THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Thèm bóng cây xanh

LÊ MINH QUỐC: Thèm bóng cây xanh

 

them-bong-cay-xanh-1-R

Thuở nhỏ, tôi sống ở Đà Nẵng. Dọc đường đi học thuở ấy, hai bên vỉa hè đều có trồng cây kiền kiền, thân cao lớn, tàn lá rộng, che râm mát cả con đường; đặc biệt loại cây này có hoa xòe ra bốn cánh trông ngộ nghĩnh. Ngoài ra, còn có khá nhiều cây phượng, cây bã đậu. cây trứng cá... Mùa hè đến, những con đường Thống Nhất, Lê Lợi, Đống Đa, Nguyễn Thị Giang... tiếng ve kêu râm ran như bản hòa tấu kỳ diệu của thiên nhiên làm say đắm lòng người. Không riêng gì Đà Nẵng mà tại Hội An cũng chuộng loại cây này, được trồng nhiều trên các đường phố. Gần đây, khi mở rộng đường Thống Nhất (Lê Duẩn), hàng cây kiền kiền cổ thụ dọc hai bên đường đã bị chặt bỏ. Riêng Hội An, vẫn còn.

Rồi có thời gian, không hiểu do tư vấn của ai, trên các tuyến đường như Nguyễn Văn Linh, Phan Thanh, Hoàng  Diệu... ở Đà Nẵng đồng loạt được trồng cây hoa sữa! Dù hương của loài hoa này đã từng ngao du, lang thang trong ca từ âm nhạc với những nồng nàn, da diết, say đắm: “Ta còn em mùi hoa sữa/ Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ/ Ai đã chờ ai, tóc xõa vai người” *.  Nhưng rồi người dân cũng than phiền. Bấy giờ, bác sĩ Trần Văn Nhật - Giám đốc Trung tâm y học dự phòng TP Đà Nẵng cho biết: “Hương hoa sữa không gây độc hại gì, tuy nhiên nó gây khó chịu, nhức đầu và có thể dẫn đến mất ngủ”.

Thế là thiên hạ loay hoay tìm trồng lại cây khác.

Sài Gòn- thành phố phương Nam chói chang nắng ấm. Mỗi ngày, nhất là trưa nắng gắt, mới thấy bóng cây xanh thân thiện, cần thiết lắm. Dừng xe ở ngã tư đường, đứng dưới tán xanh, thỉnh thoảng có cơn gió thổi nhẹ nhàng đến, tự dưng cảm thấy mệt nhọc tan biến. Những loại cây đã trồng trước đây, nay già cỗi, hễ mưa bão là có tai nạn. Cần phải trồng cây mới. Cây gì?

Trước kia, có lần loại cây được chọn là cây cau. Quả nhiên, dọc đường từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm nội thành, đã thấy cau mọc lên xanh ngắt. Chỉ một thời gian sau, do không chịu nổi khói bụi mịt mù, cũng có thể do sự chăm sóc không chu đáo, hàng loạt cây cau “ngã bóng tà dương”, dần dần cằn cỗi và… biến mất trên đường phố.

Thế là thiên hạ loay hoay tìm trồng lại cây khác

Nay, lại có thông tin đề xuất cho trồng cây dừa. Trong tâm thức của người Việt khi nghe đến cây dừa, đã dành nhiều thiện cảm. Ai lại không nhớ đến ca từ nổi tiếng: “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió…”? ** Lãng mạn và tình tứ biết bao nhiêu. Nhưng rồi, nhiều ý kiến đã bày tỏ không đồng tình. Phố chật, người đông, biết đâu cây dừa nổi hứng rụng trái thì “oải trời đậu” lắm lắm.

Trước đây, UBND TP.HCM vừa ra quyết định ban hành danh mục các loại cây cấm trồng và hạn chế trồng trên đường phố thuộc địa bàn thành phố. Cụ thể, có 5 loại cây bị cấm trồng trên vỉa hè và dải phân cách đường phố vì có độc tố gây nguy hiểm cho người là bả đậu (mủ và hạt độc), cô ca cảnh (lá có chất cocaine gây nghiện), mã tiền (hạt có chất strychnine gây độc), thông thiên (hạt, lá, hoa, vỏ cây đều chứa chất độc) và trúc đào (thân và lá có chất độc). UBND TP.HCM cũng quy định hạn chế trồng các loại cây ăn quả trên vỉa hè và dải phân cách để tránh tình trạng trẻ em leo trèo, quả rụng ảnh hưởng vệ sinh đường phố.

Ngoài ra, còn có hơn 20 loại cây khác cũng bị đưa vào danh mục hạn chế trồng trên đường phố TP.HCM vì có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường, có rễ phụ dễ làm hư hại công trình, nhánh giòn dễ gãy, gồm: bàng, bồ kết, cao su, da, sung, dừa, điệp phèo heo, đủng đỉnh, gáo trắng, gáo tròn, gòn, keo lá tram, keo lai, keo tai tượng, lọ nồi, đại phong tử, lòng mức, lòng mức lông, me keo, mò cua, sữa, sọ khỉ, xà cừ, trôm hôi, trứng cá, xiro.

Đọc tài liệu cũ, ta biết từ năm 1870, người Pháp bắt đầu cho trồng cây xanh hai bên đường. Chắc chắn danh mục các lại cây này vẫn còn lưu trữ, có thể tham khảo được chăng?

* Ca khúc Em ơi Hà Nội phố. Thơ: Phan Vũ, nhạc: Phú Quang.
** Ca khúc Dáng đứng Bến Tre của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

L.M.Q
(nguồn: Báo Phụ Nữ Chủ Nhật 4.10.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com