CÂU CHUYỆN VẪN CÒN TIẾP TỤC…
LÊ MINH QUỐC
1.
Chân đi ắt hẳn không cần đất
Lạc giữa trần gian bước hững hờ
Câu thơ của Hồ Dzếnh đã nói lên tâm thế của văn nghệ sĩ nói chung đấy ư? Vâng, những con người sáng tạo ấy, sống giữa đời như thực như mơ, có phải… họ vô tích sự lắm không? Không đâu. Đó chỉ là một cách nói. Bởi vì rằng, mọi chất liệu để làm nên sự sáng tạo không thể tách khỏi đời sống, cây bén rễ từ đất, từ cõi nhân sinh bụi bặm, hỉ nộ ái ố tam bành lục tặc chính là chất men, là nguồn cảm hứng của người nghệ sĩ.
Và, hơn ai hết, với một trạng thái, một cái nhìn “lệch chuẩn” không theo suy nghĩ thông thường của đám đông, chính họ đã đem lại cho cuộc đời này những giá trị mới, cái mới mẻ thăng hoa từ trong mọi sự vật, sự việc đã cũ, đã bình thường, đã quen thuộc...
2.
Nhìn về khẩu trang của họa sĩ Lê Sa Long là một thí dụ.
Khẩu trang đã và đang là một vấn đề mang dấu ấn thời sự toàn cầu. Nó đã trở nên quen thuộc, gần như vật dụng bất ly thân của mỗi con người khi chung chạ, đi vào cõi người ta. Không thể thiếu. Phải có. Ban đầu, có thể dị ứng nhưng rồi vì mình và vì mọi người, chiếc khẩu trang đã trở bên gần gũi và thiết thực.
Vậy, có gì đáng nói không?
Với người nghệ sĩ, thâm tâm họ như một sự thôi thúc từ bản ngã sáng tạo vốn có, họ nghĩ rằng phải có.
Nhìn về khẩu trang của họa sĩ Lê Sa Long là một thí dụ.
Những bức chân dung của anh vẽ người nổi tiếng đeo khẩu trang, theo tôi là một sáng tạo tài tình. Vẽ gương mặt người đó, với tài năng gần như bẩm sinh, anh đã vẽ rất giống, giống một cách lạ lùng nhưng nếu chỉ dừng lại đó, vẫn chưa đủ. Nếu chỉ vẽ giống như thật, nghĩ cho cùng chỉ là một sự sao chép từ hình thức này sang hình thức khác.
Vậy, cần quái gì đến nghệ thuật, đến sự sáng tạo của từng cá nhân?
3.
“Sống là thể phách, thác là tinh anh” (Truyện Kiều).
Làm nên sự khác biệt của hàng tỉ con người trên trái đất này, phải chăng chính là “tinh anh” của từng cá thể? Đúng là thế. Thấu rõ điều này, họa sĩ Lê Sa Long mong muốn thông qua chiếc khẩu trang của những người nổi tiếng, anh còn nhấn mạnh đến dấu ấn riêng biệt của từng người, nhờ thế, dù gương mặt có thể bị che khuất đi nhưng công chúng vẫn nhận ra họ. Họ vẫn là họ, chứ không nhầm lẫn với ai khác.
Thế thì, họa sĩ Lê Sa Long vẽ chiếc khẩu trang đang thời sự, nhưng không chỉ có thế, đây cũng là dịp anh nhấn mạnh đến dấu ấn lâu bền làm nên sự “tinh anh” của từng người nổi tiếng. Tức lúc xem tranh từ hình thức bề ngoài nhưng cũng là lúc ta suy ngẫm, tìm về, nhớ lại chiều sâu những gì họ đã đóng góp cho cộng đồng. Nói cách khác, mỗi bức tranh còn là câu chuyện ẩn phía sau của người nổi tiếng. Sự lựa chọn này, theo tôi vi diệu và tinh tế, khôn ngoan và khéo léo để họa sĩ Lê Sa Long neo giữ lại tác phẩm của mình - một khi thời sự đã đi qua, đã lùi xa trong nhịp sóng thời gian…
4.
Vâng, chiếc khẩu trang trở nên phổ biến trong đại dịch Covid-19 đã là một sự kiện toàn cầu của thế kỷ XXI. Sau này, chắc chắn thế hệ sau còn nhắc lại và qua đó, cũng có thể nhắc đến những sáng tạo nghệ thuật đã lấy chất liệu từ đó. Thế nhưng với sự lựa chọn về những người nổi tiếng trong tập sách của họa sĩ Lê Sa Long, trong số này về sau này, liệu chừng ai còn được nhớ đến, ai trở thành xa lạ? Thật khó có thể có câu trả lời, nhất là trong thời điểm này. Phải cần có thời gian.
Vậy nay, khi xem tranh của họa sĩ Lê Sa Long, ta nghĩ gì?
Nghĩ rằng, các nhân vật nổi tiếng xuất hiện trong tập sách này khi xem tranh cũng là lúc họ ý thức hơn nữa về vai trò của mình không chỉ lúc này mà còn cả về phía tương lai nữa. Vì thế, khép lại tập sách Chiếc khẩu trang và người nổi tiếng, câu chuyện vẫn còn tiếp tục…
L.M.Q
(9.9.2020)
(nguồn: KHẨU TRANG & NGƯỜI NỔI TIẾNG của HỌA SĨ LÊ SA LONG-NXB TH TP.HCM - 2020)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|