Danh họa Nam Sơn không phải là tác giả bức tranh sơn dầu “Ông già Kim Liên” vừa đấu giá tại Paris?

 

LTS: Ngày 12/4/2019, bức tranh sơn dầu “Ông già Kim Liên” được đưa lên sàn đấu giá Aguttes (Paris, Pháp). Mức giá khởi điểm là 90.000 euro nhưng giá gõ búa chỉ là 100.000 euro (khoảng 2 tỷ VNĐ). Liệu bức tranh này có phải là của họa sư Nam Sơn? Ông Nguyễn An Kiều, con trai họa sư đã gửi tới Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu bài viết phủ nhận. Tạp chí chúng tôi xin công bố một phần bài viết của ông Nguyễn An Kiều.

hoa-si-nam-son-tron-doi-cho-nghe-thuat-hoi-hoa-5_resizeChân dung danh họa NAM SƠN

 

Nam Sơn (1890-1973) là họa sĩ Việt Nam nổi danh từ đầu thế kỷ XX, người cùng họa sư Pháp Victor Tardieu (1870-1937) đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1924 - Ngôi trường mỹ thuật đầu tiên tại Đông Nam Á, giảng dạy theo chương trình học 5 năm của trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Trường đã đào tạo được rất nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư tài năng cho Việt Nam.

Họa sĩ Nam Sơn là người  đã đạt nhiều Giải thưởng hội họa quốc tế tại Paris, Roma và những năm đầu thế kỷ XX  đã được các sách báo trong nước và quốc tế ca ngợi. Năm 1930, Bộ Mỹ thuật Pháp đã mua tác phẩm mực nho “Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng” của ông để đưa vào Bảo tàng quốc gia Pháp. Năm 1932, ông được Huy chương Bạc tại Triển lãm Salon de Paris với tác phẩm sơn dầu  “Chân dung mẹ tôi”. Năm 1935, Bộ Mỹ thuật Pháp lại mua tác phẩm lụa “Những trang phục trong tế lễ” để đưa vào Bảo tàng quốc gia Pháp. Nam Sơn đã giảng dạy tại trường Mỹ thuật Đông Dương tới năm 1945. Ông đã sáng tác hơn 400 tác phẩm thuộc các thể loại như sơn dầu, lụa, thuốc nước, Pastel, khắc gỗ, chì son, chì màu, mực nho, chỉ đầu họa... Ông là tác giả của cuốn sách hội họa đầu tiên của Việt Nam  bằng tiếng Pháp “La peinture chinoise” (Hội họa Trung Hoa), dùng làm tài liệu giảng dạy tại trường, được nhà in Lý Văn Phúc in năm 1930. Từ 1957, ông là Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam và ở cương vị này tới khi ông qua đời tại Hà Nội năm 1973.

1anh-nay-1tranh-namson-image2-

Ảnh tranh “Ông già Kim Liên” trong catalogue của Aguttes

Năm 2018, tên tuổi Nam Sơn lại gây xôn xao tại Paris. Hai bức tranh lụa của ông đã đạt các mức giá kỷ lục tính ra tiền Việt Nam là khoảng 6 tỷ và 15 tỷ đồng.

Tôi là Nguyễn An Kiều, con trai của họa sĩ Nam Sơn. Tôi đã sống bên cha tôi hơn một phần ba thế kỷ và từ xưa đã được cha tôi dạy bảo về hội họa. Họa sĩ Nam Sơn sống tại biệt thự hơn 1000 m2 ở 68 Nguyễn Du, Hà Nội và có xưởng vẽ 80 m2 rất hiện đại, xây riêng biệt trong vườn, nơi chỉ có ông bà họa sĩ và con trai được vào (theo quan niệm cổ của người thời đó). Các con gái không được vào.

Khi đọc catalogue của Aguttes nói tới bức tranh “Ông già Kim Liên” cùng bài giới thiệu của Kim Khôi, tôi rất ngạc nhiên vì từ xưa, chúng tôi chưa bao giờ thấy tranh này tại xưởng vẽ của cha chúng tôi.

Catalogue của Aguttes giới thiệu ảnh tranh đó cũng như ảnh chữ của ông Lâm cà phê viết sau mặt tranh ghi rằng ông Lâm được cụ Nam Sơn tặng tranh này?.

Tôi thấy tranh chân dung này quá khác với phong cách các chân dung khác Nam Sơn vẫn sáng tác từ xưa. Chữ ký cũng khác với chũ ký của Nam Sơn trong các tác phẩm, nên thấy rõ đây là tranh giả. Ai đó đã “vẽ” chữ ký có chữ “S” kéo dài ra phía sau rất vụng về.

Ai đã được xem tranh cụ Nam Sơn, đã được học cụ, đã đọc các sách báo mỹ thuật cũng thấy ngay.

Việc giới thiệu tranh giả đó, đã ảnh hưởng xấu đến uy tín, tài năng, danh dự của cha tôi. Là con nên tôi có bổn phận phải lên tiếng bảo vệ cha mình. Làm giả tranh, viết sai về Nam Sơn là nói xấu cụ, không thể chấp nhận!

Chúng tôi xin đính kèm đây 4 ảnh: Ảnh tranh “Ông già Kim Liên” trong catalogue của Aguttes; Ảnh chữ ký trên tranh đó (trong catalogue Aguttes); Ảnh chữ ông cà phê Lâm viết  sau tranh (trong catalogue Aguttes) và ảnh chữ ký của họa sư Nam Sơn năm 1922.

2anh-naytranh-nam-sn-2

Ảnh chữ ký trên tranh đó (trong catalogue Aguttes)

Tôi nêu rõ các dẫn chứng để chứng minh về tranh giả “Ông già Kim Liên”.

Nam Sơn có phong cách riêng khi sáng tác các chân dung. Ông luôn luôn nâng cao hình dáng, nét mặt, vẻ đẹp của người mẫu. Chính lão họa sĩ Tôn Đức Lượng (95 tuổi) học khóa cuối cùng trường Mỹ thuật Đông Dương (cùng các họa sĩ Phan Kế An, Dương Bích Liên), mới đây cũng khẳng định điều đó. Nhưng cũng phải được xem nhiều tác phẩm của Nam Sơn mới hiểu phong cách này. Còn những ai chưa bao giờ gặp Nam Sơn, chưa được xem nhiều tác phẩm của Nam Sơn như Kim Khôi, Nadine Pallois không thể hiểu điều đó.

Ngay khi vẽ chân dung người ăn mày mù, Nam Sơn cũng tả một người hiên ngang, thần thái hơn tranh “Em bé ăn mày” nổi tiếng của  Murillo, danh họa Tây Ban Nha.

Kim Khôi viết Nam Sơn có ảnh hưởng của Cézanne. Tôi khẳng định là không. Nam Sơn thuộc trường phái Tân Cổ điển, chịu ảnh hưởng của họa sĩ Victor Tardieu, rồi tu nghiệp tại xưởng vẽ của Viện sĩ Jean Pierre Laurens tại Paris.

3-anh-naytrang-nam-sin04

Ảnh chữ ông cà phê Lâm viết  sau tranh (trong catalogue Aguttes)

Nadine Pallois sống bên Anh, chưa sang Việt Nam như nhà nghiên cứu Pháp Corinne de Ménonville đã sang Việt Nam 17 lần, đã gặp các họa sĩ, xem tranh tại gia đình cụ Nam Sơn trước khi viết cuốn sách hội họa Việt Nam nổi tiếng in năm 2003.

Về chữ viết của ông Lâm sau tranh chỉ do tự tay ông viết và không đủ chứng minh tranh đó của Nam Sơn.

Cũng không thấy nêu chữ viết đề tặng của Nam Sơn trong các sổ sách khác của ông Lâm?. Cha tôi là người văn hóa, ông không cho tranh ai mà không ký tặng.

Những năm 50-60 của thế kỷ XX, ông Lâm khó có thể gặp cụ Nam Sơn vì cụ rất bận dạy học, sáng tác, không có nhiều thời giờ tiếp khách. Cụ cao tuổi, thuộc thế hệ trước, sống rất khác với các văn nghệ sĩ hay đến uống cà phê chỗ ông Lâm. Ngay chính nhà sưu tầm Đức Minh ở gần nhà chúng tôi, người rất quý trọng văn nghệ sĩ, cũng đã đến gặp cụ  Nam Sơn, đề nghị mua tranh, nhưng cụ không bán vì cụ đã có lương GS Đại Học Đông Dương ở mức cao nhất bậc 9, bằng 10 lạng vàng/tháng (nay tương đương với 360 Triệu/tháng).  Cụ không cần bán tranh.

Khi sinh thời cụ Nam Sơn, cũng không thấy ai nói tới cái tranh Ông già Kim Liên này?.

Trong thư bà Trâm (mẹ Kim Khôi) viết cho tôi năm 1998, bà nói Khôi mới sang Pháp, được bà Corinne de Ménonville dẫn đi thăm Paris, khi đưa đi xem triển lãm tranh Việt Nam tại Tòa Thị chính Paris và bà Ménonville cũng nói tranh cụ Nam Sơn rất khó kiếm. Kim Khôi cũng chỉ thấy bày tranh các họa sĩ khác, không thấy tranh sơn dầu của cụ Nam Sơn.

Có điều mọi người (kể cả nhà đấu giá Aguttes) cũng không ngờ: chúng tôi còn giữ tranh Nam Sơn sáng tác năm 1926 với chữ ký hoàn toàn khác với chữ ký ở tranh “Ông già Kim Liên”. Có lẽ chỉ riêng việc này cũng đã quá đầy đủ để chứng minh rồi.

Tôi là người con duy nhất trong số 8 người con của hai cụ Nam Sơn, được bên cụ khi cụ qua đời năm 1973 và được cụ dặn dò mọi công việc gia đình. Sau tang lễ tôi đã họp 7 anh chị em lại để bàn về mọi vấn đề gia đình. Trong buổi họp, bà Kim Thoa (chị cả chúng tôi) đã phê bình bà Trâm rất gay gắt và 6 người đã nói không để tài sản, tranh gì cho bà Trâm vì đã đi xa từ mấy chục năm rồi, lại cũng không hề có thư từ gì thăm hỏi cha mẹ  gì cả.

Tuy nhiên, tôi vẫn có ý thương hại và đề nghị vẫn để phần tài sản nhà cho bà Trâm, để 3 cái tranh, một bản nháp in hỏng tranh khắc gỗ “Cò trắng và cá vàng” (không có chữ ký của Nam Sơn) và một trong 8 phần tranh cổ Trung Quốc. Nếu tôi không đề nghị, chắc chắn bà Trâm không được gì hết, không thể có tranh của cụ Nam Sơn .

Gần đây bà Hoài An (con út của cụ ) vẫn gửi thư cho tôi, nhắc lại việc những người trong buổi họp đó vẫn còn sống như bà Thoa, bà Minh, bà An và tôi, vẫn nhớ đến nội dung buổi họp năm 1973. Mọi việc thừa kế đã được chúng tôi giải quyết xong từ lâu rồi. Không có ai thắc mắc gì hết.

4-anh-nay-teranh-nam-son-403

Chữ ký của họa sĩ Nam Sơn trên tranh ông vẽ năm 1922.

Việc Kim Khôi hay nói tới bà Trâm khi viết về tranh rất vô lý: bà Trâm là con gái, không được vào xưởng vẽ của cụ Nam Sơn, cũng như Kim Khôi, không được học hội họa, lại đã sang Pháp từ năm 1949 (khi 17 tuổi), sau đó sống trong miền Nam suốt mấy chục năm trời, không hề có thư từ gì về gia đình ở Hà Nội. Thậm chí khi hai cụ Nam Sơn qua đời (năm 1969 và 1973), bà Trâm và gia đình cũng không có thư nào chia buồn, trong khi cụ Hào (bác chúng tôi) ở Sài gòn vẫn có thư chia buồn gửi qua Pháp. Đó là việc thiếu đạo lý, khó chấp nhận. Còn nói gì nữa?.

Bà Trâm như vậy mà vẫn được hưởng phần thừa kế, được tranh, sao nay lại dám để con mình làm các chuyện ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ông cha?.

Nói sai về cụ Nam Sơn là đã nói xấu cụ, là hỗn xược, là vô ơn, không thể chấp nhận.

Kim Khôi hay nói lung tung và sai, khó tin. Vấn đề tư liệu là điều quan trọng nhất khi viết bài. Tôi đã đưa bà Trâm tạp chí "Orient Occident " in năm 1952, cũng như các tập sách “Trois écoles d'art de l'Indochine”, “Les écoles  d'art de l'Indochine” in năm 1931 và 1937 tại Hà Nội khi tôi vào Sài gòn sau 1975. Hồi đó Khôi mới có 17 tuổi.

Sau, do nhiều biến cố, bà Trâm cũng bị mất các tư liệu đó. Mãi đến năm 1995, Kim Khôi mới tình cờ tìm được tạp chí Orient Occident ở hiệu sách cũ.

Việc Khôi đã đạo ảnh của tôi là điều rất phản cảm, sai trái. Kim Khôi đã tự tiện lấy các ảnh tôi đưa cụ Hữu Ngọc mượn để in Tạp chí "Vietnam cultural Window" số tháng 2 năm 2003 và coi như tư liệu của mình. Mặc dù trang 3 của tạp chí nay đã ghi rõ việc muốn sử dụng tư liệu đó, cần xin phép người đưa ảnh là tôi). Cụ Hữu Ngọc (nay 101 tuổi) vẫn đang ở Hà Nội và biết rõ việc tôi đưa các ảnh. Còn ông Đinh Trọng Hiếu (làm ở CNRS Pháp) học ở trường Albert Sarraut trước năm 1954, có học vẽ cụ Nam Sơn như các học sinh khác, quen Kim Khôi, lại lấy cái ảnh cụ Nam Sơn ngồi trước giá vẽ (1919) tôi đưa bà Corine de Ménonville để in sách hội họa, rồi ghi chú là thuộc bộ sưu tập của mình.

Đó là những việc “đạo tư liệu” rất thiếu văn hóa, sai trái.

Không những thế, Kim Khôi còn dám liều lĩnh lấy bản nháp tranh “Cò trắng cá vàng” (in hỏng) tôi đưa bà Trâm khi tôi vào Sài gòn sau 1975 rồi dám thêm chữ ký cụ Nam Sơn, thêm một dấu son giả, in vào sách “Du Fleuve Rouge au Mékong  Visions du Vietnam”. của mình để xuất bản tại Paris sau triển lãm 2012 tại Bảo tàng Cernuschi Paris. Đó là việc làm tranh giả.

Kim Khôi đã nói sai nhiều, như việc nói cụ cho bà Thoa đi học bồi tranh khi bà còn nhỏ và đang đi học trung học? Việc học bồi tranh là mãi sau này nhưng là ở 68 Nguyễn Du. Như về ảnh cụ Nam Sơn (in trong tạp chí Orient Occident 1952), chú thích là ảnh năm 1943?

Trên báo Mỹ thuật, Kim Khôi nói về bản phác thảo tác phẩm “Chợ gạo bên sông Hồng” trong một bộ sưu tập cá nhân, nói rất chung chung như mình đã... tìm được ở đâu đó? Trong khi đó lại ở bộ sưu tập của tôi?

Nhiều báo cũng không chịu đi hỏi rõ về cụ Nam Sơn, chỉ viết bài theo nhau...!

Do làm việc tại Tập đoàn điện lực Pháp ALSTOM, từ lâu tôi và các con, cháu tôi đã có dịp đi các nước châu Âu, châu Á để tìm tư liệu về cụ Nam Sơn, nhằm việc viết tiểu sử cho ông cha mình. Đó là việc quan trọng nhất.

Trong bài phỏng vấn tôi của nhà báo Từ Khôi đăng trên báo Người Hà Nội số tết Kỷ Hợi, tôi đã nhắc nhở những người viết về họa sĩ Nam Sơn, cần hỏi rõ mọi việc, không nên nói lung tung trong khi con trai cụ, cháu nội cụ vẫn đang ở Hà Nội, là đại diện cho cụ. Nhưng nay Kim Khôi vẫn tiếp tục nói sai về cụ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cha tôi, nên tôi buộc phải lên tiếng.

Tôi rất buồn khi phải nói những chuyện không hay này ra. Cây muốn yên mà gió chẳng đừng!.

Nhưng nếu tôi không nói rõ, chắc chắn vì háo danh, quyền lợi nào đó? Kim Khôi sẽ tiếp tục nói sai về cụ Nam Sơn và ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cụ Nam Sơn là cha tôi.

Tôi có bổn phận và quyền bảo vệ uy tín, danh dự của cha tôi.

Đáng lẽ Kim Khôi nên học hỏi thêm mọi người, cố gắng vinh danh cụ Nam Sơn là danh nhân Việt Nam, chứ đừng quá háo danh và tìm cách... “trèo lên vai người khổng lồ”, rất phản cảm.

Những ai đã được hưởng lộc của cụ Nam Sơn không được phép làm những việc sai trái ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cụ. Họ sẽ bị gia đình, dư luận lên án, tiếng xấu để đời.

Nguyễn An Kiều - Con trai họa sĩ Nam Sơn

(nguồn: http://dnth.vn/dau-gia-tranh-ong-gia-kim-lien-co-phai-la-cua-hoa-si-nam-son-tai-paris.html)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com