THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: GIAN LẬN TRONG THI CỬ NGÀY XƯA - Kỳ 2: Tuồn đề thi cho thí sinh, đi thi hộ

LÊ MINH QUỐC: GIAN LẬN TRONG THI CỬ NGÀY XƯA - Kỳ 2: Tuồn đề thi cho thí sinh, đi thi hộ

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: GIAN LẬN TRONG THI CỬ NGÀY XƯA
Kỳ 1: XÓA BỎ “SINH ĐỒ BA QUAN”
Kỳ 2: Tuồn đề thi cho thí sinh, đi thi hộ
Kỳ 3: TRÁO BÀI, SỬA BÀI LÚC CHẤM THI
Tất cả các trang

2-lop-hoc-ngay-xua1R

Kỳ 2: Tuồn đề thi cho thí sinh, đi thi hộ

 

“Phép cấm không nghiêm thì không trừ được thói gian dối, chọn lọc không tinh vi thì không lấy được thực tài”, câu nói của vua Lê Hiến Tông  (1498-1504) vào năm 1499, xét ra thời nào cũng đúng.

Từ một “bạch diện thi sinh” muốn lều chõng nên danh phận thì trước hết phải qua kỳ khi khảo hạch. Đời Lê quy định, nếu lấy bừa, không đúng thực chất thì quan chức phủ doãn và hai ty Thừa, Hiến lo về giáo dục phải chịu phạt, “một tên thì phát 3 quan tiền quý, 10 tên trở lên thì phạt tội nặng”,  Lịch triều hiến chương loại chí cho biết. Sau khi sàng lọc, nhằm loại bỏ những ai không đủ khả năng, các thí sinh còn lại được lều chõng thi Hương.

Ngày ấy, trường thi ra làm sao? Theo tài liệu của cụ Trần Văn Giáp: “Bốn phía ngoài cùng trường thi thì rào tre nứa thật kín, trong trường chia làm bốn phần. Phần thứ nhất ở trong cùng là nơi làm việc của quan đồng khảo, phúc khảo và giám khảo. Kế tiếp là nơi làm việc của  quan đề hiệu giám thi và các vị quan có trách nhiệm khác. Hai khu này được cách biệt bằng một rào phên kín đáo. Tiếp nữa là nơi thí sinh vào dự thi, cũng được chia dọc làm hai bằng những rào nứa thưa. Như vậy từ trên cao nhìn xuống ta sẽ thấy có con đường hình chữ thập. Giữa con đường này, người ta lại làm thêm một cái chòi tre để thu bài làm của thí sinh gọi là nhà Thập đạo. Trong phần đất của mình, các thi sinh tự cắm lều và nằm rạp xuống chõng mà làm bài” ((Tạp chí Tri Tân số 15.2.1944).

Trước ngày thi, các giám quan còn phải khám xét trong khu vực thi của thí sinh cắm lều, có chôn giấu sách vở gì không... Theo lệ thời nhà Lê, nếu ai đem những bản sao chép văn chương, sách vở hoặc đi thi hộ người khác thì bị bắt đem xét hỏi - những kẻ phạm tội kể trên phải sung quân ở bản phủ 3 năm và suốt đời không được đi thi. Những giám quan mà không minh chính, không làm tròn phận sự thì bị giáng chức. Lệ này, đến thời nhà Nguyễn vẫn không thay đổi, dù hình phạt có khác. Thế nhưng, dù nghiêm ngặt cách mấy cũng không thể loại trừ được những trường hợp vi phạm.

Chẳng hạn, khoa thi năm 1717, Nguyễn Quý Thành - giám khảo trường thi Hương Phụng Thiên đã tuồn đề thi ra ngoài, sự việc phát giác, bị bãi chức. Còn có thêm sự tệ hại gian dối nữa còn do cách ra đề thi. Theo Phan Huy Chú, suốt thời gian dài, hết khoa thi này đến khoa thi nọ “Quan trường ra đề dùng tứ thư, sử, tứ lục, độ hơn 10 bài; phú độ 5, 3 bài, đầu đề đặt sẳn không có gì thay đổi, gọi là “sử thư”. Bọn học giả phần nhiều làm bài sẵn đem bán. Học trò đi thi, trước hết hỏi mua lấy những bài học ấy học thuộc lòng, hoặc giấu đem vào trường, cứ thế mà viết. Quan chấm trường cứ theo văn mà lấy đỗ, trùng kiến cũng mặc, cho nên sự mang sách vào trường hay mượn người làm thay dẫu có ngăn cấm, mà người đỗ vẫn không có thực tài”. Hiện tượng “Bọn học giả phần nhiều làm bài sẵn đem bán”, khiến chúng ta lại nhớ đến các loại “sách mẫu”, “bài thi mẫu” cũng bày bán công khai, phổ biến trước các kỳ thi hiện nay.

Có một điều lý thú, dù đã có kết quả thi nhưng nếu dư luận xì xào, biếm nhẽ cười cợt do thi cử không nghiêm, lập tức triều đình cho tổ chức thi lại. Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn còn ghi lại sự việc: “Trước đây, hương cống chưa bao giờ phải thi lại. Năm 1726, Nguyễn Công Đài, Bạo quận công, có tờ khải là khoa này lấy đỗ phần nhiều nhũng lạm nên triều đình bắt thi lại ở bến sông bằng một bài văn sách, đánh hỏng 17 người kém quá, lúc ấy con trai thượng thư Lê Anh Tuấn và con thiếu bảo Đỗ Bá Phẩm đều không hợp cách. Năm 1747, vì dị nghị sĩ     tử sôi nổi nên hạ lệnh thi lại, đánh hỏng hơn 10 người…. Vì khảo hạch không tinh tường nên đề điệu và giám thí ở trường thi và các xứ bị giáng chức hoặc bị phạt”.

Dù trước lúc thí sinh vào trường thi, thời nhà Lê, có lệ xã trưởng phải đích thân nhận mặt có đúng người hay kẻ khác thay thế, thi hộ. Vậy mà sự tệ hại này vẫn xẩy ra. Năm 1645, Hồ Sĩ Dương thi Hương đỗ đầu. Nhưng năm 1648, ông lại đi thi hộ người khác. Sự việc phát giác, ông bị sung quân ngũ mấy năm, đánh tuột cả học vị Hương cống đang có, vì thế ba năm sau, ông lại phải thi Hương lần nữa; hoặc có thí sinh bị cấm thi trong nhiều năm v.v…

Trong Nam, có trường hợp Tôn Thọ Tường. Kỳ thi Hương năm 1858, trong đám học trò con nhà quyền quý mà dốt nát có kẻ đã mướn Tôn thi hộ. Không rõ Tôn nhận lời vì nghèo túng, muốn kiếm tiền bằng cách đó hay chơi ngông. Nhưng rồi sự việc bị bại lộ, Tôn bị bắt giải về kinh để đợi ngày nhà vua xét tội. Trên đường đi ra Huế, Tôn làm bài thơ than thở, có câu: “Vì nhà túng rối nên quyền biến/ Phép nước răn he há dám khinh”. Vua Tự Đức thương tình tha tội.

Trường hợp của Phan Bội Câu lại khác. Ngay từ nhỏ, cụ Phan có tên là Phan Văn San, nổi tiếng là thần đồng. Mới 16 tuổi, cụ đã đỗ đầu xứ trong kỳ thi hạch tuyển thí sinh ở trường thi Nghệ An. Với học lực này, ai cũng tin cụ sẽ dễ dàng đỗ đầu khoa thi Hương năm 1897. Oái oăm thay, trước lúc vào thi có người bạn lén bỏ vào tráp của cụ mấy quyển sách để tiện tra cứu khi làm bài. Cụ hoàn toàn không biết chuyện này.

Do đó, khi vào thi, người lính gác đã soát lều chõng và tráp của cụ, cụ bực mình nói xẵng: “Ta đã đậu đầu xứ ở tỉnh Nghệ, đời nào ta lại thèm mang sách vào”. Người lính vẫn cứ làm theo quy định chung. Nào ngờ trong tráp của cụ đã có kẻ lén bỏ sách vào thật! Cụ điếng người. Trước sự chứng kiến đông người, cụ đã bị hội đồng thi kết tội “Hoài hiệp văn tự” (mang theo sách vở) với án “Chung thân bất đắc ứng thí” (trọn đời không được đi thi).

Trước nỗi oan này, không những sĩ tử mà ngay cả thầy Nguyễn Thức Tự - người dạy Phan Bội Châu- cũng tặc lưỡi than: “Kỳ oan nan bạch” (Oan khúc lạ lùng, khó mà biện bạch cho được). Để biện minh cho sự trong sạch của mình, cụ lặn lội vào kinh đô Huế để tìm cơ hội giải oan. Do cảm phục tài năng của cụ nên Tế tửu Quốc tử giám là Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh một số quan lại đã vận động triều Nguyễn xóa án này. Khoa thi năm 1900, cụ đổi tên Phan Bội Châu và ra ứng thí đã đỗ Giải nguyên.

L.M.Q

(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 24.7.2018)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com