TỰA
1.
Thế nào là nhà báo chuyên nghiệp?
Này bạn, câu hỏi ấy cực kỳ ngớ ngẫn, không khéo thiên hạ cười vào mũi đấy. Vì rằng, xưa nay đã có nhiều tập sách nghiên cứu, lý luận về nghề báo; kể cả các giáo trình đào tạo nhà báo cũng đã hệ thống bài bản, đúc kết chỉn chu từ lý thuyết đến thực hành. Thế thì câu hỏi trên “lạc quẻ” quá đi thôi. Thì, cứ cho là thế.
Sở dĩ câu hỏi ấy vụt đến là do lúc tôi đọc bản thảo Đi và viết (NXB Thanh Niên-2022) của nhà báo Nguyễn Linh Giang. Và, tôi nhận ra, một nhà báo chuyên nghiệp cần yếu tố gì thì cần nhưng không thể thiếu: đi và viết. Đã từng trải trong nghề này từ thuở tóc xanh đến lúc “lục thập”, tôi sợ nhất vẫn là lúc nhận ra: “Thời tôi sống nhà thơ thì viết báo/ Để kiếm cơm hơn một chút danh hờ/ Còn nhà báo thì lại giàu mơ mộng/ Viết phóng sự bằng tưởng tượng của thơ”.
Thử hỏi còn gì oái ăm hơn?
2.
Nguyễn Linh Giang, may quá, anh không nằm trong trường hợp này. Nhắc đến anh, lập tức bạn đọc và đồng nghiệp nhớ đến phóng sự điều tra “Sự thật về những ngôi mộ giả ở nghĩa trang liệt sĩ tại Quảng Trị” (đăng báo Lao Động ngày 25.6.1992). Ngòi bút quyết liệt của anh đã gây nên rúng động dư luận một thời. Kể lại chi tiết này, để thấy rằng, ngay từ lúc vào nghề, anh đã chọn cho mình một con đường gai góc, nhiều thử thách, va chạm chứ không phải là những trang viết mà, sau khi đọc xong, bạn đọc chỉ thấy ở đó thoang thoảng mùi nước hoa và con chữ reo vui nhảy múa rực rỡ sắc hoa hồng.
Nếu không đi, làm sao có chất liệu để viết? Nếu viết lại không đứng về phía người cần lao đang cần có tiếng nói chân chính, cương trực, bênh vực cho họ thì làm sao bạn đọc có thể nhớ đến những gì mình đã viết? Sau tập phóng sự Theo dấu chân những người đi tìm vàng (NXB Thanh Niên -2015), Đi và viết là tác phẩm nối tiếp của anh. Sở dĩ tôi dùng từ “nối tiếp” vì ở đây anh vẫn thực hiện với tâm thể đã xác định ngay từ lúc mới vào nghề.
Căn cứ vào đề tài, Nguyễn Linh Giang chia ra làm 3 phần: Những người đi ngược gió, Trầm tích những miền đất, Những cuộc trò chuyện xuyên thế kỷ. Qua đó, ta thấy anh có khả năng chạm đến nhiều đề tài và lãnh vực khác nhau nhằm phục vụ cho nhu cầu chính đáng của bạn đọc. Khi nói, đã nhà báo thì phải đi, điều này đúng nhưng vẫn chưa đủ. Nếu chỉ đi lại từ sự vật/ sự việc mà đồng nghiệp khác đã đi thì liệu có còn hấp dẫn? Vậy, phải đi đến những gì còn mới lạ, công chúng chưa biết đến, nói cách khác bài báo đó còn có tính chất “phát hiện đề tài” nữa.
Tập sách này đủ yếu tố đó, có thể đến những nhân vật thú vị như Người đầu bếp cho ba đời Tổng thống Sài Gon, “Vua dế” ở Củ Chi, “Vua đảo” ở đất phương Nam, Người đàn bà “rót” cát thành… tranh, Những điều chưa biết về người đàn ông có 10 vợ… Có thể kể đến phát hiện mới mẻ từ những vùng đất như Làng bắt cọp, “Ghè khóc” - nét văn hóa độc đáo của người Tây nguyên, Cù lao “bốn không”, Nghệ nhân “làng âm phủ”… Bên cạnh đó còn là những cuộc phỏng vấn văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Duy, Phạm Thiên Thư… và hẳn nhiều người thích thú với cuộc trò chuyện của anh với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã diễn ra trong khoảng khắc cuối cùng của thiên niên kỷ - ngày 31.12.1999; hoặc 10 năm trước đó (1989), có thể ghi nhận anh là một trong ít ỏi nhà báo đầu tiên phỏng vấn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp…
Nhìn chung ở các bài viết này, với khả năng hỏi chuyện của nhà báo chuyên nghiệp, anh đã đưa ra nhiều thông tin hấp dẫn bạn đọc. Có thể lướt qua vài chuyện lạ lùng mà lần đầu tôi biết đến như giữa ngàn Trường Sơn có lá A-năng. Tên gọi lạ quá, phải không? Tất nhiên. Nhưng lạ hơn cả vẫn là “Có thể đeo lá A-năng ở cổ hoặc giấu trong người đều có tác dụng ngừa thai”. Hoặc với câu hỏi dành cho một vị đầu bếp ba đời Tổng thống Sài Gòn, đại khái, đã từng nấu ăn, tiếp xúc với quan chức của hai chế độ (trước và sau 1975), vậy, ông có thể nhìn ra phong cách gì khác biệt? Câu trả lời: “Trước đây, tôi đi làm đầu bếp, nấu ăn cho các quan chức chế độ Sài Gòn cũ, họ thích thì họ cho tiền. Còn các vị lãnh đạo cách mạng như ông Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ thường mời tôi cùng ăn với họ. Điều này, trước đây không hề có”. Một chi tiết hay, gợi cho bạn đọc nhiều suy nghĩ.
Không những thế, còn có nhiều chi tiết gợi ý thú vị khác nữa nằm trong tập sách này.
3.
Thông thường khi đọc một quyển sách, khép lại trang cuối cùng, về tâm lý chung, ta thường gật gù: “À, ước gì, nếu được thế thì tốt quá”.
Vậy, với Đi và viết của Nguyễn Linh Giang, tôi ước gì? À, tôi ước rằng, nếu anh có thêm đôi dòng cập nhật về thông tin đã trình bày thì tập sách càng thú vị. Thí dụ, với A-năng đã nằm trong công trình nghiên cứu “Cây A-năng ứng dụng trong kế hoạch gia đình” do BS Dương Quát chủ nhiệm, nay đã thề nào? Hoặc “Người đàn bà tật nguyền, bán vé số và… viết văn”, nay cuộc đời và tác phẩm thế nào? Còn nhiều câu hỏi tương tự như vậy. Sở dĩ như vậy, vì dù những bài viết này phải kịp thời phục vụ thời sự nhưng do anh biết “phát hiện đề tài” hấp dẫn nên bây giờ tôi và chúng ta còn đòi hỏi thêm là thế.
Cuối cùng, nếu có lời chúc gì cho nhà báo Nguyễn Linh Giang, tôi vẫn chỉ có vỏn vẹn 3 từ: “Đi và viết”. Hãy tiếp tục. Không dừng lại. Phải thế thôi. Ý nghĩa đầu tiên và cuối cùng của một nhà báo chuyên nghiệp bao giờ cũng vẫn là tâm nguyện này.
L.M.Q
(8.3.2022)
(nguồn: Tập sách Đi và viết của Nguyễn Linh Giang)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|