NHÀ THƠ CỦA TÌNH BIỂN NGHĨA SÔNG
Việt Nam sông núi ba miền
Cùng nhau ghi nhớ cho liền thịt da
Nghĩa tình giếng nước cây đa
Mãi nghìn sau vẫn thiết tha hẹn thề
(Hẹn thề - Tình biển nghĩa sông)
Chúng ta vừa đọc những câu mở đầu của Tình biển nghĩa sông, tập thơ được xuất bản tại Sài Gòn cách đây đúng 50 năm của Hoàng Thoại Châu.
Đã có dịp tiếp xúc với một lượng khá lớn những sáng tác của tác giả thời còn rất trẻ ấy, tôi tập hợp lại và xin được giới thiệu để bạn làm quen với điệu hồn dẫn dắt điệu thơ của Hoàng Thoại Châu trong Tình biển nghĩa sông, tác phẩm được giải thưởng Văn học - Nghệ thuật 1967-1969 tại Sài Gòn.
*
Hoàng Thoại Châu tên thật Huỳnh Tuyên. Sinh ngày 14/7/1942 (CMND ghi ngày 14/7/1947). Quê làng Giáp Ba, xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cha là ông Huỳnh Khế, sinh năm 1916, viên chức của Pháp ở mỏ vàng Bồng Miêu (huyện Trà My), nên đưa vợ, bà Nguyễn Thị Nhi, sinh năm 1918, đến nơi làm việc. Hoàng Thoại Châu được sinh ở đấy. Chưa đầy năm, người cha đi theo Việt Minh, anh được mẹ ẵm về làng Giáp Ba.
Do sống nhiều nơi thời chiến tranh, Hoàng Thoại Châu đi học muộn. Năm 1952, theo học một lớp Bình dân học vụ vào buổi trưa ở vùng thung lũng Cà Tang, miền núi Quế Sơn, buổi sáng và chiều phụ giữ trâu cho chủ nhà. Đến năm 1956, mới chính thức đến trường ở làng Bằng An, cùng huyện Điện Bàn, theo kiểu học nhảy (lớp Ba) và phải khai nhỏ tuổi (sinh năm 1946).
Ông bà Huỳnh Khế có năm người con. Hoàng Thoại Châu là con đầu. Sau năm 1954, ông Huỳnh Khế tập kết ra Bắc. Bà Nguyễn Thị Nhi tần tảo nuôi các con. Trong thời kì ở Quảng Nam, Hoàng Thoại Châu từng là Huynh trưởng Gia đình Phật tử Khuôn hội Phật giáo làng Giáp Ba. Do đấu tranh chống chiến tranh, đòi thống nhất đất nước, anh từng bị chính quyền bắt giam.
Tháng 11 năm 1966, Hoàng Thoại Châu vào Sài Gòn để trốn các cuộc bắt bớ tại quê nhà và trốn quân dịch. Anh tìm đến Tổ đình Ấn Quang, nương nhờ nơi cửa Phật. Tại Sài Gòn, Hoàng Thoại Châu theo học lớp Tá viên tại Trường Phụ tá thí nghiệm (Trung tâm Thí nghiệm Y khoa) rồi học tiếp lớp Cán sự Thí nghiệm (khóa 1).
Cuối năm 1973, khi vừa hoàn thành chương trình lớp cán sự Thí nghiệm, đang tham gia đợt thực tập cuối cùng của lớp tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Hoàng Thoại Châu bị cảnh sát bắt tại buổi đọc thơ chống chiến tranh và giới thiệu tác phẩm mới của nhóm Hướng Dương, trong vụ án được dư luận báo chí hồi ấy gọi là “Văn nghệ quán Mù U” (Nhóm Hướng Dương gồm các thành viên: Hoàng Thoại Châu, Nguyễn Trường Giang, Phan Viên Hoài, Trần Thế Hùng, Thái Lãng, Cao Nguyên, Phạm Ngọc (Huỳnh Ngọc Trảng), Hàng Chức Nguyên, Nguyễn Minh Phương, Xuân Sơn). Tòa kết án, đưa vào khám Chí Hòa rồi đày ra Côn Đảo cho đến ngày 30/4/1975.
Trước ngày bị đày đi Côn Đảo, Hoàng Thoại Châu đã góp mặt với các báo (chủ yếu là sáng tác văn học): Chánh Đạo, Quyết Thắng, Dân chủ Chủ nhật, Tiểu thuyết thứ Năm, An Lạc.
Sau năm 1975, Hoàng Thoại Châu hoạt động báo chí chuyên nghiệp, với bút danh chính: Ba Thợ Tiện, bắt đầu từ Tuổi Trẻ (TP. HCM), đến Lao Động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)...
*
Hoàng Thoại Châu làm thơ từ năm 17, 18 tuổi khi còn ở Quảng Nam.
Năm 1969, Hoàng Thoại Châu xin giấy phép xuất bản tập thơ Tình biển nghĩa sông nhưng Nha kiểm duyệt không đồng ý cấp giấy phép vì nội dung chống chiến tranh xâm lược, đòi hòa bình, thống nhất đất nước. Anh tập hợp các bài thơ viết tình khi còn ở Quảng Nam những năm 1963-1964 và đặt tên Áo trắng ngày xưa. Tập thơ được cấp phép nhanh chóng do Âu Cơ xuất bản, số 1921 BTT/NNK/PHNT/9/5/69. Tác giả, qua mắt nhà cầm quyền, lấy giấy phép của tập Áo trắng ngày xưa thêm chữ BIS để xuất bản Tình biển nghĩa sông, cũng do Âu Cơ xuất bản. Tập thơ được gửi dự thi Giải Văn học - Nghệ
thuật 1967-1969 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Đầu năm 1970, tác phẩm được trao giải Nhất (đồng hạng với Lời gửi cây bông vải của Trần Tuấn Kiệt). Đây là năm đầu tiên giải thưởng văn học - nghệ thuật ở miền Nam trong chế độ Sài Gòn được mang tên này.
Năm 1973, Hoàng Thoại Châu xuất bản tập thơ thứ ba: Tình biển nghĩa sông (2), tập hợp các sáng tác sau năm 1969 (Hướng Dương xuất bản).
Ngoài thơ, Hoàng Thoại Châu còn sáng tác truyện ngắn, đã in chung với các tác giả của nhóm Hướng Dương: Những trái tim hồng (Hướng Dương xuất bản, 1973). Một tập truyện ngắn, có tên Khói cỏ ngoài đồng được giới thiệu sẽ in ở nhà Hướng Dương nhưng chưa xuất bản thì một số văn nghệ sĩ Hướng Dương bị bắt, Hoàng Thoại Châu sau đó bị đày đi Côn Đảo.
Sau năm 1975, Hoàng Thoại Châu xuất bản:
- Thả cửa (tạp văn, Nxb Hội Nhà văn, 1992);
- Tạp văn (Nxb Đồng Nai, 2006);
- Sâu thẳm buồn vui (tự truyện, Nxb Hội Nhà văn, 2015);
- Viết từ hồi ấy (tạp văn, 2 tập, Nxb Hội Nhà văn, 2017).
*
Tháng Năm 1969, Hoàng Thoại Châu ra mắt tập thơ đầu tiên Áo trắng ngày xưa (Âu Cơ xuất bản). Tập thơ có 31 bài, phần lớn được tác giả viết những năm 1963, 1964 khi còn ở ngoài quê Quảng Nam. Khi đó anh ở tuổi hai mươi. Thực ra, Hoàng Thoại Châu viết sớm hơn, lúc mới mười bảy, mười tám tuổi, những bài thơ mà bất kì chàng trai trẻ nào cũng từng làm, như anh tự nhận là để tán gái.
Áo trắng ngày xưa tiếp tục mạch thơ hoa mộng của tuổi học trò ấy: nhớ nhung, dỗi hờn, sầu muộn, thất vọng, đớn đau... Nhiều bài thơ của Hoàng Thoại Châu nếu không chú thích người đọc cứ ngỡ đó là Thơ Mới:
Em về bên ấy vui hoa mộng
Anh chỉ là anh khóc nửa đời
...
Thôi nhé anh về ở phía anh,
Buồn lên anh khóc đám mây lành,
Bay theo gió mới quên thề ước,
Bể khổ bây giờ có riêng anh.
Trong Áo trắng ngày xưa, tràn ngập những hình ảnh đẹp và ước lệ: đôi bướm trắng, cỏ hoa xanh, mái tóc huyền, đám mây lành, thân ngà trắng, tràng châu lạnh, cánh uyên vàng, chuyến tàu yêu, cỏ dại hoang buồn... Ngôn từ đượm một màu yêu đương: chuyến tàu yêu nức nở, bỡ ngỡ mộng vu quy, thanh âm sóng gợn nghe tha thiết, hò hẹn trao mây gió, dòng sông chia cắt hai trời mộng, tím cả trời yêu tím lạnh lòng...
Áo trắng ngày xưa rất gần với Thơ Mới, từ cấu trúc đến điệu hồn của thi nhân. Thể thơ mà tác giả sử dụng nhiều nhất là thơ tự do (14/35 bài), kế đến là lục bát (8 bài), 8 chữ (7 bài), 7 chữ (3 bài), 5 chữ (3 bài). Nhưng điều đáng nói ở đây chưa phải thể thơ mà các nhà Thơ Mới vốn thường sử dụng. Đậm đà hơn, là cách nói, điệu nói thật phóng khoáng, tự do, gần gũi, thân mật để giãi bày bằng hết nỗi lòng của chủ thể trữ tình:
- Thôi nhé, anh về ở phía anh...
- Nếu ai hỏi trần gian bao trẻ đẹp...
- Và hôm nay chuyến tàu yêu nức nở...
- Thôi nhỉ em, chuyện đời đành tê tái...
- Đã thế, đành thôi, hỏng đợi chờ...
Và, còn nhiều nữa, nhiều lắm! Áo trắng ngày xưa là thơ hôm nay, thơ của những người yêu trẻ, đang rạo rực, đang thổn thức, đem hết trăng, sao, mây, gió, bướm, hoa, trời, đất vào tình yêu của mình. Khi tình tan vỡ, họ không ngại ngần hét lên: Ta đã điên rồi nhân thế ơi, Tình yêu trăng nước vỡ tan rồi!
Cái ngày xưa mà nhà thơ nói đến thực ra rất gần. Xa nhất là chuyện bốn mùa thu năm trước, là buổi thu nào ta đã quen nhưng chỉ là cái cớ để nhắc chuyện hôm nay:
- Ai ngỡ hôm nay gió trở buồn,
Em về bên ấy, lệ anh tuôn...
- Em hỡi hôm nay ở trên cành...
- Rồi để hôm nay hứng lấy buồn...
- Và hôm nay chuyến tàu yêu nức nở...
- Chiều nay rồi chỉ chiều nay...
- Chiều nay viết lá thư thả dòng sông...
- Kể từ hôm nớ đến nay...
- Trở mình nay thấy trời mây tạnh...
Và chuyện bây giờ:
- Bây giờ anh trở lại / Thì em đã có chồng...
- Bây giờ chẳng được em yêu...
Tình yêu, khi mộng đã tan, trăng cũng tàn. Chuyện hôm qua phút chốc thành ngày xưa với bao ảo ảnh, lung linh sắc màu: Dạo ấy lâu rồi tôi có yêu,/ Nàng con gái nhỏ dáng thanh kiều... Còn chuyện bây giờ, trăng nước vỡ tan, thuyền không bến đậu, buồn rưng gối lạnh. Không gian hoang vắng: Rừng sim vẫn tím, trái sim không còn; khung trời không có sao; con thuyền côi khóc ở trên truông... Thời gian ngừng đọng: Chiều đi, đi mãi chiều không đến, Tím lạnh đào hoa, tím lạnh mình!...
Điệu nói cùng với nhịp thơ dìu dặt như lời ru, như tiếng thở than càng khiến nỗi nhớ thêm dài, niềm yêu thêm sầu muộn. Mà Tình chỉ đẹp khi còn dang dở / Đời mất vui khi đã vẹn câu thề (Hồ Dzếnh). Trường hợp của Áo trắng ngày xưa là thế. Hoàng Thoại Châu góp thêm một nỗi sầu tình vào muôn vạn nỗi sầu của nhân gian từ vạn cổ.
Thế Áo trắng ngày xưa là Thơ Mới chăng? Không hẳn! Những người yêu ở Áo trắng ngày xưa sống trong một thời đoạn khác. Đôi khi không là chủ ý của người làm thơ nhưng bóng dáng thời đoạn ấy vẫn được phô bày, khi xa, khi gần:
Bỗng nước non than hết thái bình,
Chôn vùi chiếc áo kiếp thư sinh...
Dù sao, ai cũng không thể sống ngoài thời của mình. Thời của chàng trai Áo trắng ngày xưa có bóng dáng khổng lồ thấp thoáng rồi từng ngày, từng ngày, hiện dần ra, khốc liệt:
Quê hương mình quá điêu tàn
Nên tim anh hận như vàng lá thu,
Xóm thôn làng nước hoang vu,
Thương nhau xin hẹn... cho dù kiếp sau
Ở Thơ Mới thuở trước, thường hiện lên hình ảnh của người đi. Từ người bộ hành phiêu lãng Thế Lữ: Ta là một khách chinh phu... Ta đi theo đuổi bước tương lai.../ Hỡi anh bạn! Anh định về đâu đó?/ Tôi tiễn anh đi đến tận thuyền... đến Trần Huyền Trân: Lên đường từ buổi chân làm ngựa.../ Tôi đi thực đấy! dù gian khổ... Hay Nguyễn Bính: Hai ta lưu lạc phương Nam này. Rồi cả Vũ Hoàng Chương: Tha phương đã réo mong chờ, Con tàu luân lạc đêm mờ còn say... Mỗi nhà Thơ Mới là một người đi dù có khi Chẳng biết đi đâu nghĩ ngợi gì (Nguyễn Bính).
Chàng trai của Áo trắng ngày xưa cũng là một người đi:
- Khuya xa lững gót độc hành...
- Thế rồi theo cuộc chiến,
Anh ôm gói ra đi...
- Tôi đi theo tiếng buồn non nước
Uất hận tình hoa bỗng khóc sùi...
Sự đi của chàng trai ấy có thể cũng là một nguồn cơn khiến tình em gái nhỏ không còn đợi (Nhân thế ơi!):
Ngày xưa áo trắng ngây thơ,
Em ngoan tuổi mộng anh chờ trắng canh
Rồi tang thương ngập quê lành,
Anh đi... từ đó... tan tành mơ hoa
Tên bài lục bát được lấy làm tựa của tập Áo trắng ngày xưa. Thậm chí khi xuất bản, nó đứng riêng ở trang đầu, như là lời đề từ của tác giả. Trước khi in, Hoàng Thoại Châu có gửi bản thảo cho một người bạn ở Cần Thơ đọc. Lá thư của bạn, được anh in vào tập thơ. Trong thư có những đoạn:
... Nghĩ mà buồn Châu nhỉ, quê hương mỗi ngày một thêm khổ đau và tang tóc, nhưng rồi chúng mình chẳng nói năng gì được, cho dù tiếng nói rất nhỏ, tiếng nói của lòng mình (...).
Tuổi học trò quá đẹp, mộng học trò quá ngoan nhưng tình học trò trong xã hội chiến tranh lại quá cay đắng phải không Châu!...
Áo trắng ngày xưa kết thúc chặng thơ đầu của nhà thơ Hoàng Thoại Châu bằng tiếng thở than đầy uất hận: Ta đã điên rồi nhân thế ơi, Cung thương ngày cũ vỡ tan rồi. Trước đó, không chỉ thở than cho mối tình đã mất, anh đã đôi lần tha thiết:
- Bởi theo hương, theo tiếng gọi ánh đèn,
Em đánh mất áo ngày xưa Đông Á...
- Sao thế em, sao em nỡ hững hờ,
Khi thực tại mình là cô gái Việt...
- Anh chỉ muốn em đừng quên nước Việt,
Tình Đông phương và nét đẹp ngoan hiền...
Chàng trai trẻ làng Giáp Ba xa xôi bước vội về phía đô thành đâu chỉ với một tình yêu hoa mộng của tuổi học trò mà có lẽ trong lòng chàng còn ngổn ngang lắm nỗi:
Chiều nay phố thị rưng buồn
Nên hàng cây nhỏ trông tuồng thở than...
*
Hoàng Thoại Châu đi về phía đô thành giữa lúc bóng đen khổng lồ của chiến tranh không chỉ thấp thoáng như trước mà đã bao phủ cả miền Nam. Những người làm thơ trẻ như anh khi ấy như thế nào? Đây là một phác thảo diện mạo thời đó:
Những người trai mới lớn giữa quê hương chiến tranh. Những trung tâm thành thị rực rỡ cờ hoa, vật chất và những quê hương hoang vu đạn cày bom phá. Tuổi trẻ làm thơ rất nhiều. Một ít học vấn, một ít ảnh hưởng của triết thuyết hiện sinh, những hoài nghi thắc mắc, những suy tư làm dáng, những lối sống văn nghệ học đòi làm cho tuổi trẻ lạc hướng sáng tác.
Tuổi trẻ làm thơ hôm nay phần đông đều kêu than thân phận với mặc cảm nhược tiểu da vàng, lời thơ chứa đầy tính chất buồn đau tủi hận cho kiếp sống tự ti như củi mục, cỏ khô, loại rong rêu ngoài bãi biển hoặc sỏi đá bên đường. Buồn hơn, sống giữa nhân quần, xã hội với những liên hệ thiết thân hằng ngày mà những nhà thơ trẻ lại tự tách rời ra làm kiếp sống độc hành, gục đầu cúi mặt, hoặc lạc loài như cánh chim đơn ngoài hải đảo, cánh bèo trôi dạt trên sóng nước nghìn trùng.
(Nói về Hoàng Thoại Châu, PHONG SƠN, trong Tình biển nghĩa sông, 1969)
Cảnh ấy làm sao không buồn, làm sao không đau? Nhưng nói phần đông đều kêu than thân phận có nghĩa không là tất cả! Hoàng Thoại Châu ở vào số đó. Rời làng về phố, thơ anh là tiếng kêu đau đớn về chiến tranh, về nỗi chia cắt đất nước:
+, “Gió đưa bụi chuối sau hè”,
Ai khơi lửa hận cho me héo gầy,
“Chiều chiều gió thổi hiên tây”,
Chạnh nghe bến nớ, bên này đớn đau...
(Cây đa còn đứng đầu đình)
+, Một đêm rồi nhiều đêm
Bên khung cửa hắt hiu gió lạnh
Tiếng súng nổ xa, tiếng súng nổ gần...
Những đứa trẻ chết khi đang ôm vú mẹ...
Tiếng khóc khàn thêm, lửa cháy mỗi ngày
(Bên khung cửa)
Chiến tranh có muôn nghìn gương mặt. Gương mặt nào cũng bất thường và phi nhân. Trong tâm hồn nhà thơ, chúng hiện lên, bám lấy, đeo đẳng không rời:
+, Quê mình đó: từng đêm nghe súng nổ...
+, Quê mình đó: mái tranh gầy tuyệt mỹ...
Nhưng hôm nay trong tủi hận chiến chinh
+, Quê mình đó: hoành sơn vùng non nước...
Giờ lịm tắt theo triều dâng lửa khói!...
+, Quê mình đó: mái tranh chiều nhuốm khói...
+, Quê mình đó: làm sao tôi kể xiết
Chuyện sông dài, biển rộng, núi trùng xanh
Nhưng hôm nay đã đổ nát, tan tành...
(Tôi muốn nói về phiên buồn đất nước!)
Bài thơ Tôi muốn nói về phiên buồn đất nước! có bảy khổ nhưng tới sáu khổ mở đầu là điệp ngữ Quê mình đó. Mỗi khổ là một bức tranh quê hương để khổ cuối cùng là tiếng kêu thương:
Tôi muốn nói về phiên buồn đất nước
Xóm thôn nghèo và chứng tích thương đau...
Như đã nói, những bài thơ đầu đời của Hoàng Thoại Châu là thơ tình lãng mạn, dù tình nồng, tình phai hay tình lỡ, tình phụ đều không thiếu những mỹ từ diễm lệ. Về phố thị, lớp từ kia bỗng dưng biến mất. Thơ anh giờ đây và mãi cho tới ngày được tự do (30/4/1975), xuất hiện lớp từ khác: khói đạn, máu xương, tang trắng, hoen mờ, lửa khói, lửa hận, cháy đứng, mịt mù, tiêu điều, hoang vu, xác xơ, (cây cỏ) trơ cành, (chim) vỡ tổ, (tiếng khóc) sụt sùi, (mắt ướt) đầm đìa, chết lặng... Hình ảnh thơ mộng thường chỉ xuất hiện trong sự đối sánh với thực tại mà hình ảnh được đối sánh bao giờ cũng nhiều hình, lắm vẻ:
+, Cầu ao dệt mộng, bóng trăng trinh.../
Cầu ao gãy nhịp, đứng kêu sương...
+, Cầu ao so bóng, bóng trăng nguyên... /
Bên chiếc cầu ao cao uất hận...
Cầu ao lẻ bóng, gió hương cau...
(Mùa cau trổ máu hồng)
Thơ Hoàng Thoại Châu hiện lên hai khung trời đối lập: hòa bình và chiến tranh; ngày xưa và bây giờ.
Ngày xưa, thanh bình. Có mùa lúa chín với tháng Bảy mưa ngâu. Có lũy tre xanh với bến nước ngoan hiền. Có giàn hoa lý; có nồi canh hoa bí, có gáo nước mang tình, lá vối phơi khô.
Ngày xưa có luống đất trâu cày, có ruộng lúa xanh thơm, có dòng kinh hiền, dừa xanh thẳng liếp.
Ngày xưa, lớn nhỏ quây quần đĩa mắm tô canh.
Người xưa, những ngày còn xanh thơm /mùi tóc / còn dịu ngọt màu môi...
Bây giờ, chiến tranh. Gót giặc xâm lăng giẫm đau từng thớ đất.
Bây giờ, khói đạn hoen mờ; ruộng vườn loang lổ, biến tro than;
Bây giờ: mẹ ngóng chờ con mỏi mòn nước mắt; vợ đứng trông chồng ruột thắt từng cơn; trẻ nít sống không nhà, quần không đủ ấm; những lão ăn mày chìa tay bên lề đường van xin, cầu khẩn...
Bây giờ, súng vọng mai chiều thay tiếng pháo ngày xuân; mái tranh hiền bốc cháy; xóm nhỏ khóc thê lương; bà con mình dần chết chóc tiêu hao...
Màu thanh bình xanh thơm (ruộng lúa xanh xưa/ thơm, xanh rau muống), và trong sáng (suối bạc, mây trong). Màu thanh bình tươi hồng (môi hồng tuổi nhỏ) và dịu thắm (giậu thắm hương đào, lúa thắm nương dâu, dịu mát trăng liềm, phượng thắm sân trường).
Màu chiến tranh vàng nước mắt, trắng khăn tang; tím ngập đồi thông, lạnh cây quỳ, cành lê. Màu chiến tranh đỏ máu biên thùy, lửa hận đao binh. Màu chiến tranh đen trời Việt Nam khi Ánh hỏa châu đốt cháy ánh trăng hiền.
Màu thanh bình là màu của mắt thắm môi hường, của nắng ấm, hoa xinh, của sự sống.
Màu chiến tranh là màu của tàn phai: khô vùng môi nhỏ, trắng phau mái đầu; núi rừng héo úa; màu của hai mươi năm lẻ tang thương phủ đầy; màu của sự chết: khăn sô trên luống đất chưa cày; mùa cau trổ máu hồng.
Vị hòa bình dịu ngọt màu môi, trái ngọt cây lành; thơm ngon sữa mẹ, thơm mùa lúa chín và ngọt thơm tình đất.
Vị chiến tranh chua xót rưng rưng, cay mù mịt khói, hơi trái phá và tanh máu người cả trong hơi thở.
Tiếng kêu uất hận trong thơ Hoàng Thoại Châu bật lên từ những đối nghịch đó!
Nghe trong gió thoảng lời này:
Hai mươi năm lẻ đạn cày quê hương.
Bắc, Nam đâu chẳng chiến trường,
Thành, quê đâu chẳng tang thương phủ đầy.
(Lục bát 1)
Chiến tranh đã cướp đi tất cả. Tình duyên cũng không còn:
Quê hương chưa có hòa bình
Héo hon mẹ đợi thì mình mất nhau
Cũng đành lỡ hẹn trầu cau
Còn chinh chiến, chuyện thương đau mãi còn
Trong bài thơ Đóa hoa đại buồn ở tập Tình biển nghĩa sông 2, Hoàng Thoại Châu có câu thơ như lời nói thường mà hay đến lạ lùng:
Khóc tình như khóc quê hương
Tưởng đâu khóc tình là tiếng khóc ảo não nhất rồi, nhưng khóc quê hương mới muôn phần xót xa, đau đớn! Nỗi đau ấy dằng dặc thời gian: Một đêm rồi nhiều đêm... Tiếng khóc khàn thêm, lửa cháy mỗi ngày... Chết lặng từng giây / Việt Nam ơi / Sao cứ mãi ngậm ngùi. Nỗi đau ấy bao trùm, trải khắp không gian. Biên thùy, máu xương khỏa lấp. Ruộng đồng, từng thớ đất giẫm đau. Cầu ao, gãy nhịp uất kêu sương. Cây đa, đứng đầu đình cư tang. Đến những câu thơ cũng mang hình hài cuộc chiến!
Chiến tranh đối với Hoàng Thoại Châu là thế đó!
Anh đã thấy. Anh đã nghe. Anh đã sống. Và, anh đã khóc!
Anh chờ mong. Anh khát khao. Anh nguyện cầu. Rồi anh van xin:
+, Từng đêm rồi lại từng đêm
Anh trông chờ lại chỉ thêm trông chờ...
(Chờ)
+, Mặt trời chín giữa phương Đông
Em trong áo mới, ruộng đồng nở hoa
Trăng lên giỡn bóng tre già
Anh đi hái mộng làm quà tặng em
(Hòa bình)
+, Cầu nguyện cho quê hương
Cho em
Thơm môi hồng tuổi nhỏ
Thơm hương lúa mùa cau...
(Lời cho em)
+, Xin xích gần nhau Đông – Tây bè bạn
Nam – Bắc một nhà, đây đó có nhau
Ruộng lúa trổ bông, mẹ hết ngậm ngùi
Môi trẻ nhỏ thơm xuân hồng nắng mới
(Xin tiếng hát con tim)
*
Thơ khởi thủy là để giãi bày. Không có nhu cầu ấy, người ta không làm thơ nữa. Có người giãi bày tự thân, không nhất thiết cho ai đó. Trên thế gian, không hiếm nhà thơ viết rồi lại đốt đi hay quên mất. Tức khi nhu cầu được thỏa mãn, rồi thôi. Nhưng phần nhiều, thơ là sự giãi bày với... Đôi khi thôi thúc, quyết liệt, ráo riết, bởi điều họ nghĩ, họ thấy, họ âu lo, họ sợ hãi, họ đớn đau cần có người biết, người nghe. Trường hợp Hoàng Thoại Châu những năm 60 của thế kỉ trước là thế.
Ngày xưa áo trắng, Hoàng Thoại Châu giãi bày với một người rất cụ thể: chỉ một chính là em (Tha thiết), nàng con gái nhỏ dáng thanh kiều (Tắt lịm), em ngoan tuổi mộng anh chờ trắng canh (Áo trắng ngày xưa)... Ngay cả khi anh hét lên: Ta đã điên rồi nhân thế ơi (Nhân thế ơi) cũng chỉ vì con người cụ thể đó, bởi Cung thương ngày cũ vỡ tan rồi.../ Tình em gái nhỏ không còn đợi.
Từ ngày về phố thị, Hoàng Thoại Châu thi thoảng giãi bày mới với một người: Em cứ bảo/ Tính anh thường nghi vạ... (Em cứ bảo); Bây giờ anh bắt đầu nói với em / Những day dứt chân thành (Thanh minh); Em! Hôm nay anh viết cho em/ Những dòng chữ mang hình hài cuộc chiến (Lời cho em). Hay nhiều người, có tên, có tuổi: Này Xuân, này Đấu, này Trinh!... (Này:). Nhưng phần nhiều, lời giãi bày của Hoàng Thoại Châu hướng đến số đông, rất đông:
+, Việt Nam sông núi ba miền
Cùng nhau ghi nhớ cho liền thịt da.
+, Hãy thức dậy các anh
Hãy cầm lấy tay nhau đòi lại cuộc đời
+, Mình là người Việt Nam
Hơn bốn ngàn năm lập quốc
+, Tôi không biết các anh đang nghĩ gì khi đất nước mình cứ mãi thương đau, bà con mình mỗi ngày một chết chóc nhiều hơn.
(Thao thức)
Khi nhà thơ nói: Này em mắt thắm môi hường/ Quê mình thế đó đoạn trường không em hay Quê hương mình thế đó / Anh biết gì không anh không ai nghĩ rằng em/anh ở đây là những con người cụ thể. Hoàng Thoại Châu còn nói với cả những người “không quen biết” hay “chưa quen biết”: Ta muốn nói quê hương chừ hoang lạnh/ Xin tình người đừng đốt cháy yêu thương (Cho người con gái không quen).
Rồi có khi nói với một người, nhà thơ lại nói lời của “Muôn triệu con tim đang nhìn về một phía”:
Morrison
Từ bên này Thái Bình Dương
Chúng tôi đang cúi đầu im lặng...
Chúng tôi viết tên anh giữa lòng đô thị
Chúng tôi viết tên anh giữa ruộng đồng lúa trổ Việt Nam...
Chúng tôi gọi tên anh giữa khói cay lựu đạn
(Morrison)
Thơ Hoàng Thoại Châu từ tiếng nói trữ tình đôi lứa đã thành tiếng nói trữ tình công dân; từ tiếng hát giao duyên đã thành lời tình tự dân tộc.
Những năm 60 của thế kỉ trước, Hoàng Thoại Châu vẫn còn trẻ lắm. Tuổi hai mươi, lẽ thường, anh cất tiếng hát giao duyên. Nhưng sao nỡ khi giếng nước tan hoang, vườn mận rưng sầu; khi cây đa còn đứng đầu đình cư tang? Anh chỉ có thể:
Tôi muốn nói về phiên buồn đất nước,
Xóm thôn nghèo và chứng tích thương đau,
Để xin anh, thôi tất cả tham cầu,
“Cho tiếng khóc không hiện về đêm tối”.
(Tôi muốn nói về phiên buồn đất nước)
Thơ Hoàng Thoại Châu sau Ngày xưa áo trắng chỉ một dòng tình tự ấy.
Trong một bài thơ (Thanh minh), Hoàng Thoại Châu cải chính rằng: Anh không là kẻ ban huấn từ/ Anh không nhân danh tu sĩ/ Anh không là nhà đại cách mạng xã hội. Kẻ ban huấn từ khiến người khác ngồi khoanh tay ngóng đợi. Bậc tu sĩ giàu từ bi, hỉ xả khiến tín đồ nhỏ nước mắt. Nhà cách mạng có thể chỉ cho kẻ khốn cùng con đường sống.
Là nhà thơ. Anh ngồi đây. Anh đứng đó. Anh khóc than cho quê hương đổ nát, cho nòi giống lầm than, cho đồng bào máu chảy ruột mềm! Tiếng nói của anh, là Những day dứt chân thành / Của một người / Của hơi thở trong tim. Anh là người Việt Nam, mang trong mình dòng máu Tiên Rồng, nhịp thở trong tim là nhịp thở đồng bào. Người thôn quê hay thành phố, dù Nam- Bắc - Đông - Đoài vẫn là tình ruột thịt mẹ Âu Cơ.
Với Hoàng Thoại Châu, giống nòi, dân tộc, đất nước, đồng bào là điểm tựa và hội tụ, là nguồn cội và nguồn sống, là nơi thẳm sâu cũng là chốn tìm về của tất cả con người Việt Nam. Những từ ngữ, hình ảnh thật cũ, thật xưa, thật bình dị, trong thơ anh lại khiến bao 24 người nao lòng, rưng rưng nước mắt: Việt Nam mình; nước mình; quê mình; quê nhỏ thanh bình; quê tôi nghèo bé nhỏ; đồng quê đất mẹ; núm ruột quê này; nương khoai xứ mình; thửa ruộng trâu cày; hương lúa mùa cau... Vì sao như vậy? Tiếng thơ ấy đã đem đến cho mọi người những gì thân thuộc và yêu thương nhất, đã đánh thức trong lòng họ những ngày cũ nồng nàn mà họ đã từng sống. Và, như anh nhắn nhủ:
Nhắn ai nơi thành phố,
Máu chảy ắt ruột mềm,
Thôn quê hay thành phố:
Rồi cũng tình anh em.
.
Nhắn ai nơi thành phố
NGHĨA BIỂN VÀ TÌNH SÔNG,
Thôn quê hay thành phố:
Chỉ một: CHÁU TIÊN RỒNG.
.
Nhắn ai nơi thành phố,
Manh rách vá nên lành,
Thôn quê hay thành phố:
CŨNG SỬ VÀNG BIA XANH.
Khi trên khắp đồng quê đất mẹ/ nhà cửa tiêu điều, thôn xóm hoang vu, tức những miền yêu thương và thân thuộc nhất đã mất, khi bên nớ bên này đớn đau là khi ruột cắt chia hai, bọc trứng trăm đầy rạn vỡ. Người Việt Nam có nỗi buồn nào hơn nỗi buồn mất nước? Người Việt Nam có nỗi đau nào hơn niềm đau của mẹ? Và, người Việt Nam có tủi hận nào hơn tủi hổ giống nòi? Là người làm thơ, chỉ với cây bút trong tay, Hoàng Thoại Châu tha thiết:
- Có tình nào hơn tình sông, nghĩa biển
Có tình nào hơn tình nghĩa đồng bào
(Thơ cho người tình)
- Đã chung huyết thống da vàng,
Xin đừng thêm chuyện tương tàn hôm nay
Đã chung bọc trứng trăm đầy,
Xin đừng thêm chuyện cho đây đó buồn.
(Cây đa còn đứng đầu đình)
- Dù cho vàng nén lót đường
Không bằng áo vá: biết thương giống nòi
Dù cho tước lớn, quyền ngoài,
Không bằng ruộng sắn, nương khoai xứ mình
Dù cho gấm lụa ươm mình,
Không bằng áo rách mang tình Việt Nam
(Lục bát 2)
Đau đớn, khóc than, tủi hận, nhưng chưa bao giờ nhà thơ mất niềm tin ở dân tộc và đồng bào:
Việt Nam ngàn đời, máu đỏ trong tim
Nam Bắc vang danh: lịch sử bốn nghìn
Không nô lệ, không ươn hèn mất gốc.
(Anh đã bảo)
Hơn thế nữa, anh thúc giục mọi người:
Hãy thức dậy các anh
Xin cầm lấy tay nhau dựng lại cuộc đời
Đòi lại những gì chúng ta bị cướp
Núi đồi sẽ hết thuốc khai quang
Cỏ cây sẽ đâm chồi trỗi dậy
Và Việt Nam mình lại khúc hoan ca
(Cỏ cây sẽ đâm chồi trỗi dậy)
Anh em ơi
Chị em ơi
Từ ruộng đồng Việt Nam cỏ cháy...
Từ phố phường Việt Nam đổ máu
Hãy một lòng đuổi giặc, dựng quê hương (...)
Từ trăm ngàn con tim uất hận...
Từ trăm ngàn nỗi đau mất nước
Hãy một lòng đập vỡ mộng xâm lăng (...)
Từ bao năm đong đầy nước mắt...
Từ bao năm thao thức đêm dài
Hãy đứng dậy đồng lòng cho hai tiếng tự do...
Từ bao năm thế hệ lưu đày
Hãy đứng dậy đồng lòng cờ dân tộc tung cao
(Tung cao cờ dân tộc)
Hỏi bạn, có ai đòi hỏi nhà thơ của chúng ta, chỉ với cây bút trong tay, phải làm gì có ý nghĩa hơn thế?
*
Đọc thơ lục bát của HOÀNG THOẠI CHÂU ta nghe như đó là những bài ca dao mới.
Đó là lời của Phong Sơn trong bài tựa cho tập Tình biển nghĩa sông (1) cách đây đã tròn năm mươi năm.
Nhận xét ấy rất gần với những người cùng thời. Với Phương Đài: Thơ Hoàng Thoại Châu não nùng, tức tưởi như tiếng độc huyền. Với Kiên Giang, đó là những bài thơ đượm màu sắc quê hương. Mấy năm sau, trong lời bạt Tình biển nghĩa sông (2), Sơn Nam biểu lộ sự vui mừng bởi Hoàng Thoại Châu đã đánh tan thành kiến về thơ của lớp trẻ trong thời chiến thường giống nhau với ngôn ngữ khó hiểu, với thứ triết lý chán đời giả tạo của kẻ thích hưởng thụ, và nhất là thái độ kênh kiệu. Tác giả Hương rừng Cà Mau còn cho rằng: Còn gì dễ thông cảm cho bằng tình yêu Tổ quốc, một Tổ quốc rất cụ thể với “Biển ôm vách đá, đèo hanh da trời”. Còn gì đơn giản hơn tình đồng bào với lời dặn dò “Thiếu cơm thì được, thiếu thơ xin đừng”.
Hẳn Hoàng Thoại Châu không có ý làm ca dao. Khi nhà thơ cất lên lời tình tự dân tộc, cả một vùng ca dao, cổ tích bừng dậy với giếng nước đầu làng, ruộng sắn, nương dâu, với cây đa bóng mát trưa hè... Và, nhất là, với tình quê, tình người nồng nàn, thấm đượm: Đói lòng ăn chén canh rau/ Uống lưng gáo nước cho nhau trọn tình.
Chính điệu hồn đã tìm đến điệu thơ. Làm thơ, Hoàng Thoại Châu giãi bày với quê hương, với đồng bào, người Việt, nước Việt. Anh không chọn điệu thơ. Hồn anh neo đậu, nương tựa vào những gì có thể lay động, cảm thông hồn người:
Quê mình đó: điệu ru hời cao ngất
Rừng ca dao lịm ngọt bóng ngôi chùa.
(Tôi muốn nói về phiên buồn đất nước!)
Trong ba tập thơ Hoàng Thoại Châu đã xuất bản trước năm 1975, thơ lục bát chiếm tỷ lệ vượt trội (51/115 bài). Điều thú vị là, những bài thơ ở đầu tập Áo trắng ngày xưa là thơ 5, 7, 8 chữ. Đến Tình biển nghĩa sông 2, số bài theo thể lục bát tăng đột biến (31/49 bài). Phải chăng những lời tình tự dân tộc trên đôi cánh lục bát sẽ đượm màu sắc quê hương và não nùng, tức tưởi hơn? Và có phải vì thế, khi cần cao giọng một chút, hay khi không phải nói với đồng bào mình, nhà thơ của tình biển nghĩa sông đã chọn lựa một cách nói khác?
+, Nếu em thấy: trên khắp vùng đồng quê đất mẹ
Nhà cửa tiêu điều, thôn xóm hoang vu
THÌ XIN EM:
Hãy cho phép anh có quyền nghi vạ:
CHÍNH PHỦ DÂN NGHÈO, CHÚ TRỌNG NÔNG THÔN
(Em cứ bảo)
+, Tôi không biết các anh có nghĩ gì không?...
Khi Việt Nam mình mỗi ngày một đổ nát,
Bà con mình dần chết chóc tiêu hao...
(Thao thức)
Điều khiến thơ Hoàng Thoại Châu trở thành lời tình tự dân tộc không chỉ ở thể thơ lục bát mà chính là ở lối nói, điệu nói của anh:
+, Bao giờ suối bạc, mây trong
Bao giờ xóm nhỏ hết đong đưa sầu.
+, Cho dù sự thế nhiễu nhương
Trăm cay nghìn đắng vẫn hường trong tim.
+, Anh đi em tiễn lời này:
Dù ra sao cũng giữ ngày HÙNG VƯƠNG.
+, Ai thương bằng mẹ thương mình
Có tình nào đẹp bằng tình Đông phương...
Bạn có thể tìm trong kho tàng ca dao, dân ca nước Việt hàng trăm bài có kiểu kết cấu Bao giờ...; Cho dù...; Anh đi...; Ai thương... như thế.
Không ít vần thơ của Hoàng Thoại Châu là thơ lẫy ca dao, tục ngữ, thành ngữ:
+, “Gió đưa bụi chuối sau hè”,
Ai khơi lửa hận cho me héo gầy.
+, Thương nhau kể chuyện nhiễu điều,
Máu hồng một giọt, hơn nhiều nước ao.
+, Thời gian, nước chảy, đá mòn
Đôi chân vẫn cứng như non nước này...
Thậm chí, có bài như một bài ca dao từ lối diễn đạt đến hình ảnh:
Công ai phá thạch, xây thành
Để ai đập phá tan tành, hỏi ai?
Lớn lên trong tủi hận dài,
Ta nghe chua xót, lâu đài ngã nghiêng.
(Trong nội thành)
Điệu ca dao là điệu ru, điệu hò. Để dỗ dành, an ủi, vỗ về. Để kêu than, oán trách, tủi hờn. Khi đứa trẻ khóc, lời ru của mẹ đưa em vào giấc ngủ muồi đặng trong mơ một nàng tiên sẽ đến. Có khi, đó còn là lời ru của chính người mẹ: Gió đưa bụi chuối sau hè.../ Gió đưa cây cải về trời... Một quê hương đang hoang tàn, đổ nát, một dân tộc đang nghẹn ngào, tủi hận, những lời ru này cần lắm chứ!
+, Ru em giấc ngủ mơ lành
Vùng môi trái ngọt, bát canh cỏ tần.
Ru em vạn ái, nghìn ân
Cho thơm sữa mẹ, cho thân thiện tình.
+, Gió chiều ru ngọn bí đao
Anh nghe lời mẹ ngọt ngào không anh?
- Quê mình biển mặn, núi xanh
Giá như phải chết cũng giành cho con!
Nhà thơ Kiên Giang từng nhận xét: Hoàng Thoại Châu không lên án chiến tranh bằng những “lời thơ gây tiếng nổ” mà bằng hơi thở và âm thanh nhẹ nhàng, vì bản tính của thi sĩ không tách rời đặc tính hiền hòa của người Việt Nam.
Thật khó cho Hoàng Thoại Châu nếu anh phải viết những vần thơ lửa cháy bởi điệu hồn anh là thế. Thơ anh là lời tình tự. Những vần thơ đầu đời, lúc còn ở làng Giáp Ba xa xôi, là tình tự với tình nhân. Anh đi về đô hội (Bùi Giáng), thơ anh là lời tình tự với quê hương, nòi giống, với dân tộc, với đồng bào. Phải chăng những câu hát về tình biển, nghĩa sông ấy đã thuyết phục hai nhà thơ Tiền Chiến tài hoa, hai vị giám khảo, Vũ Hoàng Chương và Bàng Bá Lân quyết định trao cho anh giải nhất Giải Văn học - Nghệ thuật 1967-1969 (bộ môn Thơ) của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, dù biết rất rõ trong tập Tình biển nghĩa sông (1) có những bài thơ bất hòa, thậm chí nguy hiểm với chế độ đương thời?
Hoàng Thoại Châu không là kẻ ban huấn từ, không nhân danh tu sĩ, không là nhà đại cách mạng xã hội. Anh là nhà thơ của tình biển, nghĩa sông. Tình ấy, nghĩa này, một khi thấm đượm vào hồn anh, ở mãi cho đến bây giờ, khi chàng trai của làng Giáp Ba ngày xưa không còn trẻ nữa:
Đôi lần hỏi chuyện hôm qua
Ngày mai khẽ đáp còn xa lối về
Chập chờn
Sương khói
Hồn quê
Rưng rưng nỗi nhớ, câu thề biệt tăm
(Biệt tăm - TP. HCM, 1/1/2001)
Hạ chí, Kỷ Hợi - 2019
BÙI QUANG HUY
(nguồn:: Tập thơ Tình biển nghĩa sông của Hoàng Thoại Châu
< Lùi | Tiếp theo > |
---|