THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM - Số 9

Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM - Số 9

Mục lục
Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM
Số 1
Số 2
Số 3
Số 4
Số 5
Số 6
Số 7
Số 8
Số 9
Số 10
Lời Bạt
Tất cả các trang

 

9.

Linh bảo:

-Sau khi ăn chiều, bọn mình đi ngắm cảnh thành phố Aalter bằng khinh khí cầu.

Charlotte nheo mắt cười như muốn nói đến những bất ngờ sẽ diễn ra trong chốc lát nữa thôi. À! Thú vị lắm đây. Trong bữa ăn chiều tại nhà hàng ‘t Oud Gremeetehuis” ngồi ngoài sân, dưới một dàn nho râm mát tôi nôn nóng với chuyến đi này. Con người thật lạ lùng, khi đã dẫm hai chân trên trái đất lại vừa muốn làm cá phiêu lưu tận đáy biển khơi thăm thẳm, vừa muốn mọc cánh bay lên chín tầng trời cao ngất.

Thiên hạ bay lên trời bằng khinh khí cầu từ lúc nào? Ít ra cũng đã hơn 200 năm nay. Đúc kết kinh nghiệm thành công lẫn thất bại thử nghiệm của nhiều người đi trước, tháng 12.1782, hai anh em thợ làm giày Montgolfier, người Pháp, đã thả một khí cầu 20 mét khối lên được tới độ cao 300 mét. Cuộc thí nghiệm thành công này đã khiến mọi người tin tưởng vào khả năng có thể lên cao bằng kinh khí cầu. “Thừa thắng xông lên”, năm 1783, hai anh em nhà này lại chế tạo một khí cầu khác, theo kế hoạch họ sẽ biểu diễn trước sự chứng kiến của vua Louis XVI, nhưng ông vua này không muốn thần dân của mình “tan thây nát thịt”, nếu không thành công. Vì thế, ba sinh vật được chọn bay đầu tiên trên khí cầu là... một chú gà trống, một con vịt và một con cừu. Chuyến đi này đã chứng minh một điều quan trọng khi lên cao gặp không khí loãng, sinh vật sẽ không bị một tổn thương nào cả. Sự phân vân, hoài nghi trước đó đã không còn cơ sở để tồn tại. Dù hào hứng trước thành công “trên cả tuyệt vời”, nhà vua vẫn thận trọng, tuyên bố chỉ cho một tù nhân bay thử, nếu sống sót sẽ được thả tự do. Cơ hội này cũng hấp dẫn đấy chứ? Nhưng một chàng làm khoa học trẻ là Jean Francois de Rozier không đồng tình, cho rằng, được giao sứ mệnh ấy là vinh dự quá mức dành cho một tù nhân nên anh ta tự nguyện thế chỗ. Một lần nữa anh em Montgolfier đã bắt tay chế tạo một khí cầu 1.660 mét khối, cao 23 mét phục vụ cho chuyến bay lịch sử này. Chỉ trong vòng 25 phút trên chặng đường bay 8km, Jean Francois de Rozier và hầu tước Arlandes đã đánh dấu sự kiện chuyến bay khí cầu đầu tiên có con người vào ngày 21.11.1783. Từ lâu đài Muette, họ đã bay trên bầu trời Paris và hạ xuống an toàn tại một vị trí nay là Quận 13 Paris. Tất nhiên trong chuyến bay này, khi bay lơ lửng trên trời để không khí trong quả cầu nhẹ hơn  không khí bên ngoài người ta phải đốt vải vụn, rơm khô. Như thế rất nguy hiểm, vì tàn tro của nó bay lên mù mịt có thể làm cháy cầu như chơi. Do đó, về sau một nhà vật lý người Pháp Jaques Charles đã cải tiến bằng cách bơm vào đó khí huydrô và chuyến bay đầu tiên theo định luật của khí cầu hiện đại diễn ra vào ngày 1.12.1783. Ngày nay người ta chỉ thay thế khí hydrô bằng khí hélium hoặc loại khí khác và vỏ bọc quả cầu mà thôi.

Ăn chiều xong, chúng tôi đến vị trí tập kết. Tại một cánh đồng rộng lớn ngoài ngoại ô thành phố Aalter, xa xa đàn bò đang thong thả gặm cỏ    và những làn khói ấm lan tỏa nhẹ tênh trong nắng chiều, đội bay “Ballonvaarten Madou” đã có mặt. Họ đi trên xe Land Cruiser, phía sau có kéo theo rơ - moóc để chở theo khí cầu, tất nhiên là xẹp lép, không có hơi. Anh chàng phi công Thomas Braas và hai thành viên Ronald, Edwin nhanh chóng kéo quả cầu ra khỏi xe, ít ra nó cũng có chiều dài cỡ 50 mét. Nối liền quả cầu và cái giỏ được đan bằng những sợi mây rắn chắc - khi bay cả “phi công” lẫn du khách sẽ đứng trong đó - là những sợi dây thừng cỡ lớn. Nhìn những sợi dây thừng này được bện chắc chắn nên tôi yên tâm. Trong cái giỏ mây này còn có ba bình gas dùng để đốt nóng không khí trong quả cầu khi đang bay.

Khi quả cầu đã được đặt nằm dài dưới đất, người ta bắt đầu khởi động máy phát điện để vận hành một cái quạt cỡ lớn. Ấy là lúc cái quạt vận dụng hết công suất để lùa gió vào bên trong quả cầu. Cứ thế, cơn gió lốc mạnh mẽ cứ phần phật lao tới phía trước, phải mất gần nửa tiếng đồng hồ, quả cầu mới có thể căng phồng lên. Lập tức Ronald, Edwin bắt đầu xả khí nóng vào bên trong quả cầu, nó từ từ dựng lên và đứng vững chãi trên mặt đất. Không riêng gì chúng tôi mà những người nông dân đang đứng quan sát cũng hò reo khi thấy trước mắt mình là một quả cầu cao ngất đang đứng lắc lư trong gió. Không một phút chậm trễ, chúng tôi bắt đầu leo vào chiếc giỏ mây cao chừng một mét, đủ sức chứa đến bảy người, kể cả “phi công”. Người thực hiện chuyến bay này là Thomas Braas, một anh chàng to béo, có gương mặt hiền lành. Lúc mọi người đã vào bên trong, anh chàng khuỳnh hai tay ra bóp vào bình gas. Một làn hơi nóng phóng lên trên, nhờ vậy, quả cầu bắt đầu rời khỏi mặt đất và lên cao dần, cao dần...

Từ trên cao, nhìn xuống đất tôi thấy chiếc xe Land Cruiser kéo theo rơ-moóc cũng bắt đầu lăn bánh theo. Quả cầu bắt đầu bay lửng lơ trong không gian đầy gió và lên cao dần. Trong khi tôi thả hồn nhìn cảnh vật mờ nhạt dưới đất thì Thịnh vẫn không quên làm nhiệm của một nhà báo. Trong ánh nắng rực rỡ của trời chiều, anh hý hoáy ghi ghi chép chép khi cùng Charlotte và Linh trò chuyện với Thomas Braas. Còn tôi, là người “câm” nên không thể. Tôi chỉ có cảm giác yên tâm khi quan sát phía dưới. Yên tâm bởi quả cầu bay nhẹ nhàng, không chông chênh và hiện ra trong mắt là những dòng kênh, những mái nhà, những cánh đồng hiền hòa ở phía dưới vừa xa lạ lại vừa thân mật biết chừng nào. Sau đây là ghi chép của Thịnh:

“Khinh khí cầu có thể bay dựa vào một nguyên lý rất đơn giản: Cái gì nhẹ hơn không khí đều có thể bay. Ba cái bình gas trên ca - bin (tức giỏ mây nơi chúng tôi đang đứng), thực ra là bình khí propane, có tác dụng sưởi nóng 5.000m3 không khí bên trong quả cầu.

-Làm thế nào để biết cầu đang lên hay đang xuống ? - tôi hỏi.

-Nhìn vào đây - Thomas trỏ vào một cái đồng hồ - Cứ thấy kim chỉ xuống vạch đỏ nghĩa là cầu đang xuống.

Và đó cũng là nguyên lý duy nhất để người phi công có thể điều khiển được quả cầu. Sáu năm trước, Piccard và Jones cũng dựa vào nguyên lý này để thay đổi độ cao quả cầu, chọn hướng gió để điều khiển quả cầu đi theo hướng mình muốn để bay vòng quanh trái đất. Trong các nội dung thi khinh khí cầu, giải thưởng sẽ dành cho những phi công điều khiển khinh khí cầu đến gần mục tiêu nhất. Cụ thể, trong một cuộc thi ban tổ chức thường vạch một chữ X trong vòng tròn có đường kính khoảng 50 feet (độ 15 mét), phi công nào cho khí cầu đáp gần tâm nhất sẽ được điểm cao nhất. Trong lịch sử, đã có balloonist (người điều khiển) đưa khí cầu đạt đến độ cao 102.000 feet (hơn 30 km) và lần lượt chinh phục Đại Tây Dương. Đó là chưa kể thời nội chiến ở Mỹ, quân các bên đã dùng khinh khí cầu để làm... máy bay do thám.

Để giữ độ cao ổn định cho khí cầu, cứ quãng 1 phút, Thomas lại thò tay lên khóa gas, tiếng "xì xì xì" vang lên, rồi tiếng lửa phựt giúp giữ độ nóng ổn định cho khí cầu.

-Một quả khí cầu như vậy có đắt không?

-Cỡ bằng chiếc xe ở dưới - Thomas trỏ  tay  xuống chiếc Land Cruiser.

-Là khoảng bao nhiêu? Cái xe đó ở Việt Nam mắc lắm à!

-Quãng 18 đến 20 ngàn (euro), cộng thêm phụ tùng, đồng hồ, bộ đàm hết khoảng 3 ngàn nữa.

-Mỗi khí cầu xài được bao lâu ?

-Tốt nhất là 4 năm, nhưng mỗi năm thường chỉ sử dụng vào mùa hè. Thời điểm tốt nhất để bay khí cầu vào lúc sáng sau bình minh và xế chiều vì những lúc đó thời tiết đẹp, ít gió. Mỗi năm khí cầu chỉ bay khoảng 50 - 70 giờ.

-Thế chi phí cho mỗi người đi có đắt không ?

-Nếu tính giá du lịch thì đắt. Chỉ nhiên liệu thôi thì tốn khoảng 15 gallon propane mỗi giờ (1 gallon = 4,54 lít). Chi phí “vốn” mỗi người cho một chuyến bay như thế này khoảng hơn 100 Euro.

Nhìn trên bầu trời Aalter, thấp thoáng xa xa một chiếc khí cầu nữa. “Không được rồi” - Thomas nói - "Chúng ta đã bay sang biên giới Bỉ - Hà Lan, mà tấm bằng của tôi chỉ là bằng của Bỉ cấp, qua bên đó cảnh sát bắt sẽ rắc rối to”.

Anh chàng phi công nói và sau đó, tôi nhận thấy kim chỉ độ cao hạ xuống vạch đỏ. Mặt đất gần dần, gần dần. “Tôi phải có bằng quốc tế mới bay được trên đất Hà Lan” - Thomas giảng giải như tìm sự thông cảm. Thomas đố ai tìm được bãi đáp tối ưu nhất, một mặt khuyến cáo tất cả phải ở trong tư thế khuỵu gối, không được ra khỏi ca - bin khi chưa có lệnh. Các cánh đồng cỏ lần lượt hiện ra, đến khi xuống gần khoảng 50 mét mới phát hiện không chỉ có cỏ mà còn cả lúa mạch, có những đàn bò đang gặm cỏ.

“Không đáp xuống bãi cỏ được”  - Thomas lý giải - “Lũ bò sẽ hoảng loạn mất”. Và cứ thế, bằng chiêu bấm “xịt xịt”, Thomas giữ cho khí cầu là là mặt đất, bay đập ngọn cánh đồng củ hành. Thomas kéo một sợi dây mở cửa sổ cho quả cầu. Khí lạnh tràn vào, quả cầu đáp xuống đúng con đường nhỏ, bề ngang chỉ độ 3 mét. Dưới đất, chiếc Land Cruiser cùng Edwin và Ronald trờ tới. Cả hai chạy như bay đến giữ thăng bằng cho ca - bin. Thomas thò tay vứt sợi dây, Edwin cầm kéo ngả theo hướng con đường. Quả cầu từ từ rơi dọc xuống đường. Khi cả đoàn bắt đầu lồm cồm bò ra, một chiếc xe ập đến. “Ông nông dân này sợ mình đáp xuống hỏng bãi hành của ổng” - Charlotte lý giải.

Về Việt Nam tôi mới hiểu cả đoàn bị Thomas lừa. Bởi chẳng có anh chàng phi công nào mà không biết hướng gió sẽ đẩy khí cầu về đâu, đến độ để trôi qua đến tận... Hà Lan! Nếu không biết, sẽ chẳng ai cấp bằng cho anh đâu, Thomas ạ!”.

Khi đã quả cầu hạ xuống và nằm dài trên con đường hẹp như Thịnh đã kể, chúng tôi vội vàng lao tới xếp nó lại. Quả một việc làm không dễ dàng. Phải vất vả lắm mới tống được hết không khí để nó trở về trạng thái xẹp lép như ban đầu. Xong xuôi mọi việc thì trời đã nhập nhòe tối. Trong ánh sáng nhợt nhạt, bỗng tôi nghe tiếng gọi của Edwin. Đại khái, tôi hiểu anh muốn nói chúng tôi ngồi khuỵu chân xếp theo một hàng ngang ngay trên vệ cỏ. Lúc ấy trên tay anh có cầm một ly rượu màu trắng, và cúi xuống ngắt một nắm cỏ xanh. Bước đến chỗ chúng tôi đang ngồi, qua đến từng người một, anh đổ một ít rượu phía trước tóc rồi lấy nắm cỏ xoa vào đó! Cứ như làm dấu thánh! Trong lúc làm như thế anh nói thì thầm một câu gì đó, sau Thịnh mới giải thích tôi biết ấy là câu chúc sức khỏe, trở về an toàn. Xong “nghi lễ” này, anh đem xúc xích, thịt nguội, lạp xưởng và rượu ra mời mọi người cùng ăn. Trong lúc đang đứng, ngồi ăn uống nhồm nhoàm một cách ngon lành, chúng tôi lại nghe anh chàng phi công Thomas gọi tên từng người. À! Anh đang cấp giấy chứng nhận của cho từng người. Giấy chứng nhận màu xanh có chiều dài khoảng 14,2 cm, ngang 10 cm trên có vẽ hình khinh khí cầu Madou, ghi rõ họ tên của người tham dự, ngày bay và địa điểm là “Bellen - Belgium”. Tất nhiên có chỗ cho ta và anh ký tên, cũng đóng khuôn dấu đỏ là hình quả khinh khí cầu đang bay! Trông ngồ ngộ, vui vui. Ngay phần dưới có in hai bài thơ “La prière du Ballon” và “Baptême” bằng tiếng Hà Lan và tiếng Pháp. Sau khi nghe Linh giải nghĩa bằng tiếng Việt, rằng: “Gió nhẹ nhàng nâng ta lên, còn nắng ấm áp đón ta vào lòng. Từ đó, ta bay thật cao, thật xa. Ở trên cao Chúa đã chào đón chúng ta bằng nụ cười và nhẹ nhàng đặt ta xuống đất mẹ”, tôi cao hứng chuyển thể sang thơ để dễ nhớ:

Nhẹ nhàng theo gió

Lên chín tầng mây

Nắng vàng rực rỡ

Mở rộng vòng tay

Từng tia ấm áp

Ôm trọn hình hài

Ta bay, ta bay

Chúa cười hiền hậu

Nhìn đón chúng ta

Và Ngài đã mở lòng ra

Đưa ta xuống đất hiền hòa bình yên

Qua trở về khách sạn Sofitel, leo lên phòng, không kịp thưởng thức hết bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em, tôi đã ngủ vùi một giấc ngon lành. Căn phòng rộng thênh thang. Yên tĩnh. Tiếng chuông nhà thờ từ xa vọng tới... Chào nhé, ngày mai tôi trở về Amsterdam.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com