THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Vài góp ý về sách giáo khoa môn lịch sử - 2. NHỮNG SAI SÓT CẦN CHỈNH SỬA

LÊ MINH QUỐC: Vài góp ý về sách giáo khoa môn lịch sử - 2. NHỮNG SAI SÓT CẦN CHỈNH SỬA

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: Vài góp ý về sách giáo khoa môn lịch sử
1. CẤU TRÚC KHÔNG HỢP LÝ
2. NHỮNG SAI SÓT CẦN CHỈNH SỬA
3. THỬ ĐƯA RA MỘT GIẢI PHÁP
Tất cả các trang

2. NHỮNG SAI SÓT CẦN CHỈNH SỬA

Lâu nay, ta vẫn quan niệm SGK là pháp lệnh, không thể sai sót nhưng các bộ sách dành cho HS hiện nay chưa đạt đến chuẩn mực mà chúng ta mong muốn. Thứ nhất, điều đáng phàn nàn nhất vẫn là văn phong hành chánh của nhóm biên soạn. Chẳng hạn, về sự hy sinh lẫm liệt của Hai Bà Trưng, lâu nay ta vẫn nhớ đến hình ảnh hào hùng, bi tráng Hai Bà gieo mình xuống dòng Hát Giang. Nay HS được tiếp nhận bằng văn phong khô khốc, lạnh lùng “đã hy sinh oanh liệt trên đất Cẩm Khê” (SGK 6)! Thậm chí, chỉ là “Hai Bà Trưng hy sinh” (SGK 10)!

Đọc SGK nhưng ta lại có cảm giác như đọc một bản báo cáo chính trị. Thử liệt kê theo SGK 7 khi đánh giá về nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: nhân dân có lòng yêu nước, bất khuất, quyết tâm giành độc lập, đoàn kết, có đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo của bộ tham mưu đứng đầu, biết dựa vào dân, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giải phóng đất nước... (trang 93). Với “mô hình” đánh giá rất chung chung này, chỉ cần thay đổi một số từ là có thể áp dụng cho các cuộc khởi nghĩa khác. Đơn cử, khi đánh giá về phong trào Tây Sơn, ta vẫn thấy SGK lặp lại những “gạch đầu dòng” ấy (tr. 131)!

Dù dài dòng, nhưng với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, SGK vẫn không nêu được, đã bỏ sót tư tưởng chiến lược và sách lược của nhà tư tưởng, nhà biện luận thiên tài Nguyễn Trãi: “mưu phạt tâm công”. Nó sẽ lý giải vì sao không tương quan lực lượng, nhưng nghĩa quân Lam Sơn đã giành được thắng lợi cuối cùng. Có phân tích được thì sau này học về giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, HS mới hiểu rõ hơn nữa về sự sáng tạo của Đảng Cộng sản VN trong thời đại mới đã kế thừa, nâng cao và hoàn thiện hơn nữa chiến lược đó như thế nào.

Lịch sử là sự vận động, một sự tiếp nối không ngừng, chứ không phải những “lát cắt” biệt lập. Tương tự, trong phần học về “Thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm 1976- 1980”, SGK 10 đã không phân tích sự hạn chế, sai lầm khi chúng ta thực hiện công cuộc cải tạo công thương nghiệp trong quá trình xây dựng XHCN. Trong khi đó, Văn kiện ĐH đại biểu toàn quốc lần VI đã nêu rõ “sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện” thì SGK lại né tránh. Như thế khi học đến học về công cuộc Đổi mới từ Đại Hội VI, làm sao HS có thể thấy hết ý nghĩa quyết tâm Đổi mới của Đảng để nâng cao nhận thức của mình?

Không chỉ với văn phong khô khan và liệt kê con số mà SGK còn bộc lộ những bất cập khác. Xin đơn cử từ SGK 7: Thời nhà Lê “Đa số dân đều có thể đi học, đi thi trừ những kẻ phạm tội và làm nghề ca hát”, những hạng người trên chỉ  cấm đi thi chứ không cấm đi học, lệ này bãi bỏ dưới thời vua Lê Dụ Tông, chứ không phải áp dụng xuyên suốt thời nhà Lê; “Nguyễn Hoàng được cử vào trấn thủ Thuận Hóa, Quảng Nam”, do Nguyễn Hoàng sợ Trịnh Kiểm ám hại nên xin chúa Trịnh đi, “cao chạy xa bay” chứ chả “được cử” gì ở đây cả v.v...

SGK 8: “Cho đến năm 1919, Pháp vẫn duy trì chế độ giáo dục thời phong kiến”. Thưa, năm 1915: khoa thi  Hương cuối cùng ở Bắc kỳ, năm 1918: khoa thi hương cuối cùng ở Trung kỳ, rồi ngày 21.12.1917 Toàn quyền Đông Dương A. Sarraut đã ra Nghị định ban hành Quy chế chung về ngành giáo dục ở Đông Dương thì “vẫn duy trì” cái gì nữa?; “Tháng 3. 1909, Phan Bội Châu buộc phải rời khỏi Nhật Bản. Phong trào Đông Du tan rã. Hội Duy tân ngưng hoạt động”, mãi đến đầu tháng 2.1912 cụ Phan cùng các đồng chí mới quyết định cải tổ Hội Duy tân thành Việt Nam Quang phục Hội kia mà.

SGK 10: “Bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu là bộ sử chính thống của nhà nước được biên soạn” lẽ ra phải cho HS biết đây là “bộ quốc sử đầu tiên của nước ta”; chỉ từ thế kỷ XVI - XVIII “Kinh nghiệm “Nước - phân - cần - giống” được đúc kết qua sản xuất”, vậy hóa ra trước đó nhà nông ta chưa có kinh nghiệm này? Vô lý! “Thời Trần suy vong, Tể tướng Hồ Quý Ly thực hiện cuộc cải cách lớn”, thời Trần không gọi Tể tướng, với cương vị tương đương phải gọi đúng tên là “Phụ chính thái sư nhiếp chính Hồ Quý Ly”; “bộ sử thi bằng chữ Nôm Thiên Nam ngữ lục”, không phải sử thi đây là tập diễn ca lịch sử Việt Nam; “về y học có bộ sách y dược của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác”, phải gọi đúng tên “Hải Thượng y tôn tâm lĩnh”...

SGK 12: “Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt tại Thượng Hải (TQ), kết án tù rồi đưa về an trí ở Huế”. Thưa, Pháp kết án tù cụ Phan ở Thượng Hải hay tại Hà Nội? “Một số đảng chính trị như Việt Nam nghĩa đoàn, Hội Phục Việt, Đảng Thanh niên (đại biểu là... Nguyễn An Ninh v.v...)”. Thưa, Nguyễn An Ninh không liên quan gì đến các tổ chức trên.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com