LÂM BÍCH THỦY: Giai thoại về YẾN LAN


Dạ! Là cháu đây

Hồi nhỏ, nhà thơ Yến Lan được nhiều người biết đến là nhờ có truyện ngắn và thơ đăng thường xuyên trên tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tiểu thuyết thứ Bảy . Trên những tạp chí đó, ông lấy bút danh Xuân Khai.

 

yenlanthoitreR

Nhà thơ YẾN LAN thời trẻ (ảnh tư liệu Lâm Bích Thủy)

 

Một hôm, có ông khách diện mạo sang trọng, đóng bộ kiểu Tây, bước vô chùa. Ông đưa mắt nhìn quanh thể như kiếm ai đó. Không thấy ai ngoài cậu thanh niên có làn da trắng, lưng trần, quần xà lỏn, đang rửa chén bên cạnh giếng đá ong rêu xanh cổ kính. Ông bước lại gần, hỏi:

- Cháu ơi, nghe nói thi sĩ Xuân Khai ở trong chùa này?

Cậu chàng tỏ ra lúng túng, mặt đỏ dần vì xấu hổ. Chả là vì nghe ông khách nói đến hai từ thi sĩ, mà thi sĩ gì lại đang ở trần, quần cộc nó kỳ làm sao nên cậu  không dám nhận. Cậu nhanh trí gợi ý:

- Dạ, thưa phải, nhưng ảnh vừa ra ngoài có tí việc, nhân thể đã đến đây, mời bác thăm cảnh chùa và đợi ảnh về.

Ông khách theo chỉ dẫn của cậu chàng; đi vãng cảnh quanh chùa. Một lát, quay trở ra ông đứng sững, mắt tròn xoe, chằm chằm nhìn chàng trai đang tươi cười tiến lại phía ông. Ông nhận ra ngay, cậu chàng quần xà lỏn, lưng trần ngồi rửa chén lúc nãy đây mà. Nhưng, giờ cậu ta khác quá,  đúng là người đẹp vì lụa. Lúc này, cậu đeo chiếc kính trắng, gọng vàng; chiếc áo màu trứng sáo bỏ trong quần, trông cậu sang trọng và lịch lãm với mái tóc chải ngược sang bên, để lộ vầng trán rộng, vẻ rất trí thức: Ông khách tươi cười đon đả:

- A  !  Thế ra cậu là Xuân Khai đấy à !

- Dạ! Là cháu đây.


Tin ở con người

Trong cuộc sống, thời nào, chế độ nào đôi khi cũng xảy ra những chuyện đáng tiếc. Chẳng hạn, mấy tháng qua, có vài trường hợp người ngồi tù oan đến hàng chục năm! Mà những trường hợp này, nếu như chính kẻ gây ra tội ác không tự thú, thì họ sẽ bị tù cho đến hết đời trong nỗi đau bất tận không một ai biết! Và hơn thế nữa, những kẻ làm án thiếu trách nhiệm; không điều tra kỹ đã tuyên án oan cho họ, vẫn được sống trong thanh thản không bị lương tâm dằn vặt. Kể cho chúng tôi nghe chuyện này, ba tôi nói thêm: “Nếu nhận xét không đúng về một con người, sẽ hại một đời người trong tương lai. Có thử lửa mới biết vàng tốt xấu, đem tiền của mới biết sang hèn”. Đó là lẽ sống trong hơn 80 năm ở trên cõi con người của cha tôi - nhà thơ Yến Lan.

Xuất thân trong một gia đình nghèo, nương nhờ tại chùa Ông của thị trấn An Nhơn, nên ba tôi có cái nhìn đời bằng lương tri và sự độ lượng của người cầm bút chịu ảnh hưởng nơi cửa Phật. Bởi vậy, bạn đồng nghiệp thường nói: “Yến Lan là một nhà thơ dị biệt”.

Vào năm 1939-1940 thi sĩ Xuân Khai đi Sài Gòn thăm ký giả Lê Tràng Kiều. Sau đó, ông đưa bạn đi thăm vợ chồng nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết… Thưở  ấy, tình bạn văn thật trong sáng, đậm tính nhân văn. Bạn văn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người cùng cảnh ngộ. Vợ chồng nữ sĩ Mộng Tuyết lâu lắm mới gặp lại Xuân Khai, muốn giữ bạn ở chơi vài tuần; nhưng lo cha già ở nhà không ai chăm nên anh xin phép về sớm. Anh ra ga xe lửa, cạnh chợ Bến Thành mua vé. Trong tay chiếc va ly nặng chịch. Tại sân ga người đi lại như mắc cửi. Chỗ quày bán vé đông nghịt, chen chúc, xô đẩy, cải nhau inh ỏi. Thi sĩ nho nhã, trí thức, chen không lại, bị đẩy lùi ra sau.

Anh nhìn quanh tìm nơi gửi va-ly. Loay hoay chưa biết thế nào, thì thấy một cảnh sát đang đi lại phía mình. Anh tới bên, năn nỉ: “Xin lỗi, tôi có thể nhờ anh cảnh sát để mắt dùm chiếc va ly, tôi chạy vào mua chiếc vé rồi ra ngay?”. Vừa dứt lời, người cảnh sát dãy nãy như đĩa phải vôi: “Chịu thôi, tôi không thể giúp được anh đâu. Đây là nơi tụ tập trộm cắp; lơ đễnh tí là va ly anh đi tong, lúc đó cười trừ, anh chịu không?”

Chữ “trộm cắp” từ miệng anh cảnh sát vừa chui vào tai thì thi sĩ sực nhớ đến chuyện ngụ ngôn của La Fontaine và anh muốn vận dụng vào trường hợp của mình để chứng minh cái Bản năng gốc của “con người”. Chính giây phút đó gợi cho thi sĩ ý tưởng táo bạo “mình sẽ gửi va-ly cho kẻ cắp giữ dùm xem sao”. Nghĩ là làm ngay, anh lại nài nỉ người cảnh sát:

- Vậy, nhờ anh chỉ dùm  tên kẻ cắp chuyên nghiệp nhất đang ở sân ga?

Nghe chàng trai nói sẽ đưa va ly cho kẻ cắp giữ dùm, người cảnh sát há hốc miệng, trừng mắt nhìn chàng trai như thể xác định kẻ đang nói với mình có vấn đề gì về thần kinh không?

Sau giây lát sau, anh cảnh sát không nhận ra dấu hiệu của kẻ tâm thần mà ngược lại anh chàng này rất lém lĩnh, đang chờ trả lời. Thế nên  anh miễn cưỡng, giơ ngón tay trỏ chỉ một thanh niên đầu tóc bùm xum, bẩn thỉu, mặt bặm trợn khó coi, đang đứng gần quày vé, nói: “Người mà anh cần, đang đứng đằng kia kìa”.

Theo tay chỉ, thi sĩ khệ nệ xách valy đến chỗ tên kẻ cắp. Tên này đang đưa đôi mắt gian xảo, đảo quanh tìm con mồi. Bỗng giật mình, quay phắc lại, hung hăng định cự nự vì bị cái vỗ vai. Cùng lúc, hắn ta nghe nói: “Anh gì ơi, tôi nhờ anh giữ dùm chiếc valy để vào mua vé. Anh cảnh sát kia nói, ở đây, chỉ có anh mới giúp được tôi việc này thôi!”

Hai từ “cảnh sát” có tác dụng với tên kẻ cắp và những từ như “trông dùm, giúp đỡ” thật mới lạ với hắn ta làm sao!? Bởi, từ trước đến giờ, chưa một ai dám nhờ hắn làm cái việc trái với nghề của hắn”. Chẳng nói chẳng rằng, hai tay hắn  khoanh trước ngực; cũng không gật, không lắc, chỉ đưa đôi mắt mệt mỏi, vẻ đói ăn nhìn ra phía trước, để người nói hiểu thế nào thì hiểu. Lúc bấy giờ, mọi người quanh đó đã biết rất rõ về hắn, thế mà có người lại nhờ hắn giữ dùm của nả?! Thấy lạ họ đưa mắt nhìn nhau, cười mỉa: “Cha này điên thật, chả đem trứng giao cho ác”.

Còn thi sĩ và kẻ cắp, nghe rõ những lời đó nhưng lờ đi. Và ngạc nhiên hơn, thi sĩ mua được vé, quay ra, tên cắp vẫn đứng tại chỗ, chiếc valy vẫn ở bên cạnh, không bị suy chuyển một milimét nào. Điều ấy, làm người thi sĩ vui lắm. Vé thì mua được rồi mà va-ly không bị mất - nghĩa là suy đoán của anh thật logic về gốc “Con người”. Có nghĩa, bấy giờ, tên kẻ cắp đã sắp xếp cho bản năng phần “Người” thắng phần “Con” trong hắn ta.

Nhận lại chiếc vali, biếu số tiền lẻ còn lại, thi sĩ vội lên tàu về quê, giữ mãi trong tâm ý nghĩ đẹp về người kẻ cắp nọ.

 

L.B.T

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com