Ngân Giang - một dòng sông lạnh

 

ngan_giang

 

Ngân Giang nữ sĩ sinh 1916, mất 2002. Năm nay, kỷ niệm 15 năm ngày mất của bà. Ngân Giang tên thật Đỗ Thị Quế. Sinh tại phố Hàng Trống, Hà Nội. Quê quán làng Hướng Dương, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội. Học chữ Hán và quốc ngữ, có thơ đăng từ rất sớm trên báo Đông Pháp. Có trên 4.000 bài thơ, được đánh giá là một trong những nhà thơ có số lượng thơ Đường nhiều nhất Việt Nam và được người đời vinh danh Nữ hoàng Đường thi.

Một cuộc đời tài hoa song đa đoan, hiu hắt

Ngân Giang tài sắc vẹn toàn lại có một cuộc đời lắm truân chuyên. Có thể nói, với Ngân Giang, năm tháng sống trên thế gian này là một chuỗi dài những bi kịch, thua thiệt. Một tài thơ thiên phú, một sắc đẹp diễm kiều, một bàn tay thêu thùa khéo léo, song, như danh sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825) khi đọc Truyện Kiều đã từng viết: “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy” (Một phiến tài tình vương vấn cả ngàn năm). Bà kể lại: “Chẳng ai như tôi, năm 17 tuổi, được hai bên cha mẹ cho kết hôn nhưng ngay đêm tân hôn đã bị mật thám xộc vào nhà chồng khám xét với lý do cô dâu dính đến hội kín”.

Sau này, trong những ngày làm báo tại Hà Nội, quen biết Ngân Giang, chứng kiến sự gãy đổ trong duyên phận, nhà thơ Nguyễn Vỹ (1912-1971) kể lại rằng:  “Không giống như Mộng Sơn, Anh Thơ, Ngân Giang nữ sĩ sống rất nhiều về tình yêu, mơ mộng rất nhiều về tình yêu, đau khổ rất nhiều về tình yêu. Nhưng chẳng bao giờ nàng có hạnh phúc với tình yêu cả” (Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến, NXB Văn học, HN 2007, trang 449).

Đầu năm 1944, tham gia Mặt trận Việt Minh. Trước ngày Tổng khởi nghĩa (1945), bị quân phiệt Nhật bắt giam. Năm 1946, phụ trách Ban Lễ tân Bộ Nội vụ. Toàn quốc kháng chiến, Ngân Giang ra chiến khu, công tác ở Sở Tuyên truyền Liên khu I. Hòa bình lập lại, năm 1957, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam và làm việc tại đây từ 1958 đến 1961. Năm 1961, bà về quê sinh sống, hoạt động văn nghệ quần chúng. Tại đây, có người ghen ghét, vu cáo bà dính líu đến Nhân văn - Giai phẩm. Nhiều tai họa ập đến. Bà quay ra Hà Nội, lặng lẽ sống, mở quán độ nhật ở bãi Nghĩa Dũng, ven sông Hồng. Mười năm quét lá đa, kiếm sống, nuôi con:

Mười năm quét lá bên sông

Hình hài để lại cái còng trên lưng...

Bà có một vế đối u uẩn, đầy nỗi niềm: Thân không trời đất mà mưa gió/ Lòng chẳng binh đao cũng chiến trường. Nhiều câu thơ được viết ra từ một trái tim quặn thắt: Một quán bên sông cuối phố nghèo / Miếng trầu, bát nước có bao nhiêu / Việc đời hay dở khoan bàn đến / Lá rụng quanh thềm, gió hắt hiu. Một tâm trạng cô độc, như con chim én chao liệng giữa bầu trời giông bão, như một cánh hoa nghiêng chẳng biết về đâu: Ngơ ngác phương trời con én lạc / Chập chờn khung cửa cánh hoa nghiêng. Hơn ba mươi năm, trước ngày từ biệt cõi đời, Ngân Giang đã sống cảnh “hắt hiu” đến nao lòng như vậy giữa một Hà Nội hoa lệ. Có đến ba, bốn đời chồng nhưng hạnh phúc không đến với nữ sĩ. Điều lạ thay, không thấy Ngân Giang oán hờn số phận, giận dỗi đất trời, tung hê thân thế!

Sự bất công trong văn học

Ngân Giang là tác giả: Giọt lệ xuân, NXB Tân Dân, 1932; Tiếng vọng sông Ngân, NXB Lê Cường, 1944; Những ngày trong hiến binh Nhật, NXB Đức Trí, 1946; Những người sống mãi, NXB Sự thật, 1973; Ba tập Thơ Ngân Giang, NXB Phụ nữ, 1989 - NXB Trẻ, 1991 - NXB Phụ nữ, 1994. Ngân Giang có thơ đăng trên các báo, tạp chí như Đông Pháp, Ngọ báo, Trung Bắc tân văn, Bắc Hà, Phụ nữ thời đàm, Tiểu thuyết thứ bảy, Điện tín, Mai,... Dầu vậy, sách nghiên cứu về văn học lại vắng bóng tên tuổi của bà.

Trong Thi nhân Việt Nam, có 6 nhà thơ nữ, gồm Thu Hồng, Vân Đài, Hằng Phương, T.T.Kh, Anh Thơ và Mộng Tuyết, không có Ngân Giang, dù Ngân Giang in Giọt lệ xuân từ năm 1932. Bộ sách Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan cũng không viết dòng nào về Ngân Giang. Công bằng mà xét, thơ Ngân Giang có nhiều bài xuất sắc như Trưng Nữ Vương, Gối mộng, Nhạn lưng trời, Đêm mưa, Mong đợi,... xứng đáng có mặt trong các công trình nghiên cứu. Ngay cả sau này, Lịch sử văn học Việt Nam, tập 5 (1930-1945), phần I, NXB Giáo dục 1978, có đề cập đến Anh Thơ, Thu Hồng, song, không nhắc gì đến Ngân Giang, dù bà có không ít bài thơ thể hiện tình tự dân tộc, sâu nặng tình yêu đất nước. Trong Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968, trang 151, hai tác giả Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng đã ghi lại nhận xét của Thẩm Thệ Hà: “Điều làm cho ta ngạc nhiên là tại sao các nhà phê bình văn học lại bỏ quên một nữ sĩ tài hoa đến thế!”.

Tại miền Nam, trước 1975, trong Thơ Việt hiện đại, 1900 - 1960, Uyên Thao biên soạn, có Tương Phố, Anh Thơ, vẫn không có Ngân Giang (Xem Thơ Việt hiện đại, 1900-1960, Hồng Lĩnh, Sài Gòn, 1969).

Phải vậy chăng mà Tạp chí Văn học, số 119 (Sài Gòn, 1-1971) ra số đặc biệt, chọn chủ đề: “Nữ sĩ Ngân Giang, một thi tài bị quên lãng”. Trong số báo đó, là người cùng thời, nhà văn Vũ Bằng có bài viết Ngân Giang: một nữ thi sĩ có biệt tài thêu hoa dệt gấm. Thêu hoa và dệt gấm mà Vũ Bằng nói ở đây, hàm cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ngân Giang vừa thêu thùa đẹp, nổi tiếng lại vừa có thơ hay, nhiều bạn văn mến phục. Cả bài viết, Vũ Bằng đều khen ngợi. Con người thơ này, qua bao năm, nhà văn vẫn nhớ: Mơ về Hướng Dương. Đã ngót hai chục năm nay rồi đấy nhỉ, làng văn không còn thấy Ngân Giang. Chẳng biết thơ còn hay không? Lòng còn lạnh không? Mà cuối thu rồi, có còn chờ đợi nữa không? Ước gì có một ngọn gió cho biết Ngân Giang bây giờ còn hay mất, sướng hay khổ, vui hay buồn?

Phải có tấm lòng tri kỷ mới có những dòng tha thiết và gan ruột như thế về người bạn văn của mình! Cả đời cầm bút, in nhiều tập thơ, được tặng Giải thưởng Văn học năm 1994. Có cả hàng nghìn bài thơ Đường luật, trong đó có nhiều bài hay. Vậy mà, suốt bao nhiêu năm, thơ Ngân Giang ít được nhắc đến, ít được bàn luận, hầu như bị lãng quên. Đây là một thiệt thòi cho Ngân Giang và cả lịch sử văn học hiện đại.   

Một giọng thơ riêng

Đánh giá về thơ Ngân Giang, Từ điển văn học nhận định: “Thơ tình của bà có nỗi cô sầu thăm thẳm của hơi thơ cổ điển, lại có cái duyên nồng nàn lãng mạn của giọng điệu Thơ mới nên thực sự hấp dẫn... chứng tỏ sức cuốn hút của một giọng thơ riêng trong trào lưu Thơ mới” (Xem Từ điển văn học, bộ mới, NXB Thế giới, Hà Nội, 2004, trang 1.050).  

Quả đúng vậy, giữa những nhà thơ nữ giai đoạn 1932-1945, Ngân Giang có lối đi riêng, giọng điệu riêng. Có thể xem, thơ bà là một hiện tượng mới lạ, đặc sắc của thơ ca Việt Nam hiện đại.

Trước hết, như Hữu Thỉnh nhận xét: “Độ lùi thời gian cho phép chúng ta nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của bà một cách đầy đủ: Nhiều cay đắng nhưng cũng rất vinh quang, nhiều cống hiến nhưng cũng thật thiệt thòi... Nhưng hơn hết, cho đến tận cuối cuộc đời, nữ sĩ Ngân Giang luôn là một nhà thơ yêu nước, giàu lòng yêu cách mạng, một nhân cách thi nhân mẫu mực và trong sáng. Chính vì thế, sự ghi nhận và tôn vinh ngay trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ đối với bà mới đích thực là sự tôn vinh công bằng, vô tư, khách quan và bền vững nhất”. Suốt đời làm thơ, ý thức về quê hương, dân tộc vẫn là ngọn lửa cháy mãi trong thơ Ngân Giang.

Xuân chiến địa là bài thơ dài, đến 12 khổ, 48 câu, mô tả tâm tình của người con gái ở chốn quê nhà, gửi người chiến sĩ nơi sa trường, thấy “Núi sông bừng nở vạn hoa cười / Bãi sa trường ngát men chiến đấu”, mừng vui cho “Chàng đi lo trả thù dân tộc / Đã trở về cùng những chiến công”. Nhiều câu thơ đượm không khí hào hùng, phấn khích: Đây cả tấm lòng dâng chiến sĩ / Quên tình riêng nhé, nhớ giang sơn. Những lời động viên “Hãy gác tình riêng mưu nghiệp lớn / Để dòng máu giặc dội biên cương”, “Phấp phới cờ đào bay gió cuốn / Mây vàng, kiếm sáng lóa hào quang / Các anh, một mối thù dân tộc / Cả một mùa xuân giữa chiến trường”. Âm điệu hào hùng xuyên suốt bài thơ, tạo nên chất tráng ca của hình tượng thơ. Trước 1945, trong phong trào Thơ mới không thấy có giọng thơ nữ nào mang tiếng nói hào sảng như Ngân Giang!

Không ít lần, nữ sĩ viết về Trưng Vương, nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc: “Đền nghĩa chị, rời thềm khuê các. Trả thù chồng thẳng đất Long Biên / Chém tướng giặc, đuổi quân về ải bắc. Mặc áo tang rơi lệ ngự ngai vàng / Rồi ba thu, cờ anh thư phấp phới đất Mê Linh: cỏ cây hoan lạc! / Nhưng một sớm, gươm danh tướng, ngang tàng trời Giao Chỉ, non nước oan khiên / Trùng trùng sông Hát / U uất thuyền quyên / Đã mấy thu rồi, tráng ngời tiết liệt / Còn bao thu nữa, sông tỏa linh thiêng...”. (Thu về).

Trong các bài thơ hay của Ngân Giang, Trưng Nữ Vương là một tuyệt tác, gắn với câu chuyện văn chương đầy cảm động. Đó là buổi giảng ngày 25-3-1969, buổi giảng cuối cùng của cuộc đời thi sĩ Đông Hồ (sinh năm 1906). Ông đã ngất ngay trên bục giảng và vĩnh viễn ra đi, khi giới thiệu và bình Trưng Nữ Vương trước các sinh viên Văn khoa:

Thù hận đôi lần chau khóe hạnh

Một trời loáng thoáng bóng sao rơi

Dồn sương vó ngựa xa non thẳm

Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi


Ngang dọc non sông đường kiếm mã

Huy hoàng cung điện nếp cân đai

Bốn phương gió bão dồn chân ngựa

Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai


Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ

Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai

Hồn người chín suối cười an ủi

Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi


Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận

Non hồng quét sạch bụi trần ai

Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận

Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời...


Ải bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi

Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi.
(1939)

Hai mươi dòng thơ với một hệ thống hình ảnh vừa mang sắc thái cổ điển vừa thấm đẫm chất bi ca, diễn tả sâu lắng tâm trạng và nỗi đau của người phụ-nữ-anh-hùng, mất người chồng yêu quý, người bạn chiến đấu, trở về trong chiến thắng với bao khúc hoan ca, bao tiếng nhạc hùng, song, vẫn không che được từ sâu thẳm, chất ngất nỗi cô đơn, đầy tái tê. Hình ảnh Trưng Trắc trong Đại Nam quốc sử diễn ca dân dã, gần gũi: Bà Trưng quê ở Châu Phong / Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên/ Chị em nặng một lời nguyền / Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân/ Ngàn tây nổi áng phong trần / Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên / Hồng quần nhẹ bước chinh yên / Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành / Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh / Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta / Ba thu gánh vác sơn hà / Một là báo phục, hai là Bá vương… Còn ở Trưng Nữ Vương của Ngân Giang thì khác. Quyền quý. Thanh cao. Bi tráng.

Những “khóe hạnh”, “bóng sao rơi”, “vó ngựa”, “chim bằng”, “đường kiếm mã”, “gót ngọc”,... mờ dần. Tất cả huy hoàng của cung điện cũng nhòa đi, chỉ còn tiếng kêu xé lòng:

 
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,

Trăng chếch ngôi trời

                                bóng lẻ soi.

Ôi, cái vầng trăng quạnh quẽ soi chiếu một khối ngọc. Chếch bóng. Lẻ loi.   

Có thể nói, chưa ai tả giỏi, tả hay tâm trạng Trưng Trắc như Ngân Giang. Phải là một tâm hồn đồng điệu, đồng cảm sâu sắc, thấu rõ sự trống trải và cô đơn của người phụ nữ, dẫu anh hùng chăng nữa, mới có những dòng thơ như thế! Bài thơ thể hiện cái hay của ngôn ngữ, cái tài của diễn đạt và cái tình của một trái tim.

HUỲNH VĂN HOA

 
(nguồn: báo Đà Nẵng cuối tuần, số 6049, ngày 9-4-2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com