BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Nấu sử xôi kinh

LÊ MINH QUỐC: Nấu sử xôi kinh

 

nausuxoikinh-ttc-1R

 

 

Trong truyện thơ Lục Vân Tiên, cụ Đồ Chiểu viết: “Theo thầy nấu sử xôi kinh/ Tháng ngày bao quản sân Trình lao đao”. Thành ngữ “Nấu sử xôi kinh” cũng được ghi nhận “Xôi kinh nấu sử”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khắc Thuần: “Nguyên nghĩa, sử là Bắc sử, tức sử Trung Hoa, kinh là những tác phẩm cùa Nho học. Về sau, tuy không phải chỉ học kinh và sử, thậm chí không học kinh và sử nữa, người ta vẫn dùng thành ngữ Nấu sử xôi kinh để chỉ sự cần mẫn học hành” (Từ điển truyện Lục Vân Tiên, NXB TP.HCM-1989, tr. 221).

 

Tuy nhiên, thành ngữ trên khi khảo sát qua nhiều văn bản, ta thấy cách ghi “xôi/sôi” không thống nhất.

 

Khi đun nóng đến một nhiệt độ nhất định, chất lỏng có biểu hiện sủi bọt và bốc hơi, gọi là sôi/ nước sôi. Đại từ điển tiếng Việt ghi nhận Nấu sử sôi kinh là hiểu theo nghĩa trên. Theo chúng tôi, phải là “xôi” thì mới đúng theo ngữ cảnh đang bàn.

 

Xôi là gì? Hoàn toàn không liên quan gì đến từ đồng âm trong các thành ngữ, tục ngữ Xôi hỏng bỏng không, Ăn mày đòi xôi gấc, Cố đấm ăn xôi… Nó còn có thêm nghĩa khác, Tầm nguyên tự điển của Lê Ngọc Trụ, giải thích: “Xôi: nấu nếp cách thủy”. Với nghĩa này, theo Đại Nam quấc âm tự vị (1895): “Lấy hơi nước sôi mà làm cho chín; nếp đã nấu chín bằng cách ấy”. Ca dao có câu: “Em đang vút nếp xôi xôi/ Nghe anh có vợ, thúng trôi nếp chìm”. “Xôi” còn gọi là “đồ” theo cách nói của người miền Bắc.

 

Xét về cấu trúc của Nấu sử xôi kinh, ta thấy đây là một câu tiểu đối: Nấu - xôi (động từ) và sử - kinh (danh từ) cùng chỉ một động tác/ thao tác cho cả một quá trình đang diễn ra. Cấu trúc ngữ pháp này tương tự Mưa thuận, gió hòa; Mũi tên, hòn đạn; Ngậm đắng, nuốt cay; Chó treo, mèo đậy; Sống tết, chết giỗ v.v… Ở đây, nấu sử và xôi kinh cũng đều là nấu/ đồ/ thổi/ xôi từ trạng thái đang “sống” chuyển qua “chín”. Hiểu theo nghĩa bóng là đang i tờ it, ù ù cạc cạc, nhớ nhớ quên quên, “Chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ thành chữ quá” chuyển qua học thuộc/ thuộc làu làu, thông thạo kinh sử, tức sức học đã “chín”.

 

Cấu trúc Nấu sử sôi kinh không hợp lý ở chỗ: “nấu sử” chỉ mới là động tác, chưa rõ kết quả, chẳng hạn, Tú Xương có câu thơ: “Học đã xôi kinh nhưng chửa chín”, dứt khoác nó không thể đối xứng với “sôi kinh” là trạng thái đã hoàn thành. Xin nhớ rằng, còn có câu đồng nghĩa với Nấu sử xôi kinh là Dùi mài kinh sử. Dùi và mài cùng chỉ một động tác làm cho thủng (dùi), làm cho nhẵn, cho mòn (mài); hiểu theo nghĩa bóng là miệt mài, cần cù, cần mẫn, chăm chỉ, kiên nhẫn học hành cho tinh thông.

 

Từ “xôi” nhảy phắt một phát qua “sôi” cũng là điều dễ hiểu. Do từ “xôi” trải theo thời gian đã mờ nghĩa, do đó, khi sử dụng người ta có thói quen thay thế bằng từ khác - từ “sôi” đang quen thuộc mà cũng phổ biến hơn. Có thể nêu thêm dẫn chứng, chẳng hạn Giả mù pha mưa/ Giả mù sa mưa; trả nủa/ trả đũa; Bầu dục chấm mắm cáy/ Dùi đục chấm mắm cáy; Ra môn ra khoai/ Ra ngô ra khoai v.v…

 

Cùng âm “sờ/ xờ” nhưng có trường hợp không dễ phân biệt.

 

Ví dụ, từ xới và sới. "Bỏ xới mà đi” theo nghĩa xưa là do nói trạnh từ “xứ” nhằm chỉ nơi chốn, cũng ngụ ý quê hương. Ngoài ra, Từ điển chính tả tiếng Việt (NXB Giáo Dục - 1977)  của Nguyển Như Ý - Nguyễn Việt Hùng còn liệt kê: xới cơm, xới gốc, xới xáo/ bán xới, bỏ xới, cuốc xới, đào xới, vun xới (tr.301).

 

Nhưng sới là gì? Từ thập niên 1970, khi viết Phong lưu cũ mới (NXB TP.HCM tái bản năm 1991), nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển đã phân vân khi trong Nam gọi nơi chọi gà/ đá gà là trường gà thì ngoài Bắc dùng từ xới/ sới. “Cả hai danh từ, tôi tra từ điển không gặp và không biết từ nào đúng” (tr.183). Đại từ điển tiếng Việt (1999) đã ghi nhận và giải thích: “Sới khoảng đất làm nơi đấu vật, chọi gà trong ngày hội - thả gà chọi ra giữa sới”. Cái sới này, tức trường gà, theo cụ Sển: “Đây là cuộc đất dọn thật kỹ, nện dẽ khắt, bằng phẳng còn hơn mặt ván gõ, chung quanh có chỗ cũng sắp ghế ngồi, có chỗ xính xái” (SĐD, tr.206).  

 

L.M.Q

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ  Cười ngày 1.8.2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com