Vài tài liệu về nhân vật NGUYỄN DUY - em ruột NGUYỄN TRI PHƯƠNG - 2. NGUYỄN DUY - LẶNG LẼ MỘT NỖI NIỀM

Mục lục
Vài tài liệu về nhân vật NGUYỄN DUY - em ruột NGUYỄN TRI PHƯƠNG
1. NGUYỄN DUY và BUỔI ĐẦU CHỐNG PHÁP XÂM LƯỢC
2. NGUYỄN DUY - LẶNG LẼ MỘT NỖI NIỀM
Tất cả các trang

 

NGUYỄN DUY  -  LẶNG LẼ MỘT NỖI NIỀM


Trong Hội thảo nhân kỷ niệm 190 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Tri Phương do Ban Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 13/11/1990, các ông Ngô Thời Đôn, Trần Viết Điền và Lê Nguyễn Lưu đã có hai bài tham luận về Nguyễn Duy - em ruột Nguyễn Tri Phương. Đây là một kết hợp rất bài bản, vì ngay trong buổi đầu chống Pháp xâm lược, cả hai đã từng là “chiến hữu” của nhau, đứng cùng một chiến tuyến và chung cảnh “nằm gai nếm mật” trên cả hai chiến trường – Quảng Nam Đà Nẵng rồi Gia Định Biên Hòa. Và trong cuộc đối đầu không cân sức với quân Pháp xâm lược, họ đã lần lượt hy sinh : Nguyễn Duy tự Nhữ Hiền, sinh ngày 21 tháng Chạp năm Kỷ Tỵ (1809) tức ngày 25 tháng 1 năm 1810 tại làng Đường Long (nay là xã Phong Chương) huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên.

Đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Dần (1842), sơ bổ Hàn lâm viện biên tu, rồi sau đó đã thăng tiến rất nhanh trên đường hoạn lộ và đã trải qua hầu hết các lãnh vực công tác, từ giáo dục đến biên soạn dịch thuật, sang hành chánh nội trị rồi ngoại giao, về sau cả quân sự nữa. Nguyễn Duy ở đại đồn Chí Hòa ngày 25/2/1861, Nguyễn Tri Phương ở thành Hà Nội ngày 01/11 năm Quý Dậu cùng với con là Nguyễn Lâm (trước đó một tháng 01/10/1873).

“Về hành trạng Nguyễn Tri Phương, từ trước tới nay đã được giới sử học nước ta đề cập đến khá nhiều, viết tương đối đầy đủ. Nhưng Nguyễn Duy thì ít người biết tới, trong lúc chính ông là người đã từng tham gia hầu hết các mặt trận ngay từ đầu cho tới ngày hy sinh” (Mấy nét đáng chú ý về Nguyễn Duy của Trần Viết Điền và Lê Nguyễn Lưu – Kỷ yếu Hội thảo 190 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Tri Phương, trang 65).

“Dẫu Nguyễn Văn Duy (1) đã hy sinh trong trận đầu thì sự hy sinh ấy cũng không khác tấm lòng tận tuỵ với dân với nước lúc ông còn sống. Cuộc đời trung nghĩa, tận tuỵ, cái chết vẻ vang của Nguyễn Văn Duy đáng được hậu thế chúng ta nhớ ơn ngưỡng mộ. Rất mong một ngày không xa, chính quyền địa phương đặt một tên đường Nguyễn Văn Duy trên quê hương ông để thiết thực kỷ niệm người con trung dũng của đất Thừa Thiên Huế” (2).

Nhưng từ sau hội thảo đến nay, Nguyễn Duy vẫn lặng lẽ một nỗi niềm, “ông chưa được giới sử học đề cập đến một cách đúng mực công bằng như những danh nhân khác mà chỉ đề cập sơ qua khi nói về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Tri Phương”.

“Từ một người làm công tác giáo dục, một văn quan, một vị phó sứ, Nguyễn Văn Duy đã quyết chí xông vào nơi đầu tên mũi đạn, không hề do dự” (3).

“Gia định lâm nguy, giữa buổi thiết triều Tự Đức kêu gọi ứng cứu, đã có mấy ai đứng lên ngoài Nguyễn Duy - em ruột của Nguyễn Tri Phương, một vị văn quan chưa được đứng trong lớp nguyên lão đại thần” (4).

Có lẽ đã nhạy cảm được vấn đề này, nên 140 năm về trước, nhà thơ Miên Thẩm đã lo ngại mà khóc Nguyễn Duy:

Ai chương chương thực trạng

Vĩnh thán ủy tiềm hinh”

Lương An dịch thơ :

“Sự tình tỏ một vài chương

Dài than mong thỏa chút hương hồn người” (5)

Không chỉ riêng cái chết của Nguyễn Duy trong trận Chí Hòa, mà còn nhiều việc làm tiêu biểu khác của ông vẫn chưa được làm rõ. Ghi lại những dòng sự kiện sau đây, để trả lại cho Nguyễn Duy sự công bằng tất yếu của lịch sử.

 

Trên lãnh vực ngoại giao 


Chuyến đi sứ vào tháng 6 năm Nhâm Tý (1852) của sứ bộ Việt Nam sang Trung Quốc, Nguyễn Duy được cử làm Ất phó sứ. Khi ra tới ải Nam quan, giặc biên thùy Trung Quốc đánh phá, đường đi bị trở ngại ở nhiều nơi, sứ bộ phải vất vả lắm mới vượt qua được vùng giặc mà sang Trung Quốc (Giáp phó sứ Nguyễn Hữu Huyên – còn có tên là Nguyễn Hữu Hằng bị ốm chết dọc đường). Bận về phải đi bằng đường biển, theo lộ trình Bắc Kinh – Thiên Tân – Thượng Hải – Hương Cảng – Hải Phòng rồi Huế. Ba năm ròng rã (1852 – 1855), chịu đựng không biết bao nhiêu gian khổ hiểm nguy, với trách nhiệm bảo toàn quốc thể và duy trì mối bang giao Trung – Việt, giữ sự an bình cho nước cho dân. Nguyễn Duy đã hoàn thành sứ vụ.

Ngày về, ông được vua Tự Đức cho mời vào điện và phán rằng: “Đường đi muôn dặm thật khó khăn hiểm trở, mà một mình chịu nỗi gian nguy suốt ba năm trường thật đáng thương”, liền thưởng cho một Kim khánh hạng Trung, có bốn chữ “Cần lao khá lục”, ý nói là siêng năng chịu khó, đáng được nêu lên hàng đầu, lại còn tặng thêm một bài thơ. Xin trích phần cuối :

“Bạc đầu gió bụi lòng ai vững

Gian khổ sứ đoàn ý trẫm thương

Sóng lặn ngày nào nơi Bột hải

Chiếc bè quay lại thấy Trương Công” (5)

Việc tiếp theo là cuộc đối đầu ngoại giao khá căng thẳng với quân xâm lược Pháp, xảy ra ngày 18 tháng 8 năm Bính Thìn (16/9/1856). Thuyền trưởng tàu Catinat là Le lieur de Ville Sur Arce đến Đà Nẵng đưa thư, quan quân ta từ chối không dám nhận. Y lại cho tàu chạy ra Huế, ngang nhiên đi lại trên vùng biển của ta mà chẳng cần một thứ phép tắc nào cả! Khi quay lại Đà Nẵng, y nói đã đưa thư xong rồi, yêu cầu ta thương nghị và không quên mở lời hăm dọa, sẽ rủ nước “Xích Mao” qua, chắc sanh việc không tốt. Trước khi rời Đà Nẵng, y đã ngang nhiên bắn phá một số đồn bảo của ta ở cửa biển Sơn Trà.

Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỷ, quyển XV, trang 277 chép: “Tháng 9 sai Hồng lô tự khanh sung làm việc ở Nội các là Nguyễn Duy đi kíp đến đồn cửa biển Đà Nẵng, hội cùng Đào Trí bàn làm công việc Trấn Dương… Án sát sứ là Tôn Thất Dũng, Lãnh binh quan là Phạm Truật cũng vì tội sơ phòng (khi thuyền Tây dương mới đến)… Chuẩn cho trước hãy cách chức, tạm giao Đào Trí, Nguyễn Duy sai phái, nếu có một chút sợ lùi, lập tức đem chém trước quân để răn bảo mọi người… Xuống sắc khẩn đòi viên quản đạo Phú Yên là Trần Đình Túc (nguyên xin về chung dưỡng), chuẩn cho đi theo Nguyễn Duy làm việc quân thứ”. (Việc này xin đọc thêm các trang 275, 280, 282 và 283 quyển XV – Sđd)

Khi việc tạm yên, Nguyễn Duy đã có những đóng góp không nhỏ trong việc tổ chức phòng thủ ở Đà Nẵng. Ông (cùng Đào Trí) đem các sự nghi, dâng sớ tâu:

1.    Đặt đồn Trấn Dương ở chóp núi Sơn Trà, để 20 khẩu đại bác.

2.    Xin từ thanh An Hải đến núi Sơn Trà, từ thành Điện Hải đến cửa Thanh Khê đều đắp luỹ cát, trồng gai góc ngăn giữ.

3.    Xin triệt bãi đồn nhứt đồn nhì. (6)

Đây là một kế hoạch phòng thủ chiến lược rất có hiệu quả, vì không những đã bảo vệ được Đà Nẵng, mà đặc biệt đã “bịt kín” cửa sông Hàn, có dòng chảy thông đến Ải vân quan – cửa ngõ duy nhất để tiến đánh ra Huế. Về sau, khi mặt trận Quảng Nam Đà Nẵng bùng nổ (ngày 1/9/1858), nhiều trận đánh đã xảy ra ở nơi này, và trước sự chiến đấu dũng cảm của quân dân ta, giặc Pháp đã không vượt qua nổi. Ý đồ đánh chiếm Huế nhanh chóng của họ hoàn toàn bị sụp đổ.

 

Nguyễn Duy trong lãnh vực quân sự – mặt trận Quảng Nam Đà Nẵng


Trước khi trình bày nội dung này, chúng tôi xin lưu ý :

-    Tất cả những lần ra mặt trận của Nguyễn Duy là hoàn toàn do tự nguyện.
-    Nguyễn Duy là một trong số hiếm hoi những người đã có mặt sớm nhất trên hai mặt trận lớn – Quảng Nam Đà Nẵng và Gia Định, trước cả anh của ông và nhiều người khác.

Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỷ, quyển XIX, trang 441: “Hồng lô tự khanh tham biện Nội các là Nguyễn Duy xin đi quân thứ Quảng Nam Đà Nẵng, vua cho đi, sai làm Tán lý quân vụ.

Chuẩn định : quan quân ở quân thứ Quảng Nam Đà Nẵng ai ra trận chém, bắt hoặc bắn giết được giặc, cùng là người chết trận, bị thương thì lệ thưởng, mức cấp tiền tuất hậu đãi. Nếu ai nhút nhát rút lui, không cứ là tướng hay quân lính, đều lập tức chém đầu cho mọi người biết răn”.

Đến trang 446 (Sđd) mới có việc :

Cho Kinh lược sứ là Nguyễn Tri Phương sung làm Tổng thống quân vụ Quảng Nam Đà Nẵng, Chu Phúc Minh đổi làm Đề đốc”.

Cũng nên chú ý, hai lần đi quân thứ Quảng Nam Đà Nẵng của Nguyễn Duy, đều có kèm theo những lời chuẩn định tối hệ trọng “Bất kỳ quân hay tướng, ai nhút nhát rút lui đều lập tức chém đầu”. Nhắc lại sự việc này để nói lên lòng tin cậy của triều đình khi giao cho ông những trọng trách. Mà quả vậy, chỉ trong bốn tháng (từ tháng 9/1858 đến tháng 1/1859), Nguyễn Duy đã đánh thắng giặc nhiều trận. Tạm kể ra dưới đây:

-    Thuyền của quân Tây dương (8 chiếc) tiến vào sông Nại Hiên, sông Hàn, Nguyễn Duy chia quân đánh được thắng (Sđd, đệ tứ kỷ, quyển XIX trang 460).

-    Trận xảy ra giữa hai đồn Nại Hiên và Hóa Khuê (khoảng ba bốn trăm tên)… Nguyễn Duy bắn vào giặc phải lui (Sđd, đệ tứ kỷ, quyển XIX trang 465).

-    Quân địch tấn công Hóa Khuê, Thạc Gián, ước 700 tên… Nguyễn Duy đánh nhau với quân Tây dương một trận thật to, suýt chút nữa ông bị giặc bắt sống. Nguyễn Tri Phương khi ấy bận đi khám đồn Chân Sảng vắng. Đào Trí, Chu Phúc Minh cũng không kịp đến cứu viện (Sđd, đệ tứ kỷ, quyển XIX trang 465).

-    Quân Tây dương vây cả ba đồn, Nguyễn Duy chia quân phục đánh. Quân Pháp đánh vỡ Hạ đồn. Phúc Minh chạy vào đồn cố thủ. Nguyễn Duy đem bọn Phan Gia Vinh (Phó quản cơ sung Phó vệ uý) đến cứu đánh giết quân Tây dương phải lui (Sđd, đệ tứ kỷ, quyển XX trang 7).

Hết hai trong số bốn trận đã xảy ra vào các thời điểm và tình huống xấu nhất (mà chúng tôi đã có dụng ý gạch dưới ở mỗi câu thay vì những giải thích không cần thiết). Người viết sử ngày xưa quả thật tinh tế đã không quên chua chú thật đầy đủ các tình tiết này!

Nhận xét về Nguyễn Duy trên mặt trận Quảng Nam Đà Nẵng, ông Nguyễn Khắc Đạm trong “Nguyễn Tri Phương đánh Pháp”, trang 12 đã viết: “Đặc biệt là Nguyễn Duy đã tỏ ra rất linh hoạt, vì không những đã làm đầy đủ bổn phận trên trận địa do mình phụ trách, mà có lần còn kịp thời đem quân ứng cứu Chu Phúc Minh khiến cho thế trận chung vẫn được giữ vững”. Nhận xét này đã thay cho phần kê cứu thêm tư liệu, kể lể dài dòng công trận của Nguyễn Duy ở mặt trận Quảng Nam Đà Nẵng.

 

Ở mặt trận Gia Định 


Cũng con người ấy, khi Gia Định lâm nguy, triều đình kêu gọi ứng cứu, Nguyễn Duy đã sẵn lòng đáp lời. Câu nói để đời của ông giữa đông đủ triều thần “Đã yêu nước hà tất phải luận văn võ”. “Người bầy tôi lẻ loi đã viết biểu tấu bày tỏ bầu máu nóng của mình” (Nhiệt huyết cô thần biểu). Một tinh thần quên mình vì nghĩa lớn: đến với nghĩa ca, coi nhẹ thân mình… Quyết chí xông vào nơi đầu tên mũi đạn (Dĩ cam tiên thí thạch) (7). Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỷ, quyển XX, trang 14: “Nguyễn Duy đổi sung chức Tán lý quân vụ đạo Định Biên. Quản đạo Nguyễn Hữu Hương, Hộ khoa chưởng ấn Phạm Hoằng Đạt theo làm việc quân”.

Vào đến Biên Hòa (tháng 3/1859), Nguyễn Duy đã tổ chức vùng đất này thành một hậu phương vững mạnh, ngoài ra ông đã tập hợp được dân phu trai tráng của cơ Biên Dũng, cùng với những nghĩa sĩ nghĩa dân yêu nước, bên cạnh số quân sẵn có ở Biên Hòa, lập thành một đơn vị quân đội – Đây chính là tiền thân của cánh quân triều đình Huế, mà nhiều sử sách đã đề cập: Một ở Biên Hòa, một ở Gia Định và một ở Tân An, lập thế ỷ dốc – ứng cứu nhau lúc cần thiết. Và cũng chính cánh quân này đã đưa thi hài Nguyễn Duy về chôn tạm ở cửa Đông thành Biên Hòa, đúng như lời Nguyễn Thông trong bài thơ “Vãn Nguyễn Duy – Định Biên Tán lý”: “Ba quân đã khóc vô cùng ơn xưa” “Nhận dấu áo mà chôn tướng lĩnh” “Bạn già rót rượu viếng hồn người xưa”. Tiếc rằng lâu nay tư liệu có giá trị về mặt lịch sử này đã không sử dụng có hiệu quả!

Ngoài ra, ít nhất cũng có đến hơn mười châu bản – nội dung là những lời trình tâu của Nguyễn Duy (cùng với Thống đốc Tôn Thất Cáp, Tham tán Lê Tố, sau này có thêm cả Đề đốc Nguyễn Trọng Thao) về nhiều vấn đề khác nhau. Qua đó để chứng minh ông đã có những hoạt động rất sôi nổi tích cực ở mặt trận Gia Định. Xin trưng dẫn một sự việc tiêu biểu khác: “…trước trận đại đồn đã có Nguyễn Thông giúp đỡ việc quân cơ, trong dinh Tôn Thất Cáp đã có Trịnh Quang Nghị và nhiều nghĩa dân yêu nước khác hoạt động dưới quyền Tán lý Nguyễn Duy” (8)

(Mà Trịnh Quang Nghị là người tiết tháo. Hình ảnh thân nhân của ông chỉ đem được cái đầu – sau khi ông bị kẻ thù hành quyết – về an táng ở quê Phú Ngãi Trị. Từ Trịnh Quang Nghị và qua nhiều người khác nữa như Phan Văn Đạt, Trà Quý Bình, Đỗ Trình Thoại ..v..v… sẽ là một phản hồi khá trọn vẹn về Nguyễn Duy). Chúng tôi lạm nghĩ như vậy.

Và sau đây là những trận đánh ở Gia Định có Nguyễn Duy tham dự:

“Tháng 5/1859 quân Tây dương đánh úp đồn trên bộ ở Gia Định nhưng không đánh được” (Sđd, đệ tứ kỷ, quyển XX trang 53)

“Thuyền quân của Tây dương đến đánh đồn Phú Nhuận (tháng 9/1860), quan quân ta bắn ra giặc phải lui… Bắn chết 1 quan Tây, 5 lính Tây… Thưởng kim tiền lớn nhỏ cho Nguyễn Tri Phương và các Tán tương Tán lý” (Sđd, đệ tứ kỷ, quyển XXIII trang 147)

“Quân của Tây dương đến đánh luỹ mới Gia Định, quân quan ta đánh cho họ bị thua… bắn chết và đâm chết được 132 tên. Thưởng Nguyễn Duy, Tôn Thất Trĩ kỷ lục hai thứ, Quản suất là Trương Định và 50 người đều thưởng cho gia trật, hoặc kỷ lục hoặc ngân tiền” (Sđd, đệ tứ kỷ, quyển XXIII trang 167)

Trận Chí Hòa:

Trong hai ngày 24 và 25/2/1861, quân Pháp đã dốc toàn lực lượng, gồm những đơn vị quân tinh nhuệ và những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất để đánh đại đồn Chí Hòa. Dữ dội và ác liệt nhất là vào ngày 25/2 (tức 16 tháng Giêng năm Tân Dậu), trận chiến diễn ra từ tờ mờ sáng, kéo dài cho đến tối và kết thúc với cảnh máu đổ thịt rơi ở Trung và Hậu đồn (tức đại đồn Phú Thọ – chỗ đóng quân của Gia Định quân thứ). Tại đây trong một trận đánh trả quyết liệt, cố làm chậm lại sức tấn công ồ ạt của quân thù, Nguyễn Duy (và người phụ tá của ông là Tán tương Tôn Thất Trĩ) đã tử trận. Thi hài biến dạng không nhận ra được “Thi biến bất năng biện” “Nãi thực kỳ y đới giả”; Nhờ vào dấu áo và chiếc đai lưng, quân sĩ biết chủ tướng mình đã hy sinh, họ cố đưa thi hài của ông về chôn tạm ở Biên Hòa. Lúc ấy đã hoàn toàn hoảng loạn, quân mất tướng, giặc tràn vào. Quân lính dưới quyền của ông là những người đã thoát ra sau cùng, có số thương vong rất lớn – ít nhất là 300 người đã hy sinh tại vị trí này – Ô2 và Ô3 – hai ngăn cuối của đại đồn Chí Hòa mà lâu này thường được sử sách đề cập tới.

Ngoài bài thơ Vãn… của Nguyễn Thông, còn có bài Vãn Nguyễn Duy của Miên Thẩm. Nội dung cả hai bài thơ đều rất phong phú, đặc biết là có rất nhiều chi tiết lạ (Một điều giống nhau đến lạ lùng – cả hai ông đều đã hết lời ca ngợi con người và cái chết của Nguyễn Duy. Dám xin thử hỏi, vì sao vậy?).

Ngày 25/2 ấy – ở đại đồn Chí Hòa, giặc hung hãn tràn vào, không cách gì ngăn nổi. Vòng ngoài biền binh tự nhiên tan vỡ, còn các viên phụ trách tiền đồn là Hồ Hóa, Lê Tố đã bỏ chạy, biết lấy gì mà chống ngăn! Trước một tình hình tồi tệ đến vậy, Nguyễn Duy tự nhủ, chỉ còn cách lấy chính thân mình ngăn giặc, may ra số đông người sẽ rút ra được. Ông bày ra một “Gia Định quân thứ” giả – giả mà thật – chỗ “Gia Định quân thứ” đang đóng hiện nay, Nguyễn Duy và quân sĩ của ông nhập vai vào thế chỗ. Còn “Gia Định quân thứ” thật đã rút khỏi vị trí ấy tự lâu rồi.

Nguyễn Duy thản nhiên bày binh bố trận – như một “Gia Định quân thứ” còn đủ cả ở đây. Vậy là bao nhiêu sức tấn công của địch chỉ nhắm vào mỗi hướng này. Nguyễn Duy chỉ huy quân chống trả, đánh chặn quyết liệt, cố làm sức tấn công của kẻ thù chậm lại, ta có đủ thì giờ để rút quân. Hy sinh thân mình để cứu lấy cả đại quân! Vậy nên, trong hầu hết tư liệu của chính người Pháp đã nhắc đến “vẻ kiên nghị”, đánh cho “đến người cuối cùng” hoặc “họ rút lui bình thản một cách vô sự, và điều quái dị hơn cả là trong lúc bị bao vây tứ phía trong súng nổ rền trời, chỉ có số ít chạy mà thôi” (Mà không thể giải thích lý do tại sao?). Ngay cả trong báo cáo của Charner, những dòng cuối, y cũng tỏ ra hậm hực “Quân địch đã chạy thoát và ta đang đóng binh trong trại chính của họ” – một trận mà y nói là “sẽ vít cả quân Nam triều vào cái túi để bao vây tiêu diệt”, trên thực tế lại không thực hiện được!

Xin đặc biệt chú ý bài thơ của Miên Thẩm, chúng tôi chép ra đây phần sau để trưng cầu quảng kiến độc giả và giới sử học tiện việc nhận xét, đánh giá (Dịch thơ của Lương An) :

“Tự bãi kế thành vành (vàng) ao nóng

Phép tổng nhung thôi cũng bỏ qua

Bại vong phép nước chẳng tha

Đã đành giáng truất còn ra khinh hình

Sức kiệt vẫn chút xin đền đáp

Nghĩ ân sâu nước mắt tuôn rơi

Đường cùng gặp lũ thú người

Bất ngờ chúng cũng khiếp oai lôi đình

Phút tựu nghĩa thân mình sá quản

Giữ lòng trung thanh thản lìa đời

Phổi gan đỏ lựng ánh trời

Thây đầu trận gió nồng hơi trận tiền

Thu cốt cậy anh em cật ruột

Hồn bay lên sáng rực tựa sao

Vẻ người lính giáp hồng hào

Thân không vẫn dáng chiến bào uy nghiêm

Bẻ giáo múa bao phen vì nước

Chiến công nay sắp tạc nét vàng

Sự tình tỏ một vài chương

Dài than mong thỏa chút hương hồn người”

Và một đoạn trong Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỷ, quyển XXIV trang 193 : “Ngày 15 chưa quyết được thắng thua, đến ngày 16 lại đánh nhau, biền binh tự nhiên tan vỡ, phụ trách đồn ấy là Tri Phương, Phạm Thế Hiển, Tôn Thất Cáp ngăn không nổi, bèn cùng với các viên tiền đồn là Lê Tố, Hồ Hóa cùng dẫn quân rút lui. Nguyễn Duy, Tôn Thất Trĩ bị đạn chết”. (Đề nghị đọc thêm ở các trang 184, 193, 196, 218, 219 và 230 – đệ tứ kỷ quyển XXIV sẽ rõ).

Lâu nay chúng ta đã làm tốt việc “Trân trọng công đức của tiền nhân bằng suy nghĩ và việc làm nghiêm túc, vậy mong sẽ được tiếp tục với Nguyễn Duy – người con ưu tú của đất nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng”.

(Tháng 2/ 2003)

NGUYỄN TRI THỨ


Chú thích :
(1) Về tên gọi Nguyễn Văn Duy và Nguyễn Duy.
Tác giả bài tham luận đã căn cứ vào văn bia hiện có ở khu Văn Thánh Huế (bia thứ 8 hàng bên trái, từ phía trong nhìn ra) ghi tên cácvị Tiến sĩ khoa Nhâm Dần (1842). Chỗ gần cuối có dòng chữ ghi “Nguyễn Văn Duy, Đường Long xã nhân…” hoặc trong “Quốc triều hương khoa lục” và “Đăng khoa lục” cũng thế. Trên cơ sở này có người đã đề nghị nên gọi đúng như vậy, thay vì Nguyễn Duy như từ trước đến nay đã gọi.

Chúng tôi – người viết phần tư liệu này – cũng đồng thời là hậu duệ của Cụ, có bổn phận giải thích tường tận, vì sao và tự lúc nào, giới sử học, kể cả hết thảy mọi phương tiện truyền thống: báo, đài, tạp chí, sách, đến cả những tác phẩm có giá trị, đều có cách gọi chung là Nguyễn Duy. Việc ấy như sau:

Ngay từ lúc ông được sơ bổ Hàn lâm viện biên tu (tức vào năm 1842) tự đó về sau đã không thấy sử sách nào ghi là Nguyễn Văn Duy cả. Dẫn chứng như “Đại Nam thực lục chính biên”, trọn phần từ đệ tam kỷ cho đến hết đệ tứ kỷ – lúc Nguyễn Duy đã chết ở trận Chí Hòa; Hoặc ngay trong “Châu bản triều Nguyễn – Thời Tự Đức”, hằng mấy chục tờ tấu cũng ghi “Tán lý Nguyễn Duy…” mà thôi. Còn nhiều tựa sách khác, không tiện kể ra hết.

Vì sao có sự thay đổi mà bây giờ chúng ta không thể hoặc không nên thay đổi vì một tên gọi đã quá phổ biến. Ngay như người cháu của ông – Phò mã Đô uý Nguyễn Lâm, không thể gọi là Nguyễn Văn Lâm? Vì sao vậy?

Theo cách lịch sự và lòng tôn kính của người xưa, không ai gọi trổng lên họ người khác ra cả, càng đánh kính sợ hơn nếu người ấy là đại thần hoặc văn nhân, hiển thánh. Dẫn chứng như cách gọi Trương Định thành Trương Công Định, và tương tự như thế Nguyễn Duy thành Nguyễn Công Duy – mà đã có vài văn bản tư liệu hiện đang lưu trữ đã ghi tên ông như vậy. Tới một lúc chữ lót Văn mất hẳn.

Hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh có hai con đường đặt tên Nguyễn Duy (có từ năm 1955 đến nay) và một ở Long An. Xin đề nghị đặc biệt lưu ý những điều mà chúng tôi đã trình bày để tránh xảy ra sự nhầm lẫn – là có hai ông Duy.

(2) & (3) Kỷ yếu Hội thảo 190 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Tri Phương – Ban KH & KT Thừa Thiên Huế 1990, trang 64
(4) Sđd – Kỷ yếu Hội thảo…, trang 16
(5) Gia phả hệ tộc Nguyễn Tri, có phần nguyên văn bằng chữ Hán.
(6) Quốc triều chánh biên toát yếu – NXB Thuận Hóa 1998, trang 410, 411
(7) “Phê bình – Bình luận văn học Ngô Gia Văn Phái” – Nguyễn Miên Thẩm, Vũ Tiến Quỳnh chủ biên, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh 198, trang 123
(8) Đọc Độn Am văn tập truyện Phan Văn Đạt.
4.    Chi tiết này đã được nhiều sách báo đề cập. Xin đọc “Nguyễn Thông – Con người và tác phẩm” NXB Trẻ TP.HCM 2002, trang 268-269, “Địa chí Long An” của Thạch Phương và Lưu Quang Tuyến, NXB Long An và NXB KHXH năm 1989 trang 82.


Chia sẻ liên kết này...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com