TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định NHÀ THƠ LÊ MINH QUỐC ĐÃ RÚT VÀO LÀM THƠ BÍ MẬT?

NHÀ THƠ LÊ MINH QUỐC ĐÃ RÚT VÀO LÀM THƠ BÍ MẬT?

 

leminhquocnguen_van_uybnaLê Minh Quốc & Nguyễn Văn Xuân (ảnh: Đoàn Thạch Biền)

 

NHÀ THƠ LÊ MINH QUỐC ĐÃ RÚT VÀO LÀM THƠ BÍ MẬT?

 

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Hai năm 1998-1999 tôi phụ trách mục “Hộp thư Văn nghệ” cho báo Tiền Phong, trả lời thư bạn đọc hỏi về văn nghệ sĩ. Có nhiều câu hỏi hay, cũng nhiều câu hỏi khó… Muốn trả lời thỏa đáng những câu hỏi khó của bạn đọc, tôi phải đọc thêm, hỏi thêm nhân vật, và đặc biệt là lục tìm trong trí nhớ những kỷ niệm của mình với họ. Hàng trăm câu hỏi đã được trả lời, trong đó có câu hỏi về nhà thơ Lê Minh Quốc dưới đây:

HỎI: Cách đây 4 năm, có người phê phán một số câu thơ “nhục cảm” trong tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi” của Lê Minh Quốc, và tôi đã tìm đọc tập thơ ấy. Tuy có những câu thơ đọc lên hơi bị ngượng, nhưng toàn tập đã gieo vào tôi ấn tượng về một giọng thơ phóng túng. Từ đó đến nay tôi không được đọc tập thơ nào của Lê Minh Quốc nữa. Có phải do bị phê phán mà nhà thơ đã rút vào “làm thơ bí mật”? Tôi muốn tò mò một chút về đời riêng của nhà thơ này. Tiền Phong có hỏi giùm được không? (Phan Hoàng Anh – Giáo viên Văn – Đại học Sư phạm Hà Nội).

NGUYỄN TRỌNG TẠO:

Tôi may mắn có trong tay tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi” mà Phan Hoàng Anh nhắc tới. Quả đúng là một tập thơ có ấn tượng về giọng điệu, không lẫn vào các tập thơ của những người khác. Phóng túng như một người đi xe hết tốc độ, và dân chủ như một kẻ chỉ biết nói theo ngôn ngữ của riêng mình giữa đám đông. Với sự tự tin của một người trẻ, có lúc anh đã thốt lên: “Thượng Đế là đứa trẻ khóc ngu ngơ”. Một con người bạo gan như thế mà làm thơ tình, lại hướng về tình dục thì hẳn sẽ làm cho người ta “dễ sợ” kể cũng không có gì là lạ. Tất nhiên, sau khi bị phê phán, Quốc cho tôi biết là anh vẫn làm thơ nhưng “làm sao cho người ta dễ chấp nhận hơn”. Do có câu hỏi của Hoàng Anh mà Quốc đã tiết lộ với tôi qua điện thoại là sắp tới anh sẽ cho in một tập thơ tình mới, rất đời, vì anh là người đang yêu (nay Quốc đang bước vào tuổi 40, mà vẫn “lính phòng không”).

Trong lúc đang chờ để in tập thơ mới, Lê Minh Quốc đã cho ra mắt tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc” (in chung với Đoàn Tuấn – Nhà xuất bản Văn học,1997). Đây là tập thơ của hai người lính trực tiếp tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam hồi 79-80. Đọc thơ các anh ngỡ gặp lại những người lính bằng xương bằng thịt thuở nào. Đấy là thơ làm bằng cảm xúc thật. Nhưng giọng thì vẫn giọng ngang tàng phóng túng bẩm sinh. Thật dễ thông cảm khi đọc những câu thơ như tế này của Lê Minh Quốc: “Đừng trách câu thơ chổng chểnh / Bởi rừng trăm lối quềnh quàng / Bước đi nhói đau xuệch xoạng / Chúng tôi xuống núi lên ngàn”.

Theo hồi ký của Đoàn Tuấn, bạn chiến đấu và là bạn thơ của Quốc, thì thời còn ở lính, Quốc là người có cá tính mạnh, hay kể tiếu lâm nhưng khi làm quản lý đơn vị (tay hòm tay chìa khóa) thì rất chuẩn. Và cũng lắm lần hút chết. Tôi xin trích lời Tuấn: “Và đến lượt Lê Minh Quốc, cái chết không buông tha. Một sáng đi tuần, chàng trai của thành phố Đà Nẵng đi đầu, vấp ngay phải quả mìn của địch. Nghe “tạch” một cái, mọi người chưa kịp nằm xuống thì quả mìn đã nảy ngang người Quốc. Nhưng nó không nổ mà rơi bịch xuống đất. Sau phút hoàn hồn, Quốc nhặt quả mìn lên. Thì ra quả mìn bị tra kíp ngược. Nhân mỉm cười nói: “Mẹ kiếp, chắc thằng ôn dịch là lính mới nên mới tra kíp ngược. Nhưng nhờ thế mà thằng Quốc được nếm mùi cảm giác sang thế giới bên kia…”

Sau khi rời quân ngũ, Quốc trở về tiếp tục học Đại học Văn khoa ở Thành phố Hồ Chí Minh rồi làm phóng viên cho tờ “Phụ nữ Thành phố HCM”. Chỉ trong vòng mười năm, Lê Minh Quốc đã cho xuất bản hơn chục đầu sách gồm thơ, truyện dài, tiểu thuyết, truyện lịch sử, truyện thiếu nhi, truyện cười dân gian hiện đại và hàng loạt bài báo ngắn dài.

Có điều lạ là thơ tình của Quốc, nhiều và “dữ dội” như thế mà anh vẫn sống “một mình với mẹ”. Chiều tính “tò mò” của Hoàng Anh, tôi đã điện thoại hỏi Quốc sao chưa chịu cưới vợ. Vẫn cái giọng của một người giữ mục tiếu lâm, anh nhờ tôi nhắn với Hoàng Anh rằng: “Quốc sợ cưới cô này thì làm buồn lòng nhiều cô khác”.

N.T.T

(nguồn: báo Tiền Phong số 18.9.1998 & Nguyễn Trọng Tạo – Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ – NXB Hội Nhà Văn – 2001)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com