TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định ĐOÀN TUẤN: LÊ MINH QUỐC - THƠ ĐẦY CÁNH VÕNG

ĐOÀN TUẤN: LÊ MINH QUỐC - THƠ ĐẦY CÁNH VÕNG

 

mua-chinh-chien-ay-bia2Rweb

 

Đó là võng của Lê Minh Quốc. Một hôm, tôi sang chỗ Quốc chơi. Y đi đâu mà để võng treo toòng teng thế này? Thôi cứ nằm chờ, đợi Quốc về. Nhưng vừa ngồi vào võng, định ngả mình, tôi thấy lạ. Nhìn vào đầu võng, thấy toàn thơ là thơ. Nhìn xuống giữa võng, cũng thấy toàn thơ Quốc viết. Đầu kia cũng vậy. Hắn viết bằng bút bi nên chữ không nhòe, rất rõ. Tôi lật mặt kia của võng lên xem, lại cũng thơ Quốc viết đầy. Cái anh chàng này không có giấy hay sao mà phải viết thơ lên võng thế này?

Tôi ngả mình, định đọc. Nhưng cái màu xanh của võng, của chữ cứ tràn vào mắt, không thể đọc tiếp. Bài nọ nối bài kia. Có mấy bài đóng khung trang trọng. Còn thì tràn ra khắp võng. Tôi định nằm mà không dám. Ai lại nằm lên chữ. Ngồi càng không, vì Quốc đã viết đầy cả ra chỗ ngồi. Y này điên thật. Cuồng chữ hay sao? Chữ Quốc khá rắn rỏi, rõ ràng. Cũng có lúc Quốc chê chữ mình, nhọn như hàng rào. Nhưng tôi thấy chữ Quốc rất có duyên, nhất là những nét móc, cong cong rất điệu đàng, ra dáng nghệ sỹ.

Cả sư đoàn mấy ngàn người lính, hay thậm chí ngay ở Anlong Veng này, đi phối thuộc cùng tiểu đoàn tôi, nào lính trung đoàn (thông tin, trinh sát, vận tải,...), nào lính sư đoàn (trinh sát, vận tải, công binh,...), nào lính quân khu, binh chủng (không quân, tăng - thiết giáp,...), nhưng tôi cũng chưa thấy ai say mê chữ nghĩa như Quốc. Thật lạ lùng, lính Đà Nẵng cũng có nhiều trong đơn vị, nhưng Quốc có vẻ đặc biệt. Không hầm hố liều lĩnh như Lâm “gù”, không ngang tàng như Võ Đình Chiến, không ủ ê rầu rĩ như Mai “sầu”, không ngoan ngoãn như Trần Tuấn Bảo, không to con như Trần Viết Hường, không đẹp trai như Lai báo vụ E, song ở Quốc, toát lên vẻ chữ nghĩa đầy mình. Mặc dù Quốc gầy nhẳng, nhưng bộ khung xương khá to nên nhìn không thấy yếu lính.

Những bài thơ ấy, Quốc viết gì? Tôi ngửi thấy từ cánh võng bốc lên tầng tầng lớp lớp bụi đỏ dọc những con đường xuyên qua Mondulkiri, xuyên qua Ratanakiri. Tôi cảm thấy mùa mưa Tây Nguyên ầm ào đâu đây. “Con suối Đắc Đam đã trở thành kỷ niệm/ Ai thương tôi ngày mưa chiều cuối năm?”. Rồi những mùa khô cao nguyên, mênh mang trời đất, nồng nàn tuổi trẻ. Đêm nào Quốc trốn gác, vào xem mấy em Ê-đê, Bana để ngực trần giã gạo? Những bầu vú mập tròn cong vút núng nính dưới trăng? Thơ Quốc viết về lần đào ngũ vì nhớ Đà Nẵng, nhớ người yêu. Khi lên đơn vị, có mẹ đi cùng. Mẹ giao Quốc lại cho đơn vị. Thơ Quốc viết về cuộc chia tay một thằng bạn: “Giã từ mày nhé, Đăng Lâm/ Mùa mưa năm ấy mưa dầm An Lung”. Thơ Quốc viết có đôi giày há mõm, mòn vẹt:  “Một ngày đi ba mươi cây số chưa được nghỉ”. Thơ Quốc viết về nỗi buồn lính chiến:  “Nửa đêm thức dậy nhớ nhà/ Bỗng ôm mặt khóc như là trẻ con?/ Campuchia nhớ mỏi mòn/ Nhớ thương trong tận đáy hồn viễn chinh”.

Tôi giở võng Quốc, cầm võng Quốc đọc như mở trang báo giữa rừng, thơ Quốc thấm vào tôi những lời nhắn gửi lắng sâu: “Em ở nơi xa làm sao biết được/ Nghĩa địa An-lung trong huyện Choăm-Ksan/ Người chết rồi còn lắm nỗi gian nan/ Một quả mìn cho hai lần được chết...”. Tôi đã đọc, đã thuộc ở võng rất nhiều, rất nhiều những vần thơ trận mạc của Quốc.

Một người lính như thế, nhỡ chết đi thì tiếc biết bao! Quốc không bao giờ nói, rằng mình đã làm thơ từ tuổi hoa niên, với rất nhiều thơ thiếu nhi đăng trên báo Sài Gòn trước 75. Có lẽ Quốc sợ cán bộ chính trị và anh em nghi kỵ, rằng mình đã công tác với chế độ cũ hay sao mà giai đoạn tinh khôi, trong sáng ấy ít được Quốc kể? Mà kể ra làm gì? Khi xung quanh lính tráng chết đầy, khi xung quanh anh em đang vào sinh ra tử? Mà kể ra làm gì, khi ký ức tuổi thơ non xanh ấy có làm dịu không khí sắt thép đầy mùi thuốc súng của chiến trận?

Và có lần, Quốc đã suýt chết. Ấy là một buổi sáng, Quốc cùng Nhân, Á, Hạnh đi tuần. Đi ngay trên con đường mòn gần đơn vị. Con đường này, hàng ngày chúng tôi vẫn đi qua, để lên Cam- tuất gùi đạn, gùi gạo. Quốc phải ra đường sớm. Đi kiểm tra xem có mìn không? Có địch phục không? Đang đi, Quốc vấp mìn. Nghe tách một cái, trái mìn bay lên ngang người Quốc, rơi bịch xuống. Quốc và Nhân đi gần nhau. Cả hai bị bất ngờ, vội lăn ra. Mặt tái xanh. Tim đứng lặng. Chờ nghe mìn nổ. Nhưng mãi không thấy. Hai tên bò dậy, thấy quả KP2 xanh lè, nằm ngay bên mình. Còn nguyên. Nhìn kỹ, thì ra quả mìn bị cài kíp ngược. Chắc thằng địch cài mìn vội vàng, nên đặt lộn kíp. Nếu nó đặt đúng, thì Quốc tiêu đời rồi. Trưa hôm ấy, tôi sang chỗ Quốc chơi. Quốc vẫn lặng im. Chắc chưa kịp hoàn hồn. Quốc còn sống, chắc nhờ âm phần che chở.

Nhưng trong chiến tranh, được nếm mùi sém chết, cũng là một hạnh phúc, đúng không? Để mình được nhìn mình, vừa đi qua ranh giới sự sống và cái chết thế nào? Và được nhìn bóng dáng thần chết lướt qua mình ra sao? Để mình được sống, trở về, nhìn mọi chuyện trên đời bằng con mắt bao dung, bình dị. Quý giá nhất, đó là được tiếp tục học hành, là được tự mình làm công việc mình yêu thích, đúng không? Và nữa, là được yêu, được che chở cho một gương mặt xinh xắn, một mái tóc mềm nép vào ngực mình. Vậy thôi. Còn những chuyện khác, như gió, như mây. Tự đến rồi tự đi.

Cái võng ấy, tiếc thật, không biết Quốc còn giữ được không? Và không biết Quốc có giặt không? Những dòng chữ ấy, những bài thơ ấy là minh chứng vĩ đại cho trái tim trinh nguyên của người lính tình nguyện. Một vẻ đẹp bất tử. Nếu chiếc võng ấy rơi vào tay địch, dù không biết chữ, nhưng tôi tin, kẻ địch chắc phải nhìn lại và nghĩ lại về người lính Việt Nam. Không cần tuyên ngôn này nọ, không cần pháo lớn súng to, chỉ cần chiếc võng đầy thơ cũng đủ khiến bọn địch kinh hãi. Nhưng chiếc võng ấy, vẫn treo toòng teng giữa rừng Anlong Veng. Mỏng manh. Thầm lặng. Dẫu chỉ mang đủ một người, nhưng có sức nặng biết bao nhiêu. Như một vầng trăng xanh giữa khói lửa chiến trường. Như một nhịp cầu nối nơi đây với thế giới bên ngoài. Và con người Việt Nam, ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ thời điểm nào, cũng có những người, như nhân chứng, như thư ký trung thành của thời đại, ghi lại những câu chuyện bằng văn thơ về năm tháng ấy, tại cánh rừng ấy, chúng tôi đã sống và chiến đấu như thế. Họ tìm mọi cách để kể. Như cách của Quốc. Khi đó, một chiếc võng không chỉ là một chiếc võng nữa, nó còn là minh chứng cho giá trị vô song của tâm hồn người lính.


Đoàn Tuấn

(nguồn: Mùa chinh chiến ấy - NXB Trẻ - 2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com