng giờ ra để ngồi uống trà thưởng hoa. Cha sợ những quán cà phê, nhìn chúng như nhìn những nấm mồ chôn thì giờ”(Chế Lan Viên, Người làm vườn vĩnh cửu, NXB Hội Nhà văn, HN, 1995, trang 379).

Phan Thị Vàng Anh có ý thức trong việc tìm kiếm một nguồn năng lượng mới từ ngôn ngữ, từ cấu trúc thơ. Chế Lan Viên khi đã ở tuổi năm mươi, làm thơ tuổi mười bảy, vậy mà vẫn còn "Tập qua hàng" (tên một bài thơ trong Hái theo mùa, NXB Tác phẩm mới, 1977). Phan Thị Vàng Anh thì "Tập làm thơ". Với nghệ thuật, cả hai cha con đều: Tập.

Những từ ngữ "nhoen nhoét", "van vát" (Phố nhoen nhoét và mưa van vát-Ngày lạnh nhất Hà Nội), “giật cục chạy’” (Đồng hồ trên tường giật cục chạy - Về nhà), “hũ nước cốt tinh thần” (Hồ Gươm như hũ nước cốt tinh thần sóng sánh trêu ngươi - Ở khách sạn Phú Gia) hay:

Hành trình của cây

Nửa đêm

Cái mầm cây chồi lên từ đất

Lấm lét nhìn quanh rồi nở bung hai lá mầm rất mịn

Trong lành.

Sương, nắng, mưa, gió, và tất cả những gì rơi xuống,

những gì bao quanh nắn cho thân cây thẳng

Mỗi năm choàng thêm một vòng vân

Cái hành trình khó nhọc được thiên nhiên đánh dấu

công bằng

Ghi nhận mơ ước của đời cây là tán.

Mơ ước của đời cây có là gỗ quan tài nổ bừng trong lửa?

Hay trăm năm ẩm áp gói hòm da thịt giữa đất đen?

Khi vươn lên chẳng cây nào nghĩ mình rồi thành giường tủ

Không một thân cây nào uốn mình cho giống hình khung cửa

kéo rèm.

Mỗi bài thơ tôi tôi giết một ước mơ cây giết đến tận cùng

Thành bột giấy.

Hành trinh của cây là một hành trình khó nhọc, được đánh dấu công bằng. Phải vượt qua Sương, nắng, mưa, gió và tất cả những gì rơi xuống, những gì bao quanh nắn cho thân cây thẳng / Mỗi năm choàng thêm một vòng vân. Để thân cây thẳng, để có một vòng vân cho đời, phải  đổi lấy gian khổ, nhọc nhằn. Mơ ước của đời cây là tán. Mơ ước của đời cây là gỗ. Phía cuối chặng đường của gỗ, có thể quan tài, giường tủ, khung cửa. Cuối cùng, bật lên một dòng thơ đầy trăn trở, đớn đau và bạo liệt, đó là:

Mỗi bài thơ tôi tôi giết một ước mơ cây giết đến tận cùng

Thành bột giấy.

Thơ có ích cho đời không? Hay, đấy chỉ là con đường đi đến chỗ cuối cùng của nghệ thuật, thành bột giấy, viết những điều không cần cho đời, cho sự sống. Chỗ này, ta bắt gặp Jacques Prévert, nhà thơ, nhà viết kịch Pháp (1900-1977). Jacques Prévert viết: Hằng năm có hàng ngàn cây rừng bị chặt phá làm giấy. Hằng năm có hàng ngàn bài báo viết về nạn phá rừng. Cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời vẫn cứ diễn ra. Con người vẫn đi tìm câu trả lời.

Phan Thị Vàng Anh có nhiều cách diễn đạt lạ, không giống ai: “Làm sao vẽ được hoa mới nở / Người nhìn nghiêng và thú nhìn thẳng / Nước sắp đầy và nắng chưa lên” (Bi vẽ tranh), "Hồ Gươm rút hết hơi những ngày oi Hà Nội / Hồ Gươm khiến cái buồn không còn chịu đựng nổi ?Hồ Gươm như hũ nước cốt tinh thần sóng sánh trêu ngươi" (Ở khách sạn Phú Gia)."Về thôi / Bóng đèn cuối cùng của chung cư đã cháy / Dò dẫm đi lên những cầu thang ướt như bùn chảy" (Ngày lạnh nhất ở Hà Nội). "Nửa đêm / Cái mầm cây chồi lên từ đất / Lấm lét nhìn quanh rồi nở bung hai lá mầm rất mịn / Trong lành" (Hành trình của cây), "Ba cái bình hoa / Bát Tràng / Nung ẩu / Hình như đất còn / giẫy giụa (Danh sách chuyển nhà),…Diễn đạt lạ, chẳng giống ai: “Làm sao vẽ được hoa mới nở / Người nhìn nghiêng và thú nhìn thẳng / Nước sắp đầy và nắng chưa lên” (Bi vẽ tranh), "Hồ Gươm rút hết hơi những ngày oi Hà Nội / Hồ Gươm khiến cái buồn không còn chịu đựng nổi ?Hồ Gươm như hũ nước cốt tinh thần sóng sánh trêu ngươi" (Ở khách sạn Phú Gia)."Về thôi / Bóng đèn cuối cùng của chung cư đã cháy / Dò dẫm đi lên những cầu thang ướt như bùn chảy" (Ngày lạnh nhất ở Hà Nội). "Nửa đêm / Cái mầm cây chồi lên từ đất / Lấm lét nhìn quanh rồi nở bung hai lá mầm rất mịn / Trong lành" (Hành trình của cây), "Ba cái bình hoa / Bát Tràng / Nung ẩu / Hình như đất còn / giẫy giụa (Danh sách chuyển nhà),…Phan Thị Vàng Anh tạo dấu ấn trong sáng tạo nghệ thuật thơ. Dĩ nhiên, 21 bài trong Gửi VB không phải bài nào cũng đưa người đọc tiếp cận với những biên độ của đổi mới ngôn ngữ. Song, bài nào, hoặc góc độ này hoặc góc độ khác, cũng đều dư vang chất Phan Thị Vàng Anh. Kiểu viết hiện đại như thế dễ tìm thấy trong Gửi VB. Đó là tiếng nói đa âm, quan sát tinh tế, bố cục lạ, mang yếu tố lý tính, tiết chế cảm xúc, tân kỳ trong ngôn ngữ biểu hiện.

Tuy nhiên, Vàng Anh cũng nhận thức rõ về con đường gập ghềnh của văn chương. Bài Tập làm thơ đặt ở cuối tập, số 21, như một bày tỏ về câu chuyện làm thơ của tác giả. Tác giả thức nhận rằng, con lừa già sáng tạo đã cố "rướn", đã "tưởng tượng", đã muốn "qua khỏi cái bề mặt lầm lỳ của cuộc sống", thế rồi, nhận ra "tôi bất tài, tôi bất tài, tôi bất tài", "những ngón tay thô kiểu gì cũng không thành hình sen nở". Nghệ thuật, tưởng là: Tôi có tài, tôi có tài, tôi có tài / Chẳng bao giờ đến mức “tai một vần”. Chuyện đời, chuyện nghề, chuyện văn chương, hóa ra, không dễ. Ngón tay thô kiểu gì cũng không thể sớm chiều thành hình sen nở.

Cây kẹo lạc nghệ thuật nhai vào, đã "dính hai hàm răng chẳng muốn mở miệng ngáp một lần". Chân thật với mình và với thơ, một thái độ trung thực, đáng trọng. Có thể nói, với thơ, Phan Thị Vàng Anh còn nhiều điều đáng bàn, một tiếng nói có lúc đằm thắm có lúc quyết liệt nhưng không dễ thỏa hiệp, lưng chừng. Một tiếng nói chấp nhận phản biện, đi tới tận cùng bản chất sự vật.

Đà Nẵng, tháng 1-2019

Huỳnh Văn Hoa

(Nguồn: Tạp chí Non Nước, số 255, tháng 5-2019)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com